ĐÀO NGUYÊN
Chuyện Đời
Chị Xuân, kèm theo chữ lót Mộng Xuân, cái tên thật đẹp, ai cũng nghĩ chị có một cuộc sống viên mãn, đời sẽ đẹp tươi như mùa Xuân, có lẽ bố mẹ chị Xuân khi đặt cái tên cho Chị như vậy ý ngầm cho con mình sẽ như mùa Xuân.
Vậy mà từ khi Chị theo chồng về quê tôi ở, tôi chỉ nghe người hàng xóm gọi chị là Chị Xưng, chớ chẳng ai chịu vo tròn cái miệng thành chữ Xuân cả. Nghĩ người nhà quê nghe rặt mùi quê, chẳng nghe tiếng vó ( gió) bay rào rào hi!
Không biết quê quán chị Xưng ở đâu, Chị theo người chồng đi lính tác chiến rồi về quê chồng mà ở, chẳng có bà con quyến thuộc, chỉ một mình. Chỉ nghe giọng trọ trẹ tiếng Huế của chị là biết chị ở nơi mô tề!
Tôi nhớ có một lần Chị đi ăn cưới người bà con phía bên Chồng, không hiểu sao về nhà bị chồng chị rượt chạy, hỏi ra chồng chị chửi đánh chị là:
- Đi ăn Cưới, chớ đi làm đĩ hay sao mà mày uốn tóc, tao xởn đầu mày, học cái thứ nào mà thấy ớn? Đã vậy học cái thói tô trát như hát bội nữa chớ?
Tội! Sau cái vụ đó Chị cũng to gan tức lão chồng, chị cạo cái đầu trọc lóc, đi ra đường để cái đầu trống hoắc không mũ nón che.
Hình như cảnh sống Chị chẳng vui vẻ gì, khi nói chuyện Chị hay khóc, nên trẻ con trong xóm hay ghẹo chị, nếu có đề tài về chị chúng nói trỏng, bà ma mũi đó hả
Lớp trẻ có nhiều lời nói vô tâm, bởi trường đời chưa đạp đến nên chưa hiểu những mối thương tâm, đâu có biết nỗi đau sâu lắng trong lòng Chị, mà nỗi đau ấy tuôn thành dòng nước mắt?
Cuộc đời Chị, nghe Chị kể lại rằng: Nhà Chị quá nghèo, chị đội lên đầu cái mẹt bánh Cam, sáu tuổi chị đi bán hàng rong leo lên tàu Bắc vô Nam và vì còn dại chị bị tàu chạy luôn, chị trôi dạt từ đó, lạc mất cha mẹ, anh em, chẳng biết ngõ về, có bà thương tình dắt về nuôi cho ăn cơm và làm công việc nhà. Chị nói: Khổ cực vô cùng, cơm chan nước mắt, 16 tuổi chị trốn ra khỏi nhà rày đây mai đó gặp được người trong xóm tôi lấy làm chồng theo về đây!
Vợ theo không! Chồng không trọng! Tứ cố vô thân lấy gì không tủi buồn, đã vậy chồng còn ăn hiếp! Sống phục vụ chồng, sinh con nối dõi chồng không thương cảm còn ruợt đánh, người thân có đâu mà binh vực hay nhờ hàng xóm thương tình bao che?
Có một lần ai đó tới nhà vợ chồng chị thăm chơi, vào nhà chỉ chào Chồng chị, chẳng buồn chào chị một lời, khi ra về tuy chị đứng chần dần trước mặt chẳng nói một câu, chỉ mời chồng Chị khi nào rảnh đến nhà chơi!
Khách ra về, nhà chị ồn ào, nghe tiếng chị nói to:
- Tới đây! Tau làm gà cho ăn, ăn xong rồi về, chẳng biệt tau là ai? Người chẳng ra răng, đồ con người chi mà thiếu lịch sự rứa!
Chồng Chị hét lớn:
- Họ có biết mày là con nào? Có chào hỏi cũng được, không cũng được, bộ chào hỏi mày được lời lộc, thêm kí lô nào hả?
- Ối giời! Nói vậy mà nghe được răng? Tiếng chào cao hơn mâm cỗ chớ? Thử hỏi, Ông với tôi tới nhà ai, người ta chỉ nói với tôi không đếm xỉa tới Ông, Ông có khó chịu ko?
Nghe tiếng đổ vỡ loảng xoảng trong nhà, nghe chị vợ la to:
- Sao đập? Đập đi! Bớ làng xóm…
Ở quê, được một cái không dửng dưng khi nhà có chuyện! Đám cưới, đám tang, kình lộn… là hàng xóm tới liền, lớp hiếu kì đứng bu xem, lớp người hiểu chuyện vào can ngăn.
Mà nghĩ cũng lạ, con người sống không tế nhị, để người ta phàn nàn về mình cũng phải, con Chó, ai đến nhà còn biết sủa thay tiếng hỏi: -Ông Bà là ai? Tới đây làm gì? Sủa… dai chủ nhà phải nạt, huống chi con người, đến nhà người ta hai vợ chồng mà chỉ chào người chồng còn người vợ cái ra, như vậy tỏ ý khinh khi miệt thị người vợ chớ còn gì nữa?
Chị Xưng phàn nàn là đúng, sao lại người chồng không đồng tình với vợ vì ý nghĩ đó mà gây đổ vỡ trong nhà?
Thật sự tội nghiệp chị Xưng, ngày chị mất đi cũng chỉ xóm làng đưa tiễn, không một bóng người họ hàng. Tới giờ này chẳng ai hỏi thăm: Lê Thị Mộng Xuân, tôi là người bà con của bà ấy, đừng nói chi thân thích ruột rà. Chỉ thấy bia khắc trên phần mộ: Tên, còn tuổi chưa chắc chính xác, quê quán không có chỉ có trú quán: Điềm Tịnh, Ninh Hoà! Âu cũng xong một kiếp người!