ĐẶNG XUÂN XUYẾN


Thơ TRẦN ĐỨC TÍN:
Vài Trao Đổi Với  VŨ THỊ HƯƠNG MAI

Trần Đức Tín là nhà thơ trẻ, sinh ngày 17 tháng 8 năm 1989, gốc người Cà Mau, vào hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh năm 2021. Thơ của anh xuất hiện khá nhiều trên các diễn đàn, các trang báo trực thuộc các hội văn nghệ do nhà nước quản lý. Anh viết theo kiểu thơ hình thức diễn giải (hậu hiện đại), lối thơ mà các nhà thơ trung thành với lối thơ truyền thống như Trần Mạnh Hảo, Đỗ Hoàng, Nguyễn Khôi, Triệu Lam Châu... gọi là "thứ giặc thơ", thứ “thơ vô lối", “thơ tân con cóc”, thơ phá tiếng Việt. Anh tham gia khá tích cực vào các cuộc thi thơ do các hội văn nghệ trong nước tổ chức, đã giành được vài giải và cũng gặp phải đôi ba ì xèo, kiện tụng quanh chuyện thơ dự thi của Trần Đức Tín có "những nét hao hao giống với con cái nhà người ta.".
Bài viết này là trao đổi của tôi với tác giả Vũ Thị Hương Mai về thơ của nhà thơ trẻ Trần Đức Tín (bút danh Khét) khi chị comment rất thẳng thắn dưới bài viết ""Lạc" của Trần Đức Tín" trên trang facebook của tôi.

Comment đầu tiên tác giả Vũ Thị Hương Mai viết: "Câu “Bụt / tuốt sợi rơm vàng, ngồi khóc để con diều ăn gió / ăn hết những yêu thương” đọc nghe rất ngô nghê, cũ không ra cũ, mới không ra mới, giả tạo cảm xúc và màu mè làm dáng. Đừng nói đây là câu thơ chứa nhiều ẩn dụ phải thật suy tư mới tìm ra nghĩa bóng núp trong thơ như cách nói ngụy biện, bao che cho những cách làm mới thơ để phá tiếng Việt của các giọng thơ cùng đẳng cấp với "Mẹ tôi chửi kẻ trộm". Đây không phải là câu thơ “khó hiểu” mà là câu nói lung tung, rất tối nghĩa."
Đúng là thơ của Trần Đức Tín có khá nhiều câu lan man dài dòng diễn giải như văn nói, hoặc tối nghĩa hoặc khó hiểu và khó cảm, khiến người đọc như ú ớ đi trong mê lộ chữ nghĩa nhảy nhót điệu đà nhưng lại không có ý hoặc ý gượng ép chắp vá nên nhiều bài vừa đọc xong đã quên ngay:
- “chúng ta ăn trên những xác người nhé / không / chúng ta không phải kền kền / vậy chúng ta là gì / như mọi sinh vật khác / mở mắt và đi / làm thứ gì đó / đại loại, mâu thuẫn / và nhốt tối trong những bức tường” (Giấc mơ ký sinh)
- “loài người sinh ra / để lẩn trốn / nghệ thuật sinh ra / để đào thoát” (Khi ta viết chữ)
- “bạn hãy nhìn đi / nghệ thuật sẽ bị hủy diệt bởi chính trị / và giáo lý nào đó đã khiến chúng ta đấu tranh.” (Trên môi em tối cổ)
- “bài thơ đã mặc chiếc áo quá rộng / khi nó không có thuốc súng / không có điểm nhọn / như cậu học sinh biết yêu lần đầu / và bị mẹ cấm / cậu không cần lời ngợi ca, giấy khen và điểm” (Bài thơ cần lỗ thủng)
- “những lần chơi 5 - 10, thằng cu quẹo đã chui vào đống rơm / và dĩ nhiên, lần nào nó cũng thắng / phần thưởng là trận đòn của mẹ nó / vì mấy lần hụt hơi trước sàn lãng tưởng nó té xuống sông / hồi nhỏ” (Bạn hãy kết liễu nó)
- “cố quận mặc áo gì / sinh ra tôi ở câu hò nửa đen nửa trắng / mạ không còn non để mọc chân làng / chín nhánh đêm đêm vỗ lên mái tóc / đứa con rơi của đồng bằng / ở đậu nhịp song lang” (Đừng mang tôi về cố quận)
- “tôi đã nói với em / quy tắc chúng mình chỉ một / đẻ cho anh đứa con / chính nó cũng phá bỏ mẹ cái quy tắc.” (Quy tắc của hoa ngón)
- "không / chúng ta không thở chỉ để chết / mắt môi, con tim, lý tưởng này không sinh ra để bắn nhau" (Không bao giờ là súng)
(....)
Tôi cũng không thích thơ kiểu hình thức diễn giải nhưng vì quý nhau mà gắng đọc, gắng đánh vật với câu chữ rắc rối cố tạo bí hiểm của dòng thơ "hậu hiện đại" nhưng tác giả Vũ Thị Hương Mai cho rằng: "Câu “Bụt / tuốt sợi rơm vàng, ngồi khóc để con diều ăn gió / ăn hết những yêu thương” đọc nghe rất ngô nghê, cũ không ra cũ, mới không ra mới, giả tạo cảm xúc và màu mè làm dáng. .... là câu nói lung tung, rất tối nghĩa." thì chưa công bằng với nhà thơ Trần Đức Tín bởi "Ông Bụt" nhắc đến trong bài thơ LẠC Không phải là ông Bụt trong truyện cổ tích mà Tín (Khét) chỉ mượn hình ảnh "ông Bụt" để nói chuyện đời, chuyện niềm tin bị dẫn dắt, lừa dối trong xã hội hiện đại như tôi đã viết trong bài ""Lạc" của Trần Đức Tín":

""Bụt" trong truyện cổ tích là một ông Tiên có phép nhiệm màu luôn chớ che, bảo vệ, luôn đem đến những yêu thương, hạnh phúc cho con người còn "Bụt" trong "Lạc" của Khét lại là một ông Bụt “trơ vơ”, bất lực “tuốt sợi rơm vàng, ngồi khóc để con diều ăn gió”, "ăn hết những yêu thương."... Phép nhiệm màu của Bụt, của ông Tiên trong niềm tin ngàn đời của người dân Việt đã bất lực trước sự hoành hành đang chiếm thế thương phong của cái ác.
Đọc những câu thơ này của Khét, tôi nhớ hình như đã nghe ở đâu đó, đọc ở đâu đó lời ngợi ca về một "ông Tiên", một ông "Bụt" hiện hữu giữa đời thường còn nhân đức hơn nhiều ông tiên, ông "Bụt" trong truyện cổ tích… nhưng mà suốt từ sáng đến giờ tôi vẫn không thể nhớ ra."
Hay như comment khác của tác giả Vũ Thị Hương Mai: "Lại còn cái câu "thèm lời à ơi, câu chuyện bà kể dù cổ tích không thiêng" rất phản cảm. Xưa tới nay, những câu chuyện cổ tích có giá trị rất lớn trong việc vun đắp ước mơ, giáo dưỡng nhân cách tốt đẹp cho trẻ em vậy mà "nhà thơ cách tân" Trần Đức Tín, nghe đâu còn từng làm thầy giáo, viết câu thơ nhổ toẹt vào văn hoá của nhân loại, vậy mà anh cũng tán được. (...) Em không hiểu loại thơ vớ vẩn này mà cũng được báo chí lăng xê." thì có lẽ cũng vì không thích dòng thơ "hậu hiện đại" mà chị trách cứ Khét chăng?! Chuyện "cổ tích" trong "Lạc" là Khét "mượn" để nói về niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai tươi đẹp của con người ở xã hội hiện tại là thứ "bánh vẽ" bị đánh tráo, cướp đoạt... nên tôi viết: "Khét viết tiếp ước mơ của "những đứa trẻ" tự bỏ nhà "đi hoang": "thèm lời à ơi, câu chuyện bà kể" bằng tiếp tục ý thức tự đánh lừa niềm tin vì đã biết "dù cổ tích không thiêng", vẫn cố bấu víu vào hy vọng huyễn hoặc sẽ có được chút phép nhiệm màu của những câu chuyện "cổ tích" để có được cuộc sống bình thường với “mẹ”, với Quê hương...."

Vâng! Đúng như tác giả Vũ Thị Hương Mai nhận xét là phần lớn ngôn từ thơ của nhà thơ Trần Đức Tín giống như những con chữ rời rạc, không có cảm xúc, đọc lên cứ trơn tuột khỏi đầu vì những con chữ đó không phải chữ của thơ, chỉ hao hao những câu văn nói lủng củng chắp vá vô hồn.
Có lẽ không làm chủ được cảm xúc hay không có cảm xúc hoặc cảm xúc chưa tới nên thơ của Trần Đức Tín nhạt và hời hợt, thậm chí cả những câu nói lảm nhảm cũng được anh dễ dãi đưa vào “thơ”. Tín chất vấn H. những câu thừa thãi: -"H ạ / ta sẽ đóng tất cả cửa / và đừng mở mắt / ta là gì nếu một ngày quên sống?” (Gửi H). Rồi Tín tự bạch, Tín sợ con người 2 mặt xấu xí đến ghê sợ của chính mình: - “rằm / tôi lễ chùa bằng chiếc lá đa mang che mắt phật / cuối tuần / tôi quét lời xưng tội ra đường cho xe cán / và đêm nào / tôi cũng sợ tôi” (Nước mắt mang hình nhau thai). Đôi lúc lại là tâm trạng bất lực mà buông xuôi với những câu than thở luẩn quẩn loanh quanh: -“Đêm và em: là hai tên phản bội / tôi có khóc đứng ngồi cũng thương nhớ cả hai.” (Đêm và em) hoặc đứng lẩm bẩm một mình những câu nói lộn xộn vô nghĩa: "không / chúng ta không thở chỉ để chết / mắt môi, con tim, lý tưởng này không sinh ra để bắn nhau" (Không bao giờ là súng). Cũng có khi Tín ấm ức ngửa cổ mà vu vơ chửi đổng: “tôi nói với em / quy tắc là thứ mẹ gì mà kìm nén chúng ta” (Quy tắc của hoa ngón), rồi như hớn hở với “chân lý” phải tốn bao công sức mò mẫm anh mới phát hiện ra mà tuyên bố chắc nịch: “tôi đã nói với em / quy tắc chúng mình chỉ một / đẻ cho anh đứa con / chính nó cũng phá bỏ mẹ cái quy tắc.” (Quy tắc của hoa ngón). Tín đưa triết lý vào "thơ" nhưng đó là thứ "triết lý" phi lý với thực tế, còn bao hàm cả yếu tố tiêu cực trong ý thức bảo vệ Tổ Quốc nếu Đất Nước không may gặp nạn giặc ngoại xâm: -"khi tôi cầm viết / không phải là súng / không bao giờ là súng… / nếu phải bắn / bài thơ sẽ tự bắn mình đầu tiên / và nhất quyết không bôi thêm vệt máu nào vào lịch sử" (Không bao giờ là súng). Và hồn nhiên với tinh thần của nhà hiệp sĩ xứ Mantra mà "ngạo nghễ" khẳng định Khét (tức Trần Đức Tin) sẽ trường tồn cùng dòng chảy của lịch sử: -"nếu có thể / hãy chôn tôi với núi non” (Này em).... Nhưng không biết vì tâm lý "mặc cảm thân phận" hay vì những nỗi đau thầm kín nào đó đã giày vò suốt năm tháng tuổi thơ mà thơ của Khét luôn phản chiếu những hình ảnh tiêu cực của tâm thế tự ti, bạc nhược của kẻ thất bại trong cuộc đời:
- “chín nhánh da vàng / chúng con: bọn bỏ quê / mót trăng trên đại lộ / đội lên đầu / rồi đấm ngực mình” (Trăng quê)
- “10 năm biệt quê / lủi thủi cúi đầu” (Khói)
- “như đêm nay / chúng ta đi vào rừng / và ngồi khóc" (Phục sinh)
- "cho tôi vay giấc mơ của em đi / tôi nghèo nàn cõng trên lưng ngàn năm hạt lép / không dám quay về gặp mẹ / không dám chạm mặt quê hương / tôi đi như đứa mồ côi / dưới gầm trời chỉ còn tiếng cúm núm...” (Cho tôi vay giấc mơ)
(....)
Những ý thơ tủn mủn, gượng ép, những hình ảnh u ám, xám xịt, những cảm giác lạc lõng, tủi hờn... trong những câu thơ không được viết bằng sự sáng tạo mà chỉ là viết khác đi nên những câu thơ na ná vay mượn xuất hiện trong thơ của Trần Đức Tín khá nhiều:
- "lạy hiên trước / lạy vườn sau / đừng phau phau trắng làm đau ruộng đồng" (Sinh nhật Mẹ)
- "tôi thương tôi: cả đời rời tổ / đêm giật mình ướt mấy sợi rơm khô." (Thưa mẹ, con về)
- "tôi dựng căn nhà hoang trên triền núi / có cành khảo quang trổ về hướng cửu long” (Tiếng đàn khảo quang)
- "bỗng nghe lá rụng giật mình / Phật cũng như lá lặng thinh mà buồn" (Vào chùa)
- "tôi / đưa tay / khụy gối / lạy hiên nhà / tôi đi" (Tôi đi)
- "tôi về ngồi cùng một con ma núi/ mới hay cổ tích / chết yểu / trên tay người" (Ngồi cùng ma núi)
- “Cho tôi vay giấc mơ của em đi / tôi nghèo nàn / giấc mơ cũng khô cạn.” (Cho tôi vay giấc mơ)
- “khi chết / đừng mang tôi về cố quận / hồi kinh chiều là lưỡi dao lam...” (Đừng mang tôi về cố quận)
- “mọp quỳ trời đất mênh mông / lạy mẹ / con đã / lưu vong quê mình” (Lạy mẹ: con cũng đã lưu vong quê mình)
 (....)
Vì muốn gây ấn tượng thơ của mình “mới, lạ”, Khét (Trần Đức Tín) đã viết những câu thơ phản cảm, miệt thị dân tộc mình bằng những câu thơ dị biệt mà nhà thơ, nhà báo Ngô Đức Hành đã không tiếc bỏ công chăm chút liệt kê để phong thánh cho thơ của Trần Đức Tín bằng những chữ diêm dúa rằng “tư tưởng thơ” đã “vượt lên mọi không gian cụ thể, dành cho chúng sinh, chủng tộc da vàng, đang quần cư và mơ ước” trong bài viết “Khét, có khi ta tự sinh ra mình”. Và ngay sau đó nhà thơ Ngô Đức Hành đã không ngại ngùng mà ngợi ca “Khét là nhà thơ của chất vấn, tự phản biện”. Tôi không biết nhà thơ Trần Đức Tín “chất vấn, tự phản biện” những gì nhưng cách anh lôi người Việt ra để miệt thị, xúc phạm như những câu được nhà thơ, nhà báo Ngô Đức Hành trích dẫn dưới đây thì thật không ổn:
- “điều giỏi nhất của giống loài mình
là làm đau người khác
phải không tôi...”
(Giống loài)
- “tôi thấy người Việt
gọt chân cho vừa giày
gọt màu da cho lờ lợ tổ tiên
(Lờ lợ tổ tiên)
- “đêm nay
ăn hết những giấc mơ có đốm
còn sót lại đôi mắt người Việt
nhìn chằm chằm vào tôi
(Giấc mơ có đốm)
Đó có thể là lối sống giả dối, tệ bạc, “biến thái trong tâm hồn, trong văn hóa” của Khét (Khét, có khi ta tự sinh ra mình - Ngô Đức Hành), của một số cá thể trong cộng đồng người Việt nhưng nhà thơ Trần Đức Tín không nên viết những câu miệt thị, xúc phạm người Việt Nam như thế vì những biến thái đấy không phải là đại diện cho tâm hồn, văn hóa của đại đa số người Việt!
Mươi ngày vật lộn đọc thơ Khét trên facebook để hiểu, để cảm thơ của Trần Đức Tín, tôi cũng đã tìm được những câu thơ găm sâu vào trí nhớ người đọc:
- “có phải mẹ đã đan cái nia bằng mảnh vụn thời gian / chuốt từng sợi xát vào tim cái nhớ” (Cái nia của mẹ)
- “đưa mẹ về qua đồng sau nhà ngoại / rơi một cánh cò mà loạng choạng cả quê hương” (Ngày mẹ về quê)
- "“ở quê nhà / cha mẹ ổn hay không / bão có giật giông đau cái kèo cái cột / mưa có dột mẹ mang đêm ra hứng / làm gì còn cái thau nào không đầy buồn / đôi mắt mẹ rưng rưng” (Mùa bão)
- “thương chiếc lá rơi ngủ vùi trên phố lạ / nửa mùa ngâu em mang về giấu bên ô cửa sổ / tôi chưa kịp buồn đã ướt nửa bơ vơ” (Sài Gòn bạt mạng cũng mình ên)
- “tôi đã kịp nói gì đâu mà sông chảy buồn biền biệt / bụi cỏ dại trước nhà lại cựa vào lòng gió rồi tự đau.” (Tôi rạ rơm mình lam triền sông khô đáy)
- “cơn bão đầu tiên anh đón nơi đất khách / nghe là lạ từng hạt mưa giăng mắc / lắm lúc trở mình đau hơi gió xa xôi” (Mình ơi bão qua rồi)
- “chạy tìm em trong chập chũng phận người / anh vấp ngã giữa minh mông sóng phố / khản đến buốt lòng anh cố gọi: / mình ơi!” (Mình ơi bão qua rồi)
Nhưng thật tiếc đấy lại là những bài thơ Khét viết từ những năm Khét chưa được xướng tên trong cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ của hội nhà văn Việt Nam. Có lẽ những lời tung hô vì nhiều lý do của các bạn thơ đã làm Trần Đức Tín ngất ngư trong ánh hào quang của thế giới ảo nên thơ của anh ngày càng lún sâu vào rối loạn ngôn từ?!
Là bạn trên facebook của Tín, cũng rất yêu quý Trần Đức Tín, tôi mong lắm được gặp lại Khét của những ngày anh mới chân ướt chân ráo từ Cà Mau về nhập cư đất Sài Gòn!

Hà Nội, sáng 24 tháng 12-2022
 


  Trở lại chuyên mục của : Đặng Xuân Xuyến