ĐÀO NGUYÊN


Ăn Món Xưa...
Lại Nhớ Chuyện Người
 
Họ hàng nhà cá Liệt thì đủ thứ tên: cá liệt nhớt, cá liệt chỉ vàng, cá liệt quao, cá liệt bướm...
Tôi đi chợ vào ngày Chúa Nhật, chợ Sunrise vào những ngày dịch covid cũng không ế, người mua cũng đông. Có lẽ ngày nghỉ, họ tranh thủ mua đồ về ăn, vì chợ này chuyên bán đồ ăn Việt.
Đến hàng cá, lướt qua một vòng mắt tôi dừng lại: mua con cá này:
 - Cá liệt bướm! 
Chù! Phải nói là gần 20 năm tôi mới gặp lại con cá này. Một dỉ cá 6 con 7$99 thuế má vô cũng gần 10$. Đây là lần đầu tôi mua con cá này về ăn, kể từ khi qua Mỹ.
Chồng tôi nghắm nghía con cá rồi hỏi:
- Ủa chớ bà mua con cá này thịt đâu mà ăn, cá gì lép kẹp không có chút thịt?
Tôi trả lời tỉnh bơ:
- Vậy chớ ngon lắm đó, chút tôi cho ông ăn cái món này!
Cái món mà tôi sắp bày biện ra đây thật dân dã... nhưng mà đậm chất quê hương, ngon đậm đà theo sở thích tôi.
Cá làm sạch, làm biếng nướng thì chiên vàng (nhưng nếu nướng thì ngon hơn). Xé nhỏ, có trái khồ qua tàu càng đúng điệu hơn. Móc ruột cào vỏ ngoài xắt lát ngâm với nước muối pha loảng (tôi không có khổ qua tàu như ở quê nên làm khổ qua thường (mướp đắng). Vắt ráo khổ qua, giả mắm ớt chua ngọt, rau răm, ngò tàu và é trắng. Khồ qua, cá, cho mắm chua ngọt vào trộn đều, cho các loại rau thơm xắt nhỏ vào trộn lên đơm ra đĩa và rắc đậu phộng rang vàng giã dập cùng một ít hành phi lên mặt, xong! Kèm theo một chén muối é trắng với ớt xanh giã nhuyễn.
Món tôi đãi cho chồng tôi đó, ông ăn khen ngon bắt cơm hơn làm gỏi thịt. Ông hỏi tôi:
- Sao lâu nay bà không làm?
- Có gặp cá này mới mua, với lại ăn cá này tôi nhớ... một người!
Hơi ngạc nhiên, vừa đùa ông hỏi:
- Nhớ ông nào dẫn đi ăn hử?
- Thôi ông...! Ông nào?... Nhớ cô Lài!
Ông gật đầu:
- Ừ! Nhắc cô Lài tôi mới nhớ! Tội thiệt!
- Cô Lài với tôi rất nhiều kỉ niệm, lúc ông đi cải tạo, tôi phải dựa theo cô Lài nhiều nhất là vụ gì ông biết Ko? Là nhờ cô ấy bắt đỉa dùm!
- Đi đâu mà bắt đỉa?
- Thì ra ruộng cắt lúa chớ đi đâu?
Thời trước, ở quê chỉ có ruộng là chính, tới vụ lúa, kiểng đánh keng keng... là mọi người lao động quẩy chàng, câu liêm (lưỡi liềm) ra đồng cắt lúa. Tôi cũng trong số người đó, giăng hàng mỗi người một lối. Họ cắt rành sạt sạt đi nhanh, còn tôi làm không quen lèo khèo chậm rì, người ta xong lối băng qua miếng ruộng khác còn tôi chơi vơi trong lối của mình. Họ không giúp tôi cũng phải vì làm tính theo công điểm giỏi dở. Cô Lài giúp tôi vớt những lối lúa dở dang đó. Và dùng lưỡi liềm cào dùm những con đỉa to cho tôi. Có lẽ chân tôi trắng quá không có bám phèn nên đỉa nó ghét chăng?
Trời ! Đỉa là kiếp bà chằng rứt đầu này thì đầu kia dính chặt, giờ nghĩ lại còn khiếp.
Năm chầy tháng kiếp rồi vẫn còn nhớ, những đoạn đường đời mình đã đi qua. Cân đo đong đếm, có lẽ trong đời con người cái vui bị lép hơn cái buồn. Có những cái vui, buồn đôi khi một hình ảnh nào đó gợi lên khiến con người ta chợt nhớ hoặc ngậm ngùi, thương cảm hoặc chua xót thương tiếc...
Cũng như tôi mua con cá liệt bướm ăn món gỏi cá... chợt nhớ và nghĩ về cô Lài...
Cô Lài nhỏ hơn tôi một giáp. Nhà cô thời đó trồng chỉ có một dây khổ qua tàu mà trái sai vô cùng. Trúng chỗ đất tốt trái ra dài cở một thước ngoằn ngoèo như con rắn. Món ăn cá liệt bướm làm gỏi với khổ qua tàu là tôi học ở nhà cô, một món rất đỗi tầm thường nhưng lại rất ngon.
Cuộc đời của cô Lài quả là bạc phận. Hầu như hạnh phúc không tìm đến Cô. Nó rất lạnh lùng và vô cùng bạc bẽo.
Vào tuổi yêu, tuy không xinh hương trời sắc nước, nhưng gái quê như Cô cũng đủ cho con trai trong làng mơ ước, muốn lấy cô làm vợ ở cái nết thuỳ mị, chịu thương chịu khó, khuôn mặt luôn nở nụ cười tươi.
Cô cũng yêu và chọn người làng kế bên. Một cặp thật xứng đôi. Ai cũng khen ngợi cả. Vậy mà do chuyện chích mác người lớn, hai trẻ không đến được với nhau.
Vài năm sau, người con trai đi lấy vợ, gia đình con cái đề huề.
Cô Lài vẫn sống vậy, tôn thờ với mối tình đã chết.
Một ngày và nhiều ngày sau đó nhiều lời bàn tán xôn xao họ thấy cô Lài bụng càng ngày càng mẩy, họ không hiểu tác giả là ai. Vì họ thấy cô Lài không quan hệ tiếp xúc với ai, thật nghĩ không ra.
Khi cu Bi sinh ra, thì tác giả là ai mọi người đều biết. Bởi nó giống cha nó như đúc càng lớn càng giống.
Người không hiểu thì buông lời đàm tiếu. Nhưng người hiểu, có chiều sâu nội tâm thì thấy thương cô Lài, không oán trách. Cô không lấy được và sống với người mình yêu, thì cô phải có món quà trời ban để cô ôm ấp và tôn thờ mãi mãi, có con với người mình yêu.
Cái đáng quí giá nhất cô dành tặng cho người cô yêu, và cái đáng trân trọng nhất là khi đứa con ra đời cô cắt đứt dĩ vãng, cô không liên hệ với cha đứa nhỏ nữa .
Như vậy thì oán trách cô ở chỗ nào? Đáng thương hơn đáng trách!
Hai mươi ba năm nuôi con, cô Lài không bước thêm bước nào nữa. Hai mẹ con cô thương yêu quấn quýt bên nhau. Hầu như cô Lài quên thân mình chỉ lo và nghĩ đến con mình. Cô không để con cô thiếu một thứ gì ngoài hai chữ: thiếu Cha!
Cụ Bi (tên hồi nhỏ tôi vẫn hay gọi, tuy bây giờ cu Bi đã là một thanh niên phong độ, gọi vậy nghe gần gũi hơn)
Một ngày cu Bi đi làm việc và đi luôn, mãi mãi không về với Mẹ và với xóm làng nữa.
Cô Lài ngã quỵ khi hay tin con mình không còn. Cho cả đến bây giờ Cô vẫn là người nhưng Cô sống như người đã chết. Cô ôm một nỗi đau quá lớn đến nỗi ngửa cổ lên trời kêu không thấu. Cao xanh thật bày chi cảnh trớ trêu đau lòng.
Thương cô Lài cả một cuộc đời nhuộm một màu tăm tối. Tưởng đâu tìm an ủi bên niềm đau đã mất, ngờ đâu, càng đau hơn khi mất một tình yêu. Cái đau xé tâm can, cái núm ruột mình mất đi, héo hon cả cuộc đời còn lại, cô Lài nói: 
- Nếu Trời cho Em chết theo con em thì còn hạnh phúc nào hơn. Còn nỗi đau nào hơn khi đứa con mình chỉ nó là duy nhất giờ mất hẳn? Cũng may thần trí cô Lài còn tĩnh tốt, chớ nếu không trở thành điên loạn.
Cu Bi đã qua một cái giỗ rồi. Trong tôi vẫn còn hoài nhớ: Phận đời hai má con cô Lài thật tội nghiệp... Nên tôi viết lên một câu chuyện thật... buồn!

  Trở lại chuyên mục của : Đào Nguyên