Đường Ngọc Chi

40 Năm Sau Tết Cuối

Trong khoảng vài năm gần đây tôi thường “di tản” từ miền Bắc đến miền Nam cốt ý tự thưởng mình vài ngày nắng ấm.  Năm nay không khác những năm trước – sắp xếp hành lý đại khái vài chiếc quần áo, 2 đôi giày và một cái mủ. 
Chuyến nghỉ lạnh này có sự trùng hợp.  Nói đúng hơn là khi người khác chuẩn bị về quê ăn Tết thì tôi lại xách gói rời nhà, nhưng vẫn ăn Tết như ai.  Tôi sẽ đến Cali vài ngày trước Tết và rời Cali vài ngày sau Tết.  Càng nghĩ đến chuyến du lịch này càng nhớ đến Tết 1975.  Đúng vậy, chính xác  40 năm tôi xa Tết Ninh Hòa và cũng chừng ấy năm tôi chưa một lần đón Tết.
Mùa Hè trước Tết năm ấy tôi chập chửng  vào Sài Gòn tập làm sinh viên, rồi được về quê ăn Tết.  Tôi nán ở lại Sài Gòn thêm vài ngày để được về Ninh Hòa cùng với một số bạn.  Về đến quê lúc tối, chợ Tết hôm ấy vẫn còn nhóm trễ.  Không khí nhộn nhịp trong ánh đèn lim dim – chợ Tết Ninh Hòa.  Ôi, cái chợ nhiều người!  Năm ấy sao tôi vẫn còn ngây thơ nhỉ?  Thấy người ta đi mua sắm tưng bừng mình lại vui.  Có những lúc người mua đông qúa tôi lại muốn đóng cửa hàng - mệt qúa đến không thèm lợi tức. Nhưng ... cửa hàng đâu phải của tôi.  Mùng Một đến chẳng có gì làm, chỉ ăn với ngủ. Trong những ngày “mùng” tôi ngồi ngay trước cửa nhà rồi nhìn người khác đi chơi.  Tội nghiệp cho những người mang guốc dép mới – đau chân qúa nên guốc dép được cầm tay.  Tôi và chị chủ quán guốc thấy vậy, đồng lõa cười khúc khích.  Một người hàng xóm đến nhà chúc Tết vào buổi tối, thật là tối, chẳng được dùng trà mức.  Tôi biện lý do là tối qúa không thể nào nhóm lửa nấu nước châm trà do vậy không thể mời mức lúc không trà.  Thế là sáng hôm sau khi má vắng nhà, chị em ta cùng nhau cười rúc rích về bài học cách tiếp khách đêm qua.  Ồ, có bao giờ tôi được diễm phúc thưởng thức trọn vẹn “anh đến thăm em đêm 30”?  Năm ấy là năm đầu tiên có người đến thăm, nhưng thăm trong lúc tôi đang phụ bán hàng.  Thôi vậy cũng có mùi một chút tình, giống như có một chút gì để thương để nhớ.  Nếu ngày ấy tôi biết làm thơ thì đã có một đoạn thơ tuyệt vời.  Ở Mỹ thật lâu, tôi học được bài “hảy tận hưởng những gì đang có bởi vì những thứ đó có thể không tồn tại như ý muốn.” 
Nhạc xuân lúc nào cũng vang lên từ radio – hợp ca, đơn ca đầy sắc thái hay nói theo kiểu bây gìơ “đa dạng”.  Hoàng Oanh với những bản nhạc Xuân.  Phạm Đình Chương với Ly Rượu Mừng.  Tết phải có Ly Rượu Mừng như bài quốc kỳ của Tết.  Sau Tết, ngày “mùng” nào đó tôi đã từ gỉa Ninh Hòa để tiếp tục con đường học vấn. Lúc đó chỉ tạm từ gỉa thôi.  Hành lý chỉ vài món trong cái túi nhỏ.  Người ấy cũng tạm từ gỉa Ninh Hòa sau tôi vài ngày.  Lúc đó chẳng trông thấy gì ở tương lai những ngày sẽ là nghìn trùng xa cách. 
Chuyến đi ăn Tết năm nay tôi không rời quê mà được về quê – một quê hương thứ hai trong khoảng 40 năm và sẽ là mãi mãi.

Olympia, WA.  February 2015
  Trở lại chuyên mục của : Đường Ngọc Chi