ĐƯỜNG DU HÀO

 Tản Mạn Ngày Xuân

 
Mai nở một nụ cười thật tươi, hàm răng đầy chắc bóng, nói: "ông phi công thiệt giỏi, đáp xuống đường băng êm ru. Em tưởng mình đang còn lòng vòng trên trời. Mùa này đi máy bay về hướng mình, mây nhiều không khí đặc quánh bay chòng chành chao đảo làm mình cảm thấy khó chịu".
 
Chỉ cần nhìn cái núm đồng tiền lỏm sâu trên má của Mai tôi cũng đoan chắc chuyến đi thành công, vì trước khi đi Mai rất lo âu cho hai thằng cháu. Có những điều không cần phải nói ra.
 
Mason nằm gọn trong chiếc túi vải mang trước lồng ngực chẳng biết bà ngoại nói gì, vô tư đưa mắt nhìn những người xung quanh đang lăng xăng lấy hành lý trên mấy ngăn chứa trên trần. Máy bay đã đáp xuống phi trường Seatac. Bây giờ là 10 giờ đêm, cuối đông.
 
Gia đình chúng tôi vừa trở lại đất liền sau một tuần nghỉ tại đảo Oahu, Hawaii. Chuyến đi được vợ chồng Julie và Tú sắp xếp chu đáo hơn ba tháng trước. Phải nói chu đáo vì có mang thêm hai trự nhỏ: Cameron và Mason, đứa hơn ba và đứa chỉ gần hai tuổi. Thiệt ra lần đi chơi này chủ đích là cho hai thằng nhóc --và tôi, ông già ăn theo-- hưởng chút ánh nắng trước khi mùa đông nghiệt ngã đến. Nhất là cho cậu út. Mason mấy ngày nay bị lạnh, ho nhiều về đêm và có đàm. Dây dưa, không thuyên giảm.
 
Tiếng đing đong báo hiệu cho phép hành khách rời tàu vừa dứt, tức thì đồng loạt tiếng lách cách của nịt dây an toàn vang lên giống âm thanh hối thúc của một loại nhạc khí trong một bài giao hưởng. Mọi người cùng đứng lên, hối hả, kẻ valise, người túi xách ngóng về phía cửa. Một, hai phút trôi qua. Hình như cửa vẫn đóng. Hai hàng người dài theo hai bên lối đi bắt đầu có phản ứng khó chịu. Một vài câu nói biểu lộ sự không hài lòng.
 
Sự tắc nghẽn rồi cũng thông. Mất mười phút. Không tệ. Lúc đi ngang qua cửa phi cơ tôi dạm hỏi và được cho biết là trên chuyến bay có một hành khách mang theo một cây mai vào đất liền không có giấy thông quan từ Sở Nông Nghiệp Hawaii. “Chắc có lẽ do sơ ý hay thiếu hiểu biết về luật lệ.” Tôi nghĩ như vậy vì đây không là hàng cấm.
 
Sau khi ngồi sáu tiếng đồng hồ bây giờ bước đi trong Phi Trường Seatac cảm giác rất là thoải mái. Tuy vậy, nếu hỏi đâu được gọi là “Thiên Đường Hạ Giới" trên nước Mỹ thì câu trả lời, theo tôi chính xác vẫn là tiểu bang Hawaii.  Ở đây, mùa đông về đêm vẫn có thể lang thang ngoài trời trong trang phục ngắn nhẹ, sáng sớm vẫn có thể tắm biển, chạy đùa trên cát, và dưới lối đi vào khu nghỉ mát, hàng phượng vĩ vẫn xanh um lấp ló một chút đỏ hoa học trò lung lay. Khó quên. Mặc dù đây không phải lần đầu tôi đến đảo nhưng lúc nào cũng vậy khi trở lại đất liền dư âm của chuyến đi vẫn cứ đong đưa trong trí nhớ. Cũng mất mấy ngày mới nguôi ngoai hay ít ra cũng theo chân đến khi chạm thực tế lúc lấy hành lý.
 
Nơi lấy đồ của chúng tôi có cùng chỗ với một chuyến bay nhập nội từ Việt Nam. Tôi nghe được nhiều người nói tiếng Việt với nhau, ơi ới gọi tên nhau. Tôi cũng thấy những kiện hàng to tướng, những thùng giấy kiên cố nằm bề thế trên những xe mà người đẫy còng lưng xệ vai, vẫn còn mang địa chỉ "đến từ thành phố". Hai anh bạn trẻ "chửi thề?!" chúc mừng nhau vì cây mai họ dấu trong thùng vẫn còn nguyên vẹn!
 
“Lại mai!” Tôi bất ngờ nhận ra Tết sắp đến. Mai là hoa của Tết đây mà!
 
Bây giờ đang là mùa đông. Ở Tiểu Bang Washington đông đến mưa nhiều và lạnh. Tối sớm. Ngày ngắn và đêm dài ra, nói cho thơ, dài như sợi tóc.
 
Về từ Oahu, Hawaii
 
Biệt hải đảo
chào đất liền
mưa chiều lảng vảng Tây hiên chực chờ
Đông đòi con rét nguyên sơ

chưa băng
 sớm mỏng hững hờ mảng sương

rừng phong trơ
lá ngập đường
vẫn xanh bóng liễu hàng dương mé cầu

thì thời gian qua mau
mượt mà mới đó đã màu mây thu...
Lẹ

một tuần Oahu
xuyến xao từ cuộc mộng du trở về. (ĐDH)
 
Tôi ở đây đã bốn mươi mùa đông qua. Bốn mươi năm coi như nửa một đời người!
 
Tết Tôi
 
Ất Mùi nay chẵn bốn mươi năm
Vào Tết quê người luôn lạnh căm
Xuân đến tiêu điều trận bão rét
Đông qua tất tả cơn mưa dầm
Nghinh tân đứng đợi bạn bè viếng
Tống cựu ngồi chờ con cháu thăm
Hỏi giúp giờ này nơi chốn cũ
Có vui rộn rã hay âm thầm?
 
Nói vậy không có nghĩa là tôi hối hận, nhưng trái lại tôi rất thích vì mùa đông làm cho tôi nhớ đến Tết ở quê nhà. Con phố học trò, tôi nhớ, cuối Tháng Chạp có chút mưa bay và cũng lạnh. Co ro trong cái áo ấm dày, lang thang trên Đường Độc Lập ngắm mấy chậu mai đầy nụ đang chực chờ được mang về nhà chưng Tết. Tôi cũng nhân dịp này ngắm, nhiều hơn, mấy tà áo dài bay bay, quấn quít cặp chân dài. thích nhất là ngồi trong Tuyết Sơn nhìn cà phê nhỏ giọt, lắng nghe "làm sao không nhớ những vết chim di..." (Trịnh Công Sơn, 1939-2001, nhạc sĩ, VN) hay thẩn thờ đếm những tiếng guốc qua đường gõ nhịp trên vĩa hè phố biển...
 
Nhưng rồi bổng nhiên Tết của tôi thay đổi, im lìm vắng lặng, và mùa xuân của tôi, từ đó, mặc áo bông dày, lạnh cóng tái tê. Cuối tháng tư nước ròng Cam Ranh chảy ra thái bình dậy sóng. Giữa hè ngọn gió bất từ Trường Sơn, vĩ tuyến, rét đâm da thịt, xoáy vào hồn nhát chém mã tấu, viên đạn AK. Từ đó, phiêu lưu mang danh "vô tổ quốc", nhưng đi ngẫng đầu làm lại thân phận. Sau bốn mươi năm có tất cả --hình như vậy--chỉ thầm mơ nơi cắt rốn chôn nhau. Ca hoài “Xuân Này Con Không Về”. Vì còn gì đâu mà về! Mẹ và anh chị một đêm thức giậy thầy mình mất “căn cước". Căn nhà ký giấy tặng, tay nãi ra đi sống kiếp không nhà, chết không mồ. Xương đã chất thành núi. Máu đã chảy thành sông. Nhưng, hai chữ đồng bào vẫn còn chưa có một định nghĩa tương xứng. Sử sách được viết lại, anh em gọi nhau cũng chưa chính danh. Lấp lém từ ngữ, ghìm nhau từng con chữ, miệng hô hào đoàn kết. Những tấm vải tiếp tục được nhuộm màu. Trí thức thương thân xác, sợ đau, làm thơ ca tụng nàng Xuân. Vui với vận luật thơ Đường trong thời internet. Kẻ thua. Người thắng. Những con chim bị đạn. Đạn Nam Bắc. Đạn nhược tiểu. Đêm Giao Thừa lớp thống trị sẽ tưng bừng pháo hoa, tuông tràn rượu ngoại. Lớp cỏ dại gục ngã, đê mê, với chất đế sản xuất bằng hóa chất từ phương xa. Một đoàn cá hồi tưởng thành rồng mắc kẹt trong vũng nước sình bít lối ra biển Đông. Uổng cho bốn mươi năm đại cuộc! 
 
Thôi, tôi đi ngủ sớm sáng phải trông ba thằng cháu nội, ngoại.
 


  Trở lại chuyên mục của : Đường Du Hào