HÀN SĨ NGUYÊN
Trở Lại Với
TRẠNG QUỲNH
Và Ông TÚ CÁT
Sách xưa ghi lại ông Tú Cát gặp Quỳnh đang chơi ở chuồng lợn. Ông Tú ỷ mình kẻ cả, người lớn, có vai vế trong làng, bèn véo tai Quỳnh mà mắng rằng:Trở Lại Với
TRẠNG QUỲNH
Và Ông TÚ CÁT
-LỢN CẤN ĂN CÁM TỐN
Lợn cấn có 3 nghĩa, một là con lợn thiến, nuôi cho béo, để làm cỗ, ăn thịt, phục vụ việc gả cưới; hai là con lợn con khoảng 5 đến 10 tháng tuổi; ba là con lợn nái chửa, mới vừa cấn thai. Ý ngầm mắng Quỳnh theo nghĩa thứ hai (con lợn nhỏ) nuôi ăn chỉ tốn cám, chẳng tích sự gì. CẤN, TỐN lại là 2 quẻ trong Bát Quái. Khó! Nhưng Quỳnh đáp ngay:
-CHÓ KHÔN CHỚ CẮN CÀN
KHÔN là khôn ngoan, CÀN là càn bậy, càn quấy; Cắn càn là cắn bừa, cắn ẩu, cắn bậy, cắn sai đối tượng. KHÔN, CÀN cũng là tên 2 quẻ Bát Quái khác. Ý cả câu đáp lại: Ông ỷ ông lớn, ông khôn, cớ sao lại càn quấy xúc phạm tôi?
Đối đáp mạnh mẽ và quyết liệt. Đâu ra đấy! Ông Tú Cát sượng lắm, mất mặt lắm, nhưng vẫn cố vớt vát thêm một câu nữa:
-TRỜI SINH ÔNG TÚ CÁT
Quỳnh đáp ngay:
-ĐẤT NỨT CON BỌ HUNG
HUNG đối với CÁT, ĐẤT đối với TRỜI, con bọ hung (rúc trong đống phân) chọi lại ông Tú Cát (ngông nghênh, tự đắc). Quá hay! Quá sát sạt.
Suốt mấy trăm năm, 2 cặp đối này được ghi vào sử sách, truyền tụng như những câu đối siêu tuyệt. Đồng ý rằng ý nghĩa đối đáp trực tiếp và ngay lập tức như thế là QUÁ SIÊU, nhưng về mặt chuyên môn, 2 cặp đối ấy đã thực sự là CHUẨN hay chưa? Nếu không chuẩn, thì không chuẩn chỗ nào? Và câu đáp như thế nào mới gọi là thực sự chính xác?
1-Câu thứ nhất:
LỢN CẤN ĂN CÁM TỐN
CHÓ KHÔN CHỚ CẮN CÀN
-Cái sai thứ nhất là CHÓ & LỢN trùng thanh trắc (không đối thanh). CÁM và CẮN cũng vậy (cùng thanh trắc)
-Cái sai thứ hai CÁM là danh từ, tên một loại thực phẩm chuyên dùng nuôi heo; trong khi đó CẮN trong câu đáp là động từ: Trật từ loại!
Một câu đáp KHÔNG ỔN đến 3 trong số 5 chữ như vậy, thật ra là một câu đáp HỎNG, nói thẳng ra là HỎNG hoàn toàn! Muốn đúng phải sửa là CẮN NGƯỜI thì mới chọi với ĂN CÁM được. Cuối câu đặt thêm dấu hỏi vào: Chó khôn cắn người một cách càn quấy ư? Sửa yếu tố này thì dễ. Nhưng muốn sửa chữ CHÓ e rằng không thể! Vì sao? Vì các tên gọi khác của chó như CẨU, như KHUYỂN cũng đều thanh trắc cả, nên không đối được với LỢN… Chỉ có cách thay bằng con vật khác như TRÂU, như DÊ mà thôi. Thế nhưng TRÂU, DÊ thì chúng không CẮN người ta, chúng chỉ HÚC, chỉ ỦI, chỉ ĐÁ, chỉ GIẪM mà thôi. Nếu thay bằng TRÂU, DÊ, buộc phải bỏ luôn chữ CẮN. Nghĩa là “bứt dây động rừng”, chỉ giữ lại được 2 chữ KHÔN, CÀN mà thôi.
TRÂU KHÔN HÚC NGƯỜI CÀN?
Hoặc
DÊ KHÔN HÚC KHE CÀN?
Hoặc
DÊ KHÔN ĐỚP BÈO CÀN?
Húc bậy, húc ẩu thì… tù đấy!
2-Câu thứ hai:
TRỜI SINH ÔNG TÚ CÁT
ĐẤT NỨT CON BỌ HUNG
TRỜI SINH/ĐẤT NỨT thì tốt. CÁT/HUNG rất hay. Nhưng ÔNG TÚ/CON BỌ là cặp từ không ổn. Cả 2 chữ đều trùng thanh (không đối thanh).
-Đổi CON thành CHÚ, BÁC hoặc LÃO thì dễ rồi
-Nhưng BỌ HUNG thì làm sao thay? Có chữ nào thanh bằng đi kèm với hung cho ra từ có ý nghĩa đâu? Không lẽ nói ép BỌ HUNG thành BÒ HUNG? Làm gì có con gì gọi là con bò hung chứ?
-Về từ loại: CÁT là danh từ riêng, tên người, sử dụng như tính từ bổ nghĩa cho danh từ ông TÚ, để phân biệt ông ấy với các ông Tú Đất, Tú Nước, Tú Khí, Tú Đá, Tú Gỗ khác… Còn BỌ HUNG là danh từ kép, không thể tách rời vậy.
-ĐẤT PHÁT CỤ ĐỒ HUNG thì chỉ tạm được. Tính từ HUNG là hung dữ, hung ác, không phải tên riêng, chọi với CÁT, chấp nhận được. ĐỒ (thầy đồ, thầy giáo xưa) chọi với TÚ là hay. Nhưng CỤ thì mang tính kính trọng quá, sẽ không thỏa cái chất “CHỌI”. Dân gian họ nói thầy đồ, anh đồ, cụ đồ, ông đồ, chứ có ai nói chú đồ, bác đồ, gã đồ, lão đồ bao giờ? Kẻ hung dữ ai lại gọi bằng CỤ?
-ĐẤT PHÁT QUÂN RỢ HUNG về ý nghĩa rất hay với chữ RỢ là mọi, HUNG nói tắt thay HUNG NÔ, tiếc rằng QUÂN RỢ cũng không đối thanh với ÔNG TÚ. Buộc phải bỏ.
-ĐẤT PHÁT KẺ TÀN HUNG có lẽ tốt hơn. Nhưng tàn hung là tính từ, dùng như danh từ chỉ một tập hợp (kiểu KẺ NGU, KẺ ĐIÊN...) thực sự cũng vẫn chưa thỏa!
-ĐẤT PHÁT GÃ CUỒNG HUNG thì sao? Suy đi ngẫm lại, cuối cùng vẫn phân vân liệu GÃ CUỒNG HUNG (gã điên hung dữ) có thể chọi với ÔNG TÚ CÁT được không?
Dẫu sao, bài viết này cũng chỉ có tính chất của một chút PHIẾM ĐÀM (luận bàn mà chơi thôi). Mong quý vị thức giả miễn trách.
Tóm tắt lại, cặp câu đề nghị là
LỢN CẤN ĂN CÁM TỐN
DÊ KHÔN HÚC KHE CÀN?
TRỜI SINH ÔNG TÚ CÁT
ĐẤT PHÁT GÃ CUỒNG HUNG