ĐÀO NGUYÊN


Lồng Son
 
Ông ngồi đó đã lâu, dáng Ông ngồi xiêu vẹo. Thỉnh thoảng hai làn môi Ông bập lên bập xuống, có lẽ Ông muốn nói điều gì đó, nhưng chẳng ai nghe, và không biết Ông nói gì vì nhà đâu có ai ngoài Ông và con cún vàng mới ba tháng tuổi.
 
Cún vàng nhà Ông cũng buồn như Ông, từ khi Chủ nhỏ xây cái villa to bề thế, ngăn cách khoảng không gian bên ngoài bằng bốn bức tường cao nghệu với hai cánh cổng sắt đóng im ỉm suốt ngày.
Cún vàng chỉ biết quanh quẩn bên Ông Chủ già, nhiều lúc nó cũng cao hứng đùa với mấy con bướm nhỏ khoe đôi cánh lả lơi trước mặt nó ở trên đám cỏ xanh trong vườn.
 
Ông Chủ trẻ xa quê hương mấy chục năm trở về quê nhà thấy xóm làng đổi thay nhiều quá. Nhìn cảnh nhà mình thấp lè tè thấy đìu hiu, xung quanh ai nấy xây nhà cất kiểu tân kỳ. Cũng may nhà còn đất khá rộng. Chủ trẻ quyết tâm gởi số tiền lớn về xây nhà to cho bằng người, một phần muốn cho chị em vui để Ông Cha ở trong ngôi nhà đẹp an dưỡng tuổi già.
Cũng từ đó, Ông chủ già cô đơn hẳn đi. Ông Ko còn bạn già chọt gậy tới nói chuyện tầm phào nữa, muốn ăn cái bánh cái trái hay nhờ mua miếng cá cọng rau, Ông cũng không làm sao nhờ ai mua dùm được.
 
Có những trưa buồn, Ông Chủ già nhắc ghế ra ngồi hàng hiên, cố nhướng đôi mắt nhập nhoè nhìn ra ngoài đường, nhưng tuyệt nhiên Ông chẳng thấy một bóng ai thấp thoáng, tường rào cao quá, Ông chỉ biết đưa mắt lơ đãng nhìn rặng dừa xanh nhà kế bên, nhìn gió lay ngọn dừa. Hoặc có lúc lắng nghe tiếng mưa rơi đồm độp trên giàn vòm tole.
Cứ như vậy ngày qua tháng lại tuổi già của Ông vô cùng buồn, chẳng biết chuyện trò cùng ai, ngoài hai bữa ăn... trấc... trấc con cún vàng vô ăn cơm cùng Chủ. 
 
Ông đâu phải hiếm muộn con cái, Ông có tới mười người con. Năm trước ra đi hết con hai và thằng bốn, giờ chỉ còn có tám. Những người con đều ra riêng có đôi, đứa ở làng trên, đứa ở xóm dưới, đâu có xa xôi gì.
 
Giá mà Ông chủ già biết rằng cuộc sống quá tẻ nhạt và bơ vơ như hôm nay, Ông sẽ không bằng lòng cho các con Ông xây nhà. Thà Ông sống xập xụi như vậy mà gần gũi xóm làng, hàng rào lưa thưa xiêu vẹo ông còn thấy bóng dáng người qua lại, nghe được tiếng rao của thằng bán bánh bao, và Ông đứng sẵn ở đầu ngõ chờ nó. Hay mắt ông cũng vui hơn khi nhìn thấy con bò con trâu đủng đỉnh đi ngang qua nhà Ông.
 
Và cái buồn thênh thang của Ông là cái cảm nhận Ông đã mất tất cả người thân, núm ruột của Ông, họ đã xa dần Ông, họ hầu như quên bẳng Ông, quên người cha già ngóp nghép hơn 90 lẻ. Đáng lý tuổi già của Ông sống vui cùng con cháu, quây quần bên Ông lúc nắng sớm mưa chiều đừng để Ông hẩm hiu một mình trơ trọi. Tuổi già sức yếu ăn bao nhiêu, cũng đâu cần cao sang. Vậy mà Ông phải ráng lần mò xuống bếp, những lúc đó Ông ước gì có một chén cơm một bát canh của con cháu nấu dùm. Thật đáng trách, không trách kẻ ở xa, mà trách những đứa ở gần thật tệ vô trách nhiệm.
 
Cái vui và hạnh phúc của người già là được nhìn thấy con cháu. Dù con có bao lớn, tình Cha Mẹ lúc nào cũng thương nhớ con canh cánh trong lòng. Ông đã nuôi từng đứa con khôn lớn dựng vợ gả chồng, vậy mà theo thời gian tình cảm của các con Ông rời rạc và hời hợt vô cùng.
Những đêm nằm một mình trong phòng quạnh quẽ, Ông thương nhớ từng đứa con, giá mà cho các con Ông bé bỏng như ngày xưa, Ông sẽ âu yếm ôm chúng vào lòng, thà nghèo khổ mà hạnh phúc hơn giàu sang.
 
Nhà to cửa rộng để làm gì mà thiếu đi cái tình? Các con đã tặng cho Ông ngôi nhà to đẹp để làm cho Ông vui, nhưng thực chất Ông có vui ko? Có khác chi các con tặng cho cái lồng nhốt chặt cuộc đời Ông cha già như nhốt con chim quí. Mà con chim rã rời ko thể thoát ra ngoài tự do nhìn bầu trời quang đảng. Nhốt Ông, nhốt cái tuổi già ko có niềm an vui! Ông chìm đắm trong nỗi cô đơn, họa hoằn mới có bóng một đứa con lai vãng.
 
Rồi đây con chim già rũ cánh chết trong cái lồng, có thể trong đêm tối, hoặc ngày mai, ngày mốt. Chẳng có ai bên cạnh. 
Các con Ông có đứa cũng mủi lòng rơi nước mắt than: 
“Ba ơi ! Sao Ba bỏ chúng con mà đi." Những giọt nước mắt muộn màng và dư thừa vì: Mãi mãi Ông đã ra đi vĩnh viễn mang theo một nỗi buồn u uất: “Có con như không có!"

  Trở lại chuyên mục của : Đào Nguyên