GIANG HIỀN SƠN

 

         BÌNH LIÊU DU KÝ

                                                                            Cột mốc 1305

Từ rừng dương Trà Cổ chúng tôi lên biên giới Bình Liêu thử sức chinh phục sống lưng khủng long, thăm cột mốc 1305, nơi được ví là nóc nhà của tỉnh Quảng Ninh. Lần lên miền biên viễn được mệnh danh là thiên đường của hoa sở, hoa lau này chúng tôi đi vào một thời khắc lịch sử khá đặc biệt, ngày cuối cùng của thời điểm sáp nhập các xã, phường, thị trấn để thực hiện chính quyền địa phương hai cấp nên tên gọi Bình Liêu với địa danh từng được ví von là sống lưng khủng long ở Quảng Ninh kia vẫn còn ý nghĩa. Nhưng tất cả chúng tôi, ai nấy đều biết, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi là cái sống lưng khủng long từng gắn với tên gọi Bình Liêu quen thuộc sẽ chỉ còn lại trong ký ức hoặc gọi theo thói quen của những người đam mê xê dịch. Còn thực tế, bắt đầu từ ngày mai, mùng một tháng bảy, thiên đường sống ảo với những hoa lau, hoa sở … trên cái sống lưng khủng long ấy hẳn sẽ được định danh bằng một tên gọi mới. Có lẽ, cái tên ấy sẽ là sống lưng khủng long Hoành Mô, tên xã hiện tại thay cho tên huyện theo cách gọi hoán dụ trước đây. Cứ thế, miên man trong những nghĩ suy về tên gọi cũ, mới của một vùng trời biên cương mà trong lòng rộn lên biết bao cảm xúc về thời đại; về sự vận hành, quản trị quốc gia. Có nhiều quyến luyến, tiếc nối nhưng cũng có không ít rạo rực, háo hức như thể nàng dâu đang chuẩn bị chuyển đến ở nhà chồng.
 
Ngược dòng Ka Long, theo quốc lộ 18B, chúng tôi về miền biên viễn Bình Liêu. Cung đường biên giới thoáng đãng thật đẹp. Nó như một dải lụa mềm mại uốn lượn bên những núi đồi trập trùng xanh biếc của hai nước Việt – Trung. Song hành cùng con đường êm ru là dòng sông Ka Long với khoảng sáu chục cây số khi ẩn khi hiện dưới các chân đồi, chân núi làm thành một vành đai biên giới tự nhiên đang hối hả đưa những giọt nước trong mát về làm dịu bớt cái nắng hè ở phía cửa biển Trà Cổ. Trong hành trình suốt mấy chục cây số trên vành đai biên giới ấy chúng tôi lần lượt đi qua, ghé thăm rất nhiều địa danh với các cửa khẩu và những cột mốc thiêng liêng của đất nước. Mỗi một cửa khẩu là một cửa ngõ của đất nước; cũng có thể xem là một bộ mặt của quốc gia. Nó không chỉ là nơi giao thương mà còn là nơi đại diện cho quốc gia giao lưu, hợp tác, đối ngoại với nước ngoài. Các cột mốc dù bằng bê tông hay ốp đá hoa cương thì đêm ngày vẫn cứ hiên ngang, kiêu hãnh nơi đầu sóng ngọn gió trên từng vành đai biên giới; là những minh chứng rõ ràng để khẳng định chủ quyền lãnh thổ, đánh dấu ranh giới phân định của đất nước. Bởi vậy mỗi một cây cột, mỗi một công trình trên biên giới kia không chỉ là những vật vô tri, vô giác mà còn là những biểu tượng đại diện, mang một ý nghĩa tinh thần vô cùng to lớn, thể hiện sâu sắc tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc. Trong suốt dặm dài lịch sử, dường như, mỗi một cửa khẩu, mỗi một cột mốc, ít nhiều đều gắn với một câu chuyện lịch sử. Và trong số đó cũng đã có không ít cột mốc có số phận gắn liền với cả lịch sử đau thương nhưng vẻ vang, oai hùng của dân tộc trong suốt những năm tháng chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.
 
Trên hành trình lên biên giới Bình Liêu, chúng tôi không quên rẽ vào dâng hương Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn, trong khu di tích lịch sử Quốc gia Pò Hèn, thuộc địa bàn xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái. Khu di tích yên tĩnh, nằm trang trọng trong một không gian thoáng mát, được bao phủ bởi một màu xanh ngút ngàn của cây lá, giữa núi đồi trập trùng vô tận. Nhà thờ chủ tịch Hồ Chí Minh và tám mươi sáu người con trung hiếu của dân tộc đã anh dũng ngã xuống trên dải đất biên cương để bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước và đài tưởng niệm được xây dựng trên chính nền nhà của khu doanh trại đồn Biên phòng Pò Hèn, năm 1979 có tên gọi là đồn 209 của lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Nhà thờ được làm giản dị với năm gian mái cong truyền thống nhìn rất duyên dáng. Đài tưởng niệm được xây dựng bằng bê tông cốt thép, ốp đá trắng ngà; cao khoảng mười lăm, mười sáu mét; thiết kế theo hình ảnh ba đôi bàn tay chụm vào nhau với ý nghĩa tượng trưng cho tinh thần đoàn kết chiến đấu bảo vệ biên giới của đồng bào các dân tộc Dao, Kinh, Sán Chỉ sinh sống trên dải đất này. Nhà thờ và đài tưởng niệm đều nhìn về hướng Bắc, hướng về dòng sông Ka Long và cột mốc 1347 cách đó không xa, giống như những con mắt đang ngày đêm không ngủ tiếp tục trông giữ bờ cõi nước nhà. Đến Pò Hèn, ta như nghe thấy trong lòng lại vang lên khúc trang ca bất tử với bao thương nhớ. Hẳn là, dải đất biên cương địa đầu đất nước và lịch sử dân tộc sẽ không bao giờ quên được những tiếng súng xâm lược và cuộc chiến đấu không cân sức nhưng vô cùng anh dũng của đồn 209, lâm trường Hải Sơn, cụm thương nghiệp Pò Hèn hồi rạng sáng 17 tháng 2 năm 1979 trên đất thiêng Pò Hèn. Chiến tranh đã lùi xa, quá khứ cũng đã gác lại, núi đồi cây cối cũng đã hồi sinh nhưng những mắt thần trên non thiêng biên viễn hẳn cũng chưa từng ngơi nghỉ. Những con mắt “sống đánh giặc thác cũng đánh giặc” linh hồn vẫn “theo giúp cơ binh”. Không biết chuyện tâm linh ra sao nhưng lên non thiêng Pò Hèn, chúng tôi nghĩ thế và cũng vững tin như thế!



Tác giả trên con đường được mệnh danh là sống lưng khủng long
 
Dặm dài biên giới từ thành phố Móng Cái qua huyện Hải Hà để đến huyện Bình Liêu, cảnh sắc đất trời hiện lên trong mắt chúng tôi như một bức tranh thủy mặc, khiến mê mẩn lòng người. Núi tiếp núi, đồi tiếp đồi; miên man, ngăn ngắt. Núi đồi trập trùng soi bóng xuống dòng Ka Long xanh biếc trong óng ánh nắng sớm vàng tươi càng làm cho bức tranh miền biên ải xa xôi trở nên mơ mộng và hút hồn. Tuy vậy, đoạn đường từ cửa khẩu Bắc Phong Sinh đi qua cửa khẩu Hoành Mô để lên mốc 1305 với sống lưng khủng long lại rất quanh co. Con đường nhỏ hẹp, chênh vênh bên mép núi, lên dốc xuống đèo với những khúc cua gấp khúc liên tục như là một sự thách thức tài năng và lòng can đảm đối với mọi tay lái. Chưa kể đi vào mùa mưa, núi đồi thi nhau sạt lở lại là một thử thách đầy nguy hiểm. Chỉ với khoảng cách chừng hơn năm mươi cây số mà xe chúng tôi phải bốn, năm lần dừng nghỉ, dò đường bởi đất đá của núi đồi còn ngổn ngang trên lòng đường do trận mưa đêm trước còn để lại. Con đường lên Bình Liêu ấy xem ra sự hiểm trở cũng chẳng thua kém gì những cung đường ở Hoàng Su Phì, Xín Mần hay Đồng Văn, Mèo Vạc của Hà Giang. Nhưng đổi lại, đi trên cung đường ấy, chúng tôi được mãn nhãn với cảnh sắc núi rừng biên viễn Đông Bắc. Từ trên đỉnh cao của những triền núi, chúng tôi tận mắt nhìn thấy biết bao cảnh đẹp hùng vĩ nơi non cao rừng thẳm và cuộc sống mộc mạc của cư dân bản địa trên dọc hai miền biên ải Việt – Trung. Những cô gái Dao trong bộ trang phục truyền thống với hai sắc màu đen, đỏ thấp thoáng trên nương lúa hay đang lúi húi xếp củi, hái rau bên những ngôi nhà trình tường lợp ngói âm dương đã phai màu năm tháng. Xa xa, những thửa ruộng bậc thang bên các triền núi hay dưới những thung khe đang chuyển dần từ màu xanh sang màu vàng để chuẩn bị bước vào mùa lúa chín. Những thửa ruộng bậc thang ở Bình Liêu không hùng vĩ, không mênh mông như ở Mù Căng Chải ở Yên Bái, Y Tý ở Lào Cai hay Hoàng Su Phì ở Hà Giang nhưng cũng đủ sức quyến rũ và làm nao lòng khách đến. Những thảm lúa nối đuôi nhau, xếp hàng một cách tuần tự theo từng tầng bậc, trùng điệp trên những lưng núi hay trải dài trong lòng các thung lũng như thể báo hiệu một mùa vàng no ấm đang đến rất gần. Và, mỗi khi có làn gió ngang qua, cả một triền núi lại trở nên xao động bởi những ngọn lúa đang cong mình uốn câu lại rung lên, sóng sánh ngả nghiêng theo chiều gió đưa. Những sóng lúa lớp lớp xô nghiêng ấy nhìn xa giống như những gợn sóng xô nhau liên hồi không dứt, nhìn rất thơ mộng, đẹp như tranh vẽ.
 
Đường đến cột mốc 1305 càng đi càng khó. Qua cửa khẩu Hoành Mô, con đường càng quanh co gấp khúc. Nhiều chỗ đường đi một bên là vách núi, một bên là vực thẳm hun hút. Con đường càng đi càng thấy vắng lặng, rất ít người qua lại; bản làng khuất bóng, không một nếp nhà. Liên tiếp trên đường đi chỉ nhìn thấy những tấm biển màu xanh chỉ báo vành đai biên giới. Đường lên cột mốc 1305 ấy cũng chính là con đường tuần tra biên giới của bộ đội biên phòng. Ngang trên đường đi, bất chợt hiện ra trước mắt, qua khoảng trống giữa hai vách núi là bẩy cây điện gió sừng sững trên núi cao đang thong thả quay những sải cánh dài chừng đến bảy chục mét. Thoạt nhìn, chúng tôi ai nấy đều reo nên thích thú và xuống xe để chụp lấy những tấm hình với những ngã khổng lồ từng được mệnh danh là những chiếc cối xay gió. Ban đầu chúng tôi cứ ngỡ là những chiếc máy phát điện ấy là của Việt Nam nhưng càng đến gần thì mới trông thấy cả bảy cây quạt ấy đều nằm trên những đỉnh núi ở bên kia bờ rào sắt của nước láng giềng Trung Quốc. Men theo con đường tuần biên ấy, trước khi đến chân núi có sống lưng khủng long, nơi có chốt kiểm soát biên phòng số 05 của đồn biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, chúng tôi nhìn thấy cột mốc 1306 bên khe nước chảy ngang đường. Cây cột bê tông như có ma lực đã tạo nên một sức hút diệu kỳ với mọi người. Không ai bảo ai, mọi người đến bên cây cột ôm vào trong lòng, quây quần chụp ảnh cùng với cấy cột và ngắm nhìn bức tường rào bằng sắt phân chia cương vực cùng với ba, ba bốn chiếc camera gắn trên cây cột cách đó không xa. Có lẽ, mỗi khi đứng trên vành đai biên giới, ai cũng nhận ra các cây cột mốc kia không chỉ là những thực thể dùng phân định, đánh dấu ranh giới lãnh thổ giữa các quốc gia, một biểu tượng của sự hiện diện đất nước dùng để quản lý chủ quyền dân tộc nơi biên ải mà còn là những chứng nhân của lịch sử ẩn chứa trong mình biết bao câu chuyện đau thương và hào hùng của đất nước trong cuộc chiến bảo vệ từng tấc đất biên cương. Bởi thế, được ngồi bên những cột mốc nơi biên giới xa xôi, trong sâu thẳm trái tim mỗi người dân đất Việt ai chẳng trào dâng những nỗi niềm tự hào và biết bao xúc động.
 
Càng đến gần chân núi sống lưng khủng long, con đường tuần biên càng gấp khúc, uốn lượn. Những khúc cua tay áo dồn dập ấy với người không thích cảm giác mạnh thì sợ hãi vô cùng nhưng với những người ưa cảm giác mạnh, thích khám phá thì lại lấy làm thích thú. Mỗi khi xe lượn qua những khúc cua quanh co, dù lên dốc hay xuống đèo, dường như trong người thấy xuất hiện một cảm giác thích thú, hưng phấn và sảng khoái đến tột độ, giống như vừa được trải qua một liệu trình thư giãn làm cho tâm trạng cảm thấy rất thoải mái. Trong cái cảm giác rất phê như thế bất chợt trước mắt chúng tôi hiện ra chốt kiểm soát của đồn biên phòng Hoành Mô dưới những tán thông xanh biếc bên chân núi, trên con đường tuần biên vắng lặng. Vậy là điểm dừng chân để chinh phục sống lưng khủng long đã đến. Nhìn xung quanh, chúng tôi thấy ngoài người bán nước ở trong chốt ra thì không một bóng người. Trên sân trạm gác có hai xe ô tô con. Nhìn biển số xe là biết du khách Hà Nội đếm thăm quan. Hỏi ra thì được biết khách vào đây từ sáng và gửi lại. Chúng tôi hỏi đường lên sống lưng khủng long và đường đi đến cột mốc 1305. Anh chủ hàng vui vẻ, tận tình hướng dẫn. Anh bảo đi xa lắm, cao lắm; cứ theo con đường độc đạo bằng bê tông mà đi, sống lưng khủng long đấy, leo hết khoảng hai nghìn bậc cầu thang thì sẽ đến cột mốc. Khoảng cách đoạn đường hơn hai cây số thôi nhưng dốc lắm, toàn đi trên đỉnh núi, hơn nửa đoạn đường về sau dốc như thể dựng ngược. Anh chỉ tay và bảo cứ nhìn thấy những ngọn núi nào cao nhất ở đây là của Việt Nam, đi trên những sống núi đấy chính là đi trên sống lưng khủng long. Nghe anh chủ hàng nói và chỉ tay, chúng tôi nhìn về phía những đỉnh núi tiếp nối với nhau, trập trùng trước mặt mà mường tượng ra cái sống lưng khủng long vô cùng kỳ vĩ. Có lẽ, cái tên gọi sống lưng khủng long cũng do dân phượt nghĩ ra và gọi lâu ngày thành quen. Hình như, cứ dãy núi nào có đường đi; chạy dài, uốn lượn trên đỉnh núi thì được gọi là sống lưng khủng long. Núi càng cao, càng nhấp nhô nối dài liên tiếp thì sống lưng của con khủng long ấy càng hùng vĩ, càng kích thích sự đam mê khám phá, chinh phục của giới trẻ. Vì thế, vùng núi phía bắc có rất nhiều sống lưng khủng long. Nào, sống lưng khủng long ở Tà Xùa (Sơn La), ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) …, và nhất là cái sống lưng khủng long ở Bình Liêu đang sừng sững trước mắt chúng tôi. Trước là mới chỉ nghe nói, giờ thì đang nhìn thấy ngay trước mắt. Đúng là sống lưng khủng long thật. Nhìn những ngọn núi chất chồng lên nhau chẳng khác gì những con khủng long khổng lồ thường nhìn thấy trong phim. Quả thực, ai đó đi trên dọc đỉnh núi kia thì có khác gì đi trên sống lưng con khủng long của triệu triệu năm về trước.
 
Cuối tháng sáu, trời nắng nóng, mưa lũ thất thường, đường từ cửa khẩu Bắc Phong Sinh vào đến chân núi sống lưng khủng long có không ít đoạn bị sạt lở. Bầu trời cuối tháng, vùng Đông Bắc mây đen vần vũ, lúc nào cũng chỉ trực tuôn mưa. Có lẽ vậy mà sang chiều đất trời Bình Liêu có nắng mà không nóng, gắt. Gió thoảng man mát nên cũng không có cảm giác bức bối. Theo sự chỉ dẫn của người bán hàng chúng tôi bắt đầu chinh phục sống lưng khủng long Bình Liêu và đến thăm cột mốc 1305. Theo con đường bê tông dẫn lên từ chân núi, chúng tôi đi khoảng ba trăm mét là bắt đầu đến các bậc cầu thang bằng bê tông. Khoảng một phân ba đầu tiên của sống lưng khủng long là đường thoai thải, bậc cầu thang thấp, không dốc đứng. Hai phần ba của đoạn đường còn lại là dốc cao, bậc cầu thang nhiều chỗ như dựng đứng. Càng về sau núi càng cao, dốc càng khó đi, bậc cầu thang giống như bắc lên trời. Những chỗ dốc thoai thoải người ta không tạo bậc thang mà đổ bê tông như mặt đường nhưng phải vạch các khe rãnh để chống trơn trượt. Những chỗ bậc cầu thang hai bên mép đường người ta phải trồng thêm các cột sắt và mắc móc xích cho người đi nếu có mệt mỏi thì có chỗ vịn. Ở phần đầu của sống lưng con khủng long, con đường đi xuyên qua rừng thông xanh mát. Gió thổi rừng thông vi vu. Chầm chậm dạo bước dưới hàng thông người ta có cảm giác như lạc trong xứ sở cổ tích nào đó của Đà Lạt. Những con đường đổ dốc thâm thấp, chạy dài hun hút dưới những tán thông khiến người ta mê mẩn tưởng quên hết lối về. Đi hết rừng thông sống lưng khủng long bắt đầu trở về với cảnh sắc tự nhiên như những gì vốn có của núi rừng hoãng dã. Suốt trên dọc đường đi, hai bên sườn núi là những cây sở, cây đỗ quyên, bụi mua, bụi sim xen cùng cỏ tranh, cỏ lau và biết bao loài cây khác mà tôi chẳng biết tên. Chúng tôi lên Bình Liêu vào mùa hạ nên có vẻ như lỗi mùa du lịch ở nơi đây. Trải khắp núi đồi mênh mông chỉ một màu xanh um của lá cây, cỏ biếc. Mùa hạ, sống lưng khủng long Bình Liêu không có “đặc sản” thiên đường cỏ lau với những triền núi phủ trắng một màu tinh khôi, đẹp đến mê mẩn như những ngày cuối thu. Nhưng dù vậy cũng không phải là quá tiếc. Không có hoa lau, sống lưng khủng long vẫn hiện lên trọn vẹn vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Đông Bắc. Đứng trên đỉnh cao nhất, ở nơi cột mốc 1305, người ta sẽ tận mắt trông thấy cảnh quan hùng vĩ miền biên ải Bình Liêu nơi địa đầu Tổ quốc. Những sóng núi lô xô, xanh thăm thẳm đến chân trời. Ẩn hiện giữa màu xanh bất tận ấy, ở ngang lưng núi người ta dễ dàng nhìn thấy một vạch màu trắng chạy dài bất tận khi thì chồi lên lúc lại tụt xuống như một dải lụa mềm mại nối liền các trái núi. Đấy chính là những con đường kết nối các vùng miền, bản làng của vùng biên ải Bình Liêu. Thấp thoáng, trên cái sống lưng khổng lồ ấy người ta cũng sẽ nhìn thấy một vài bông hoa lau trái mùa đang đung đưa giỡn gió trong buổi chiều hôm man mác. Nhìn những bông lau ấy, bất chợt tôi lại nhớ đến bài thơ “Lau biên giới” của nhà thơ Chế Lan Viên: “Ai đi biên giới cho lòng ta theo với/ Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình/ Bạt ngàn lau trắng ở tận cùng bờ cõi/ Suốt một đời cùng với gió giao tranh”. Sống lưng khủng long lúc này không có bạt ngàn lau trắng thơ mộng nhưng vẫn có phất phơ những bông lau trái mùa đang giương lên trời xanh giống những thanh gươm như thể đang đợi chờ giao tranh cùng với những cơn gió thoảng.
 
Đường đi trên sống lưng khủng long giờ không còn là con đường mòn như thủa ban đầu nữa. Tuyến đường mòn ấy đã được bộ đội biên phòng đổ bê tông làm thành một con đường với những những bậc cầu thang kéo dài lên tới đỉnh núi cao nhất, nơi có cột mốc 1305. Ban đầu, có lẽ, đây là con đường tuần biên của bộ đội biên phòng. Sau này khi du lịch tự phát của dân phượt xuất hiện mà con đường tuần biên vô tình lại trở thành một tuyến đường du lịch nổi tiếng ở nơi địa đầu Tổ quốc. Cũng bởi du lịch mà con đường vô tình ấy lại trở thành một thiên đường sống ảo của biết bao người suốt từ Bắc đến Nam; hết người ta lại đến người tây. Từ trên đỉnh núi cao, nhìn xuống con đường bê tông ngoằn nghèo, chồi lên thụt xuống theo các đỉnh núi trùng trùng điệp điệp, người ta dễ hình dung và liên tưởng đến một tiểu “Vạn Lý Trường Thành” của Việt Nam. Hẳn là bây giờ chinh phục cái sống lưng khủng long Bình Liêu dễ hơn ngày xưa rất nhiều. Thoạt nhìn, người ta nghĩ là vậy và tưởng dễ trong tầm tay, có thể thực hiện được ngay trong một nốt nhạc. Nhưng thực tế không phải vậy. Phải nói ngay rằng, chinh phục sống lưng khủng long bây giờ dễ hơn xưa nhưng không đơn giản. Sống lưng ấy không dành cho những người không có sức khỏe, không có ý chí cùng với sự kiên trì, bền bỉ. Bởi chỉ mới đi một phần ba đoạn đường dễ nhất người ta đã thấy mỏi gối, chùn chân. Theo đó, lên sống lưng khủng long, càng đoạn về sau, núi càng chồng núi, núi cao nhất được coi là nóc nhà của Quảng Ninh, cao hơn một ngàn ba trăm mét so với mực nước biển. Núi càng cao, các bậc cầu thang lên đỉnh càng dựng đứng. Người leo không thể hăm hở như lúc ban đầu được nữa. Cứ leo được một quãng, khoảng mươi, mười lăm bậc là lại phải dừng lại để nghỉ. Có lúc hai chân có cảm giác dã dời, đầu gối run lên va vào nhau cầm cập. Bởi vậy chúng tôi đi tám người nhưng cứ rơi rụng dần. Đi được gần nửa đường thì bỏ về một nửa, đến hai phần ba đường thì còn lại hai người. Nhưng thú thực lên đến đỉnh núi cao nhất, nơi có cột mốc 1305, trong lòng trào dâng và vỡ òa biết bao cảm xúc. Người hòa vào trong mây giữa lưng chừng trời đất. Nhìn ra xa xa những thửa ruộng bậc thang trùng điệp bên những triền núi. Ngó xuống chân núi là vực sâu thăm thẳm. Tiếp tục đi theo lối mòn một đoạn khá xa, loay hoay tìm, cuối cùng cũng nhìn thấy cây cột bê tông có khắc chữ Việt Nam 1305, phía dưới ghi năm dựng cột 2001, ở giữa bãi cỏ, sát bên hàng rào dây thép. Chúng tôi vội vàng chạy đến, ngó nghiêng, nhìn trời, nhìn đất và chụp một bức hình cây cột. Đứng bên cột mốc, giữa đỉnh núi mênh mông, một cảm xúc linh thiêng thật khó quên khi được chạm tay vào cây cột thiêng liêng của Tổ quốc ở nơi đầu non ngọn gió. Một cảm xúc tự hào về đất nước hùng vĩ bát ngát xanh tươi khi được thu gọn vào trong tầm mắt. Những nguồn cảm xúc dạt dào, vô tận ấy xâm chiếm hết tâm hồn khiến cho bao mệt mỏi tan biến nhanh chóng. Khi ấy, đứng trên đỉnh cao ngọn núi và bên cột mốc chủ quyền, chợt thấy trong lòng ngân lên khúc thơ da diết của một thi sĩ người Giáy về một chiều biên viễn: “Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào cao hơn/ Như đầu sông đầu suối/ Như đầu mây đầu gió/ Như quê ta ngọn núi/ Như đất trời biên cương” (Lò Ngân Sủn). Thế đấy cả leo lên và trở xuống trên cái sống lưng khung long kỳ vĩ ấy chúng tôi đi hết một quãng thời gian gần bốn giờ đồng hồ. Bốn giờ đồng hồ của một hành trình đong đầy cảm xúc.
 
                                                 Bình Liêu, ngày 30 tháng 6 năm 2025


  Trở lại chuyên mục của : Giang Hiền Sơn