DUY NHÂN


Thôn Nữ Miền Tây
 
Nhóm của họ gồm có bốn cô : An, Cẩm, Hằng, Dung và bảy cháu nhỏ khác. Họ ở ấp Hòa Long 3, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, nơi mà mọi người phát âm chữ Rờ thành Gờ . Thay vì nói xong“rồi” thì họ nói xong “gồi”, nghe nó vừa quê mùa, vừa gần gủi, thân thương làm sao!


 
                           Bé An và cả nhóm nhận nút đồng từ Youtube
 
  Tôi để ý đến nhóm này lần đầu tiên là qua hình ảnh của bé Cẩm và mấy cô khi đi bán hàng rong trong xóm. Khi thì đội tràng bánh cam trên đầu, khi bưng một thúng bắp nấu, khi thì gánh một gánh đậu hũ nước cốt dừa trên vai, có lúc dùng xe đạp chở cá đi bán, có lúc đẩy cả chiếc xe ba gác đầy hàng tạp hóa đến từng gia đình phục vụ bà con trong xóm, có lúc chèo ghe đi bán hủ tiếu trên sông...với tiếng rao hàng ngọt ngào, lảnh lót. Vấn đề không phải mấy cô tháo vác, đảm đang mà là cung cách phục vụ rất tình cảm và văn hóa. Do đó mấy cô chinh phục được cảm tình của mọi người, hàng mấy cô đi một vòng là hết sạch. Không chỉ biết có bán hàng, đi tới đâu mấy cô cũng ân cần hỏi thăm sức khỏe từng gia đình, từng người với lời lẽ chơn chất, thật thà, làm sao người ta không quí mến cho được! Đối với người già cả, cô đơn và khó khăn thì được biếu hàng không phải trả tiền. Ở những thành phố lớn bạn trả giá cách nào cũng bị hớ, nếu không mua thế nào cũng bị chửi, có khi còn bị hành hung nữa!
 


Thả lưới


 
 Bé Cẩm, bé Hồng bán kem
 
Từ chỗ thích bé Cẩm, tôi xem video clip biết được cả nhóm, đứng đầu là bé An, tên đầy đủ là Nguyễn thị Thúy An, lớn hơn Cẩm một vài tuổi, tôi nghe Cẩm gọi An bằng chị. Phải nói là qua những video clip, nhóm thôn nữ miền Tây này đã chinh phục được tôi hoàn toàn từ lời nói, trang phục, cử chỉ và việc làm, không có điều gì phải phàn nàn hết. Không điệu đà, đỏm dáng, se sua, sảnh sẹ như mấy cô thành thị, những cô gái này rất thật thà, chơn chất, nhiệt tình, giản dị, gần gủi và thân thương như  bông sen, bông súng, bờ ruộng, chiếc ghe ở nông thôn, gắn chặt với miền Tây bốn bề mênh mông sông nước. Qua những cảnh sinh hoạt của đời thường đã nói lên được rất nhiều điều ý nghĩa về giá trị truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam mà ở thành thị ít có cơ hội được nhìn thấy. Đối với tôi, người đã sống ở Mỹ nhiều năm thì điều này thật là quí giá. Nhìn thấy mấy cô với chiếc áo bà ba, quần đen trong sinh hoạt hàng ngày chắc ai cũng mến. Hình ảnh này xuất hiện đầy rẫy trong các chương trình  văn nghệ ở Việt Nam hàng ngày, nhưng đó chỉ là những màn trình diễn trên sân khấu. Tôi thì thích cái gì thực hơn, đời thường hơn là trình diễn, là kiểu cách. Ai không thích hợp với cảnh phồn hoa đô hội, nhộn nhịp ngựa xe, đời sống vội vàng, chụp giựt ở các đô thị lớn thì về với nhóm thôn nữ miền Tây sẽ thấy tâm hồn thanh thản hơn với đời sống đơn giản, yên bình, nhất là sẽ hiểu được như thế nào là tình làng nghĩa xóm, là giá trị cao quí đích thực của người Việt Nam mà ít dân tộc nào có được. Tôi thì lúc nào cũng khao khát được trở về nguồn, về với nông thôn, hòa nhập với  thiên nhiên để tìm lại dư âm lối sống tự nhiên, thuần khiết của cha ông ngày trước, cái gì cũng dễ dàng, đơn giản vì không có nhu cầu gì lớn lao như ở thời đại bây giờ. Lương thực, thực phẩm thì có con gà, con vịt nuôi tại nhà hay con cá, con tôm, con cua, con ốc dưới sông, con lương trong đầm, kể cả con chuột ngoài đồng khi mùa gặt đã xong. Về rau cải thì có rau nhút, rau muống rau mác mọc tư nhiên dưới sông, bông súng, ngó sen, hoa điên điển trong ruộng, muốn bao nhiêu cũng có. Trái cà, trái ớt, rau sống thì trong vườn có sẵn. Thứ gì không có thì chạy qua dì Năm, thiếm Ba, chú Sáu xin từ trái mướp, trái bầu, bắp cải. Ai cũng sẵn sàng san sẻ cho mình.
Nhóm thôn nữ miền Tây cô nào cũng biết chèo xuồng để đi chài, cất vó, giăng lưới, đặt trúm, đặt  xà, đặt lú, cắm câu và rất nhiều công việc ruộng nương khác. Đến mùa nước nổi thì đi dỡ dớn, cá nhiều vô số kể, ăn không hết, phải cho bớt. Mấy cô thông báo cho bà con lối xóm, người đem rổ, người đem thau đến đầy nhà để mang cá về ăn. Hình ảnh diễn ra thật là vui vẻ, cảm động và ấm áp tình người. Hầu như trong nhóm cô nào cũng biết nấu ăn và nấu rất ngon. Khi vào bếp thì mấy cô xúm lại, người việc này, người việc nọ, chẳng mấy chốc thì mâm cơn đã sẵn sàng. Ông bà ngoại lúc nào cũng được trịnh trọng mời cầm đũa trước rồi mới đến mọi người. Bữa cơm của nhóm lúc nào cũng đông vui, ấm cúng  vì những người hàng xóm, đặc biệt là mấy cô cậu nhóc từ mười hai tuổi trở xuống, có đến chục mạng, cùng được mời tham gia, ăn uống thoải mái, tự nhiên giống như trong một gia đình vậy. Khi mùa nước nổi dâng cao, con người miền Tây phải sống với lũ lụt, trong nhà không có chỗ kê bàn thì cả nhà cùng ngồi quây quần trên một chiếc xuồng ăn cơm cũng xong. Đến lúc này thì họ đã thật sự quay về với đời sống thiên nhiên thật kỳ thú và lãng mạn, cũng giống như ở Mỹ vào ngày đẹp trời thì cả gia đình đi cắm trại, ăn uống, vui chơi suốt ngày ngoài park để tìm kiếm cho mình những giờ phút thư giản hiếm hoi trong cuộc sống công nghiệp hóa và hiện đại hóa khiến cho người ta không tìm đâu ra được thời gian dành cho bản thân và gia đình.
Cũng có lúc cả nhóm đi chợ mua thêm thực phẩm làm cơm đãi khách. Đây là những vị khách đặc biệt yêu thương, ái mộ nhóm thôn nữ miền Tây. Khách trong nước thì rất nhiều, ngoài ra còn có nhiều người Việt sống ở nước ngoài, cách xa nửa vòng trái đất cũng nhiều lần vượt đại dương về thăm nhóm như các anh Nguyễn Thanh Tùng, Tommy Nguyễn, anh Hoàng, anh Trụ, anh Hùng Vũ và rất nhiều người nữa mà người viết không nhớ hết tên. Những người này thường xuyên gửi quà về cho từng thành viên trong nhóm. Thấy nhóm vui mừng, háo hức và hồi hộp khui thùng quà từ nước ngoài gửi về thì mình cũng vui. Người nước ngoài cũng thường hay gửi tiền bạc về nhờ nhóm thôn nữ miền Tây mua quà trao tặng cho những gia đình nghèo trong dịp lễ, Tết, hay  hỗ trợ cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cấp học bổng cho những học sinh giỏi, thậm chí còn mua xe đạp cho những học sinh không có phương tiện đến trường. Gần đây nhất anh Tommy Nguyễn hỗ trợ bốn mươi chín triệu ( 49 triệu) giúp cất nhà mới cho bé Tươi và gia đình. Chị Hạnh Lưu và nhiều mạnh thường quân khác giúp mua tủ lạnh và trang bị cần thiết khác cho gia đình. Tiệc tân gia được tổ chức vào tháng 11 năm 2019,              
 
có sự chứng kiến của đại diện chánh quyền địa phương. Chỉ chừng ấy việc làm cũng chứng tỏ được tấm lòng của những người xa quê đối với đồng bào trong nước, cũng như tình cảm của nhóm đối với bà con, hàng xóm của mình. Có ra khỏi thành phố, về tận nông thôn nơi vùng sâu, vùng xa mới thấy và hiểu được tình hình đất nước và hoàn cảnh sống của bà con mình và biết được rằng ở đâu đó còn có những tấm lòng vàng.
 
 
 
                                            Phát quà cho học sinh nghèo
 
Mỗi người  có cái nhìn và đánh giá khác nhau về nhóm thôn nữ miền Tây này. Riêng tôi thì thấy họ rất dễ thương và cao đẹp, cũng như nhiều người, tôi rất ái mộ họ. Đàng sau những video clip không chỉ là những trò vui chơi, giải trí thông thường để được nhiều view, nhiều like, mang lại lợi lộc nào đó cho cá nhân người thực hiện mà tôi thấy được ở đây cả một tấm lòng, những gì cao quí và ý nghĩa nhất mà xã hội bây giờ, thời đại ngày nay đang cần hơn bao giờ hết.
  
Chicago, tháng 11 năm 2019
         


  Trở lại chuyên mục của : Duy Nhân