GIANG  HIỀN SƠN


Đã Thấy Thu Về Bên Nhành Liễu
 
          Trận bão vừa đi qua, bầu trời bỗng trở nên phong quang, không còn một gợn mây. Đất trời giông tố mưa gió ngả nghiêng của mấy hôm trước nay trở thành yên tĩnh đến nhẹ nhàng trên cái nền trời cao vút, trong xanh cùng những ánh nắng vàng nhạt đang trải ra mênh mông, vô tận. Cái nền trời ấy thi thoảng lại được điểm xuyết bởi từng làn gió dịu nhẹ thoảng qua một cách đủng đỉnh trên mặt hồ tạo thành sóng gợn lăn tăn, phá tan cái mặt gương vốn đang phẳng lặng. Cái làn gió ấy cũng đã làm cho rặng liễu bên hồ phải khe khẽ rung lên, đong đưa những bức rèm xanh biếc khiến cho mấy chú chim non đang đậu trên cây phải giật mình chấp chới bay lên. Cứ thế, màu xanh của da trời, cái dịu dàng, nhẹ nhàng của từng ngọn gió thoảng trên hồ nước bao la và những mành tơ liễu mềm mại, thướt tha đong đưa bên hồ như thể đang cùng nhau hợp sức tấu lên những điệu khúc êm ái, du dương, ngọt ngào để mở lối đưa đất trời vào Thu.
          Thu sang đất trời không còn chói chang nắng gắt, những cơn mưa chợt đến chợt đi cùng sấm rền chớp giật cũng thưa dần để nhường chỗ cho những tia nắng vàng ươm như những sợi tơ mỏng mảnh nhè nhẹ giăng mắc, hong phơi dưới tán trời cao xanh ngắt mấy tầng. Dường như cái nắng của mùa hạ đã nung vàng những chiếc lá trên các tán cành của đôi hàng cổ thụ dọc bên những con đường, trên từng góc phố cho nên chỉ một cơn gió thoảng cũng đủ làm muôn lá trên cây thi nhau về cội. Nhìn những chiếc lá chao nghiêng, xoay tròn theo làn gió giao mùa ta cứ ngỡ như nàng thiếu nữ mùa thu lộng lẫy sắc vàng đang say sưa trong một điệu valse trên phố, khiến cho mặt đường cũng trở nên sinh động bởi một bức tranh khảm lá vàng rơi làm cho bao bước chân phải ngập ngừng, xao xuyến… Trái lại, rặng liễu bên hồ lá vẫn tốt xanh, chẳng bị vàng rơi. Nghe như gió mưa và cả cái nắng, cái nóng của những tháng ngày mùa hạ chẳng thể nào khuất phục hay thiêu cháy được mấy hàng tơ mành bé xíu, mảnh mai. Giữa muôn cây lá rụng, vàng tươi phơi đầy trên mặt phố thì những hàng liễu rủ, đêm ngày vẫn nghiêng nghiêng soi bóng xuống mặt nước hồ trong veo. Cũng có lúc, liễu bỗng chợt thấy mình trở nên trơ trọi, cô đơn giữa muôn loài cây đang mùa thay lá. Hẳn thế mà dáng liễu mùa thu có vẻ cũng như đượm buồn giữa mênh mang đất trời, sóng nước. Nhưng đó chẳng phải là nỗi buồn tự nó mà là cái buồn của mênh mang đất trời lan chuyền sang liễu. Chẳng biết có phải vì vậy mà khi xưa ông hoàng tình ái Xuân Diệu ngắm nhìn những cây liễu vào thu đã vội thốt lên rằng: “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngàng hàng” (Đây mùa thu tới). Và, không chỉ có Xuân Diệu, nhà thơ Thế Lữ cũng lần đã ví von: “Tiếng hát trong như nước ngọc tuyền/ Êm như hơi gió thoảng cung tiên/ Cao như thông vút, buồn như liễu/ Nước lặng, mây ngừng, ta đứng yên” (Tiếng gọi bên sông). Và lí giải nỗi buồn của liễu, ở bên trời Âu, anh em nhà Grim đã có lần kể: Trong lúc bị đóng đinh, chúa cứu thế Jesus Christus bị đánh bằng một chiếc roi bẻ từ một cây liễu. Rồi từ đó cây liễu cứ buồn bã, rủ cành xuống đất và chẳng bao giờ vươn lên trời cao được nữa.
          Bất chợt, chiều nay ngắm nhìn những thân liễu sần sùi, nứt nẻ, vặn vẹo nghiêng nghiêng bên hồ; buông lơi, thõng thượt những cành lá gầy guộc, mảnh mai, xanh biếc đang nhè nhẹ đong đưa theo gió ta chợt như thoáng thấy bóng hình của một nàng thiếu nữ đang cúi đầu, xoã tóc làm duyên. Từng chùm liễu xanh xanh, mềm mại rủ xuống nhìn sao giống như những lọn tóc của cô nàng vừa mới tết xong đang buông xoã, soi xuống mặt hồ, mặc cho gió đưa. Ngắm nhìn cảnh ấy, có không ít người bảo rằng mùa thu liễu đẹp. Có lẽ, tiết thu sáng trong, nhất là khi cuối thu đầu đông khí trời se lạnh, ngắm nhìn những nhành lá mượt mà, điệu đà nghiêng mình soi bóng xuống mặt nước hồ trong xanh vời vợi mà người ta bảo vậy. Quả đúng là thế, trời thu, nước hồ mùa thu như thể hoà vào trong sắc lá và dáng hình của liễu để tôn nâng cái vẻ dịu dàng, thướt tha nhưng cũng không kém phần yểu điệu, quí phái. Mùa thu rất đẹp. Liễu mùa thu cũng rất đẹp. Nhưng không phải vì yêu mùa thu mà cao hứng bảo rằng khi mùa thu về liễu thời đẹp nhất.
Thực ra, liễu đẹp nhất phải là ở mùa xuân. Khi mùa xuân về, vẻ đẹp của cây liễu được phát lộ rực rỡ. Sang xuân, cái hanh khô rét mướt khắc nghiệt của mùa đông lạnh giá đã qua đi, khí trời ấm áp trở về, những cơm mưa bụi lây phây như thể làm hồi sinh mọi vật. Khi ấy rặng liễu bên hồ lá như mướt xanh hơn, áng tóc mảnh mai rủ xuống lại được cài thêm bởi những chùm hoa đỏ duyên dáng đầy quyến rũ. Từng cánh hoa mềm yếu, mỏng mảnh, thắm đỏ kết thành những chùm nhìn tựa như đuôi chồn, đuôi sóc xoè ra, cài trên mái tóc biếc xanh buông hờ, thả xuống mặt nước, đẹp đến nao lòng. Chẳng biết, có phải cái vẻ đẹp mướt xanh, dịu dàng, thướt tha, mảnh mai của cái áng tóc mùa xuân ấy mà hình ảnh cây liễu đã hớp hồn, làm mê mẩn không ít thi nhân từ bao đời nay. Xưa kia, đời nhà đời Đường bên nước Trung Hoa, Vương Xương Linh nhìn rặng liễu xanh đang tràn trề nhựa sống mà thấy tiếc thương cho tuổi xuân thì của người chinh phụ: “Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc/ Hối giao phu tế mịch phong hầu” (Trần Trọng San dịch: Chợt trông đường liễu xanh màu/ Xui ai tìm cái phong hầu mà chi - “Khuê oán”). Sau này, trong “Truyện Kiều” cụ Nguyễn Du cũng đã sử dụng hình ảnh cây liễu để nói về vẻ đẹp của cảnh sắc trời xuân, nơi Kim Trọng và Thuý Kiều gặp gỡ và mở đầu cho một mối tình đẹp đẽ nhưng cũng đầy oan nghiệt: “Dưới cầu nước chảy trong veo/ Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”. Rồi lại chợt nhớ, có lần đứng bên bờ Trường Giang, ngắm màu hoa sắc liễu, không cầm lòng được hoàng tử Đoàn Dự đã phải thốt lên: “Trường Giang từng đợt sóng cồn/Ngẩn ngơ bờ liễu lơ thơ mấy hàng/ Đường về khuất nẻo thôn trang/ Phất phơ hoa liễu tà tà ánh dương” (Theo “Thiên long Bát bộ” của Kim Dung). Cái vẻ đẹp yểu điệu của liễu, sau này, hồi Thơ Mới, chàng thi sĩ tài hoa bất hạnh Hàn Mặc Tử nỗi lần ngắm nhìn là lại liên tưởng đến một nàng thiếu nữ thướt tha đứng đợi tình nhân dưới đêm trăng vàng đầy mơ mộng: “Trăng nằm sõng soãi trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi” (Bẽn lẽn). Ngắm liễu rủ trong những đêm trăng vàng óng ả soi bóng đã đẹp. Nhưng cảnh ấy còn đẹp hơn khi có những cơn gió đông (gió mùa xuân) thổi về làm cho những áng tóc mướt xanh, mềm mại xôn xao, xáo động. Gió Đông càng mạnh, mái tóc người thiếu nữ càng chao đảo, nhảy múa rung rinh khiến mặt hồ cũng phải ngả nghiêng như đêm vũ hội. Chẳng thế mà Nguyễn Du trên đường đi sứ qua Hồ Nam (Trung Hoa) đã có những vần thơ tả liễu nhảy múa rất đẹp: “Duyên thành dương liễu bất thăng nha/ Diệp diệp ti ti vị cập thu/ Hảo hướng phong tiền khán dao duệ/ Tối điên cuồng xứ tuyệt phong lưu” (Dịch thơ: “Dương liễu bên thành mềm xiết bao/ Thướt tha tơ lá lúc chưa thu/ Lần đưa trước gió xem đường múa/ Đưa mạnh bao nhiêu đẹp bấy nhiêu” - Dẫn theo Hoài Thanh, trong “Chuyện thơ”).
          Vậy đấy, có đúng rặng liễu mùa xuân mới là rặng liễu đẹp nhất? Cái vẻ đẹp ấy chẳng dễ gì qua được những con mắt xanh của thi nhân từ bao đời nay. Và thế thì liễu đâu có phải là buồn. Phải chăng mấy nhà Thơ Mới của ta lâm vào cái cảnh “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” nên đã gửi vào những cành liễu rủ một nỗi buồn man mác, tang thương khiến cho người đời truyền nhau về một nỗi ám ảnh. Người ta bảo nhau, liễu buồn nên trồng liễu trong nhà thì sẽ gặp nhiều buồn phiền, xui xẻo ...; rồi nữa, liễu thuộc về phần âm nên dễ dẫn dụ âm khí về nhà... Thực ra đâu có phải vậy. Hàm oan của liễu tôi nhớ đã được Hoài Thanh hóa giải. Hơn thế nữa, có lần tôi đã được nghe người ta bảo: cây liễu được coi là biểu tượng của hạnh phúc, của tuổi thanh xuân. Và tên Liễu cũng là tên của một vì sao trong nhị thập bát tú. Nghẻ kể, từ thời cổ đại người ta đã trồng liễu trong nhà hoặc treo cành liễu bên ngoài ô cửa để trừ tà rất hiệu nghiệm. Lạ thay, thế mà giờ đây cây liễu vẫn bị hàm oan. Liễu chỉ được trồng bên hồ và những nơi công cộng. Thôi thì cũng chẳng sao, liễu chẳng được sánh vai cùng cây tùng, cây bách trong các gia viên để tạo thành cặp trai tài gái sắc yểu điệu đào tơ thì cũng được mặc sức rong chơi bên nhưng bờ hồ gió lộng, đêm ngày thỏa sức giỡn nước vờn trăng làm cho điêu đứng mê mẩn biết bao cặp mắt tình si: “Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều/ Ðể nghe dưới đáy nước hò reo/ Ðể nghe tơ liễu rung trong gió/ Và để xem trời giải nghĩa yêu” (Hàn Mặc Tử - Đà Lạt trăng mờ) hay lưu luyến gọi về trong nỗi nhớ của bao người đi xa: “Em ơi! Hà Nội - phố/ Ta còn em chiếc xe hoa/ Qua hàng liễu rủ/ Cánh tay trần trên gác cao/ Mở cửa/ Mùa xuân trong khung/ Đường phố dài/ Chi chít chồi sinh/”; “Ta còn em tiếng trống tan trường/ Màu thanh thiên lẫn trong liễu rủ” (Phan Vũ – Em ơi! Hà Nội phố)   
          Thế đấy, tự ngàn xưa cho đến bây giờ, liễu ở bên đời và gây tâm tình thương nhớ cho biết bao người. Người ta yêu liễu cũng lắm và người ta hờn liễu cũng nhiều. Người yêu liễu thì nâng niu, thương luyến còn người hờn liễu thì buông lời thị phi. Nhưng chẳng sao. Liễu vẫn là liễu. Liễu chẳng thích sự ồn ào. Liễu tìm đến bên hồ man mác. Đêm ngày lặng lẽ xoã làn tóc mây soi bóng xuống mặt nước hồ xanh. Cứ thế, liễu đẹp trong nắng và đẹp cả khi trời mưa gió. Giữa trưa hè nắng chảy làn tóc mây của liễu được mặt hồ phản chiếu muôn ngàn những tia nắng lấp loá khiến những cành liễu đang rũ xoã nhìn tựa như những sợi thuỷ tinh. Trong gió trong mưa, thân cành của liễu như thể mềm mại hơn để nghiêng mình đong đưa duyên dáng trên mặt nước hồ bao la. Những giọt mưa rơi đậu trên lá liễu đọng thành từng giọt nhìn tựa như những giọt lệ vương trên những bờ mi. Và áng tóc mây của liễu xoã xuống mặt nước tựa như muôn cánh tay đang xoa, đang cào sóng nước mặt hồ. Cứ thế, lặng lẽ mà liễu thả hồn gây thương gây nhớ! Liễu đứng bên hồ và cũng đã trở thành chứng nhân của biết bao cuộc tình. Dưới làn tóc mây, liễu đã dâng chùm hoa đỏ thắm cho các chàng trai nâng niu tặng các cô nàng. Và cũng có khi nhưng cánh hoa mong manh lại được trao truyền ấp iu trong biết bao trang sổ như thể để lưu giữ một thoáng xuân thì. Hình ảnh của liễu còn được đi sâu vào trong tâm thức của biết bao người. Người ta thường dùng hình ảnh liễu yếu đào tơ để gọi những người con gái đẹp, rồi nói chân mày lá liễu để chỉ nhưng cặp lông mày thanh mảnh cong mềm quyến rũ. Và cũng có một thời, mỗi khi đi xa người ta lại thường hay bẻ một cành liễu nhỏ để trao tặng cho nhau như thể để tỏ tình lưu luyến. Chẳng thế, cụ Tiên Điền khi tả cuộc chia tay Kim Kiều đã viết: “Khi về hỏi liễu Chương Đài/ Cành dương đã bẻ cho người chuyên tay”.
          Bây giờ trong tiết đầu thu, tóc liễu la đà in hình trên mặt nước. Trời  kia cao xanh muôn thủa chợt như đang được thu về trên làn tóc biếc để nhuộm xanh nước hồ. Bất chợt, có ai đó còn nhớ cái thời đã qua:
- “Bấy lâu gió dập mưa vùi
Liễu xanh con mắt đào tươi má hồng”
  - “Cành đào lá liễu phất phơ
Lấy ai thì lấy, đợi chờ nhau chi”.
Và rồi dưới cái gốc tơ liễu ngoài kia có ai còn ước: “Ta sẽ là vợ chồng/ Sẽ yêu nhau mãi mãi/ Sẽ se sợi chỉ hồng/ Sẽ hát câu ân ái/ Anh và em sẽ sống/ Trong một mái nhà tranh/ Lấy trúc thưa làm cổng/ Lấy tơ liễu làm mành ...” (Hôn nhau một lần cuối - Nguyễn Bính).
Thế mới hay, thu kia cảnh ấy luống vương bao tình!
 


  Trở lại chuyên mục của : Giang Hiền Sơn