ĐÀO NGUYÊN
Chuyện Ngày Qua
Bỗng dưng mình nhớ về quê lạ, nơi quê hương cắt rốn của mình. Bẳng đi một khoảng thời gian quá dài, lâu thật lâu mình không đi ngang qua xóm nhỏ, xóm nghèo của thuở thiếu thời của mình, mình nhớ quá nhiều…
Tuổi thơ của mình chơi chung với con Bế, con Tòi, con Bê, thằng Dăng…. Mình nhớ tụi thằng Siêng, nhớ con Lùn xóm trong, xóm ngoài con Kén, con Nhộng, v… v… biết bao kỉ niệm hiện về!
Lại nhớ tới cái lão Tí Bớt (giờ lão già, mình cũng già gọi lão cho lịch sự). Lão Tý Bớt có cái bớt chà bá trên mặt, chắc là tuổi con Chuột nên Cha má lão gọi tên là Tý Bớt.
Hồi đó xóm nghèo lắm, ai giàu có cặp nhà xây, tính theo vàng cũng vài chục cây, theo giá vàng bây giờ xây villa đó, còn nghèo đa số nhà tranh vách đất, thậm chí nhà dột, mái tranh lủng nằm nhìn lên trần, thấy sao li ti trên trời, đêm trăng rằm nhìn thấy chị Hằng cười toe toét, mặt tròn vành vạnh.
Nhà tôi cũng trong số nghèo thê thảm đó, lòng vòng trong xóm ai cũng như ai, hôm đó Má tôi sai đi mua cà dĩa về luộc, nhà lão Tý Bớt bước qua cái cầu tre lắc lẻo, gần con sông nhỏ nên trồng đám cà xanh um tươi tốt.
Ông Năm (ba lão Tý Bớt) bảo:
- Mày ra hái cà bán cho nó!
Lão Tý hỏi lại:
- Bán cho ai Cha ?
Ông Năm nạt:
- Ai mua thời bán, tra gạn chi? Bán cho con Ông Gà!
Lão Tý Bớt (lúc ấy cở 14, 15 tuổi) nhìn tôi cười lỏn lẻn:
- Ọ! Con quỷ nhỏ này ! Vừa nói lão cắp vội cái rổ tre bung vành méo xẹo ra đám cà. Cũng có anh trong xóm tới mua nữa. Lão Tý Bớt nói:
- Má… Má mày… Ăn cạt… c…à…t … cạt… già… già hay cạt… non?
Trời cà lâm gì mà cả ngày mới ra tiếng nói, anh trong xóm hớt lời dịch lại :
- Nó hỏi Má mày ăn: - cạt già hay cạt non kia hà. Nói rồi nhìn tôi tủm tỉm cười.
Tôi quầy quả bỏ về, không lấy cà mặc cho lão réo:
- Ủa sao… không lấy... cạt…mạy?
Về nhà mặt tái mét, Má tôi thấy rổ không, hỏi:
- Hết cà rồi hả?
Tôi nói lớn:
- Nó hái rồi con không mua, nó hỏi con:
- Má mày ăn cạt (cặt già hay cặt non kia hà!), đồ cái thứ mất dạy!
Má tôi trố mắt:
- Thiệt vậy hả? Cha má nó có nghe ko?
- Không! Ông bà Năm ở trong nhà, sai nó hái có chứng anh Chanh nghe kia hà!
Má tôi giận run, te te xuống nhà lão Tý Bớt hỏi cho ra chuyện. Nghe đầu đuôi, Cha lão Tý Bớt bưng mớ cà ra, kêu:
- Bớ Tý! Mày ra tao biểu:
- Dạ! Nó dạ một tiếng rõ to.
Ông Năm nhịp roi:
- Mày không chừa cái thói xấc xỉnh, tại sao mày dám bảo bác Ba ăn cạt già cạt non hả, con ơi là con, chắc tao tức tao chết quá! Miệng nói ông giá roi quất xuống đít lão Tý Bớt: Trót! Trót! Siếng ngắt lão Tý Bớt lấy tay xoa đít la to:
- Con nói… hồi… nào?
Tôi làm chứng lên tiếng:
- Mày nói có anh chanh nghe kia hà!
Lão Tý Bớt trợn mắt:
- Tao hỏi mày…. Má… mày muốn…. cạt (cà) già hay… cạt…(cà) non mà!
Uý trời: cả bọn người chưng hửng má tôi phì cười:
- Tổ chị bây, toàn bậy bạ không hà! Thôi thôi không có gì…. Tui lấy cà về nghe anh chị Năm!
Tôi theo Má tôi về, lấm lét nhìn lão Tý Bớt, ánh mắt lão nhìn tôi căm hận lắm. Từ đó… tôi lỡ gặp lão Tý Bớt, tôi lo chạy trốn trước, chớ không là ăn ngay ngọn cước đá đít của lão vì lão có ngọn cước gia truyền ai cũng biết.
Chưa hết, tôi còn nhớ mình cho tụi con Bế , con Tòi nằm trong hàng rào keo, và Ông Lé đạp xích lô nóng ruột tặng cho tụi nó mỗi đứa một cái tát rõ đau, không hiểu, con Bế giờ ở Cali, con Tòi ở Australia còn nhớ ko?
Hồi đó , cở tuổi suýt soát 1 hay 2 tuổi, trong xóm chơi chung với nhau rất thân. Trưa hôm đó cả bọn tập trung thấy ông Lé ( tên gì không biết ) chỉ thấy mắt ông nhìn mình như nhìn ai. Nên gọi Lé! Lé xẹ!
Tội ! Vong linh ông! Hỏi thăm ông nghe nói ông khuất núi , khuất đèo rồi.
Ông đạp xích lô, chở hai bà mua heo làng trên. Xe ngừng trước hàng rào keo nhà tôi nhờ bóng cây dừa bung che mát xe, cả bọn bu lại , nhìn một cách tò mò, tôi thấy trước yên có cái cần ngộ ngộ hỏi:
- Chú ơi Chú cái này là cái gì vậy Chú?
Ông cười cười:
- Cái này là cái để hãm!
Thấy tụi tôi nín thinh , ông nói tiếp, cũng cười cười:
- Tụi mày muốn hảm thử không? Leo
Lên tao bày cho hãm!
Không ai bảo ai, tụi tôi chạy bán mạng vì sợ… tiếng hãm. Phải chi ông dùng chữ thắng thì hiểu.
Ông để xe đó đi theo hai bà mua heo. Tôi cầm đầu , vì trong bọn tôi đồng tuổi nhưng phổng phao hơn , tôi bày chúng:
- Tụi mày leo lên tao chở đi chơi , thích thú tụi nó leo lên , tôi khỏe người đạp đi , xe đang lao tới ngon trớn , bỗng nhìn trực thấy Ông Lé từ xa chạy phóng tới với tiếng hét lớn:
- Cái đám tiểu yêu kia phá!
Tôi hồn vía lên mây, không làm chủ tay lái , đang qua khúc cua , tôi nhảy xuống xe chạy thục mạng. Còn xe bị nặng đầu , đít xe nhõng lên đổ ụp bọn nó vô trong hàng rào keo . Bị gai keo đâm, bọn nó vừa la vừa khóc vừa sợ ông Lé. Đã vậy , không nương tay ông xách hỏng từng đứa lên , nóng của ông bồi cho tụi nó mỗi đứa một tát đỏ mặt tía tai. Sau nghe kể lại : Hai bà mua heo thấy tội mới bảo:
- Thôi đừng đánh con người ta, con nít mà.
Sau trận thành tích ấy , đám bạn nghĩ chơi với tôi , nó nói ba má nó cấm:
- Vì tôi con gái mà bợm!
Tôi mất bạn từ đấy , sau này vào cấp hai , thời gian xoá quên dần , chơi lại với nhau , nhưng chỉnh đốn hơn , không còn chơi trò chơi bé con nữa.
Thấm thoát đã hơn nửa thế kỉ , thời gian quả là qua nhanh thật . Các bạn bè tôi đã lên chức Ông bà , có người đã tới chức Cố. Biết bao sự thay đổi trong đời.
Bạn tôi, kẻ giàu sang , người nghèo nàn vẫn mang kiếp nghèo như rầy ám. Số phận tuy có thay đổi, nhưng cũng không thể nào tuốt đi lớp vỏ sần sùi bám lên đời. Dù họ, hay tôi cũng vậy, lớp vỏ của con người mình chính là: Số và Phận !
Chị TÁM !
Cha mẹ chồng tôi sinh 9 người con, trai đầu và trai cuối. Chị Tám ( chị chồng ) tôi cũng vậy giống y mẹ mình cũng có hai người con trai và nguyên một chùm vịt giời ( trời ).
Kể cũng lạ, những chị chồng tôi chỉ có chị Tám là người khác tính với những bà chị khác. Bảy người Chị chồng tôi, tôi đều kính trọng, nhưng người tôi vừa thương, trọng và quý chị Tám là nhất.
Chị Tám người đẹp, phúc hậu. Chồng mất sớm chị vẫn ở vậy với 9 người con. Không may cách nay 20 năm chị bị tai biến nằm một chỗ.
Những người con chị giờ đã lớn đều lấy chồng ở xa, chị sống với con trai thứ ( cũng như đầu ). Sống dai dẳng trên giường bịnh đến nay. Nghĩ người bệnh mà nằm một chỗ khổ đau biết dường nào, mà của một đồng tính công tới một lượng là chỗ này. Đó là công chăm sóc của con dâu chị. Các con ở xa gởi tiền về lo cho mẹ , thăm qua loa vài ba bữa rồi cũng phải gánh nặng gia đình, điều đó đương nhiên là phải vậy.
Trân qúy người chăm sóc không nệ hà. Người bệnh thì khó khổ đủ mọi bề, cổ nhân nói: Đức thắng số! Có lẽ chị Tám, là người Đức độ nên chị sống thọ tuy cuộc sống không êm ả như bao người, nhưng thiết nghĩ thà Chị nằm đó, tuy không giúp gì cho con cháu vẫn hơn là biền biệt các con mất hẳn người mẹ thân yêu của mình.
Trời thật không công bằng, người như chị đáng được hưởng cái an nhàn của cuối cuộc đời. Chị là con người tính thật xuề xoà, không bao giờ mở miệng nói xấu ai , không bao giờ nói tiếng hiềm khích với ai , nói cuối cùng một đứa con nít cũng trìu mến chị , tôi về làm dâu nhà chị hơn nửa thế kỷ , tai chưa nghe một câu khen hay chê bai một ai, một người đàn bà thật quý hiếm ở thời đại này.
Sống như vậy thật sự là biết sống, biết mình, hiểu người dung hoà, chớ sống mà ghen ghét, giận hờn, nói xấu chê bai là không đúng đạo làm người. Tôi ước gì, học được một ít tính tốt của chị Tám chị chồng tôi. Phải học, bao tuổi không cần, học mãi đến cuối cùng của cuộc đời vì đức tính tốt của con người là bản quyền sao lại cho con cháu mình sau này, tôi nghĩ như vậy.
Nhưng có một câu nói nghe thật buồn, có lẽ người thốt ra lời nói họ vô tâm hay hời hợt nông nổi khi họ nói:
- Thường sống ác trời đày nên sống dai!
Tôi nghĩ không phải vậy! Nói ra thì đánh giá con người độc tâm. Sống dai có nhiều nguyên nhân, y học hiện nay ít khi bó tay những bệnh trầm kha , mấy khi mang chứng bịnh ung thư giai đoạn cuối làm sao sống? Còn bịnh tai biến chân tay liệt, đầu óc u mờ, nhưng lục phủ ngũ tạng tốt ăn uống ngon ơ thì làm sao chết? Mình cũng duy tâm một chút mà nói sống chết còn cái căn số con người.
Không nên thấy người đau yếu mà chế giễu một câu vô ý thức như vậy.
Nhân hôm nay gần tới ngày Rằm tháng bảy, ngày Vu Lan nhớ Mẹ, nhớ Cha, nhớ về người thân của mình, còn hay khuất, tất cả những người tôi thương, tôi quý, với sự nhớ thương, tôi xin chấp tay nguyện cầu. Mong sao kẻ còn người mất được an nhàn, thế giới đừng đảo điên vì nạn dịch Covit!