ĐẶNG XUÂN XUYẾN


Đọc Bài Thơ           
HƯƠNG DƯƠNG CẦM
Của Nguyễn Thanh Lâm
HƯƠNG DƯƠNG CẦM
 
Mưa vừa đủ cho hàng cây nhỏ giọt
Như giọt cafe trắng trong
Gió vừa đủ cho mưa rơi nghiêng
Hòa tiếng dương cầm ru trong đêm
 
Hà Nội đêm
Tiếng dương cầm lan xa hương
Thơm thơm mùi nhớ
Vương vương dặm tình
Nghìn mắt lá, nghìn ánh đèn đọng mưa chơm chớp
Tiếng dương cầm loang loáng ướt
Ngập ngừng rơi
 
Bên kia sông Hồng mưa có rơi
Tiếng dương cầm có cùng hạt mưa thấm vào lòng đất
Phia bên này năm cưa ô thao thức
Hay đang mơ giấc nhạc dương cầm
 
Hà Nội đêm tỏa hương dương cầm
Hương vừa đủ cho đời tự cho là đủ
Hương lan xa đến đâu tự mình thấu tỏ
Trong thế giới bao la riêng một hương mình.

NGUYỄN THANH LÂM

 
Lời bình:

Mở đầu bài thơ là giọng thơ thiền, ngộ đạo thường thấy của nhà thơ: Lặng lẽ quan sát, lặng lẽ chiêm nghiệm để lặng lẽ rút ra những kinh nghiệm sống trong cõi tạm của đời người:
Mưa vừa đủ cho hàng cây nhỏ giọt
Như giọt cafe trắng trong
Gió vừa đủ cho mưa rơi nghiêng
Hòa tiếng dương cầm ru trong đêm
Ở đây, ở khổ thơ này, tất cả sự vật, hiện tượng như cây cối, mưa, gió... đều vừa vặn, vừa đủ để tạo nên một không gian đẹp, một khung cảnh thơ mộng, ấn tượng, rất Hà Nội, mà cũng đậm chất triết lý Á Đông. Tuy là thế, người đọc vẫn sẽ thắc mắc sự phi lý khi đọc đến câu: “Như giọt cafe trắng trong” bởi thường thì người ta nói giọt cafe đen, giọt cafe nâu... chứ chưa nghe ai nói“giọt cafe trắng trong” như nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm đã viết. Phi lý như thế nhưng lại rất có lý, bởi giọt cafe mà ông lặng lẽ quan sát là giọt cafe của trời, của thiên nhiên, chứ không phải giọt cafe đen hay nâu của trần tục. Chính giọt mưa đang tí tách nhỏ giọt trên cây kia khiến ông liên tưởng tới giọt cafe, và với sự liên tưởng “ảo của thơ” ấy đã khiến giọt mưa trong thơ Nguyễn Thanh Lâm thơ hơn, đẹp hơn trong mắt người cảm thụ. Phải quan sát thật kỹ, thật tỉnh thì ông mới đưa được ra “nhận xét” độc đáo, chính xác, tinh tế như thế, và mới có được những câu: “Mưa vừa đủ cho hàng cây nhỏ giọt”/ “Gió vừa đủ cho mưa rơi nghiêng”, đấy không chỉ là những câu thơ mà còn là những chiêm nghiệm, những triết lý của cuộc sống, những ngộ thức về đạo của đời người. Vâng! Tôi rất tán đồng với những điều ông viết nhưng thưa nhà thơ, biết cân đong đo đếm thế nào cho vừa vặn, cho đủ đây? Thật khó, nào có dễ, thưa nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm!
Khổ 2, là khổ thơ tôi thích nhất bởi tình yêu của tác giả dành cho Hà Nội được nhà thơ nâng niu, chắt lọc trong từng câu chữ, hình ảnh:
Hà Nội đêm
Tiếng dương cầm lan xa hương
Thơm thơm mùi nhớ
Vương vương dặm tình
Nghìn mắt lá, nghìn ánh đèn đọng mưa chơm chớp
Tiếng dương cầm loang loáng ướt
Ngập ngừng rơi
Cái hay ở đây là sự cảm của nhà thơ về mưa đêm Hà Nội. Nhà thơ không chỉ nghe mà còn “ngửi” được, “nhìn” được hương mưa đêm dìu dịu của Hà Nội qua bảng lảng, dìu dặt của tiếng dương cầm. Nhà thơ dùng: “Tiếng dương cầm lan xa hương”, rất sáng tạo để dụ người đọc nhẹ nhàng bước vào cõi nhớ thương rất riêng của ông, với những “Thơm thơm mùi nhớ/ Vương vương dặm tình”, chỉ có thể tìm thấy trong thơ Nguyễn Thanh Lâm.
Hà Nội đã thẩm thấu vào con người ông, thành máu thịt của ông đến độ khi tiếng dương cầm dìu dặt ngân lên đã khiến ông rạo rực về Hà Nội, khiến những nét vẽ của ông về Hà Nội trong mưa đêm cựa quậy, trở nên huyền ảo, lung linh, đẹp đến liêu trai:
Nghìn mắt lá, nghìn ánh đèn đọng mưa chơm chớp
Tiếng dương cầm loang loáng ướt
Ngập ngừng rơi
Tiếng dương cầm trong thơ của Nguyễn Thanh Lâm không còn là tiếng âm thanh của nhạc cụ, mà thành hương của lòng, thành hồn của nhà thơ đã ôm lấy, quyện lấy Hà Nội, để vẽ nên một Hà Nội gợi cảm, mềm mại. Câu thơ: “Nghìn mắt lá, nghìn ánh đèn đọng mưa chơm chớp” đã hay, đã đẹp nhưng có thể sẽ có ai đó nghĩ được, viết được giống thế nhưng để cảm được “Tiếng dương cầm loang loáng ướt/ Ngập ngừng rơi” sống động đến mê hoặc như Nguyễn Thanh Lâm thì thật khó, thật hiếm. Riêng khổ thơ thứ 2 này đã là một bài thơ hay, hoàn chỉnh vềHương Dương Cầm trong mưa đêm Hà nội. Bài thơ hay và đứng được trong tâm trí người đọc chính ở khổ thơ này!
Hai khổ cuối của bài thơ là nỗi lòng trăn trở, thắc thỏm của nhà thơ với tình yêu của ông dành cho Hà Nội, cho “người Hà Nội” của ông:

Bên kia sông Hồng mưa có rơi
Tiếng dương cầm có cùng hạt mưa thấm vào lòng đất
Phia bên này năm cửa ô thao thức
Hay đang mơ giấc nhạc dương cầm
 
Hà Nội đêm tỏa hương dương cầm
Hương vừa đủ cho đời tự cho là đủ
Hương lan xa đến đâu tự mình thấu tỏ
Trong thế giới bao la riêng một hương mình.

Nhịp thơ chậm lại, giọng thơ trầm, lắng, dung dị và mộc mạc của ngôn ngữ đời thường, như thủ thỉ tâm sự, nói chuyện để trải lòng. Nếu ở khổ thứ 2 là những hình ảnh liêu trai, đẹp đến ma mị, được diễn đạt bằng cách nhìn nhận của tư duy phóng khoáng, hiện đại thì ở 2 khổ thơ này, cách nhìn nhận và diễn đạt hình ảnh, lại bằng suy nghĩ, triết lý rất phương Đông. Chất thiền đặc trưng của thơ ông ở khổ thơ 3 và 4 lại khiến người đọc tò mò, thích thú vì thấy cảm được thơ ông, hiểu được thơ ông nhưng lại khó diễn đạt cho ra ý thành lời, đọc thơ mà như có cảm giác đang chơi trò thách đố diễn đạt câu chữ với nhà thơ. Phải chăng vì điều đó mà thơ Nguyễn Thanh Lâm kén bạn đọc!
Kết thúc bài thơ là quan điểm của nhà thơ về cuộc sống: “Hương vừa đủ cho đời tự cho là đủHương lan xa đến đâu tự mình thấu tỏ”, đượm triết lý phương Đông, triết lý của Lão Tử.
Tôi mãi phân vân về câu kết của bài thơ vì 20 năm chơi với ông, tôi hiểu ông là người tự trọng, khiêm nhường, sống trọng tình trọng nghĩa nhưng câu “Trong thế giới bao la riêng một hương mình” thì rất dễ bị hiểu lầm là cao ngạo, coi mình là riêng một vũ trụ nên tôi đã lướt qua, cố tình không đả động đến. Thế nhưng, trước khi đưa bài lên trang, tôi lại phân vân, rồi tự trách: Nguyễn Thanh Lâm đâu có cao ngạo? Ông ung dung điềm đạm nhìn đời đấy chứ! Hương Dương Cầm đã là hương “riêng của Hà Nội” chứ đâu còn là của riêng của Nguyễn Thanh Lâm mà bảo ông là người kiêu căng! Lần nữa, tôi lại tán đồng với quan điểm thấm đẫm triết lý phương Đông của ông về cuộc sống: “Hương vừa đủ cho đời tự cho là đủ/ Hương lan xa đến đâu tự mình thấu tỏ”.
Tôi không có ý định bình thơ vì không có khiếu bình thơ nhưng vì đọcHương Dương Cầm thấy hay quá, buộc lòng cầm bút để ghi lại vài dòng.
*
Hà Nội, chiều 08.07.2017
 

  Trở lại chuyên mục của : Đặng Xuân Xuyến