ĐÀO NGUYÊN
 
 
Bao Mùa Xuân Đợi!
 
Nếu mình chưa bước đến nỗi đau tột cùng và chưa nếm nỗi bi ai thì không thể thấy sự sống, cái chết liền kề, cuộc đời rất vô nghĩa, sự tồn tại con người rất mong manh.
Ngày 25, tháng hai, năm 1974 , là ngày Anh Đoàn mất, chị chồng tôi mỗi năm vào ngày này chị cúng giỗ rất kỹ càng. Khoảng vài năm sau này, chị trở nên điên loạn, ngày nhớ thì cúng, nhưng cúng xong tóm thâu vào thúng, trước nhà chị có con lạch nhỏ dẫn nước vào ruộng, chị bưng đổ ào xuống đó, nhất định cản không cho ai đứng gần, và van vái lẩm nhẩm câu gì nghe ko ai hiểu.
Chị chồng tôi chồng mất sớm tuổi đời vừa 27, khi anh mất chị có mang ba tháng.
Trước đó hai ngày, Quân khu anh đóng ở Diên Khánh (tỉnh Khánh Hoà) hàng ngũ tan rã, mạnh ông Tướng, ông Tướng tìm ngõ thăng, còn binh sĩ cò ke như anh Đoàn rắn mất đầu cũng lo chạy trốn.
Anh hối hả chạy về đèo chị chồng tôi trên chiếc xe Honda 68 đi lánh nạn. Chạy tới ngã ba Thành, thấy chiếc xe GMC chở hàng quân tiếp vụ ở quân khu anh, anh đón gởi nhờ vợ ngồi xe cho đỡ mỏi vì đường dài chạy xe hai bánh, bao nhiêu con người chạy thục mạng, lính, dân ai cũng đổ xô vô Sài Gòn, một thành phố lớn nước Việt Nam tương đối yên lành.
Nhưng oái ăm, tên tài xế động lòng tham, chở nguyên chiếc xe quân tiếp vụ vô tới Cam Ranh lần vô nhà một xe hàng không đi nữa.
Chị chồng tôi lạc mất chồng, trong lúc anh Đoàn tưởng xe đi, cứ đường thẳng đi mãi, thời đó đâu có điện thoại liên lạc, cứ đi một đoạn nào đó đứng chờ! Chờ mãi.
Sau cũng đón được xe quen, hỏi thăm thì vỡ lỡ. Biết chị chồng tôi bị kẹt lại, nhưng anh lỡ đi hai đoạn đường dài, anh mới ghé lại nơi làm việc của người cháu vợ ở Bình Tuy (tỉnh Bình Thuận) hai dượng cháu gặp nhau chắc mừng rỡ và cũng vì sợ mà hai người theo số đông người ra cửa biển Bình Tuy, đi đường biển. Không hiểu là đi đường biển vô Sài Gòn hay là theo tàu hải quân đi vượt biên.
Chuyến đi ấy, có người còn sống sót kể lại rằng: tàu vừa chạy một quãng, trời về đêm giông tố sóng to dữ dội đã đánh úp chiếc thuyền chìm, dù cho hai dượng cháu có biết bơi, nhưng biển bao la đêm tối mịt mùng biết đâu là bến bờ, phần chân kẹt đôi giày bộ đồ lính thấm nước nặng trình trịch, sự sống đành buông theo dòng nước.
Chị chồng tôi những ngày về quê nhà thấp thỏm mong tin, nhưng ko nghe tin tức gì cả. Sau tình cờ mở radio nghe tin tức, nghe được một tin nhắn tên của anh Đoàn, số quân, xác đã trôi tấp trên bờ biển Bình Tuy, người dân vớt dùm họ đã moi cát chôn, lấy cái cây cấm trên đầu mả làm dấu, treo theo thẻ đính bài!
Còn người cháu thì ko nghe nói, khi chị chồng tôi vào nhận xác, dân họ bảo có chôn thêm một người nữa, người này không giấy tờ, nên không biết chỉ diễn tả chiều cao, và đặc điểm trên khuôn mặt, chị chồng tôi nhận ra là người cháu trong gia đình.
Chiến tranh ! Bao nhiêu con người nằm xuống, những đứa con vừa tượng hình đã mồ côi cha, những người vợ goá chồng khi tuổi còn quá trẻ.
Chị chồng tôi nếm niềm đau, lớn dần theo thời gian, theo cái bụng đội áo, hơn nửa năm sau chị sinh ra một bé gái. Chị đặt tên là Ngọc!
Cháu Ngọc càng lớn giống anh Đoàn như hai giọt nước. Chị sống vì con, là nguồn an ủi vô biên của Chị.
Hai mươi năm sau, cháu Ngọc lấy chồng và sinh một cháu trai. Hạnh phúc nhân đôi khi có cháu ngoại! Nhưng! Trời xanh vẽ chuyện đau lòng, cháu Ngọc bịnh ung thư đường ruột rồi chết, bỏ lại đứa con thật bé dại 8 tháng!
Còn nỗi đau nào hơn? Chồng chết, con chết, ngày tháng chồng chất, chị chồng tôi ôm nỗi khổ đau quá lớn, đến nỗi tâm trí hỗn loạn.
Chị đã mất chồng sống ở vậy, thờ chồng nuôi con, giờ con cũng theo chồng về cõi âm ty.
Chị điên là đúng, thà điên để không nhớ lại những gì xảy ra trong đời mình.
Còn hơn tỉnh mà hàng ngày nỗi đau đeo theo dai dẳng. Chị cứ đợi chờ trong ảo tưởng, chị tìm kiếm trong vô vọng, biết bao mùa Xuân trôi đi mà chị có nắm bắt được gì?
ĐÀO NGUYÊN
(Thương người chị chồng bất hạnh)

  Trở lại chuyên mục của : Đào Nguyên