GIANG HIỀN SƠN


NÀNG H’ LY TRÊN DÒNG SÊ SAN
                                                                             
 
          Bây giờ nàng H’Ly (thác Ialy) đã hòa mình vào dòng Sê San trong một dáng vóc mới với tên gọi gắn liền với một công trình thủy điện có công xuất lớn vào loại bậc nhất trên cao nguyên Trung phần và đứng vào hàng thứ ba trên cả nước: thủy điện Ialy (sau thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình). Kể từ ngày 4 tháng 11 năm 1993, khi phát lệnh khởi công công trình cho đến khi tổ máy số 1 bắt đầu hoạt động vào hồi tháng 5 năm 2000 và khánh thành nhà máy vào ngày  27 tháng 4 năm 2002 thì hình dáng tự nhiên của dòng thác đã không còn nguyên vẹn như thủa ban đầu. Tuy vậy những huyền thoại về dòng thác và sự thơ mộng, hùng vĩ của dòng sông thì vẫn còn đó và sống mãi trong ký ức của các thế hệ người Tây Nguyên. Chẳng những thế, giờ đây, nó đã và đang trở thành một điểm đến du lịch rất hấp dẫn trên vùng cao nguyên đất đỏ bazan đầy nắng, gió và ấm áp tình người. Thậm chí có người vì quá yêu quý cái vẻ đẹp duyên dáng, uyển chuyển, lộng lẫy của hồ nước biếc xanh giữa lưng chừng núi cùng đại ngàn hoang sơ, bí ẩn mà đã thốt lên rằng: ai lên đến Tây Nguyên mà không đặt chân đến hồ thủy điện Ialy thì coi như chưa đến nơi này.
          Thác Ialy đã hiến mình vào lòng hồ thủy điện nhưng huyền thoại về ngọn thác vẫn được lưu truyền trong dân gian, nhất là với những người bản địa. Theo lời kể của người xưa thì ngọn thác là hiện thân của một câu chuyện tình đầy bi thương của một người sơn nữ Gia Rai. Chuyện xưa kể rằng, H’Ly là con gái của trưởng làng. Nàng nổi tiếng xinh đẹp và có tấm lòng nhân hậu. Khi đến tuổi cập kê, H’Ly được rất nhiều đàn ông trong làng theo đuổi, trong đó có chàng Rốc và chàng Rit yêu nàng say đắm. Chàng Rốc khoẻ mạnh, can trường nhưng nhà nghèo. Chàng Rit yếu đuối, hèn nhát nhưng nhà giàu. Đứng giữa hai người, trưởng làng không biết chọn ai nên tổ chức một cuộc thi để cho hai người cùng trổ tài. Sau nhiều thử thách trưởng làng vẫn không chọn được người thắng cuộc. Cuối cùng, trưởng làng đưa ra lời thách đố: “Ai dám vượt sông mang về cho ta con cọp dữ, người đó sẽ được con gái ta bắt làm chồng”. Chàng Rít thấy thế run sợ và lặng lẽ bỏ cuộc. Còn chàng Rốc thì không ngần ngại. Rốc lao thẳng xuống dòng Sê San đang gào thét. Thế rồi, tháng ngày trôi qua, mãi chưa thấy chàng quay trở lại. Nàng H’Ly tìm đến nơi hai người chia tay để chờ đón chàng về. Nàng đợi mãi nhưng không thấy chàng đâu, cuối cùng kiệt sức và hóa thành ngọn thác. Nước mắt nàng khóc chờ người yêu hóa thành dòng nước đêm ngày tuôn chảy.
Thác Ialy theo tiếng Gia rai có nghĩa là nước mắt nàng Ly; Ya (hay Ia) có nghĩa là nước, Ly là tên người. Người Gia Rai đã giải thích tên thác (địa danh) bằng một câu chuyện tình. Một chuyện tình bi thương nhưng ấm áp. Và ngọn thác này không chỉ được kể bằng một câu chuyện. Bên cạnh câu chuyện bi kịch của nàng H’Ly hóa thác chờ người yêu, người Gia Rai cũng còn có một câu chuyện khác để lý giải về ngọn nguồn của ngọn thác. Chuyện có kể, ngày xưa vùng đất này khô hạn, người dân sống khổ sở, đói khát vì thiếu nước. Hồi đó, trong buôn có một lãnh chúa biết một nguồn nước ngọt. Lãnh chúa yêu một cô gái xinh đẹp tên là H’Ly. Lãnh chúa si mê nàng H’Ly đến mức đã tiết lộ nguồn nước quý cho cô nghe. Lãnh chúa bảo H’Ly không được để lộ bí mật này. Nếu để nguồn nước bị lộ thì thần sẽ bắt nàng sẽ phải chết. Biết vậy nhưng nàng H’Ly thương dân làng không có nước nên không giữ bí mật đó cho riêng mình. Nàng chỉ cho dân làng nơi có nguồn nước quý giá. Sau đó nàng chết. Khi nàng chết, mái tóc đã hóa thành thác nước chảy suốt đêm ngày. Kể từ đó buôn làng của H’Ly được sống ấm no, hạnh phúc.
          Đó là những sự tích để giải thích về sự xuất hiện của dòng thác. Những truyền thuyết ấm tình người. Còn thực tế, ngược dòng thời gian khoảng hơn ba chục năm trở về trước, khi ấy dòng sông Pô Kô (phụ lưu của sông Sê San) chảy từ Kom Tum về đến Chư Păh thì bị những dãy núi ở nơi đây chắn ngang tạo thành một hồ nước ở giữa lưng trời tuyệt đẹp. Thời ấy, đêm ngày, không ngừng không nghỉ, những dòng nước mát ngọt cứ tự nhiên theo dòng sông Pô Kô chảy vào hồ và tạo thành một cảnh tượng trái ngược nhau ở hai mạn bờ bên đằng đông bắc và phía đằng Tây. Bên bờ phía đông bắc, mặt hồ như một tấm gương khổng lồ, yên ả, phẳng lặng, in bóng rừng gỗ tếch xòe tán giống những chiếc ô, lung linh, đung đưa trên mặt nước. Bờ phía đằng tây không bình yên, thơ mộng như thế mà có phần dữ dằn, bí hiểm. Nước từ thượng nguồn đi xuống, chảy vào trong hồ và dâng lên quá ngưỡng, tạo thành những dòng chảy như thể đang thúc mạnh vào sườn núi Chư Păh, tràn lên bề mặt và chia cắt trái núi thành nhiều khe rãnh, rồi tràn nước ra cho tự do rơi xuống chân núi qua mười hai bậc đá khổng lồ nhẵn bóng, tạo thành một dòng thác thẳng đứng giống như đang tuôn nước từ trên trời xuống một cách kỳ diệu. Cảnh tượng ấy khiến cho phía bờ tây hiện lên vừa tráng lệ vừa hùng vĩ. Mặt hồ, nước reo ầm ĩ, bọt tung trắng xóa, sóng chồm dữ dội làm vang động cả núi rừng vốn rất tĩnh mịch, yên ả. Nhiều khi đi từ rất xa người ta đã nghe thấy tiếng thác nước reo vang tựa như trăm tướng vạn quân đang xung trận giữa đại ngàn thâm u, cao cả và đến khi đến gần lại có cảm giác như bị lạc vào một biển sương mịt mờ, hư ảo bởi muôn ngàn hơi nước và bọt trắng bắn tung tứ phía. Cái cảnh tượng huyền diệu, mát mẻ thần tiên ấy chính là thắng cảnh thác nước Ialy trên vùng núi Chư Păh.
Đứng trên đập thủy điện, nhìn dòng sông Sê San, ta không còn trông thấy vẻ đẹp tráng lệ của ngọn thác. Thay vào đó là sự hùng vĩ của dòng sông, của hồ nước với công trình thủy điện mang tên ngọn thác đang hiện ra mênh mông trước mắt. Cứ như thế, bất giác, ta không khỏi nghĩ về dòng sông chảy ngược giữa đất trời cao nguyên lộng gió. Tính từ đỉnh núi Ngọc Linh (cao hai ngàn năm trăm chín mươi tám mét), nơi khởi nguồn, sông Sê San đã gắn mình với những mạch núi cao ngất ở phía đông cùng các gờ núi hình cánh cung, có sườn dốc đứng, lồi về phía biển tựa bức trường thành khổng lồ ôm lấy một dải cao nguyên ở phía tây, thoải dần xuống đến thung lũng và hòa vào dòng sông Mêkông (gần Strung Treng - Cam Pu Chia). Và với hai nhánh chính hợp thành (sông Đăkbla và sông Kroong poko), dòng chảy Sê San trên cao nguyên đất Việt có chiều dài hai trăm ba mươi bảy cây số và diện tích lưu vực lên tới mười một ngàn bốn trăm năm mươi cây số vuông (tính từ nơi khởi nguồn cho đến khi hợp vào sông Mê Kông và ra đến biển, chiều dài của sông khoảng ba trăm sáu mươi cây số). Đi trên địa hình như thế dòng sông hẳn đã bao lần phải băng mình qua những khúc gập ghềnh, hiểm trở, ngổn ngang bởi những núi và cao nguyên hùng vĩ của hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Và cho đến khi những nhà máy thủy điện ra đời trên suốt dặm dài của dòng chảy thì sông đã không còn được sống đời của sông nữa. Những nhà máy thủy điện trên bậc thang Sê San như Thượng Kon Tum, Ea Súp Thượng, Pleikrông, Ialy, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4, Sê San 4 A, Ia Krei 2 đã bắt dòng sông phải sống theo cách mà con người mong muốn. Những công trình thủy điện đã khiến dòng sông Sê San không còn sống vô tư hồn nhiên như thủa ban đầu, khi phăng phăng, cuồn cuộn lên thác xuống ghềnh lúc lại chầm chậm, buông lơi để lắng nghe chim hót, ngóng xem hoa nở. Ngẫm ra cũng thấy hay, cứ tưởng chỉ có vật đổi sao dời mới làm sông biến mình thay đổi nhưng chẳng ngờ sức người cũng có ngày làm cho dòng chảy tưởng như con ngựa bất kham cũng trở nên hiền hòa và ngoan ngoãn. Thủy hỏa tưởng như tương khắc rồi cũng có ngày con người làm thành tương sinh để biến dòng nước bạc thành nguồn than trắng để phục vụ cho đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất.
Thác Ialy huyền thoại giờ đây lặng yên trong hồ nước rộng gần sáu mươi lăm cây số vuông với hơn một tỷ mét khối nước làm ngỡ ngàng cho những người phương xa mỗi khi có dịp diện kiến. Giữa trưa hè cao nguyên, đứng trên con đập dài hơn một cây số và cao gần bảy mươi mét, cong hình vòng cung, ngước lên, phóng xa tầm mắt, ta như nhìn thấu núi Ngọc Linh với một màu xanh trải dài của ngút ngàn núi rừng trập trùng sau những áng mây trắng bồng bềnh. Nhìn xuống mặt nước, hồ rộng bao la, sóng biếc gợn lên, xô nhau loang ra tới tận chân trời khiến cho rừng cây bên đôi bờ Sê San và bầu trời Tây Nguyên tưởng như chao đảo mỗi khi gió lộng và tạo nên một khung cảnh huyền ảo tuyệt đẹp khiến cho người ta khó cưỡng một tấm hình. Cũng từ đập nước người ta không khỏi choáng ngợp và thán phục khối óc và đôi bàn tay của con người bởi một công trình thủy điện hiện đại và đồ sộ mọc ra giữa lưng trời cao nguyên. Quả không còn gì thú vị hơn khi được sảng khoái giữa một bên là công trình thủy điện hoành tráng một bên là dòng Sê San tươi mát, dịu dàng như một dải lụa mềm mại, uốn lượn bên những núi cao rừng già hùng vĩ trong hun hút mắt nhìn hữu tình sơn thủy.
Thật thú vị nữa, nếu ai có may mắn được lãng du trên sông nước Sê San, trong lòng hồ mướt rượi để thả hồn theo những con sóng lao xao vỗ bờ từ hạ lưu công trình thủy điện ngược lên miền thượng lưu. Khi ấy bao mệt mỏi của lữ khách đường xa hẳn sẽ tan biến chỉ còn để lại một sự phấn khích và sảng khoái đến vô cùng vì được hòa mình vào cảnh sắc của thiên nhiên tươi đẹp giữa mây trời, sông nước nên thơ. Bồng bềnh theo con thuyền trôi, non nước Tây Nguyên theo mùa mà lữ khách có thể mặc sức thưởng ngoạn hương sắc đất trời, khi thì ngắm mai rừng lúc lại mê mẩn với phong lan hoặc rạo rực cùng mùa lộc vừng thay lá. Trên hành trình ngao du sông nước ấy cũng có lúc thuyền chầm chậm đi qua hoặc cũng có khi dừng lại cho du khách thưởng thức vẻ đẹp huyền ảo của những dòng thác nước tuôn trắng xóa đanh ẩn hiện thấp thoáng giữa những rừng già nguyên sơ. Và thật là kỳ diệu khi được tận mắt ngắm bóng hoàng hôn trên sóng nước lòng hồ. Dáng chiều in xuống mặt nước lung linh với những ánh vàng lấp lánh. Khi ấy mặt hồ bừng lên rực rỡ như nhuộm một màu cam, những vảy vàng loang ra theo những con sóng khiến cho cảnh sắc càng thêm huyền ảo. Dòng sông như cuộn mình lại để giữ ánh hoàng hôn rồi lại bất ngờ bung ra cho mặc sức tung tóe theo cánh gió. Cứ thế mà hoàng hôn miên man xuôi chảy lấp loáng trên mặt nước trong thấp thoáng bóng dáng của vài ba con thuyền ngư phủ hay độc mộc lặng lẽ xuôi ngược. Ánh hoàng hôn khuất dần sau rặng núi mờ xa, đêm cao nguyên dần buông trên lòng hồ thật nhanh, mặt hồ lấp loáng một màu nước bạc. Không biết màu bạc của sắc trời hay màu bạc của lá rừng săng lẻ đổ xuống dòng sông. Theo đó tiết trời cũng lạnh dần, hơi nước từ lòng hồ phả lên làm cho không gian trở nên rất mơ màng, khiến cho người ta sực nhớ đến câu thơ của Thôi Hiệu: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị?/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Hoàng Hạc Lâu) để rồi trong lòng không khỏi bâng khuâng, vấn vướng một nỗi nhớ nhà.
          Khi chưa đặt chân lên vùng đất Tây Nguyên xa xôi thì trong tôi đã từng có một “Đăm San”, một “Đất nước đứng lên”, một “Rừng xà nu”, rồi lại từng có cả một “Bóng cây Kơnia”. Trong tâm trí tôi, đó là vùng đất của những người anh hùng, của những tấm lòng nghĩa tình thủy chung, thương nhớ. Nay được đặt chân lên vùng đất cao nguyên huyền thoại, miền đất ấy trong tôi không chỉ lưu lại “có cái nắng có cái gió” mà còn “có nỗi nhớ”. Một nỗi nhớ “không mang tên không mang tên người ơi”!


  Trở lại chuyên mục của : Giang Hiền Sơn