HÀN SĨ NGUYÊN

 

Ví Dầu Cầu Ván Đóng Đinh

 
1-Từ bài hát ru VÍ DẦU CẦU VÁN ĐÓNG ĐINH
 
Nếu người miền Bắc có kiểu hát ru con À ƠI mà nỗi buồn loang xa ra ngoài ngàn dặm, thì người phương Nam cũng có điệu hát ru ẦU Ơ đặc trưng, chuyên chở những câu ca dao mộc mạc, chân phương, lai láng tình người.
 
Trong số những bài ru của các bà mẹ, người chị miền Nam “VÍ DẦU CẦU VÁN ĐÓNG ĐINH” có thể xem như là một thí dụ tiêu biểu :
 
Ầu ơơơ …
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi, mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời</b>
 
Mở đầu là một câu hát VÍ nhập đề ngẫu hứng bằng bốn chữ CẦU VÁN ĐÓNG ĐINH. Bốn chữ rất bình thường, rất đơn sơ, nêu bật hình ảnh chiếc cầu gỗ, được đóng bằng đinh ken vào nhau chắc chắn, một dạng cầu xem như … “kiên cố” thường thấy ở nông thôn thuở trước. Để rồi qua đó dẫn thẳng vào câu hai, một câu TỶ : đối chiếu, so sánh lập tức với chiếc CẦU TRE LẮT LẺO, GẬP GHỀNH một hình ảnh phổ quát ở miền quê phương Nam, tương phản hoàn toàn với chiếc cầu ván đóng đinh chắc chắn.
 
Tại những con kênh, rạch, mương, ngòi nhỏ người ta thường nối liền đôi bờ bằng cách bắc những chiếc cầu DỪA và nhất là cầu TRE, hai trong số những loại cây sống và phát triển rất mạnh mẽ ở nông thôn. Một chiếc cầu tre có thể gồm nhiều NHỊP, mỗi nhịp chỉ là một thân tre bắc nằm ngang, gác lên MỐ CẦU. Mố cầu gồm hai thanh tre cắm xuống lòng kênh rạch, bắt chéo nhau thành hình chữ X, được buộc lại chặt chẽ bằng dây lạt dừa hoặc … dây chuối. Cầu tre có thể có tay vịn giúp cho trẻ nhỏ và người già đi qua an toàn, nhưng cũng có thể không có tay vịn, khiến cho người ta mỗi khi qua cầu đều phải trổ thuật giữ thăng bằng của người … làm xiếc, bằng cách dang rộng hai tay và đi chân không … chạy ù qua cầu , càng nhanh thì càng dễ giữ được thăng bằng . Người nhát gan, qua cầu theo kiểu … “cà mà cập mập” rất dễ bị rơi tõm xuống nước ! Dân thành phố đứng trước loại cầu này kể như … không rét mà run ! (Bản thân tôi khi mới “đương đầu” với những chiếc cầu tre, thường là phải thốt lời tỉ tê dịu ngọt :-“Dzắt anh wa dzí !” J )
 
Đơn sơ như thế, tầm thường như thế nhưng chính chiếc cầu tre lại trở thành tiêu biểu, đặc trưng, trở thành hồn quê, hồn nước như chiếc nón lá, chiếc áo dài Việt Nam vậy. Người đi xa quê hương thoáng nhớ đến hình ảnh chiếc cầu tre không thể nào tránh khỏi lưu luyến, bùi ngùi.
 
Hậu quả của tính chất lắt lẻo, gập ghềnh của cầu tre là KHÓ ĐI. Từ hai chữ “Khó đi” ấy, lời ru dẫn nhập vào câu ba bằng cách lặp lại và khẳng định : “KHÓ ĐI, MẸ DẮT CON ĐI” nêu bật tình mẫu tử bao la, việc khó nào mẹ cũng gánh vác, đỡ đần cho con, đặc biệt khi ta còn thơ ấu, việc nào cũng khó, khó nào cũng phải nương cậy vào nơi mẹ cả.
 
Tứ thơ đột ngột chuyển sang phần kết thúc bằng câu bát : “CON ĐI TRƯỜNG HỌC, MẸ ĐI TRƯỜNG  ĐỜI” với hình thức Mỹ từ pháp Tiểu đồng dạng “Con đi …, mẹ đi …”, đậm đà chất thơ. Đồng dạng vì cả con lẫn mẹ đều gặp khó, đều phải đối diện cùng những chiếc cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh vô hình trong cuộc đời. Đồng dạng nhưng dị biệt vì mức độ khó khăn của mẹ trong trường đời khó khăn hơn cái khó của con trong trường học nhiều. Hơn nữa, con khó còn có mẹ giúp (Khó đi, mẹ dắt con đi), ngược lại, khi mẹ gặp khó thì chẳng có ai giúp cả, giữa gió mưa giông tố của đời, mẹ phải cắn răng độc lập xoay sở lấy một mình
 
Trong 4 câu lục bát trên đây, ngoài câu một nhập đề ngẫu hứng, câu hai là câu tỷ giảo (so sánh) , nội dung chính yếu của bài ru tập trung trong hai câu sau :
 
Khó đi, mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời
 
Ngoài Tiểu đồng dạng ra, điệp ngữ 4 chữ ĐI thật là tuyệt diệu vậy
 
2-Đến bài thơ NỒI CANH, CON CÁ, CỌNG RAU của nhà thơ Huỳnh Vũ Hoàng Tuấn
 
Sáng chủ nhật 16 tháng 7 năm 2004, nhà thơ Huỳnh Vũ Hoàng Tuấn đăng bài thơ dưới đây lên diễn đàn trinhnu.net :
 
NỒI CANH, CON CÁ, CỌNG RAU
 
Vẫn đưa theo nước lớn ròng
Vương mang nỗi nhớ cho lòng quặn đau
Nồi canh con cá, cọng rau
Vàng bông điên điển đậm màu chân quê
Đồng xa hương lúa đưa về
Cánh diều trưa hạ say mê một thời
Ầu ơ bên võng từng lời
Đong đưa ru giấc con ơi ! say vùi
Câu ca pha chút ngọt bùi
"Con đi trường học mẹ thi trường đời".
 
Mảnh tình giờ đã trùng khơi
Con còn đi mãi Mẹ rơi khỏi trường
Năm canh chờ ngóng tin thương
Ngày dài sáu khắc đầu đường đợi mong
Ầu ơ !... bầy cá lòng tong
Vẫn theo con nước lớn ròng về thăm
Con đi từ đấy biệt tăm
Lần con trở lại , Mẹ nằm mộ sâu ....
 
Nồi canh con cá ,cọng rau
Gởi con lòng Mẹ dạt dào hương quê.
 
Huỳnh Vũ Hoàng Tuấn

Ngày 16 tháng 7 năm 2004

 
Một bài thơ lục bát chân quê nhưng trữ tình, đơn sơ mà lắng đọng, khiến người đọc khong khỏi dạt dào cảm xúc
 
-Hai lần Ầu ơ :
 
Một lần gợi nhớ lại quá khứ xa vời, với tiếng ru của mẹ thời thơ ấu :
 
Ầu ơ bên võng từng lời
Đong đưa ru giấc con ơi ! say vùi
Câu ca pha chút ngọt bùi
"Con đi trường học mẹ thi trường đời".
 
Một lần nêu lên thực tế hiện tại :
 
Ầu ơ !... bầy cá lòng tong
Vẫn theo con nước lớn ròng về thăm
Con đi từ đấy biệt tăm
Lần con trở lại, Mẹ nằm mộ sâu ....
 
Đặc biệt từ hình ảnh “bầy cá lòng tong vô tri mà còn biết xuôi theo con nước lớn ròng trở về thăm lại nơi cũ”, để chợt cảm thương cho bản thân mình là con người với tri thức đầy mình mà không làm được như vậy !
 
Con đi từ đấy biệt tăm
(Không về thăm chốn cũ, không bằng được bầy cá lòng tong nữa !)
 
Đến đây, lời thơ cũng đột ngột chuyển mạch bất ngờ như ca dao :
 
Lần con trở lại, Mẹ nằm mộ sâu !!!
 
Đau đớn làm sao ! Và chua chát, và cay đắng làm sao !
 
-Hai lần nhắc lại “Nồi canh con cá, cọng rau” : Dùng những hình ảnh đời thường này để một lần hồi tưởng lại quá khứ
 
Nồi canh con cá ,cọng rau
Vàng bông điên điển đậm màu chân quê
 
Và một lần cảm thán cô đọng về tình mẹ qua hai câu kết :
 
Nồi canh con cá, cọng rau
Gởi con lòng Mẹ dạt dào hương quê.
 
-Khắc họa thành công những hình ảnh rất sống động, rất quen thuộc với người Việt như “con nước lớn ròng”, “bông điên điển”, “hương lúa đồng xa”, “cánh diều trưa hạ”, “chiếc võng đong đưa”, “bầy cá lòng tong”, “bữa cơm đời thường” . Phong phú biết bao ! Sống động biết bao !
 
-Đặc biệt là, tác giả không hề nhắc nhở gì đến “chiếc cầu tre” cả, nhưng chỉ với một câu rưỡi :
 
Con đi trường học, mẹ thi trường đời
 
……, mẹ rơi khỏi trường
 
Thì hình ảnh chiếc cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh vô hình vẫn cứ hiển hiện rõ mồn một trong tâm trí người đọc vậy. Còn 4 chữ “Mẹ rơi khỏi trường (đời)” mới buồn làm sao !
Nghệ thuật như vậy cũng đáng gọi là … siêu nghệ thuật lắm !
 
-Nhưng đặc biệt nhất lại chính là cái chữ THI rất phăng , rất táo bạo trong câu ấy :
 
Con đi trường học, mẹ THI trường đời
 
Trong bài ca dao là điệp ngữ 4 chữ ĐI , Huỳnh Vũ Hoàng Tuấn đã loại bỏ chữ ĐI cuối cùng, thay bằng chữ THI
 
Theo thiển ý, chữ THI này “quái ác” hơn chữ ĐI thứ tư ấy nhiều : Con đi trường học, còn mẹ thì phải thi gan cùng tuế nguyệt, thi gan cùng cuộc sống gian nan trắc trở, thi gan cũng có nghĩa là “phải gồng mình gánh chịu” vậy
 
Tóm lại,
Mặc dù có một lỗi lạc vận , một lỗi nặng, trong cặp câu [9,10] nhưng với nội dung hàm súc, hình ảnh phong phú, tình cảm chan chứa, có khả năng lay động lòng người, bài thơ này vẫn là một bài thơ hay, thậm chí rất hay vậy.
 
3-Bài hát NẮM TAY, MẸ DẮT CON ĐI của Hàn Sĩ Nguyên
 
Khi bài thơ vừa đăng lên, tôi tình cờ và may mắn là một trong số những người được đọc đầu tiên
Cảm hứng đột ngột trào dâng mãnh liệt … Anh Tuấn viết bài thơ để nhớ mẹ của anh ấy, còn tôi đọc, xúc động vì nhớ đến … mẹ tôi ! Lập tức, tôi gửi ngay cho anh ấy một mẩu tin nhắn đề nghị được phổ nhạc, và cũng ngay tức khắc được anh chấp nhận, cho phép tôi linh động cắt xén, thêm bớt thoải mái, miễn sao tôn trọng ý của bài thơ và có được một bài nhạc hay là đạt yêu cầu
 
HAY thì tôi không dám bảo đảm sẽ hay, nhưng tôi chắc chắn phải dồn toàn bộ công sức cho bài hát này. Mất toi hết một ngày Chủ nhật, bù lại đến chiêu thì bài hát hoàn thành. Đây là ca từ của bài hát ấy :
 
NẮM TAY MẸ DẮT CON ĐI
 
Nắm tay Mẹ dắt con đi
Con đi trường học Mẹ thi trường đời.
 
Gió đưa con nước lớn ròng
Hương khơi nỗi nhớ cho lòng quặn đau
Bát canh con cá, cọng rau
Vàng bông điên điển đậm màu chân quê
Đồng xa hương lúa đưa về
Cánh diều trưa hạ say mê một thời
Ầu ơ ru hỡi ru hời
Đong đưa cánh võng ngọt bùi tình quê
 
Nắm tay Mẹ dắt con đi
Con đi trường học Mẹ thi trường đời.
 
Mảnh tình xa khuất trùng khơi
Con còn đi mãi Mẹ rơi khỏi trường
Năm canh chờ ngóng tin sương
Ngày dài sáu khắc vẫn thường đợi mong
Ầu ơ !... bầy cá lòng tong
Xuôi theo con nước lớn ròng về thăm
Con đi từ đấy biệt tăm
Ngày con trở lại, Mẹ nằm mộ sâu ....
 
Bát canh con cá ,cọng rau
Chứa chan lòng Mẹ dạt dào hương quê
Đường đời trăm ngã mỏi mê
Con leo dốc ngược Mẹ đi đàng nào ?
 
[Bây giờ Mẹ dắt ai đi ?
Con leo dốc ngược, Mẹ đi đàng nào ?]
 
Trong bài hát ấy có hai điểm cần nói thêm :
 
-Một là, đưa ý MẸ DẮT CON ĐI lên làm ý chủ đạo của toàn bài hát. Vì không muốn nhắc đến chiếc cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh (hiểu ngầm giống như trong bài thơ), nên tôi buộc phải thay hai chữ KHÓ ĐI bằng “NẮM TAY,” . Đồng thời dùng lại chữ THI của anh Tuấn.
Trong toàn bài hát, câu NẮM TAY, MẸ DẮT CON ĐI được lặp lại tất cả 3 lần, hai lần nguyên văn, và một lần thay đổi chút ít trong tiếng kèn thổi kết bài :
 
BÂY GIỜ, MẸ DẮT AI ĐI ?
 
-Hai là, tôi cố ý sử dụng tiếng Saxophone với cao độ nâng lên một bát âm trong câu kết : Hậu quả là sẽ làm “điếc con ráy” một số người vô cảm (j/k), và ngược lại, hy vọng sẽ dấy lên một cao trào cảm xúc nơi những ai “nhắc đến mẹ còn cảm thấy đôi chút ngậm ngùi !”
 
Bản lãnh nhạc của tôi chỉ có hạn, nếu “thiện chí có thừa, mà khả năng không đủ” , rất mong được các vị thức giả “nghe qua … rồi bỏ” cho vậy
 
Cuối cùng, xin có đôi lời cám ơn bài ru VÍ DẦU CẦU VÁN ĐÓNG ĐINH trong ca dao, và bài thơ NỒI CANH, CON CÁ, CỌNG RAU của tác giả Huỳnh Vũ Hoàng Tuấn. Không có hai yếu tố ấy, tất không thể có bài hát này vậy.
 
Hàn Sĩ Nguyên
19/7/2k4
 
 
 

  Trở lại chuyên mục của : Hàn Sĩ Nguyên