HÀN SĨ NGUYÊN
Thằng Cuội Ngồi Gốc Cây Đa
Thằng Cuội Ngồi Gốc Cây Đa
NỘI DUNG
I-THẰNG CUỘI trong chuyện cổ tích
II-BÀI ĐỒNG DAO THẰNG CUỘI và những điều ẩn khuất trong đó
III-THẰNG CUỘI của HSN
oOo
Trong văn học dân gian Việt Nam có nhiều hình tượng tiêu biểu, bất hủ như thằng Bờm, cái Bống, cô Tấm, chàng Ngốc, anh Khờ v.v... Điểm chung của các hình tượng ấy là chúng có kết cấu nhân vật rất đơn giản, với đặc trưng chân quê rõ nét nhưng có lẽ chính nhờ vậy mà từ bao đời nay các nhân vật ấy đã trở thành những hình tượng vô cùng sống động, khơi nguồn cho muôn ngàn sáng tác đủ các thể loại thơ, văn, nhạc, họa. Trong số những hình tượng tiêu biểu ấy nổi bật lên một “THẰNG CUỘI” đặc sắc với hình ảnh “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa”, từ Thằng Cuội ngồi dưới gốc đa đầu làng, mải mơ mộng để trâu ăn lúa, đến hình ảnh Thằng Cuội ngồi dưới gốc đa trên cung Quảng (Mặt Trăng), cô quạnh, đơn độc giữa ánh trăng sáng lung linh, thả hồn mơ về nhân gian : Một hình ảnh cực kỳ thơ mộng.
Bài viết này chỉ là một bài TẢN MẠN đôi dòng về nhân vật lý thú ấy
I-THẰNG CUỘI trong CHUYỆN CỔ TÍCH
Cổ tích Việt Nam còn lưu lại câu chuyện về Thằng Cuội, một anh nhà quê thuần chất hay lam hay làm, yêu đời, yêu người. Một buổi tình cờ, Cuội phát hiện ra tính chất chữa bá bệnh của lá đa, rồi ngẫu nhiên trở thành ... thầy thuốc, chữa bệnh và cứu mạng cho biết bao người. Cây đa trở thành thần mộc, được anh nâng niu chăm bón
Anh dặn vợ :
-“Có tưới thì tưới bên Tây
Đừng tưới bên Đông, nó dông lên trời !”
(Tưới: từ nói trệch đi của… đai sắc, nghĩa là tiểu tiện.)
Thế nhưng cô vợ Cuội lại là một mẫu phụ nữ chuyên làm ngược lại ý chồng, lại thêm tính tò mò muốn biết có thật thế không, nên một buổi nọ chị chàng bèn nhè ngay bên gốc phía Đông mà ... xả stress (!) ... Thế là cây đa thần rùng rùng trốc gốc, từ từ bay thẳng lên trời
Vì tiếc của, Cuội lao theo, ôm ghì lấy rễ đa và bay lên, bay lên mãi ... Đến tận Mặt Trăng thì cây đa thần kia mới chịu dừng lại. Con tàu không gian đầu tiên của nhân loại được phóng vào vũ trụ theo cơ chế ấy, đã khiến cho Cuội trở thành phi hành gia đầu tiên đáp xuống Mặt Trăng, và ở lại đó ... vĩnh viễn (!).
Hình ảnh Cuội ngồi dưới gốc đa trên cung Trăng, một mình vò võ mơ về nhân gian thật là một hình ảnh cực kỳ thơ mộng vậy
II-BÀI ĐỒNG DAO THẰNG CUỘI và những điều ẩn khuất trong đó
Theo nhiều nhà nghiên cứu có uy tín thì khoảng hơn một trăm năm nay, trong dân gian có lưu truyền một bài đồng dao về THẰNG CUỘI như dưới đây :
THẰNG CUỘI
Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa, gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên
Ông thời cầm bút cầm nghiên
Ông thời cầm tiền đi chuộc lá đa
Thằng Cuội chết tối hôm qua
Đánh trống, đánh phách đưa ma ra đồng...............
Đồng dao, như tên gọi của nó, là những bài hát dành cho trẻ em, lời lẽ đơn sơ mộc mạc, dễ hát và dễ lưu truyền từ đời này đến đời khác ... Còn tác giả sáng tác ra những bài đồng dao có giá trị như thế, tất nhiên không phải là trẻ em, cũng không phải dân quê, mà là những kẻ Sĩ thứ thật, ẩn mình trong dân, họ mượn những việc, những điều bình thường hoặc tầm thường để nói lên những ngụ ý sâu xa khác. Điều ấy đặc biệt rõ nét, nơi những bài ẩn chứa những nghịch lý. Tìm hiểu những nghịch lý ấy có thể dẫn tới những kết quả hết sức bất ngờ vậy
Như trong bài đồng dao THẰNG CUỘI trên đây: Ngồi dưới gốc đa, vì mơ mộng, vì lơ đãng mà quên nhiệm vụ, để trâu ăn lúa là chuyện bình thường, gọi cha ời ời để kêu cứu, nhờ cha khắc phục hậu quả vụ trâu ăn lúa cũng là chuyện bình thường. Lúc ấy, Cha còn đang bận làm chuyện khác (bận cắt cỏ), không cứu giúp được cũng chỉ là chuyện bình thường nếu như “Cha còn cắt cỏ trên đồng”.
Tác giả không viết “Cha còn cắt cỏ trên đồng” mà viết “Cha còn cắt cỏ trên trời” thì hoàn toàn không phải chuyện bình thường nữa :
-Trên trời sao lại có cỏ?
-Cỏ nào mọc ở trên trời cho cha đi cắt?
-Sao cha ở dưới đất lại cắt cỏ trên trời???
Rõ ràng có điều gì đó không bình thường, và điều tác giả viết hẳn là phải ẩn tàng một hàm ý sâu thẳm hơn thế nhiều
Kêu cứu cha không xong, Cuội gọi mẹ, lúc ấy mẹ Cuội ở đâu, mẹ làm gì? -“Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên”. Đi mời quan viên (những người có vai vế, có chức sắc trong làng xã) đến dự họp, luận bàn hoặc dự tiệc vui mừng gì đó. Một việc làm khá là đủng đỉnh, không khẩn trương chút nào trong tình huống “trâu ăn lúa” mà Cuội phải kêu cứu
Khái niệm về sự đủng đỉnh ấy bộc lộ rõ nét qua hai chữ “Cưỡi ngựa”, như người “cưỡi ngựa xem hoa” vậy!
Về phần các quan viên thì sao: Trong tình huống “Trâu ăn lúa” dầu sôi lửa bỏng ấy, các quan viên ông thời cầm bút cầm nghiên (viết văn, làm thơ đấy), ông thời cầm tiền đi chuộc ... lá đa (!) Tiền thật sao lại đem đi chuộc, đổi lấy lá đa là thứ không có giá trị? Quan viên nào mà khờ khạo đến thế? Hơn nữa, “Lá đa” là từ dân gian ám chỉ cơ quan sinh dục nữ ... Vậy mà ông lại đem tiền đi chuộc (ý nói ... đi mua, đi đổi) ... lá đa (!) Mỉa mai làm sao, và chua xót làm sao!
Hậu quả là không ai quan tâm, cũng không ai cứu Cuội cả ... Cuối cùng, vì sự cố ấy mà Cuội phải chết
Oái oăm thay, lúc Cuội còn sống, lúc Cuội kêu cứu thì chẳng ai quan tâm cả ... Đến khi Cuội chêt rồi thì người ta lại “Đánh trống, đánh phách ... đưa ma ra đồng”, làm inh ỏi cả lên, cứ như là thương xót Cuội lắm vậy
Những ẩn tàng như thế cho thấy bài đồng dao này về hình thức chỉ là bài viết cho trẻ hát chơi, mượn miệng trẻ mà lưu truyền, nhưng về mặt nội dung, hẳn là tác giả muốn lấy chuyện thằng Cuội ngồi gốc cây đa để nói về một đề tài lịch sử đau xót nào đấy
Trong khoảng hơn một trăm năm qua, có sự kiện lịch sử nào gần gũi với những điều vừa nêu? Có lẽ câu đáp chỉ có thể rơi vào một trong hai trường hợp NGUYỄN TRI PHƯƠNG hoặc HOÀNG DIỆU mà thôi.
Tình huống của hai ông này khá giống nhau: Cùng là Tổng đốc giữ thành Hà Nội trước sau nhau 10 năm, cùng để cho một nhúm quân Pháp ít ỏi hạ thành, chiếm mất thành (Trâu ăn lúa đấy)
Cùng kêu cứu, nhưng vua quan triều Tự Đức còn mải đủng đỉnh xem hoa, không ai quan tâm cả ... Cuối cùng, cả hai ông đều tuẫn tiết: Nguyễn Tri Phương bị giặc bắt, tuyệt thực mà chết trong trận Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ nhất (1874). Hoàng Diệu thì thắt cổ tự vẫn trong trận Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ hai (1883)
Lúc các ông chết rồi, triều đình làm ma to lắm!
Phải chăng tác giả bài đồng dao này muốn nói đến những việc ấy?
Trên đây chỉ là những suy nghĩ tản mạn của riêng tôi mà thôi, chép ra đây cũng chỉ cốt để mua vui ... Không phải là những nghiên cứu sâu sắc gì đâu ... Mong các bậc thức giả thông cảm ...
III-THẰNG CUỘI trong bài hát của Hàn Sĩ Nguyên
Năm 2004 tôi viết bài hát THẰNG CUỘI, lấy tựa là “THẰNG CUỘI 2k4” (ý nói là THẰNG CUỘI năm 2004)
Cũng xuất phát từ hình ảnh gợi hứng “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa”, nhưng chẳng có liên quan gì đến thằng Cuội trong cổ tích hoặc trong bài đồng dao trên cả
Thằng Cuội trong bài hát của tôi chỉ là hình ảnh một người xa xứ, nhớ nhà, nhớ quê, khao khát nhiều thứ và một mình đơn độc (giống như hình ảnh hai ông già xa xứ trong vở kịch lừng danh DẠ CỔ HOÀI LANG vậy) ... Chỉ thế mà thôi ...
Sau 2 năm thao tác, chỉnh sửa nhiều lần, gần đây Thằng Cuội 2k6 đã hoàn chỉnh, với phần hoà âm chuyên nghiệp của nhạc sĩ Lâm Đình Thuận và tiếng hát ca sĩ Đăng Tuấn
Các bạn có thể theo dõi, xem và nghe bài thằng Cuội ấy ở link này:
https://www.youtube.com/watch?v=8wmKrwyvBeE
CA TỪ
THẰNG CUỘI
INTRO
Trăng vàng hờ hững chơi vơi
Chẳng dư nước mắt khóc đời phù sinh
Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Tủi thân đơn chiếc lệ sa bời bời
Một mình vắt vẻo trên trời
Bạn cùng chú thỏ, theo đòi tiên nga
Vui thời thổi sáo đàn ca
Khi rượu ngà ngà ôm mộng hái sao
Thằng Cuội trọn kiếp lao đao
Lạc trong cung quế đường đâu quay về
Ngồi buồn đếm mớ sao khuya
Xót xa tram mối, mơ về nhân gian
Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Buồn thương mong nhớ quê xa ngàn trùng
Con đò lơ lửng dòng trong
Mái tranh tỏa khói mênh mông nắng chiều
Cánh diều trong gió xiêu xiêu
Con cò bay lả, chuông chiều ngân nga
Thằng Cuội chết tối hôm qua
Lòng không dạ trống xót xa kiếp người
Trăng vàng hờ hững chơi vơi
Chẳng dư nước mắt khóc đời phù sinh!
Hàn Sĩ Nguyên
2006
Sài gòn, một chút mua vui ...