ĐÀO NGUYÊN


Tình... Không Ranh Giới!

 
Tôi mang cái tội... làm đầu gấu hái trộm ổi tàu nhà ông Sáu Chày, mà giờ ngẫm lại thấy tự... mỉm cười một mình!
Bà Sáu Bụng, sinh người con thứ sáu đặt tên Dò, 5 người con trước mỗi đứa mỗi ông chồng nên bà sinh thêm con Dò người ta đặt cho bà cái tên Sáu Bụng. Thuở ấy, bà Sáu Bụng sồn sồn tuổi bốn mươi, tuổi tác vào thời đó trông già khiếp, không phải tươi trẻ như bây giờ.
Băng bẹ của tôi có năm đứa, Tôi, con Tòi, thằng Hắc, con Bế và thằng Lác cháu bà Sáu Bụng!
Cứ ăn cơm trưa xong chúng nó cắt tôi canh bà Sáu Bụng bởi nhà tôi và nhà ông Sáu Chày chung một hàng rào.
Con bé nhỏ thó như tôi núp dưới hàng rào nhà ông Sáu Chày nhìn qua hàng khe hở hàng rào dâm bụt, thấy rõ bà Sáu Bụng vừa mập vừa lùn đầu đuôi lúc lắc bước vô cửa hông nhà ông Sáu Chày, bà chỉ cần đẩy nhẹ cánh cửa sịch mở và đóng lại vội vàng. Lúc đó tôi làm ám hiệu là đám trẻ nhỏ của tôi tràn ra vườn thoăn thoắt leo lên cây hái ổi, to, bóng, sù sì gì hái tuốt luốt, hái trộm làm cho lẹ làng, thì giờ đâu mà lựa ngon dở, chín, chua?
Hồi đó nghe mấy bà trong xóm xì xào to nhỏ nói: Ông Sáu Chày với bà Sáu Bụng chơi đu ngựa, tôi thầm nghĩ: Ông Bà chơi đu ngựa sao hỏng thấy dắt ngựa vô ta? Hỏng lẽ trong nhà ổng có nuôi con ngựa? Mình sao ko thấy ổng dắt ngựa đi ăn?
Vườn ổi mỗi ngày thêm xơ xác, trái chua, trái già ko còn, chỉ còn trái mới rạy. Tốt ngày lão Sáu Chày ra vườn ngắm cảnh, coi lại mấy chục trái ổi chùm bao kỹ càng ko cánh bay mất, ổi già cũng hết sạch, Ông tức mình chửi lớn:
- Ông bà ông vãi cái đứa nào tới nhà tao lặt sạch mấy trái ổi, tao mà bắt được tao vặn họng bẻ cổ!
Mặc ông hăm he, chờ lứa ổi con ra quân tiếp. Ngày tháng tiếp diễn, cái màn hái trộm cũng quên bẵng chẳng đứa nào nhắc nhớ chi, vì đã qua mùa hè học sinh bắt đầu đi học vô niên khoá mới.
Bước qua hàng rào nhà ông Sáu Chày chơi trò chơi đu ngựa, hỏng hiểu sao bụng Bà Sáu Bụng càng ngày càng sình chương sính chướng ú nu. Lọt ra con Dò.
Con Dò sinh trong hoàn cảnh ko mấy sáng sủa, ko có Ba, bữa đói bữa no, càng lớn nó càng lộ ra khùng khịu, ngon dở chỉ có ăn và ko giúp gì cho gia đình. Sau những biến động trong gia đình, mấy anh chị lớn hắt hủi nó, càng nặng nhẹ bà Sáu Bụng nhiều hơn và họ dần dần rời xa ngôi nhà nghèo khổ bỏ lại bà mẹ già và đứa em thứ sáu khùng khịu.
Cũng có người anh chị khi lập gia đình riêng tư khá giả, giàu có, có một người trúng số độc đắc cặp đôi, nhưng ích kỷ, bo bo giữ lấy ăn ko giúp gì cho Mẹ và người em của mình.
Ngày bà Sáu Bụng đau dạ dày thật nặng, con Dò xuống bếp nấu cháo, lầy cầy làm ngả cây đèn dầu làm lửa phực cháy hết một bên bếp, khùng chớ cũng biết sợ bà hỏa, nó la nó gào, hàng xóm nghe chạy tới cứu hỏa dập lửa giùm, cái bếp tranh mất một phần mái, còn toang hoác gió lùa. Vậy mà các con bà Sáu Bụng dửng dưng chẳng ai ngó ngàng tới.
Người hàng xóm kẻ bỏ công, người tấm tranh che lại giùm cái nhà bếp cho bà Sáu Bụng.
Bà Sáu Bụng cũng ko qua khỏi, bà nhắm mắt theo Ông theo Bà, để lại con Dò khùng ko người chăm sóc. Nói khùng như nó nhưng liệt vào hạng khùng khôn, nó biết khóc hụ hụ khi má nó mất. Nó biết, ngồi ăn nó mời: Bà Sáu dìa ăn! (nó gọi má nó bằng bà Sáu). Củ khoai luộc hay miếng bánh hàng xóm tội nó, cho nó, con Dò đều đem bỏ lên bàn thờ cho má nó. Rồi nó mới ăn sau. Chưa bao giờ hàng xóm thấy đám con bà Sáu Bụng, nhắc hay mang nải chuối bình bông về đơm trên bàn thờ mẹ họ.
Nghĩ cũng tội cho Bà Sáu Bụng kiếp nghèo lao lư, đôi khi xả thân mình, đưa đẩy thân mình trong hoàn cảnh nào để kiếm chút lộc, tài, về nuôi đàn con cho lớn khôn không chết.
Nhưng khi các con lớn khôn rồi chỉ biết suy nghĩ riêng tư, ko thấu hiểu hoàn cảnh nào đưa đẩy mẹ mình phải ra nông nổi như vậy?
Hiếu cũng không, thảo cũng không! Đúng là mẹ chỉ cho đi, không bao giờ đòi lại hay kể công, nhưng làm con thì ngược lại, soi, xét, phải, chẳn, đòi hỏi rạch ròi... đâm ra chối bỏ, thù hận. Té ra con Dò khùng lại là con người có chút tình máu mủ, biết nghĩ và thương Mẹ mình! Dù đầu óc nó rất mụ mẫm không có bình thường!
 
Ngày 10/5/2021

  Trở lại chuyên mục của : Đào Nguyên