ĐƯỜNG DU HÀO
 
 
Lạc Lối Về
Truyện ngắn
 

."Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ" - Vũ Hoàng Chương (1916-1976)

Bảy giờ sáng, cửa ra vào khách sạn hãy còn đóng kín, người đã lũ lượt kéo ra sân để chờ xe. Kẻ đứng, người ngồi rải rác trước cửa ra vào, trên bực thềm, ngay cả trên lề đường góc Saint-Urbain&Viger nơi tạm thời có bảng cấm người qua lại. Phố Montreal vẫn chưa thức giấc để đón chào một bình minh đẹp. Gió nhẹ, man mát hơi nước từ bến cảng bên kia đồi. Một vài tia nắng vàng đầu ngày điểm trên thượng tầng những tòa cao ốc. Bên kia đường, đối diện khách sạn, một người vô gia cư còn co người, trùm chiếc túi ngủ rách trong một góc nhỏ. Hôm nay có chuyến đi thăm viếng phố Quebec cổ.
Người chờ xe càng lúc càng đông. Hình như có lộn xộn gì đó trong việc sắp xếp hai chiếc xe ca cho số người đã ghi danh tham dự chuyến đi này. Thiệt ra, thời gian chờ đợi cũng không đến nỗi tệ lắm, chỉ khoảng nửa giờ sau một chiếc xe đã trờ tới, ngừng ngay góc đường. Lập tức góc phố này sống dậy. Từng nhóm nhỏ, lẻ tẻ đây đó, hối hả nhập vào hàng dài, nhanh nhẹn bắt cặp lên xe dành chỗ để chuyện trò riêng, tâm sự lẻ. Tiếng kêu réo, tiếng ghẹo chọc tru tréo, đẩy đưa những lời thăm hỏi, trao đổi những câu chuyện có cùng tuổi với trái đất. Trên xe đầy ắp tiếng cười. Hạnh phúc. Triền miên. Xe lăn bánh. Cơn buồn phiền vì chờ đợi sáng nay theo khói xe, bụi mù gởi lại cho con phố còn im lìm mê ngủ. Quán cà phê Starbucks trên đường Saint Antone vẫn còn kín cửa.
Rời Montreal một cách chậm chạp, chiếc xe như nôn nóng hăm hở chực chờ vào xa lộ để trực chỉ Quebec tranh với thời gian. Ở giao lộ, xe... bò. Các đầu ra xa lộ dày đặc bảng chỉ đường màu trắng cam cảnh giác đường đang được trùng tu, sữa chữa. Chừng bắt vào đường cao tốc, xe như tàu được nước, phon phon hai máy trước tiến, êm ả. Steven, anh sinh viên hướng dẫn du lịch gốc Hoa giọng tiếng Anh gãy khúc, mở loa bắt đầu công việc thuyết giảng từ những bài địa dư, lịch sử soạn sẵn, mỗi khi xe qua một địa danh, cây cầu, hay một thành lũy cổ. Một vài mái tóc bạc phếch nghểnh tai chăm chú theo lời hướng dẫn, một số khác, lạc lõng trong tiếng Anh chập chờn của người nói, trở lại việc dở dang, tiếp tục xầm xì những câu chuyện chẳng có gì mới. Chặp sau, sinh hoạt trên xe yếu dần, rồi yên ắng lại. Rồi nhàm. Trời quang, mây tạnh. Xe êm như chiến đỉnh Coastguard trên biển dầu những ngày tháng ba đi tuần ra cửa Nhỏ bán đảo Cam Ranh. Một thoáng Bình Ba kéo theo về trong trí nhớ Hải Đội Hai, Duyên Đoàn 22 với cầu tàu bận rộn, những chuyến nghỉ bến ngắn, cuộc vui qua mau, đêm lênh đênh...
Trở về trên liên tỉnh lộ 40, không bụi mù ô nhiễm, không ổ gà chòng chành. Nhiều quảng đường dài chỉ thấy toàn một màu xanh non cỏ ruộng. Đường thẳng như một cây thước thợ. Không có lấy một ngọn đồi nơi chân trời, tệ hơn, một ổ mối để nhắc nhở đến hai ngọn đèo Rù Rì và Rọ Tượng thời đi học. Tất cả vắng lặng. Năm mươi lăm tàn dư của một cuộc chiến nhiều tranh cãi đã thấm mệt không vì sóng gió trong những chuyến hải hành thời trai trẻ mà vì, hôm nay, những con kình ngư này đã mắt cạn theo vận nước. Neo buông, kiếm gãy. Họ đang hoang mang xích lại gần cái đích cổ lai hi mà thiên chức nam nhi thất phu hữu trách khi quốc gia hưng vong chưa toại.
Steven vói tay tắt loa, mở phim. Phim cũ: Home Alone-Tài tử tí hon này giờ đã lập gia đình! Ngoài ánh sáng đứt quảng của mặt trời tháng bảy len vào lòng xe hâm nóng những cái đầu gục gặc, thân người lúc lắc theo độ con nhún của chiếc xe là âm thanh rè rè phát ra từ một màn ảnh truyền hình 14 phân Anh lập loè, hoà tiếng động của bánh xe nghiến mặt đường, và tiếng ngáy. Chợt vai mình thấy nặng. Đầu Mai đã tựa, mái tóc Mai gió lỏng buông, vạc tóc ẻo lả đậu trên vai, nằm yên chiếm ngự. Nghe đâu phải mất sáu tiếng đồng hồ mới đến.
Nhưng, rồi cuối cùng chiếc xe cũng đến (nghe như cuối cùng rồi con người cũng chết trong syllogism). Chiếc xe bus dừng ngay tại bến cảng khu Quebec cổ. Lại lũ lượt hấp tấp xuống xe. Đám người như ong bị phá tổ, túa ra ồn ào, gọi nhau ơi ới, cho dù xe đã làm một cú ngừng ngắn để buông thả chân tay hai giờ trước đó.
Bến tàu chật ních thuyền ghe, neo cột san sát như con mắm. Tiếng sóng chộ mạn thuyền lắc lư, cạ nhau nghe lộp độp, kẹt kẹt. Mấy chiếc du thuyền đắc tiền, to, sang trọng không vào được cận bến, neo xa xa làm cảnh. Kiêu kỳ. Nhìn mặt nước trong xanh mà thương con sông Dinh của quê mình. Không dài như Dương Tử, không vĩ đại trù phú như Cửu Long sông mình quanh co, uốn khúc; lừ đừ soi bóng hàng tre, dãy trúc, mái chùa làng; hai mùa trong, đục. Chuyện lội sông trộm mía mới ngày nào tưởng đã trôi theo triều nước ra biển Phú Thọ, Đông Hà...

Làng tôi giữa một khúc sông
Hai bờ gần xủn nên không có đò
Thuở mười lăm, tuổi học trò
Thư xanh trả ngược buồn xo đầu giường
Giờ xa làng cũng vấn vươn
Con sông uốn khúc, mùi hương cỏ đồng...
Nhớ hôm lội bộ qua sông
Loay hoay rớt tập... thơ lòng trôi xuôi...
Rau răm di tản ngậm ngùi!
(đdh)

 
Từ chỗ chiếc xe ngừng, bước lên lề, băng qua đường là một dãy hàng quán rộng mở, quang đảng. Du khách Tây, Ta ngồi giải khát uống trà, nhâm nhi cà phê dưới những tàng sồi, maple đại thụ cao ngất ngưỡng, rợp bóng. Không ai nói với ai. Đưa mắt nhìn gần sẽ thấy họ tuy cùng bàn, nhưng thiệt ra cách xa nhau vạn dặm vì kẻ thì chúi đầu vào iPad theo dõi thị trường cổ phiếu, người tọc mạch "smart phone" "texting". Kỷ thuật hiện đại biến con người trở thành những cù lao cô đơn. Nhưng, nhìn thoáng thì phong cách cũng đế quốc, thực dân, ung dung nhàn nhã.
Trên đường, nhóm du khách da trắng đang dạo phố ngắm cảnh, bất ngờ bị lép vế trước một đám tóc đen hăng say, nhìn nhau ngẩn ngơ. Hai, ba mụ đầm già còn đưa máy hình bấm cạch cạch mấy phát. Chắc lần đầu tiên thấy người Á châu xí xô, xí xào. Lòng đường hẹp. Người đông cứng. Đủ thứ âm ngữ lạ hoắc, líu lo. Người ta chen nhau để... mua sắm! Áo thun, nón...thứ gì cũng được miễn có hàng chữ Quebec hay Canada. Lạ thật, đã đến tận nơi, nhìn tận mắt còn muốn chiếm hữu, mang cả bầu trời xứ người về! Mấy tiệm bán đồ kỷ niệm, đồ cổ, tranh ảnh dọc phố được mùa, trúng mối lớn. Mình chưa chích ngừa nên không miễn nhiễm, bị cơn dịch mua sắm lây lan. Hình ảnh ba thằng cháu nội, ngoại lí lắc tranh nhau những món quà lạ mắt từ chuyến đi xa, lảng vảng trong đầu. Khều nhẹ Mai: "chúng mình sẽ "shop" du kích chớp nhoáng khi trên đường rút".
Old Quebec như phố cổ Vieux Nice, nơi hai đứa gặp nhau gần bốn mươi năm trước. Thật là một kỳ ngộ. Gốc gác từ cùng một quận lỵ xa xôi nằm trên quốc lộ số 1, con đường xuyên suốt Bắc Nam, duyên đâu gặp nhau ở tận trời Tây tại một thành phố trung tâm du lịch tiếng tăm của Địa Trung Hải: Nice! Lúc đó, mình bị cuốn hút bởi cả hai, người và cảnh. Ngày ấy --và cả bây giờ-- biển Nice xanh, cát biển Nice trắng (bây giờ là sỏi, sau lần thành phố lập thành trì chống sóng thần). Phố học trò của hai đứa cũng biển xanh cát trắng. Nhưng, hai thứ song đôi này, cái gì ở đây như cũng trội hơn một độ đậm: xanh hơn, trắng hơn. Có lẽ, bên nhà, mình bận nghe đạn nổ, khói súng làm mờ đi chất màu của thiên nhiên. Hay là, vì có hai người nên sắc màu nơi đây ửng lộ?! Còn người? Lần chạm trán đầu tiên, người Pháp nhỏ con, không dềnh dàng như người Mỹ, người mình nhờ thế chìm theo, khó phân biệt. Người thành phố thì lúc nào cũng hối hả, mình cũng chẳng nhàn nhả, rảnh rang. Còn phải lo cho cái sinh tồn. Sau những lần vất vả toát mồ hôi chỉ còn lắng đọng. Người Pháp phè. Hai kỹ nghệ nổi tiếng dẫn đầu thế giới bao năm qua chỉ quanh quẩn giữa cái ăn và cái mặc. Bản chất thực dân bơ sữa trong máu tại mẫu quốc không đổi khi viễn chinh, nhiều thuộc địa màu mỡ chinh phục được đã lần lượt rơi vào tay anh láng giềng bên kia biển Manche. Trong đó có Quebec nói tiếng Tây thành Quebec nói tiếng Anh! Thiệt tai hại! Bởi đó, phố Quebec cũ thật đẹp giống những thành phố xưa của Pháp đứng vững cả vài trăm năm hơn. Nhà gạch. Tường vôi. Ngói đỏ. Có những bờ thành cao với dàn dây leo xanh buông thòng như tóc xỏa. Từ cửa sổ những cao ốc mái đen cổ kính, những chậu bông hoa đỏ, hoa vàng tô đậm khiếu thẩm mỹ trong lối sống của người bản xứ. Ngay cả những tấm biển chỉ đường cũng như tên hiệu buôn, hàng quán đều được trình bày và sơn màu trang nhã.
Phố nắng nhưng không nóng, nhờ gió phe phẩy từ bờ sông. Mây trắng điểm trên bầu trời xanh trong lôi cuốn dân chụp ảnh. Mai nắm tay mình dằn nhẹ, nói anh cứ mê chụp hình, ráng đi nhanh theo kịp nhóm, lạc đàn biết về đâu.
Cả bọn cùng kéo nhau lên một con dốc thoai thoải. Khi đến dưới chân cầu thang Casse-Cou (Breakneck Stairs) Phượng kéo tay Mai, hướng về chỗ nhiều người đang xếp hàng, nói mình lên đó xem. Hai ông hộ vệ, Tuấn và mình biết là không còn lựa chọn, mỗi người khệ nệ trên vai một máy hình to tướng, nặng trịch, cùng đổi hướng bám sát. Ngọ khỏe hơn, một tay cái máy quay phim nhỏ, tay kia chiếc máy hình mini.
Hương thích được chụp hình, thích được thấy mình trên màn ảnh sống động --chị nào chẳng vậy!-- Ngọ đành phải thích quay phim. Lần đi chơi nào cũng vậy, anh kiên nhẫn kè kè cái video camera Sonny nhỏ trên tay, đến chỗ nào có cảnh đẹp hay Hương đẹp, anh kín đáo đưa máy lên thâu vài phút.
Thay vì cuốc bộ lên một con dốc cao như anh chị Ngọ Hương, bốn người quyết định dùng thang máy. Tuấn tình nguyện chi hai đồng rưỡi cho mỗi người lười biếng. Mất đi mười đồng "CA". Chân cầu thang là một "hộp" quán nhỏ, chật, bán đủ thứ đồ hằm bà lằng. Vào quán phải đi qua một máy đếm. Mỗi đợt lên xuống kéo khoảng mười người hay năm người bự cỡ bao gạo chỉ xanh. Thang máy là một lồng gương trong, không lên thẳng mà lài, loại escalator, thang máy trong các "shoping center". Hai thang chạy ngược chiều nhau, lên xuống chầm chậm, đủ thì giờ để du khách thưởng thức cảnh quang nguy nga của phố cổ. Đáng đồng tiền. Đáng hơn nữa là khi bước ra khỏi cầu thang: cả một không gian vĩ đại, thoáng mát; một công viên lát gạch với những luốn rosemary tím bên lối đi; với những tượng đồng cao, tòa nhà hành chánh, và lâu đài nguy nga hùng vĩ, lâu đời. Người cứ như bước ngược thời gian trở lại thời Phục Hưng một hai thế kỷ. Mặt trời trên đỉnh đầu. Người ung dung kiên trì tạo dáng. Không cưỡng chế, ba cái ống kính và máy thâu hình tranh với thời gian cạch cạch, rè rè cố giữ lại nét mỹ miều của người và cái đẹp của cảnh trong ánh nắng chói chan. Bất chợt, thấp thoáng cái tuổi sáu mươi của Mai ẩn hiện qua ống kính Canon.
Mau vậy sao? Ngày "tôi đưa nàng về dinh" đổi biển xanh nắng hạ để về với đồi núi ngút ngàn giữa tuyết lạnh trời đông mới đây mà đã gần bốn mươi năm qua!? Đứa con gái đầu lòng sanh thiếu tháng tại nhà thương Lenval còn đỏ hỏn, nằm trong chiếc nôi quá khổ trên máy bay về Mỹ ngày nào, bây giờ đã ba mươi sáu tuổi già, đã là mẹ của hai thằng cu bậm trợn...
Chụp xong tấm hình chung, anh chị Ngọ Hương lẫn vào đám du khách, biến mất. Không phải lần đầu hai người này xé lẻ. Hai cặp còn lại lang thang dần vào khu phố đông đảo rợp bóng cây. Tiếng vĩ cầm ẻo lả từ một tay đàn tài tử kêu gọi lạc lỏng giữa rừng người. Âm khúc quen của bài nhạc dồn dập theo lòng hảo tâm của khách rơi vào đầy ắp chiếc nón vải lật ngửa. Bốn người lần qua dãy "cà phê hè phố", chen lấn giữa những tách Arabica sánh đen màu da dân phu đồn điền. Mùi cà phê thơm ngây ngất. Cái hương vị đắng chát nhưng khó cưỡng chế này như một thứ ma tuý nhẹ mà một khi đã qua cửa miệng là ghiền, là vấn vươn nói theo chữ nghĩa của các nhà thơ. Nếu bắt buộc "mỗi ngày tôi chọn một niềm vui" theo Trịnh Công Sơn (1939-2001), minh sẽ chọn cà phê! Trong cái không khí lành lạnh của buổi sáng, không gì làm ấm môi bằng một ly cà phê.
Thành phố Seattle hội đủ thiên thời địa lợi, là sinh quán, "birthplace" của cà phê Starbucks, trở thành thủ đô của "văn hoá cà phê" Mỹ. Thương hiệu Starbucks hiện diện ở khắp nơi, án ngữ mọi ngả đường, nằm trong từng góc phố. Hình ảnh người đi đường co ro trên phố tay cầm ly cà phê Starbucks có in hình cô người cá trở nên thân thuộc. Từ quê hương này nó lan tỏa, mọc tràn từ Tây qua Đông, từ Mỹ chinh phục Âu, chế ngự Á; nở rộ như nấm, một loại nấm hương: hương cà phê!
Chưa thấy thương hiệu cà phê của chú Sam xuất hiện nơi thành cổ Quebec! Nhưng tin chắc đi, sẽ không lâu, và cũng đừng kinh ngạc nếu một mai nhận ra mình đang ngồi tại đây, trên con đường ngàn năm cũ này nhâm nhi Starbucks! Cứ nhìn Sài Gòn đã đánh mất tự cao, mở ngỏ, và Hà nội cuốn quít trong cơn sốt vật chất, không còn sức để ngăn sông. Người ta đang thương tiếc "văn hóa cà phê" của thủ phủ ba mươi sáu phố phường khi bất lực đứng nhìn cô người cá Bắc Mỹ đang "hồ hởi, phấn khởi" lội ngược xuôi, thong dong nơi xứ ngàn năm văn vật. Đâu rồi bọn Tư Bản "kẻ thù của dân tộc"?
Từ đây xuôi theo dòng người, xuống những con đường đá nhỏ trở về hoàng triều đế quốc Pháp. Đến Petit Champlain --Samuel de Champlain thành lập “abitation” năm 1608-- Phượng nhắc ghé vào một quán cà phê: Smith Coffee Shop, La Maison Smith 23 Rue Notre-Dame Quebec City. Hai ly cà phê đá caramel, hai cam, một chiếc bàn tròn, nhỏ con con trên lối đi có mái che, nhìn qua băng đá thời Quebec mới lập quốc còn bay mùi bơ vùng Bretagne quét trên baguette nóng. Thêm một bông hoa tím nhỏ là vừa đủ để kéo ra những vần thơ sôi sục trong đầu Tuấn. Tuấn là nhà thơ Vũ Hoàng Thư mà mình rất mến mộ, và thường gọi là nhà thơ "không nhỏ" vì những lục bát tình thật êm và phiêu, những câu chữ gãy khúc đặc thù... Đây, bằng chứng trong Hồ Nghi của họ Vũ:

tìm nhau
còn chút hồ nghi
ở tôi
bỗng chạm
xuân thì rất em
tìm nhau
tay níu giữa đêm
ở em
có gặp
biển ghềnh rất tôi?

 
Thơ hay, cà phê thơm dịu. Mỗi người một ý tưởng lang thang. Tuấn nhìn ra con đường hẻm nơi có hàng bông giấy, có thể đang tìm ý thơ; mình, trống rỗng, đầu lưỡi đê mê hương cà phê lạnh; Mai, chắc là đang suy tính chuyện sắm đồ cho cháu; Hồng Phượng đang nghĩ gì? Chịu!
Ngồi dưới mái hiên cà phê Smith nhìn lơ đảng về phía trước, bất ngờ nhận ra bên kia đường một số bạn trong nhóm tự bao giờ đã chiếm chiếc băng đá bên hồ nước hoàng gia. Qua ống kính, từ con đường đá, bùng binh nước, bức tường, đến tòa nhà xung quanh đều có tuổi già hơn hai, ba thế kỷ. Những kiến trúc cổ điển này trở thành hậu cảnh cho một tấm ảnh tuyệt vời. Bạn mình từng cặp, từng cặp đứng, ngồi đẹp như những diễn viên chỉ đáng tiếc y phục thì lại quá hiện đại cho một tuồng tích cũ. Mình chợt liên tưởng đến câu thơ "lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ". Sao mà hợp tình, hợp cảnh, chính xác từ cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Có thể nhà thơ đã nhìn thấy cảnh này mà làm ra bài thơ để đời?!
Thật không hẹn mà gặp. Vậy là anh chị Ngọ Hương cũng không xa. Có thể đang là hai con chiên lạc, thỏ thẻ kín đáo bên tượng thánh trăm năm trong giáo đường xưa phía trước mặt.
Chuông nhà thờ điểm. Giờ hẹn đến trong thất vọng trộn với ngỡ ngàng. Tiếng chuông lảnh lót gợi lại tiếng kẻng khô khan nhưng quyền lực bắt đầu một ngày dài vô tận thuở thụ huấn ba tháng quân trường Quang Trung. "Quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu". Nhưng mỉa mai thay máu ngưng đổ không do mồ hôi quân trường mà từ nước miếng trên bàn hội nghị. Những ngày tháng huấn luyện gian khổ nhọc nhằn đã cướp mất tuổi trẻ trở nên vô duyên trong đoạn kết của cuộc chiến Nam Bắc tương tàn. Còn chăng chỉ là cái tác phong nhà binh. Cà phê cầm tay, kéo nhau lần mò xuống những dốc, những đường chưa kịp quen tên. Mai bấm tay. Trong nháy mắt, hai đứa đồng tình đứng lên rời tiệm cà phê, bước nhanh về con đường trước mặt tạt vào một tiệm bán quần áo và đồ lưu niệm. Hấp tấp. Lựa chọn. Màu sắc. Kích cỡ... Cứ tưởng tượng ra cảnh thằng cháu miệng tươi như hoa đón ông bà nội tại phi trường là lòng vui không nói ra lời. Vào cái tuổi mà con số trong "ngân mục thọ mệnh" giảm dần, cứ chúi xuống, xuôi Nam mỗi ngày thì hạnh phúc bên con cháu tiền bạc cũng chưa chắc mua được. Minh sẽ tập họp chúng nó cuối tuần này, cho mấy đứa nhỏ quà, bắt chúng mặc những cái "t-shirt" màu mè mới mua...
Nghĩ đến đó không thôi là lòng đã vui như Tết. Thế là như hai con thoi trong khung dệt, hai đứa tả xông, hữu đột, qua phải, quẹo trái. Còn chưa bằng lòng, băng qua con đường bên, kéo đến tiệm kề cận. Rồi một tiệm, hai tiệm... Cứ thế, vô tình đi xa dần, xa dần điểm hẹn mà không một mảy may tỉnh ngộ. Trả tiền xong, cầm những gói đồ trên tay, nét mãn nguyện hiện rõ trên mặt. Nhưng than ôi, hạnh phúc nào mà chẳng đi kèm với khổ đau, lúc nhìn lại hướng về thì ôi thôi nó lạ hoắc, cứ y như từ cung trăng rớt xuống; giống y chang Lưu, Nguyễn --là hai người, không phải Nguyễn Lưu theo kiểu USA lộn tùng phèo tên họ-- trở về từ sau khi lạc vào chốn thiên thai. Mà phải chi mình đã nhập được thiên thai thì ít ra cũng biết mùi đào tiên. Đằng này... Đã qua giờ hẹn, hai đứa nhanh chóng qua trái, quẹo phải, lần xuống một triền dốc. Mặt trời đi xuống lôi theo lo lắng hoang mang phủ chụp lên người. Mình bất kể cái chân đau, liệng ngay ly cà phê "to-go": chạy! Mồ hôi toát ra. Ướt đẫm. Phờ phạc. Dừng bước, đưa mắt nhìn: Hai đứa vẫn còn nơi thiên thai! Tội nghiệp Mai cứ vừa chạy vừa quay lại xem chừng đấng phu quân, con vịt bầu bị rớt lại phía sau. Cứ qua mỗi một khúc quẹo, một con đường là một hy vọng. Hy vọng lớn dần rồi nổ bịch như bong bóng! "Hình như hướng kia", Mai kéo qua. "Không, hướng này", mình ghì lại. Ôi còn gì là cuộc tình một khi đã mất đi "định hướng". Cả một thế kỷ lần mò trôi qua. Cuối cùng thì đây rồi! Đây bến tàu, kìa dãy hàng nước! Hàng cây maple quen thuộc, nhưng chiếc xe thì không thấy ở điểm hẹn?!
Gió sông tự dưng thổi vù vù. Giữa đại hồ bỗng nổi lên một trận cuồn phong. Cơn bão cấp năm! Bầu trời trong xanh trước đó ai đã cắt sợi giây treo đổ sập. Tiếng ve kêu, dế gáy. Đom đóm, trăng sao giữa trưa hè. Quebec nằm gần Bắc cực. Mình nổi lạnh, lạnh đến đóng băng, đông thành đá! Nắm lấy tay Mai, bàn tay ướt đẫm mồ hôi. Hai đứa đứng im nhìn về hướng sông lặng lẽ, bất động. Đẹp chỉ thua hai bức tượng của nhà điêu khắc Michelangelo (1475-1564 Rome Italy). Thế là hết! "The end"! "C'est fini"! Nhưng, còn một an ủi: ít ra hai đứa mình vẫn còn có nhau không như trong đại thi phẩm truyện Kiều (Nguyễn Du, 1766-1820), chỉ Từ Hải mình ên chết đứng. Câu thơ thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã viết lảng vảng trong đầu. Mình lẩm bẩm, như một ông già bị chứng Alzheimer: "em ạ, không những hai đứa mình "đầu thai nhầm thế kỷ" mà còn... lạc hẳn cả đường... về!"

10/2014


 
 
  Trở lại chuyên mục của : Đường Du Hào