GIANG HIỀN SƠN


                      CÔN ĐẢO,
Sự Song Tồn Của Các Đối Cực
 
          Côn Đảo đón chúng tôi trong cái nắng sớm mai vàng tươi đang tung tăng rỡn mặt biển xanh khiến cho cảnh bình minh đẹp đến mê hồn. Từ trên máy bay, qua ô cửa kính của chiếc Bamboo khi chuẩn bị hạ cánh xuống phi trường Cỏ Ống chúng tôi đã nhìn thấy những đảo đá xanh rợp bóng cây nổi lên giữa bốn bề đại dương lóng lánh màu ngọc bích nom thật đẹp mắt. Và, giữa những nhấp nhô của đảo đá, rừng cây xanh mướt ở nơi biển khơi xa xôi phương Nam kia tôi đã nhận ra hòn Côn Sơn - trung tâm của quần đảo Côn Lôn (gọi là Côn Đảo), nơi chúng tôi đang hướng đến để về nguồn tri ân. Hòn đảo Côn Sơn xanh mát với dáng hình của chiếc gọng vó khum khum đang quay lưng về phía đất liền Nam Bộ và ngảnh mặt ra phía Thái Bình Dương bao la trong cái nhìn đầy háo hức. Mọi người như có cảm giác hòn đảo xinh đẹp ấy đang ở gần hơn, tưởng như trong một tầm với. Khoảng cách không gian như được rút lại gần hơn theo thời gian, cái tiền đồn xa xôi của Tổ quốc giữa bốn bề đại dương mênh mông kia càng lúc càng hiện rõ hơn trong con mắt của mọi người. Côn Đảo, cái tên đã nghe cả nửa thế kỷ nay đang đến gần trong tôi từng phút với cả bao nỗi niềm thích thú mà chẳng gì có thể xa xôi hay cách trở nào được nữa.

          1. Thiên đường và địa ngục

Côn Đảo, thực ra tôi chưa được trải nghiệm hết mười sáu hòn đảo lớn nhỏ của quần đảo Côn Lôn, chỉ mới được du ngoạn trong phạm vi của hòn đảo Côn Sơn với trung tâm là thị trấn Côn Đảo. Nhưng những gì được tận mắt nhìn thấy cũng đủ để hiểu và say mê cái hòn đảo thân yêu ở tít mãi ngoài khơi xa, phía cực Nam của Tổ quốc. Điều thích thú và để lại ấn tượng nhất đối với chúng tôi ở hòn đảo xinh xắn này là khung cảnh thiên nhiên tuyệt diệu mà tạo hóa đã ưu ái cho vùng đất phương Nam khiến bao người không khỏi ngớt lời tụng ca bằng các mỹ từ như thể thiên đường của biển, thiên đường du lịch hay vùng đất quyến rũ nhất hành tinh… Còn với tôi, tôi lại muốn gọi nó bằng cái tên có vẻ điệu đàng, diêm dúa hơn là nàng công chúa của biển ... Nàng công chúa của biển ấy được tạo bởi với những núi đá hùng vĩ cùng những rừng cây mướt mát tươi xanh hòa trong màu biển biếc làm thành một màu lam bất tận thỏa sức quyến rũ, mê muội người qua.  

Trên đảo Côn Sơn núi tiếp núi, rừng liền rừng, biển nối biển. Những dải núi granit hòa vào màu của cây, màu của da trời, màu của biển khơi làm thành một không gian xanh biếc một màu chạy từ Tây Nam sang Đông Bắc tựa như bức trường thành chắn che gió, giông. Những rừng nguyên sinh và những hàng cây cổ thụ bên các con phố; nhất là các cụ bàng ven biển, trong các nhà lao có tuổi đời hơn cả trăm năm vẫn còn xanh mướt một màu trên lớp vỏ da gân guốc, sần sùi thấm đậm hương vị mặn mòi của biển. Trải qua bao thăng trầm của thời gian những thân, cành của các cụ bàng từng được coi là các chứng nhân của lịch sử trong suốt trường kỳ khổ đau và bi hùng của dân tộc dường như còn giữ nguyên vẹn những dáng nét ban sơ; vẫn cứ xưng u, nổi cục, dương mấu, mở mắt trước dòng đời bất tận, đêm ngày hòa mình trong nắng gió mặn mọi của biển khơi giữa mênh mông bát ngát ngàn trùng.

Và, cái nàng công chúa xinh tươi của biển ấy còn có các bãi bờ tuyệt trần với những dải cát trắng mịn, trài dài mênh mông hòa cùng làn nước trong xanh nhìn xuyên thấu tận đáy, lung linh phản chiếu ánh mặt trời khiến cho hòn đảo đẹp như xứ mộng ở nơi tiên cảnh. Cảnh sắc Côn Đảo đầy quyến rũ lại được hòa trong cái tiết trời dễ chịu của miền khí hậu á xích đạo với những cơn mưa nhiệt đới cứ chợt đến chợt đi chẳng hề báo trước như thể giỡn đùa, đôi khi cũng làm cho người mới đến trở tay chẳng kịp, càng khiến cho khách đằng xa không khỏi ngỡ ngàng, thú vị.

Vẻ đẹp của Côn Đảo là vẻ đẹp của biển trời và núi rừng hoang sơ. Cái hoang sơ ấy tự nhiên tới mức cả những con đường cũng sạch bóng như lau mà chẳng cần sự tác động của con người bởi có gió biển làm chổi, ngày đêm lau quét, dọn sạch các cung đường. Cứ chổi trời và những cơn mưa bất chợt như thế mà các cung đường dài hun hút trên đảo lúc nào cũng sạch như lau như li, xanh rợp bóng cây và lộng gió biển khơi để dẫn vào cánh rừng nguyên sinh hay vòng quanh ven biển đưa đến những bãi tắm thơ mộng làm thành một không gian trữ tình, xanh mát mà níu kéo chân người, khiến người qua không khỏi mê mẩn, thích thú.

Một Côn Đảo của thiên đường hôm nay nhưng vẫn còn mang trong mình những dấu tích của một thời địa ngục. Cái dấu tích địa ngục trần gian ấy cũng chính là một minh chứng hùng hồn cho tinh thần yêu nước quật cường của một dân tộc đã gan góc, bền bỉ chống lại ách nô lệ của những thực dân, đế quốc được xếp vào loại sừng sỏ bậc nhất của thời đại trong suốt hơn một thế kỷ. Giờ đây những đau thương ấy đã đi qua nhưng vết sẹo ở thiên đường vẫn còn nguyên đó. Những chuồng bò, chuồng cọp, xà lim ... Trại Phú Hải, Trại Phú Sơn, Trại Phú Trường, Trại Phú Thọ, Trại Phú An, Trại Phú Phong, Trại Phú Bình, Trại Phú Hưng, Trại Chín ... một thời két tiếng với những ngón đòn đày đọa, tra tấn tù nhân man rợ nhất hành tinh đã khiến cho khoảng hai mươi ngàn người Việt Nam yêu nước các thế hệ trong khoảng một trăm mười ba năm phải vĩnh viễn nằm lại đất này khiến nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới đều phải bàng hoàng, phẫn nộ.
Lịch sử đã sang trang, Côn Đảo bây giờ hút hồn khách muôn phương bởi những bờ biển cát trắng trải dài, xinh đẹp cùng làn nước trong veo lao xao sóng biếc với biết bao cảnh đẹp của miền biển, rừng nhiệt đới nhưng các tên cầu trên đảo: Cầu Tàu Chín Trăm mười Bốn (914) hay Cầu Ma Thiên Lãnh vẫn là những ác mộng trong các câu chuyện kể. Mỗi mố cầu, mỗi hòn đá đều là những chứng nhân lịch sử thấm đẫm máu đào của những tù nhân yêu nước. Con số chín trăm mười bốn là chín trăm mười bốn mạng người đã ngã xuống vì đòn roi, vì núi lở đá đè để làm lên cầu tàu. Hay cái tên Ma Thiên Lãnh cũng vậy, mới chỉ có làm xong hai mố cầu thôi mà cũng đã bỏ xác tới ba trăm năm mươi sáu mạng người. Thế mới hay cho cái tên Ma Thiên Lãnh từng là ngọn núi hiểm trở ở Triều Tiên vào truyện Tàu trong “Tiết Nhân Quý Chinh Đông” để đến Côn Đảo trong tên của một cây cầu dang dở.
Chưa hết, tội ác của kẻ thù và bản hùng ca của hơn một thế kỷ bi hùng vẫn còn đó trong lòng đất của nghĩa trang Hàng Dương nơi hiện hữu gần hai ngàn ngôi mộ hay nghĩa trang Hàng Keo nơi chôn vùi khoảng mười nghìn tù nhân chính trị, nổi tiếng với lời ca ai oán: “Côn Lôn đi dễ khó về/ Sống nương núi Chúa, thác về Hàng Keo”. Có lẽ không chỉ có đất, đá Côn Đảo thấm đẫm máu xương mà còn cả ngoài khơi Côn Đảo cũng hòa tan xương máu của một thời bi hùng quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Chẳng hiểu sao, bước đi trên Cầu Tàu Chín Trăm Mười Bốn nhìn về phía khơi xa lộng gió tôi lại nhớ đến vần thơ khắc bên bờ Thạch Hãn ở Quảng Trị: “Đò lên Thạch Hãn ơi ... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Có lẽ, cũng bởi yêu thương và kính trọng anh linh của các bậc tiền nhân mà người Việt ít xuống tắm ở bãi biển Cầu Tầu.

2. Dương và âm; yên tĩnh và nhộn nhịp

          Khu trung tâm du lịch Côn Đảo hay những khu phố của thị trấn đều yên tĩnh, về ban đêm khá vắng vẻ. Tuy nhiên nghĩa trang Hàng Dương lại rất nhộn nhịp, tấp nập cả ngày lẫn đêm. Hầu như không ngày nào, đêm nào là không có người đến thăm viếng. Không ai đến Côn Đảo lại không đến nghĩa trang Hàng Dương. Người muôn nơi cứ tối đến lại dầm dập đổ về Hàng Dương để viếng mộ, nhất là mộ cô Sáu - Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu.
Người đến Côn Đảo truyền bảo nhau rằng viếng cô Sáu sau hai ba giờ hằng ngày là linh thiêng nhất. Khi ấy, giữa không gian mênh mông của Hàng Dương, trong phảng phất trầm hương nghi ngút cùng thanh âm rì rào của gió biển từ ngoài khơi xa thổi về trong lập lòe của những ánh nến lung linh khi tỏ khi mờ, hư ảo hòa cùng với thứ ánh sáng trắng xanh lờ mờ tỏa ra từ những bóng đèn năng lượng mặt trời khiến cho người ta dễ dàng liên tưởng đến phiên chợ âm dương trong bộ phim “Bao giờ cho đến tháng mười” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Cái khung cảnh âm âm dương dương ấy tuyệt nhiên không gợi lên cho người ta cái cảm giác rợn ngợp hay sợ hãi mà gọi về trong ta bao nỗi niềm cảm phục, thương mến rưng rưng cùng với những khát khao, mong muốn được chở che, phù ứng. Người ta bảo với nhau rằng cô Sáu rất linh. Có thể vì sự linh thiêng ấy mà cô Sáu đã trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao câu chuyện. Dường như tấm lòng trung kiên, tinh thần bất khuất và sự hy sinh anh dũng khi tròn tuổi trăng rằm nên cô Sáu đã sống mãi trong sự ngưỡng mộ của cả người ở phía bên kia chiến tuyến nên cuộc đời cô đã sớm trở thành huyền thoại. Huyền thoại ngay từ khi bắt đầu bị hành hình. Huyền thoại trong câu chuyện lập bia, đắp mộ cho đến trồng cây, trồng hoa trên mộ hay việc lập bàn thờ cô tại các tư gia của bọn chúa đảo và bọn tay sai trên đảo.

Có lẽ, sau này bên cạnh những trang chính sử hào hùng oanh liệt thì kho tàng văn học dân gian của Bà Rịa - Vũng Tàu, nhất là Côn Đảo sẽ có không ít truyền thuyết đầy cảm hứng về người con gái miền đất đỏ. Cái chết oanh liệt của cô Sáu khi còn trinh nữ đã khiến cho không ít kẻ thù từ lúc đương thời cho đến cả sau này vẫn còn phải khiếp đảm. Những câu chuyện hiển linh của cô trên đảo ngay từ khi vừa ngã xuống đã làm cho bao tên chúa đảo hay bọn tay sai ác ôn phải sợ hãi, chùn tay, thậm chí phải bỏ nghề. Sự ngưỡng mộ liệt nữ cùng niềm tin tâm linh phương Đông đã thiêng hóa người anh hùng. Có thể nói giờ đây anh hùng Võ Thị Sáu đã hóa thần trong tâm thức dân gian của người Côn Đảo. Chẳng thế, hễ gặp khó người ta lại đến mộ xin cô. Trai gái yêu nhau cũng đến cầu cô cho cưới. Có công to việc lớn mọi người đều đến trình cô ... Cũng bởi sự thiêng hóa ấy mà chẳng biết từ khi nào giỗ cô ngày vào ngày hai ba tháng một hàng năm (người ở Côn Đảo giỗ cô vào ngày dương lịch còn ở quê cô, huyện Đất Đỏ giỗ vào ngày âm, tức ngày hai bảy tháng Chạp) đã trở thành ngày hội của đảo, ngày giỗ chung của toàn đảo. Cứ đến ngày ấy, các nhà trên đảo cùng nhau làm giỗ cô. Người ta làm cỗ lễ cô ở nhà; dâng cỗ lễ cô ngoài mộ, lễ cô trong đền ... Và không chỉ người dân trên đảo mà cả người dân khắp nơi trong cả nước cũng kéo về thắp hương, lễ cô ở nghĩa trang Hàng Dương từ sớm tới khuya. Cứ thế, và cũng chẳng biết từ khi nào, cô Sáu đã hóa thần và trở thành vị thần hộ mệnh của toàn dân Côn Đảo.

          3. Máu và thơ

          Người ta bảo Côn Đảo là bàn thờ Tổ quốc. Anh Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng phòng GDĐT Côn Đảo có nói với chúng tôi rằng người ta bảo vậy vì ở trên hòn đảo này, trong khoảng một trăm mười ba năm, kẻ thù xâm lược hết Pháp rồi lại đến Mỹ đã giam cầm biết bao nhiêu ngàn người yêu nước trên khắp mọi miền của đất nước. Trong số hơn hai mươi ngàn người đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây có lẽ hầu hết các tỉnh, thành trên dải đất hình chữ S này đều gửi lại xương cốt những người con ưu tú của mình với hòn đảo xinh đẹp này.

Hóa ra là vậy! Từ sân nhà ngục Phú Hải, Phú Sơn, Phú Tường ... chúng tôi lặng ngắm những bức tường đá xám xịt lạnh lẽo, vững chãi to cao với hàng rào dây thép gai chằng chịt vắt ngang lưng trời mà không khỏi rùng mình ớn lạnh. Những cánh cửa thép đen xì cùng bao gông cùm vẫn còn nguyên vẹn đó. Phía ngoài những xà lim, biệt giam, chuồng cọp, chuồng bò ... hãy còn đó những tấm bia ghi khắc tên tuổi của biết bao người yêu nước đã từng lưu dấu chốn này. Nào những nhân sĩ yêu nước như các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế, Lã Xuân Oai, Trần Cao Vân ...  đến các chiến sĩ cách mạng như Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh ...  Bao nhiêu tên người là bấy nhiêu kiểu hành hạ, đòn roi. Sân tù rộng bao nhiêu, đất Côn Đảo dày nhường nào thì máu đào cũng đã loang và thấm đến tận cùng từng ngóc ngách để rồi lại nở hoa làm nên những trang vàng rực rỡ.
Thực dân, đế quốc muốn biến lao tù Côn Đảo thành địa ngục để lung lạc ý chí yêu nước, thương nòi của của dòng giống tiên rồng, máu đỏ da vàng. Nhưng trái lại với ý chí ban đầu của bọn chúng. Côn Đảo từ nhà ngục đã trở thành trường học cách mạng. Trường học ấy là nơi bồi dưỡng lý tưởng cách mạng và rèn luyện ý chí yêu nước. Tuy có máu đổ, xương tan nhưng nhà ngục ấy đã nở hoa trong những vần thơ yêu nước khiến kẻ thù phải khiếp đảm trước “sức mạnh Việt Nam”.


Mười ba năm lưu đày ở Côn Đảo, cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng đã có lần trải lòng với nhân gian: “Nước non một vùng trông đẹp mắt / Bệnh sầu trăm mối chất thành viền” để rồi khẳng định một tấm lòng sắt son của mình với Tổ quốc “Cuộc thế cờ luôn xoay nước mới/ Lều non, tre vẫn giữ màu tươi” (Làm xâu ở Cỏ Ống, bài 3). Côn Đảo không chỉ chắp cánh cho hồn thơ cụ Huỳnh trong “Thi tù tùng thoại” mà núi Chúa (nơi bọn chúa đảo bắt tù nhân đập đá, vận chuyển đá làm cầu tàu, làm đường, làm nhà, làm ngục ...) cao vời vợi trước biển kia cũng là cảm hứng cho những bài thơ của cụ Trần Cao Vân. Đứng bên núi Chúa ta như thể vẫn còn thấy vang đâu đó mấy vần thơ gan ruột: “Bất đáo Côn Lôn chân lạc địa/ Yên tri hoàn hải đại toàn thiên/ Ngô đồ lạc lạc hưu đa thán/ Tạo chủ thương thương tự hữu quyền/ Tối thị anh hùng ma luyện xứ/ Cổ kim kỳ tựu hựu kỳ duyên” (Chẳng đến Côn Lôn nơi thắng cảnh/ Biết đâu hoàn hải cõi toàn thiên/ Khuyên cùng bạn bè đừng ta thán/ Đã có cao xanh tự chủ quyền/ Rèn đúc anh hùng đây đã sẵn/ Nghìn xưa kỳ cuộc cũng kỳ duyên).



Tác giả ở nơi Cụ Phan Chu Trinh đập đá và sáng tác bài thơ "Đập đá Ở Côn Lôn"

Có lẽ với những người dạy học, được đứng ở Banh I (nhà ngục, trại giam) trong nhà lao Phú Hải là một điều không gì bằng. Đây chính là nơi cụ Phan Chu Trinh phải lao động khổ sai với công việc đập đá vào năm 1908 để rồi cảm hứng gửi lại cho đời những câu thơ ngạo nghễ mà hùng tráng, hào sảng với cái chí nam nhi: “Làm trai đứng giữa đất côn Lôn/ Lừng lẫy làm cho lở núi non/ Xách búa đánh tan năm bảy đống/ Ra tay đập bể mấy trăm hòn/ Tháng ngày bao quản thân sành sỏi/ Mưa nắng chi sờn dạ sắt son/ Những kẻ vá trời khi lỡ bước/ Gian nan chi kể việc con con” (Đập đá ở Côn Lôn). Thế đấy máu và thơ ở Côn Đảo là vậy. Hóa ra đâu cứ phải cứ phong hoa tuyết nguyệt mới làm thành thơ! Côn Đảo, hòn đảo bi hùng của một thời đau thương, máu và thơ đã lay động biết bao người.

Côn Đảo, hòn đảo thơ mộng của của vùng biển phương Nam. Nó tươi đẹp và hùng vĩ trong từng nét hoang sơ. Nó lẫm liệt và oai hùng trong gốc cây ngọn cỏ. Nơi ấy, thiên đường từng có địa ngục; bên những khoảng lặng bình yên có những nhộn nhịp, tấp nập; có người âm linh hiển phù trợ người dương; có máu đổ làm thành những vần thơ hào khí... Những đối cực song tồn ấy tưởng chừng như không thể nhưng lại rất có thể. Tất cả cùng ẩn hiện trong nhau, tồn tại bên nhau để làm lên một bản hùng ca đất Việt.
                                                (Côn Đảo - Hà Nội, 9/6/2022)
 


  Trở lại chuyên mục của : Giang Hiền Sơn