ĐÀO NGUYÊN
 
Xóm Nhỏ
 
Khi nghĩ về đời mình mấy ai không nhớ lại tuổi thơ của mình. Kỷ niệm rất nhiều gắn liền với cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Chỉ có tiếng cười, quên bẳng đi những giọt nước mắt buồn khi bị má đánh, hay la rầy!
Giá mà bây giờ có con Bế, con Bê, con Tòi, với tôi… sẽ nhớ lại bài hát: Lối về xóm nhỏ, và múa lại vũ điệu do cô Cái làm đạo diễn, chắc bốn bà già múa may, người xem cười nghiêng ngả bảo: bốn con mẹ khùng!
Chẳng hiểu ba người bạn tôi nay có tuổi rồi có còn nhớ không? Chớ tôi sao nhớ nhiều quá. Nhớ có thể vẽ lên khuôn mặt thuở ấu thơ từng người. Nhớ nếp nhà tranh và cây khế già sát chái nhà cô Cái. Nhớ đôi mắt sâu buồn sầu dịu vợi của cô Cái. Đôi mắt cô, không phải là loại mắt đẹp mơ huyền đen lay láy với hàng mi cong vút, như các nhà thơ hay tả nói về cái đẹp mê hồn của đôi mắt.
Mà đôi mắt cô Cái ngược lại nó tối tăm, phản chiếu một tia nhìn buồn trĩu nặng chất chứa , như nói lên thảm cảnh cuộc đời mình ngày hôm nay và hậu vận. Ánh mắt của con người nghèo không nhìn thấy tương lai… toàn một chuỗi ngày đen tối không một chút hy vọng.
Cô Cái và Chú Đực là anh em sinh đôi, nhưng chú Đực đã chết khi 12, 13 tuổi qua một cơn bịnh nặng. Còn một mình cô Cái sống vật lộn với đời, không cha mẹ người thân.
Trong cái xóm nhỏ và nghèo thời ấy thật yên bình. Sống với trăng thay đèn, đèn thắp sáng là đèn dầu leo lét. Nhà có cưới hỏi, đám ma mới thắp đèn măng xông sáng cả sân vườn.
Trong xóm toàn nhà tranh vách đất, nghèo xác xơ, một xóm tôi nhớ có bốn nhà giàu cặp nhà ngói chử L, nhà chú Năm Xây, nhà Ông Sáu Ựng, nhà bà năm Sớt, nhà cô Sáu Xập. Những đêm trăng mùa lúa chín, dân trong làng cắt lúa mướn, tiếng cào cỏ đập trên bó lúa được bàn chân cuốn vo tròn âm thanh nghe bình bịch thật vui tai. Chủ ruộng chia tám phần, người cắt mướn chỉ nhận một phần, chủ ruộng nào thơm thảo thì gạt thêm vài ba bụm vô người cắt mướn. Cái chuyện chia lúa ấy thành thông lệ chẳng ai kì kèo gì.
Nhà cô Cái không có ruộng nương chi, cô cũng không đi cắt lúa mướn, cô sống bằng nghề bán xôi và bánh in dẽo , bánh in cô lên chợ đếm lại, xôi cô nấu. Đầu bánh, đầu xôi, sáng sớm cô cất tiếng rao lanh lảnh :
- Ai mua xôi hôn….
Tiếng rao ấy tôi vẫn nhớ hoài, giọng cao trong vút. Tôi năm thuở mười thì má mới cho tiền mua gói xôi của cô Cái, còn toàn ăn chực. Cứ cở hai ba giờ trưa tôi sang nhà cô Cái, cô thương tôi gói cho tôi gói xôi nhỏ, gói xôi thưởng Ông địa phù hộ bán đắt, có khi vét trong chỏ còn sót xí đỉnh, xôi đậu xanh mà nấu theo cô Cái có hương vị đặc biệt. Cô không ngâm nếp trong nước thường, mà ngâm nếp trong nước tro lóng trong nên mùi xôi bùi bùi, cái mùi không diễn tả được.
Cái tuổi 5, 6 với các bạn đồng lứa của tôi thường tụ nhà cô Cái, cô Cái có bánh cúng ông địa thường cho ăn, và cây khế lão trái sai vô cùng, những lúc buồn miệng tụi tôi khèo xuống giã cối muối ớt, xắt làm thịt từng miếng chấm muối. Vậy mà ăn ngon lành mặc dù mặt đứa nào cũng nhăn như khỉ ăn ớt, nhớ con Tòi nói: Chu cha… thịt gì chua lét! Cả bọn cười vang….
Cô Cái hay tập múa hát, cô kêu từng đứa vô tô son môi, son của cô bay mùi bọ xít, miệng đứa nào cũng đỏ choét tèm lem như bà già ăn trầu, hai má làm hai lỏm màu hồng tròn vo, vậy mà tụi tôi hồi đó thấy đẹp lạ...
Múa bài sau cùng là bài: Lối về xóm nhỏ. Cô Cái không chơi với tụi tôi nữa, cô Cái bịnh nôn mửa.
Bịnh của cô Cái kéo dài, bụng càng ngày càng đội áo, cái áo bà ba trắng cô Cái thường mặc đi bán xôi lúc nào cũng bung ra hai hột nút cuối cùng.
Ngày cô Cái sinh ra thằng Cu! Đơn độc đi sinh và ngày xích lô chở về thêm một nhân vật nữa.
Giờ tôi mới hiểu ra rằng: Vì sao cô Cái không chồng mà có con! Và tại sao trai không ưng mà thương cái ông nào có vợ, phải trộm lén.
Trong xóm tôi thời đó, đàn ông tới tuổi đi quân dịch, đi lính xa nhà có khi lấy và rước vợ ở miền xa về, còn trong làng quanh quẩn người có gia đình, rồi bà con không thể ưng thương nhau, tuổi lấy chồng đúng độ 17, 20. Qua hai mươi thành hăm khó lấy chồng, cô Cái 27 tuổi thành gái già lấy đại kiếm con nuôi, chồng người trả cho người, cô Cái làm mẹ đơn thân nuôi đứa con trai tên thằng Toán.
Thằng Toán lớn lên bằng mồ hôi xót nước mắt của cô Cái, tuy một mẹ một con nhưng với nghề bán xôi cũng ba chìm bảy nổi, ko nuôi nổi con đến trường lớp. Nó lớn lên cũng đi làm thuê làm mướn sinh sống qua ngày. Thằng Toán cũng lấy vợ, sinh con, ở trong mái nhà tranh của Cô Cái.
Nhưng không hiểu sao cô Cái không sống với đứa con mình, Cô vào Chùa ở, ko cạo đầu nhưng mặc áo lam, làm công quả cho nhà Chùa ngày kiếm hai bữa cơm chay.
Thằng Toán cũng không sống nỗi sau trận bịnh nặng cũng lìa đời. Vợ thằng Toán cũng đóng cửa nhà, bỏ bàn thờ lạnh lẽo, rày đây mai đó….
Cuộc đời của Cô Cái cũng buồn như đôi mắt Cô, mới hay là: Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Đôi mắt nói lên cảm giác vui buồn, phản ảnh cuộc sống. Mắt người giàu trông tinh anh sáng quắc, mắt người khốn khó thăm thẳm buồn chơi vơi.
Cuộc đời… thời gian thật công bình, chẳng phụ ai, cũng chẳng nâng niu ai. Đời ai người nấy nếm trải, thời gian vẫn cứ trôi, có muốn dừng cũng không được, khi nhắm mắt hai bàn tay nắm một con số không vô nghĩa….
Chẳng biết bây giờ cô Cái ra sao? Đọc bài viết này, chắc có bạn nào cùng xóm nghèo ngày xưa biết về cô Cái nói cho mình biết với!
 
 
Người Đàn Bà Và Con Chó!
 
Khi tôi dọn nhà về con đường Blakewood Dr, hai vợ chồng người Mỹ có vóc dáng hơi so le, ghé tạt vào nói vài câu chúc mừng.
Nhà đổi chủ mới, mà chủ là người Việt Nam, họ nói chuyện thật thân thiện với mọi người trong nhà chúng tôi.
Mổi sáng sớm họ đi bộ ngang qua nhà tôi, chỉ trừ những ngày mưa gió là không thấy họ. Người đàn ông có một đặc điểm khiến tôi hơi tò mò là hay thích mặc những đồ nổi, phải nói là màu đỏ (red) là màu đắc ý nhất của ông ta. Còn người đàn bà, tôi nghĩ hồi nhỏ chắc bị suy dinh dưởng nên ốm yếu, nhỏ thó người đứng thấp hơn ông cũng cở 30cm.
Hai người họ tuổi già nhưng họ tình cảm vô cùng, luôn đi đôi bên nhau, nhiều khi ông chở bà trên chiếc xe Lexus màu đỏ, xe ngừng ông nắm tay bà thong thả bước vô nhà. Tôi nhìn thấy hạnh phúc họ, vì sau này khi quen dần người trong khu mình ở, nhà ông bà chỉ cách nhà tôi con đường. Từ phòng tôi nhìn qua khung sửa sổ thấy rõ con đường vô nhà họ.
Không thấy đứa con nào về thăm ông bà, thỉnh thoảng có xe UPS chạy vào bỏ thùng quà trước cửa, có lẽ người thân ở xa.
Nhiều ngày tháng trôi qua, mọi việc trở nên quen dần và quên đi. Coi như tầm thường việc mình lo không xuể, chú ý chi chuyện thiên hạ ngoài đường.
Có một ngày và nhiều ngày tôi bỗng chú ý người đàn bà. Bà gầy sọp đi, dáng hom hem hơn những năm về trước, bà cũng đi bộ, nhưng không phải đi cùng ông mà đi cùng con chó nhỏ.
Tôi có lần cũng đi bộ nhưng ngược chiều chỉ chào bà, không dám hỏi vì có quen biết gì nhiều.
Trông dáng bà liêu xiêu bên con chó nhỏ thật tội nghiệp, chẳng hiểu vì sao bà còn một mình? Và người chồng bà đã chết? Hay nhân tình bà đã rời xa bà? Đời người đàn bà khi tuổi về già, sống cô đơn thật buồn. Người Mỹ họ không thích sống cô đơn, họ luôn tìm bạn đời để an ủi những lúc vui buồn. Còn sống vẫn cứ vui, khi nào chết hẳn hay. Đối diện nhà tôi, hàng ngày tôi chứng kiến cặp đôi ríu rít như chim trên cành, tuy tuổi đời họ không hơn không kém tuổi tôi, nhưng mới hôm qua thấy còn cùng nhau dắt tay ra vườn, quay đi ngoảnh lại thấy ông trước đâu mất, ông này lạ hoắc, vài tháng sau thấy bà uống cà phê một mình. Rồi bất chợt thấy có thêm ông nữa!
Tình yêu sao mà dễ dàng chấp nhận và nhiều chi lạ. Phụ nữ VN mình, so ra thấy hiền thục và kín đáo dễ thương vô cùng, khó khăn tìm đỏ con mắt chưa chắc tìm một người như ý.
Cho mãi đến bây giờ, mười lăm năm qua, vẫn đều đặn đi ngang qua nhà tôi, vẫn người đàn bà cô đơn ấy, chủ không thay người, nhưng chó thay ba bốn bận, có khi chó đen, chó vàng, chó đốm...
Sự cô đơn đi cùng năm tháng. Còn sống, lây lất với nỗi buồn. Người đàn bà làm bạn với chó. Chó tuy là con vật không nói được tiếng người. Nhưng con vật trung thành với chủ, nó có thể chia xẻ cái vui buồn cùng chủ bằng cái nhìn, bằng cái ngoắc đuôi, tấn công kẻ lạ bằng tiếng sủa.
Người đàn bà cô đơn đã đánh thức trong tôi một nỗi niềm, một sự rung cảm trong tim khi hoà đồng cùng cảnh ngộ. Bà cô đơn làm bạn với con chó, còn tôi chỉ có khác hơn bà, tôi cô đơn làm bạn với con mèo Kitty!
 
 
Trung Thu Nhớ Đời!
 
Có ai đó nói: Thời gian là liều thuốc nhiệm màu, cũng có người bảo rằng: Thời gian là liều thuốc độc. Còn tôi! Tôi chọn phương án hai, bởi vì cuộc đời mỗi con người không ai giống ai, những sự việc đến và đi trong đời mình làm mình buồn nhiều hơn, ray rứt nhiều hơn và thậm chí nhiều khi lương tâm bị hối hận dày vò, như vậy khi nghĩ về dĩ vãng đã qua có làm cho mình an yên đâu mà nói là nhiệm màu?
Chuyện tôi kể lại rằng điều tôi đáng nhớ là một đêm Trung Thu lẽ ra trăng sáng vằng vặc, chị Hằng thật diễm kiều, tỏa muôn vạn tia sáng xuống Trần gian cho bầy trẻ thơ tung tăng với chiếc lồng đèn khổ công làm ra, mua chợ có, đang sắp hàng để chờ cô giáo dẫn đi dạo phố phuờng, đi chưa đầy năm phút, chị hằng không biết sao lẫn mất, để lại trên vòm trời mây đen kịt che phủ, một trận mưa xối xả, thật hoảng loạn đám trẻ tan hàng ngũ, mạnh ai nấy chạy tán loạn, mau mau về nhà chớ biết nép vào đâu đêm tố?
Lồng đèn của tôi là lồng đèn ngôi sao, má tôi nhờ chú Hùng trên nhà bỏ công một buổi trời mới xong. Vui chưa trọn giờ teng beng tơi tả lòi bụng phơi sườn. Đã vậy, đường nhà quê vắng tanh chạy muốn khóc sợ ma gần chết. Ở đàng xa có bóng người đi trước.
Thấy có người lòng cũng mừng. Cố đi nhanh cho đỡ sợ. Càng chạy đến thì cái bóng người đi càng khoảng cách. Tôi gọi to:
- Chờ con với ! Không có tiếng trả lời! Chó hàng xóm sủa rân, tự nhiên bóng người mất hẳn.
Thật lạ lùng! Tôi biết sợ! Người đi trước là Ma thật rồi. Đường thẳng không cua tại sao mất? Tôi không biết mình phải vào nhà ai? Vì nhà người ta mưa gió thì họ đóng cửa sớm. Vừa chạy vừa khóc! Ở đàng xa một người lù lù đi tới, hồn vía lên mây nghĩ chắc bị ma chận đầu, tôi ko dám bước tới nửa. Đứng một chỗ khóc, người tới càng gần, tôi nhận ra bộ dạng má mình, bụng vừa mừng vừa sợ. Nghĩ bụng: nghe người lớn nói ma đi hõng chân, tôi ngồi thụp xuống nhìn. Má tôi đến gần nói to:
- Sao không đi! Ngồi đây chi? Cái con này! Nhìn tao chi? Má mà!
Tôi vùng khóc rố lên:
- Con tưởng má là Ma!
Má tôi nạt:
- Nói thiên gia không nên, đi không má cõng cho?
- Nghĩ sợ nặng tội Má, tôi đi theo bà về nhà.
Tôi kể cho Má tôi nghe là tôi đã thấy ma, Má tôi nửa tin nửa ngờ.
Ngày hôm sau tôi nóng sốt bi bì, mua thuốc Tây về uống không hết, có người bày má tôi rước thầy Pháp về chữa.
Thầy Pháp đến nhìn tôi trân trân, trâm một tràng tiếng gì ko biết lấy hai lá vàng bạc vo tròn ấn vào nách tôi, đau thấy trời xanh. Thầy Pháp lớn tiếng:
- Ai? Chọc phá con người ta?
Tôi nói:
- Tôi đói cho tôi ăn!
Má tôi lạy như tế sao:
- Dạ thưa ngài! Ngài là ai nói cho con biết con cúng?
Tôi khóc:
- Má con đẻ con quăng trong bụi tre. Không cúng kiến giờ con đói lắm. Lạnh nữa!
Thấy Pháp nạt:
- Nam hay nữ? Ăn gì gia chủ tao cúng cho?
Tôi nói gọn bân:
- Nữ, ăn 14 con gà, 6 con vịt, một cái thủ dĩ (đầu heo).
Má tôi cúi đầu lạy tôi:
- Dạ! Ngài đói thì tôi cúng. Nhưng tôi nghèo quá, ngài ăn ít ít dị, bớt cho con, con lạy ngài! Nam mô!
Thầy Pháp nạt:
- Ăn chi cố, bây to mà ăn dữ? Gia chủ người ta nghèo khạc ra tro, ho
ra máu ko thấy sao?
Tôi nói:
- Cúng cho 10 con gà cồ, miễn vịt, nhưng phải có thủ dĩ. Tôi thăng ha! Ở trần mấy người lắm chuyện quá!
Tôi ngồi trơ ra! Má tôi lạy tôi lia lịa, xong bái tôi ba bái nữa.
Ngày hôm sau là cái ngày vô cùng
vất vả của Má tôi. Nhà đã nghèo, chạy mua 10 con gà, một cái đầu heo lễ vật bông hoa cũng xiểng niểng chớ. Có cô sáu Ánh hàng xóm thấy tội bày má tôi:
- Chị Ba mua cúng cho có lễ, chị qua tui bán chịu cho chị 10 con gà ló đuôi tôm.
Má tôi chất phác:
- Đặng không Cô, có bị quở không? Không khéo bắt bịnh nặng thêm có nước chết?
Cô Sáu trấn an:
- Họ là vong hưởng hơi, chớ ngồi ăn thiệt ha chê ít chê nhiều chị?
Xong trận cúng vong đó, thiệt lạ lùng tôi từ từ khoẻ ra. Đi học lại bình thường.
Sau này tôi lớn lên suy nghĩ. Không hiểu do uống thuốc nhiều bịnh dần bớt, hay là vong nhập đòi ăn cúng hết. Tôi chỉ tội Má mình, thật là:
- Cánh cò ấp ủ con thơ
Chắn che mưa gió cho vừa lòng con.
Vì con mà Má mang nợ, thương con đâu quản gian truân. Chỉ mong con mình sống, no đủ, người mẹ nào cũng vui.
Má lo cho con thật nhiều! Nhưng đời Má! Những cơn bão đời dùi vập, con có bao giờ dang tay che chắn đỡ đần má đâu?
Ôi là niềm đau trong kí ức! Khi nghĩ về những ngày qua. Dòng đời không êm ả. Trăng Trung Thu lắm khi không ngời sáng, thì dĩ vãng mấy ai nhận lấy sự êm đềm?

  Trở lại chuyên mục của : Đào Nguyên