DUY NHÂN
Đam Mê Còn Đó
Đam Mê Còn Đó
Ruộng bậc thang Việt Nam được báo chí nước ngoài bình chọn là một trong mười điểm đến hấp dẫn, kỳ vĩ nhất thế giới. Vào khoảng tháng mười, khi những tia nắng nghiêng chiếu xuống các bậc thang vào mùa lúa chin khiến cho màu vàng rực của lúa trở nên lung linh, óng ánh, làm ngất ngây, say đắm lòng người. Danh từ “Mùa Vàng” đối với tôi mới nên thơ và hấp dẫn làm sao! Được tận mắt nhìn thấy và tự tay ghi vào ống kính vẻ đẹp quê hương là một ước mơ trong đời.
Nhận được thông tin trên Facebook, và hẹn được với cô Bích Trâm, một nhân viên của phòng nghiên cứu hội nhiếp ảnh thành phố Sàigòn, ngày 24/09/2014 từ Mỹ tôi về Việt Nam cùng đi sáng tác với các nhiếp ảnh gia thành phố với chủ đề mơ ước: “Mùa Vàng ” theo kế hoạch, diễn ra từ ngày 10 đến 18/10/2015.
Ngày 25/09/2015, tôi bất ngờ được mời đi cùng với đoàn xuống miền Tây chụp ảnh “Mùa Nước Nổi”. Bị quyến rũ bởi danh từ thơ mộng, tôi nhận lời ngay, cho dù chưa kịp lấy lại sức sau hai mươi mấy tiếng đồng hồ không ngủ trên chuyến bay nửa vòng trái đất. Phải chăng đó là điểm yếu của một tâm hồn đa cảm và lãng mạn: Hay yếu lòng nên dễ bị dụ? Thật ra, hình ảnh của những cô gái tóc dài, mặc áo bà ba chèo thuyền trên dòng sông, trở thành những tấm thảm bèo màu mạ non giữa bát ngát rừng tràm của miền Tây Nam bộ đã là một hình ảnh đẹp tuyệt vời, làm sao từ chối cho được? Vậy mà khi tới nơi mới biết nước chưa có “nổi ”, các con sông vẫn chưa đủ nước cho các cô gái miền Tây thi thố tài năng, để các nhiếp ảnh gia tác nghiệp. Dầu sao từ ngày 25 đến ngày 27, đoàn cũng chộp được nhiều ảnh đẹp về lễ hội đua bò, cấy lúa, cây thốt nốt An Giang, chùa Miên, cây còng lâu năm, cùng những sinh hoạt đặc thù của người K’hmer ở địa phương.
Rồi thì cái ngày mong đợi cũng đến. Chúng tôi gồm 9 người, trong đó có 3 nữ. Tôi là người nhiều tuổi nhất, cùng đáp máy bay ra Hà Nội. Từ đó chúng tôi dùng xe cá mập 16 chỗ ngồi để tiếp tục cuộc hành trình đường bộ. Tôi được ưu tiên xếp ngồi phía trước, cạnh tài xế để nhìn rõ hơn quê hương sau nhiều năm xa cách, cô Trâm nói như vậy. Đường đèo là nét đặc trưng và là con đường duy nhất đưa đoàn đi từ Hà Nội qua các tỉnh Hà Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Cạn…xuyên qua những địa danh xa lạ và khó nhớ như Quản Bạ,Yên Minh ( rừng thông ), Mèo Vạc, Xà Phìn ( vua mèo có 5 vợ ), Phố Cáo ( chợ ), Thẩm Mã ( đèo ), Lũng Cẩm ( làng văn hóa-du lịch, hoa tam giác mạch ), Nậm Tỵ ( ruộng bậc thang ) vân.vân…để tới Bắc Bó, thác Bản Giốc, hồ Ba Bể… Phải nói là trong 9 ngày đi sáng tác với đoàn nhiếp ảnh gia Sàigòn tôi đã gặt hái được nhiều kinh nghiệm chuyên môn cùng những hiểu biết về lối sống của người dân địa phương đúng với câu tục ngữ “ đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Trong 9 ngày ngắn ngủi, tôi đã trải qua nhiều cảm giác khác biệt : Vui cũng có mà ngậm ngùi cũng có. Ý nghĩa hơn, tôi đã thấy không qua ống kính máy ảnh mà qua sự cảm nhận từ con tim cái tình cảm thấm thíết, chân tình giữa các thành viên trong đoàn cũng như giữa đoàn và đồng bào, trẻ em ở nơi mà đoàn dừng lại chụp hình. Giờ trở lại nước Mỹ, trong một không gian tĩnh lặng, ngồi viết bài này, tôi có cảm giác như còn ngây ngất, say say với bữa đại tiệc toàn sơn hào hải vị, được thưởng thức một loại rượu tinh chế từ mật ngọt, với chất liệu quê hương với tình cảm nồng ấm, chân thành của những con người trước đây chưa hề quen biết, chưa lần gặp mặt.
Ngày đầu 10/10/2015
Từ sàigòn bay ra Hà Nội chỉ có một tiếng rưỡi. Máy bay cất cánh lúc 6 giờ nên đến nơi rất sớm. Vì phải chờ một thành viên ra trể nên đoàn nấn ná cho tới chiều ở Hà Nội. Hôm đó mưa suốt ngày.Tuy vậy,đoàn cũng tranh thủ ghé thăm và chụp hình một vài nơi ở làng gốm Bát Tràng.
Khi rời khỏi làng gốm thì trời đã tối, đoàn trực chỉ Hà Giang, đến một khách sạn đã đặt phòng từ trước ở một địa danh có tên Xin Mần. Khách sạn không có thang máy mà lại bố trí cho chúng tôi ở trên lầu cao, trái với thỏa thuận từ trước. Đoàn từ chối và ngỏ ý đi tìm nơi khác. Thế là cuộc tranh cãi nổ ra. Chủ khách sạn, một thanh niên còn trẻ lớn tiếng thách thức và hâm dọa chúng tôi. Anh nói “ Đếch ở cũng phải trả tiền ! Tôi thách mấy người ra khỏi chỗ này được ! ”. Bà vợ đang ẵm đứa con trên tay thì nhào tới sỉ vả, toan hành hung chúng tôi. Cuối cùng bà ta cũng giựt được một túi quần áo của anh Thiện, một thành viên trong đoàn. Đoàn thấy không cần thiết phải tranh chấp với họ nên cuối cùng thì rút lui, tìm nơi khác trú qua đêm vì cuộc hành trình vẫn còn ở phía trước. Cuộc “ cứu trợ ” nội bộ được thực hiện khẩn cấp để giúp anh Thiện sắm quần áo mới. Trong cái rủi bao giờ cũng có cái may. Có điều là không biết anh Thiện sẽ giải thích như thế nào cho vợ tin : Tại sao quần áo đem đi biến đâu hết, khi về lại diện toàn quần áo mới ? Chủ doanh nghiệp dùng lời lẽ thô tục để chửi bới và cướp giựt tài sản của khách hàng giữa ban ngày tôi có nghe và đọc thấy trên báo nhưng tận mắt chứng kiến thì đây là lần đầu. Quá vui !
Những con người
Quang Anh, người Hà Nội, tài xế, cũng là chủ xe là một người trẻ, dễ thương, vui tính, yêu thích nhiếp ảnh, có tay nghề cao, chuyên lái xe, đồng thời là hướng dẫn viên nhiệt tình cho các đoàn photo tours từ các nơi ra, là một thuận lợi rất lớn cho đoàn. Từ Đông sang Tây Bắc, ở đâu có cảnh đẹp, thời điểm nào thì có mây luồn, sương mù anh đều biết trước. Nơi nào có cảnh đẹp thì anh cho xe chạy chậm lại, quan sát rồi ngừng lại cho đoàn xuống chụp hình. Ngồi phía trước, biết bao lần trái tim muốn rớt ra ngoài vì cứ sợ xe ngược chiều đâm thẳng vào mình. Quang Anh lấy kinh nghiệm trên mười năm lái xe đường đèo trấn an tôi. Tôi thắc mắc không hiểu sao ban đêm anh lại cho xe chạy nhanh hơn ban ngày. Anh giải thích : Cũng như ban ngày, mình không thấy xe ngược chiều nhưng ban đêm mình thấy được ánh đèn của xe từ rất xa nên dễ lái hơn. Anh còn phân biệt được ánh đèn như thế nào là của xe truck, của xe con và như thế nào là của xe gắn máy nữa ! Ngồi cạnh anh suốt chuyến đi, được anh kể những trải nghiệm về chụp hình, rất thú vị. Ngoài ra, tôi có thể nhìn rất rõ và chụp được những con đường ngoằn ngoèo, quanh co, uốn khúc trước mặt mà những anh em ngồi phía sau không thấy được. Có lần anh dừng xe lại, quan sát xung quanh rồi xuống xe, dáo dác chạy đi .Mọi người xách máy ảnh chạy theo, anh mới nói không phải đi tìm cảnh đẹp mà tìm chỗ trút bầu tâm sự cho xe nhẹ bớt !
Hoàng Nhân, nhỏ hơn tôi vài tuổi nhưng sức khỏe thật tuyệt vời. Lần đi “Mùa Nuớc Nổi ” ở miền Tây cũng có anh. Lúc nào cũng mang theo một thùng đựng bia to đùng để mời mọi người cùng uống. Câu nói “ Vui là chính” tóm tắt được cái nhân sinh quan, lối sống hiện thời của anh, tiếp theo câu nói là một tràng cười sảng khoái. Lần này anh được tín nhiệm làm trưởng đoàn. Anh là đạo diễn, là người dàn dựng sắp xếp cảnh trí cho anh em chụp hình. Ngoài máy ảnh, chuyến đi nào anh cũng mang theo bánh, kẹo, bong bóng, hòn bi và rất nhiều thứ khác để bày trò với học sinh, trẻ con ở những nơi mà đoàn đi qua, cho anh em chụp hình. Với người lớn thì anh tặng quà. Như vậy, ngoài việc chụp hình, làm nghệ thuật, đoàn còn làm công tác xã hội nữa. Chuyến đi này làm tôi nhớ lại mấy chục năm về trước, thuở còn là sinh viên cũng đi làm công tác xã hôi. Mỗi khi xong công tác, đoàn rời địa điểm bao giờ cũng để lại cho người dân địa phương biết bao là tình cảm lưu luyến, không cầm được nước mắt. Nhắc tới anh Hoàng Nhân thì nhớ tới anh Sĩ, chuyên viên thổi bong bóng cho trẻ em.
Người nhỏ tuổi nhất đoàn là Nguyễn văn Huy, rất dễ thương, vui tính. Em rất quan tâm giúp đỡ những người lớn tuổi hơn mình cũng như đãm trách mọi việc phục vụ cho đoàn như một đứa em út trong gia đình. Đặc biệt Huy có tính khôi hài, mỗi câu em nói ra đều làm cho mọi người cười thiếu điều vỡ bụng. Em là một nhân vật không thể nào quên.
Những điểm đến
Điểm đến đầu tiên của đoàn là làng gốm Bát Tràng ở ven sông Hồng, thuôc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Bát Tràng nổi tiếng hàng chục thế kỷ trước với những câu ca dao mà không một học sinh nào không thuộc :
Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân
Leo lên đỉnh một ngọn tháp có tên gọi là Cổng Trời, Tam Sơn- Quản Bạ, ta sẽ thấy ngọn “ núi đôi ”. Đó là hai trái núi liền kế nhau có vẻ đẹp hoàn hảo, giống như hai gò bồng đảo của một thiếu nữ. Thật vậỵ núi này có tên gọi chính thức là núi cô tiên. Hai trái núi kia chính là cặp vú của cô tiên. Ai muốn biết tường tận về truyền thuyết này cứ vào Google gõ mấy chữ Núi Đôi cô tiên thì thấy liền. Xin đừng nhầm với ngọn núi đôi thường được gọi là núi chồng núi vợ ở thôn Xuân Đoài, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. mà nhà thơ Cao Vũ năm 1956, đề cập tới trong bài thơ có tên Núi Đôi, viết về chuyện tình lãng mạn có thật của đôi trai gái trong những ngày kháng chiến chống Pháp ở nơi này, với những câu thơ mở đầu như sau :
Bảy năm về trước em mười bảy
Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng
Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa
Bữa thì em tới, bữa anh sang…..
Hồ Noong ở xã Phú Linh huyện Vị Xuyên, cách thị xã Hà Giang 17 cây số là hồ nước ngọt, lúc nào cũng trong xanh có diện mặt nước 20 mẫu khi hồ cạn, vào mùa mưa thì lên đến 80 mẩu, với một đàn vịt hàng mấy trăm con. Xung quanh hồ là đồng cỏ bát ngát với nhiều trâu bò gặm cỏ nhởn nhơ, tạo cho nơi này một vẻ đẹp hoang sơ, yên bình hiếm có. Vào đây bạn sẽ thấy lòng mình nhẹ nhàng, thanh thản, xa hẳn chốn phồn hoa ồn ào, bụi bặm. Người ta gọi Hồ Noong là chốn bồng lai ở Hà Giang.
Huyện Đồng Văn cách Hà Giang 300 cây số, giữa thung Lũng Sà Phìn có dinh của vua Mèo Vương Chí Sinh ( 1886-1962 ) 5 vợ. Chí Sinh là người thừa kế của vua cha Vương Chính Đức (1865-1947) người H’mong, có 3 vợ, khởi xây dinh thự này từ năm 1919 đến năm1928 thì hoàn thành với một diện tích 3000 thước vuông, kiến trúc bằng các loại gỗ quý từ nước ngoài, kết hợp 3 kiểu dáng của Tàu, H’mong và Pháp. Dinh gồm có 64 phòng cho 100 người ở. Vua Mèo rất có uy tín, chinh phục cả 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn, bao gồm 17 dân tộc, được tôn làm vua một phần là vì thuộc giòng họ Vương, nghĩa là vua theo tiếng Tàu. Để tỏ lòng tôn kính nhau người ta thường lấy họ để gọi nhau mà không dùng tên. Vua Mèo đã cống hiến rất nhiều vàng bạc, tài sản cho “ cách mạng” được ông Hồ Chí MInh kết thân, được bầu làm đại biểu quốc hội hai khóa 1 và 2. Cơ ngơi hiện nay do nhà nước quản lý như một di sản văn hóa và du lịch cấp quốc gia.
Làng Văn Hóa- Du lịch Lũng Cẩm ở xã Sủng Là thuộc huyện Đồng Văn, Hà Giang có trồng một loại hoa tên là tam giác mạch. Hoa tam giác mạch màu hồng phấn nhạt, mùi thơm dịu, dùng làm bánh, được trồng đại trà thành những cánh đồng hoa để cho khách du lịch tham quan, các đôi trai gái, cô dâu chú rể đến chụp hình ngày cưới. Hàng năm ở Hà Giang đều có tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch, khách từ các tỉnh xa đổ về tấp nập. Hoa tam giác mạch rất dễ trồng, tô điểm thêm nét văn hóa, hấp dẫn thêm khách du lịch, mang lại một nguồn thu đáng kể cho địa phương.
Tỉnh Hà Giang có rất nhiều ruộng bậc thang. Chỉ riêng huyện Hoàng Su Phì có tới 3.800 mẫu ở 25 xã như Bản Phùng, Bản Luốc, Hồ Thầm… Ruộng bậc thang đẹp như một bức tranh, đẹp tráng lệ vào mùa nước đổ, là mùa cấy. Vào mùa gặt, thường được gọi là mùa vàng thì nó lung linh, huyền ảo hơn. Ruộng do bàn tay của người Nùng, người Dao, người Mông tạo ra từ đời này sang đời khác để lại cho chúng ta như một di sản văn hóa quốc gia. Nhiều nơi được nhà nước quy hoạch, giao cho địa phương quản lý và bảo vệ như ruộng bậc thang ở xã Thông Nguyên, Nậm Tỵ, nơi mà đoàn dừng lại chụp hình tới 2 lần, lượt đi và cả lượt về.
Khu di tích Pắc Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng, cách thị xã Cao Bằng 55 cây số về hướng Bắc là khu di tích lịch sử quốc gia, là một quần thể gồm có hang Cốc Bó ( tiếng địa phương người Nùng) nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh, núi Các Mác, Suối Lênin…Năm 1979 khi bọn bá quyền bành trướng Bắc Kinh tràn xuống tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc, tàn sát đồng bào ta. Trong thời gian chiếm đóng tỉnh Cao Bằng, đã phá hủy hoàn toàn khu di tích này. Riêng hang Cốc Bó, nơi ông Hồ đã ở trong 7 tuần ( trong tháng 2 và tháng 3 năm 1941 ) cũng bị đặt mìn giựt sập. Những gì mà khách tham quan du lịch nhìn thấy ngày nay chỉ là sự khôi phục lại. Điều này không được phổ biến rộng rãi nên ít người biết. Báo Hà Nội Mới số 3460 ngày 28/3/1979 có bài tường thuật nhan đề “ Giặc Trung Quốc xâm lược phá huỷ khu bảo tồn lịch sử Pắc Bó ”. Trong phần kết luận bài báo viết : “ Phá hủy khu bảo tàng lịch sử Pắc Bó, bọn Trung Quốc xâm lược đã phạm những tội ác cực kỳ tàn bạo, láo xược, xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của nhân dân cả nước ta và bè bạn khắp năm châu đối với chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại ”. Được viếng thăm khu Pắc Bó một lần là mơ ước của nhiều người, nhưng khi tới nơi rồi mới thấy chua xót và ngậm ngùi. Chua xót và ngậm ngùi cho mối tình đồng chí, anh em “ môi hở răng lạnh” giữa ta và Trung Quốc. Suối Lênin vẫn còn giử được màu xanh ngọc thạch, rất đẹp. Người viết bài này có dịp câu cá ở đây, với cần câu… không có lưỡi câu.
Thác Bản Giốc ở tỉnh Cao Bằng từ phần đất Việt Nam nhìn sang thì thấy có hai phần. Phần thác nhỏ bên trái ở xã Đạm Thủy, huyện Trùng Khánh thuộc chủ quyền Việt Nam. Phần chính bên phải lớn và đẹp hơn hơn nằm phía bên kia sông Quây Sơn ( Quế Sơn) phân chia hai nước Việt-Trung. Thác này được mô tả là ở thôn Đức Thuận, trấn Lạc Long, huyện Đại Tân, cách thủ phủ Quảng Tây Trung Quốc 208 cây số, được chánh quyền Việt Nam xác nhận là thuộc chủ quyền Trung Quốc. Trong khi đó các nhà nghiên cứu và người Việt hải ngoại quả quyết thác Bản Giốc nằm trên lãnh thổ Việt Nam. Bài viết này không nhằm mục đích bày tỏ quan điểm chính trị, ai đúng ai sai mà chỉ ghi lại những điều tai nghe, mắt thấy trong một chuyến đi. Theo đồng bào địa phương thì thác Bản Giốc là của Việt Nam. Họ tỏ ra rất bất mãn nói rằng không một người Việt nào có thể bén mảng đến gần thác Bản Giốc, nơi Trung Quốc giành lấy chủ quyền. Người dân địa phương còn nói những mồ mã của ông bà tổ tiên từ bao đời chôn ở phần đất Việt Nam gần với đường biên phân chia hai nước cũng bị nhà cầm quyền Trung Quốc bắt phải di dời đi trong một thời gian cấp bách ! Nói về thác Bản Giốc thì nhớ tới thác Niagara là một kỳ quan thiên nhiên đẹp và hùng vĩ nhất thế giới. Thác Niagara nằm trên sông Niagara, giữa hai nước Canada và Hoa Kỳ, chính xác hơn là giữa hai thành phố Ontario ( Canada) và NewYork (Mỹ). người dân hai nước và khách du lịch bất cứ lúc nào cũng có thể qua lại hai bên để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên mà không bị ai ngăn cản hay làm khó dễ. Canada và Mỹ không hề có khẩu hiệu đại loại như láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt vân.vân…
Khi học môn địa lý lớp nhất ( lớp 5 bây giờ ) tôi có biết hồ Ba Bể. Không ngờ niềm đam mê nhiếp ảnh hôm nay đã đưa tôi tới tận xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, để đi thuyền ngao du trên hồ có niên đại trên 200 triệu năm, là một trong 100 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. Tên gọi Ba Bể là do ba nhánh sông Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng chảy vào hình thành. Hồ nằm giữa những dãy núi đá vôi với nhiều hang động và những suối nước ngầm độc đáo. Những đám mây luồn màu trắng đục thường vướng trên sườn đồi, đỉnh núi cùng với sương mù là là trên mặt hồ khiến cho cảnh quang ở đây có một vẻ đẹp vừa tráng lệ vừa nên thơ như một bức tranh thủy mạc. Hội Xuân Ba Bể đã thành truyền thống, được tổ chức vào tháng giêng âm lịch hàng năm là thời điểm mà khách du lịch đến đây nhiều nhất. Được ở nhà sàn với người Tày và xem người Tày biểu diễn văn nghệ ở Hồ Ba Bể là một trải nghiệm lý thú, khó quên.
Chuyện dọc đường
Điểm đến hay nơi đến là mục tiêu, là nơi mình sẽ tới theo kế hoạch dự định từ trước. Mới nghĩ tới đã thấy trong lòng nôn nao, háo hức rồi, chỉ mong cho mau tới ngày lên đường ! Đường nào đưa ta đến nơi cũng chỉ là phương tiện, thường được xem là không quan trọng. Nhưng có khi đến nơi thì mới vỡ lẽ ra, mới thấy phũ phàng và thất vọng. Ngược lại, người ta có thể tận hưởng nhiều điều thú vị và có được niềm vui, hạnh phúc ngay trên đường đi. Đối với dân nhiếp ảnh vốn có cái nhìn tinh tế, tâm hồn nhạy cảm thì họ dễ dàng “ nắm bắt ” được điều này trên đường đi tìm cái đẹp. Con đường từ Hà Nội, lên Hà Giang tới Cao Bằng hầu hết là quanh co khúc khuỷu vì là đường đèo,chẳng hạn đoạn đường 20 cây số từ Hà Giang đến cao nguyên Đồng Văn nối với thị trấn Mèo Vạc cao tới 1.200 mét so với mặt nước biển. Đoạn đường này do nhà nước huy động đồng bào địa phương kiến tạo dưới chân núi Mã Phì Lèng. Mã Phì Lèng có nghĩa là ngựa mà chạy cũng phải phì mũi ra mà thở ! Không hiểu sao đường này được nhà nước đặt tên là đường hạnh phúc. Một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực thẳm quanh co như rắn lượn. Những ai thích cảm giác mạnh đi trên đoạn đường này thật là lý thú. Tôi rất may mắn là đã chụp hình được con đường và ngọn núi có tên là Mã Phì Lèng này ở nhiều vị trí và góc độ khác nhau. Một cảm giác khác êm ái và nhẹ nhàng hơn khi nhìn thấy những thửa ruộng bậc thang ở hai bên đường với những mãn màu vàng óng ả, ngăn cách bởi những bờ cỏ xanh dịu, nhất là khi có những đám mây luồn treo lơ lửng mà sửng sờ, mà cứ ngỡ là những bức tranh vẽ cảnh thần tiên nào đó. Cũng trên đường đi, biết bao cảnh thu hoạch vụ mùa đã diễn ra với những chàng trai, cô gái vui đùa thoải mái bên cạnh mấy con bò hiền lành đang gậm cỏ rơm cho ta sống lại cảnh thanh bình tuyệt đối. Ngồi dọc đường để canh chụp cảnh đồng bào dân tộc đi chợ và đi chợ về ở Phố Cáo, Sà Phìn, Phó Bản cũng rất vui. Chợ phiên họp mỗi tuần một lần trên một con đường nào đó, giống như chợ trời của người Việt mình. Người dân tộc đi chợ phiên từng đoàn đông vui giống như đi trẫy hội. Phụ nữ mặc đồ dân tộc, Mông trắng, Mông xanh với nhiều màu sắc rực rỡ. Đàn ông duy nhất một màu đen may theo kiểu người Tàu, cổ cao, khuy, nút bằng vải. Có một điều ghi nhận được là khi đi chợ người phụ nữ mang gùi sau lưng chất đầy đồ đạc nặng nề, đi bộ trên những đoạn đường đèo dốc cả chục cây số, trong khi đó người đàn ông đi tay không rất nhàn nhã. Người ta giải thích, theo chế độ mẫu hệ thì người vợ đãm trách mọi chuyện còn người chồng chỉ làm những chuyện lặt vặt trong nhà !
Chuyện dọc đường thì nói hoài không hết nhưng có thể tóm tắt một câu là nó cho ta những giây phút sống tuyệt vời và những trải nghiệm vô cùng lý thú.
Ngày cuối 18/10/2015
Buổi sáng đoàn còn lênh đênh trên hồ Ba Bể đến hơn 1 giờ trưa mới lên xe trở về Hà Nội. Quang Anh cho xe chạy rất nhanh nên đến phi trường Nội Bài trước giờ phi cơ cất cánh đến 2 tiếng ( lúc 8 giờ tối ). Một số tranh thủ đi mua sắm. Tôi thì cảm thấy hơi bị đuối vào ngày cuối cùng khiến một số anh em trong đoàn lo ngại. Chỉ qua một đêm, sáng hôm sau thì tôi tươi tỉnh trở lại và thấy niềm đam mê nhiếp ảnh vẫn còn nguyên vẹn. Xin hẹn với mọi người vào “ mùa nước đổ ” năm sau.
Chicago, tháng 11 năm 2015
Duy Nhân