ĐÀO NGUYÊN
 
 
Cuộc Đời... Chó!
 
Nhà tôi sống cạnh gần Anh nhà Giàu, thường qua lại nhà Anh chơi vì nhà không có hàng rào chắn, tế qua tế lại là chuyện thường tình những lúc rãnh rỗi của hai nhà.
Nhà Anh có nuôi con chó, giống chó gì tôi không biết, tôi nghe chủ nhà gọi tên là Lucky! Nghe nói giống chó Lạp xưởng. Nghe cũng ngộ, lạp xưởng là thức ăn mà chó cũng có giống Lạp xưởng. Chó mình thon và dài đầu nhỏ tai to quắp xuống. Tôi cũng từng thấy một vài con chủ dắt ra đường hóng mát, tiểu tiện. Giống chó chân lùn, lưng bè, thân dài.
 
Ấy vậy mà Anh nhà Giàu này, tôi dám gọi nhà giàu, vì cách ăn nói vợ chồng Anh này có lẽ tiền của dồi dào lắm, nghe họ nói tôi tự so sánh mình với họ, thấy mình nghèo quá đỗi.
Nhìn cách nuôi chó của Anh ta, con chó mập ú nu, đi thật khổ cực, nếu là người hai chân, chắc phải có cây gậy bốn chấu mới đi vững. Trong cái thau nhỏ thức ăn nào là hot dog, thức ăn viên cho chó, kèm theo miếng thịt bò chiên nhỏ. Chó ăn xong đủng đỉnh leo lên giường nệm chó, nằm duỗi cẳng hiu hiu một giấc. Tối lại, nghe Anh kể bồng nó vô salon phòng khách cho nó ngủ, phòng khách Anh sang trọng tôi liếc nhìn coi có lông chó rơi vải không? Tuyệt nhiên sạch trơn ko có nhếch nhác, ko có gì bẩn của con vật nằm kì mài trên đó.
Mà cũng phải, chó nuôi theo cung cách nhà giàu thì đủ tốn kém, hàng tháng chở đi khám BS, chích thuốc ngừa, đi khám răng, clean răng, tỉa lông, nhìn con chó lông mướt rượt, lông già cào rụng hết chỉ còn lông non làm sao có lông già đâu mà rụng!
 
Nghĩ lại con Chó quê mình thật tội, giống chó cỏ nuôi giữ nhà, trưa thí cho tô cơm, đầu tôm xương cá cho tất vào, vậy mà nó chén sạch. Bữa nào chủ chơi sang mua một cân cá nục kho có nước vừa chan vô cơm vừa quậy vài con cá vô, hôm nào có giỗ chạp là bữa đó chó nhà như ăn Tết, ngủ thì ngủ bờ ngủ bụi, mưa nắng kệ chơi xả láng tuốt, có khi chủ sợ thả rong trộm bắt, chủ lấy xích cột lại, sáng dậy thấy tè mấy bãi.
 
Chính vì thơ bơ thất bất như vậy nên chó ta chịu đựng thời tiết dễ nuôi ít bệnh vặt. Khỏi cần giường, khỏi cần nhà cho chó. Chớ mà nuôi theo kiểu chó Tây cái nhà chó ở cả 1000$.
Rõ ràng là chó cũng như người, nhà giàu ăn sang, nhà nghèo ăn khổ. Chó nhà giàu không ăn như chó nhà nghèo. Dân gian hay dùng câu: Khổ như con chó, câu nói biểu thực cho người nghèo.
 
Càng nghĩ càng thấm thía và xót xa hơn: Cái câu nuôi con mới thấu lòng cha mẹ, nuôi chó mới rõ lòng người!
Có chắc gì khi cha mẹ về già con cái nuôi kỷ như nuôi chó của Anh nhà giàu kia? Có chắc gì khi cha mẹ còn sống khi ốm đau được bế bồng lên giường nệm ngủ? Được hưởng miếng ăn ngon tự tay con mình nấu? Được vuốt ve an ủi, được nghe những lời trìu mến, được chăm sóc như chó nhà giàu?
 
Chó có những điểm trung thành, biết nghe, hiểu, biết mừng ngoác đuôi khi chủ đi xa về.
Còn người có khi thua chó, có thể phản lại với người cưu mang mình, xem nhẹ tình thâm, gặp nhau chẳng mở miệng hỏi chào coi người thân thua người xa lạ.
Cuộc đời chó, được nhà giàu tuyển dụng nuôi sướng hơn người.
Người thua con chó! Khi bị chính người thân hất hủi…, chẳng phải trên mạng hà rầm những cảnh đời ngang trái đớn đau…?
Như vậy! Cuộc đời… chó… cũng phải!
 
 
Nói Sao Cho Hết Sự Đời
 
Đời người… Sống bao lâu thì nhận thấy sự đời bấy nhiêu… Có điều nghe, nhìn, nhận và sự hiểu biết đó được đánh giá thấp hay cao, đúng hay sai mà thôi.
Lão Phủi tuy học thấp, nhưng trường đời lão có vẻ dày. Cuộc sống lão khi còn sung sức bộn bề bao lo toan nên lão va vấp ở đời nhiều nỗi, sướng, khổ, ghen ghét, tị hiềm, ganh đua… Nói chung trong sáu chữ thuyết nhà Phật: sân, si, hỉ, nộ, ái, ố, lão hầu như nếm trải.
Giờ đây cuộc sống lão tạm sống qua ngày, lão mới soi lại mình. Mà khi sống chính cho bản thân mình thì lão thấy mình đường về chiều ngắn ngủn. Bạn già lão không nhiều, hầu như một hay hai, ít va chạm có lẽ bớt phiền lòng hơn. Bạn bè, người thân, tốt, xấu lẫn lộn, khó tin và không đem lại cho lão cái vui.
 
Trước ngày vợ lão mất, vợ chồng lão quen biết chơi thân nhiều người, đến khi vợ lão mất, những con người đó cũng biệt luôn, chẳng một lời buồn hỏi vợ mày tại sao chết hay bịnh gì chết, tưởng rằng xa lăng lắc, té ra góc độ không bằng vài cây số.
Còn có kẻ buồn cười hơn. Hồi giàu có thịnh vượng, bạn bè đến thăm chơi khoe mẽ tiền có bao nhiêu đem gởi nhà băng hết, vì thấy lão nghèo sợ mượn mỏ, mà lão đến chơi có mượn đâu. Giờ sạt nghiệp lê lết tới nhà lão xin tiền, than vắn thở dài.
Chờ gặp mặt lão, tình nghĩa gì, trong khi bàn thờ vợ lão chần ngần đó không động tay thắp một cây nhang?
 
Bạn bè, đem lòng ghen ghét, mới hôm qua còn nói ngọt ngào, hôm nay trở lòng tin sao nổi?
Làng trên xảy ra vụ Cha lấy con, xóm giữa Cha chồng yêu con dâu, xóm dưới chồng ung thư nằm chờ chết, vợ bỏ mê trai, hỏi sao không thăm vợ nói: 
-Hôm nay ngày 23 xấu không đi!
 
Xã hội đầy dẫy rác bẩn, nói sao cho hết sự đời, Lão Phôn hôm nay có xe con, có nhà lầu bốn tầng, dân trong làng tự hỏi làm giàu sao nhanh vậy, họ dư biết nhưng không dám nói vì thấp cổ bé họng.
Thằng Xe lương công chức chạy sô vắt giò cạn sức lương ba cọc ba đồng, chẳng khá nỗi, vợ con nheo nhóc, cái nghèo bám riết, nó muốn đổi đời nào dễ, thân cô, thế cô mảnh bằng cũng vô giá trị.
 
Xóm dưới, có con nhỏ bịnh ung thư, nghe đồn nó uống thuốc nhằm thuốc giả, thật giả lẫn lộn, mình dân ngu, có nằm trong viện bào chế đâu mà biết gốc gác?
Lão Phủi thấy mình càng già và muốn chết cho nhanh vì thấy cuộc đời lòi cái mặt nạ giả dối nhiều quá!
Từ xã hội cho đến gia đình… Lão không có niềm tin chút nào! Phải chăng lão sống… để mà nhận thức nhiều thứ… mà chính lão nếm mùi và những người như lão phải cúi đầu trước sự… ngờ vực… bất công từ trong nhà ra ngoài phố…

  Trở lại chuyên mục của : Đào Nguyên