HÀN SĨ NGUYÊN

Một Hôm Núi Khóc & Bài Hát MỘNG MỊ

Phạm Phú Hải là một nhà thơ đất Quảng, cùng quê hương với Bùi Giáng. Thuở ông còn sinh thời, tôi không có cơ duyên được quen biết với ông. Khoảng năm 2006, tôi chỉ tình cờ đọc được bài thơ MỘNG MỊ, một bài trong tuyển tập thơ MỘT HÔM NÚI KHÓC của ông, được trích đăng trên tờ tuần báo “Thể Thao-Văn Hóa”, một tờ báo chuyên về … bóng đá!

MỘNG MỊ

Đặt tên cho bò
Thả bò cho núi
Đặt tên cho núi
Thả núi cho bò

Một hôm bò ho
Tiếng ho cổ quái
Một hôm bò ho
Ta buồn biết mấy

Bò ơi núi ơi
Suốt đời ngây dại
Ta ơi ta ơi
Suốt đời ngây dại

Một hôm núi khóc
Tiếng lệ chứa chan
Một hôm núi khóc
Ta bỏ đi ngang

Đi ngang đi ngang, mà
Tênh tang tênh tang, hà
Hỏi mây in thạch ảnh
Vun vút tiếng sao sa

Ta có một bầy bò
Ta có một bầy núi
Ta để ngàn năm qua
Nửa khuya chụp bắt khói

Khói vụt khỏi tay ta
Chỉ còn một dấu lạnh.


Phạm Phú Hải

Phong cách viết phóng khoáng, bay bổng với những ý tưởng ngộ nghĩnh, lạ lùng và độc đáo của bài thơ này cứ trở đi trở lại mãi trong tâm trí tôi: Tác giả định nói lên điều gì? Hai hình ảnh BÒ và NÚI là ai, là biểu tượng của cái gì? Tại sao tác giả lại viết “Một hôm bò ho, tiếng ho cổ quái?”, rồi biểu tượng NÚI lại biết khóc nữa v.v... Tất nhiên chỉ có chính tác giả bài thơ mới hiểu rõ là mình định nói gì mà thôi. Độc giả thì chỉ có thể phỏng đoán, suy đoán hoặc ... võ đoán (!). 

Phải chăng BÒ là cách dùng từ để chỉ một cô người yêu nào đó (Bùi Giáng, người cùng quê hương với Phạm Phú Hải, vẫn thường có những bài thơ, trong đó coi người yêu như BÒ, như DÊ đấy thôi), và phải chăng NÚI là cách nói ẩn dụ để chỉ một người bạn, một người em hoặc một đệ tử thân thương nào đó của tác giả? 

Có thực sự THÂN THƯƠNG, YÊU THƯƠNG thì mới “Đặt tên cho bò; Đặt tên cho núi”. Và có thực sự TIN CẬY họ thì mới “Thả bò cho núi; Thả núi cho bò” như vậy! Vì chủ quan, vô tâm, hay vì quá yêu thương, tin cậy nên tác giả (nhân vật tự xưng TA trong bài thơ) đã vô tình “Thả bò cho núi; Thả núi cho bò”... tạo điều kiện cho LỬA gần RƠM, để rồi Bò và Núi tự phát quyến luyến nhau, yêu thương nhau, phản bội lại tấm lòng tin yêu của tác giả. 

Việc Bò và Núi quyến luyến nhau ấy chỉ bị phát hiện một cách tình cờ “Một hôm bò ho. Tiếng ho cổ quái!”. Bò thì không ho, dẫu bò có ho đi chăng nữa thì xưa nay cũng chẳng ai nghe được. Do đó sự kiện BÒ HO khác thường đến mức … cổ quái ấy, chỉ là một hình ảnh biểu trưng, diễn tả một tình trạng bất thường trong mối quan hệ giữa họ với nhau mà thôi. Tác giả là người từng trải, lịch duyệt, nên chỉ cần nghe một tiếng ho bất thường ấy cũng đủ hiểu ra tất cả. Hiểu rằng sự TIN YÊU của mình đã bị hai đối tượng thân thương phản bội.

Thói thường ở đời, khi bị phản bội như vậy, người ta không hận thù thì cũng căm phẫn, khinh ghét những kẻ phản bội. Hậu quả là trả thù, là rửa hận, là trừng trị bằng bạo lực. Nhân vật TA trong bài thơ không phản ứng theo kiểu đời thường như vậy. Khi phát hiện ra mình bị phản bội đau đớn bởi những người thân thương nhất, nhân vật TA ấy cũng biết buồn, qua câu cảm thán: “Ta buồn biết mấy!”. Buồn lắm chứ! Việc như thế không buồn sao được? Buồn và trách họ: “Bò ơi! Núi ơi! Suốt đời ngây dại!” Và cũng tự trách luôn bản thân: “Ta ơi! Ta ơi! Suốt đời ngây dại!”.

BÒ thì không thấy có biểu hiện ăn năn, hối hận gì cả. Nhưng NÚI thì có, NÚI đã hiểu là mình SAI: “Một hôm núi khóc. Tiếng lệ chứa chan!”. Đây chính là tiếng khóc diễn tả tấc lòng sầu thảm, hối hận vì đã phụ lòng người tin yêu mình. Nghe tiếng khóc ấy, thay vì căm ghét, trừng trị bọn họ, tác giả đã … bỏ đi ngang. Bỏ đi trong phong thái tiêu dao, ung dung, với tấc lòng của một hiền nhân, quân tử: Không tranh giành, không trách phạt, không oán thán, mà là NHƯỜNG. Nhường hết tất cả cho bọn họ, tha hồ ở đó mà yêu thương nhau. 

Một hôm núi khóc
Ta bỏ đi ngang
Đi ngang đi ngang, mà
Tênh tang tênh tang, hà
Hỏi mây in thạch ảnh
Vun vút tiếng sao sa


Bỏ nhà ra đi. Lòng buồn vô cùng vô tận. Tự mình an ủi chính mình: “Ta có một bầy bò. Ta có một bầy núi”. Ý là: Có nhiều lắm. Có cả bầy. Mất một con bò, mất một trái núi, mất mát quá nhỏ, có đáng gì mà phải buồn? An ủi như vậy để tiêu sầu giải muộn thôi. Thực tế đắng chát vẫn là nỗi buồn mông mênh, ý thức được là mình đã mất TẤT CẢ!

Nửa khuya chụp bắt khói
Khói vụt khỏi tay ta

Mất rồi. Mất thật. Mất hết. Hỏi mình còn lại gì? “Ta để ngàn năm qua” và ta cũng “chỉ còn một dấu lạnh!” mà thôi. Đau đớn thế đấy! Ngậm ngùi làm sao và cay đắng làm sao!

Cảm nhận bài thơ ấy như thế, yêu mến nó đến vô cùng, tôi quyết định làm nhạc cho bài thơ này, để bày tỏ chút tình tri giao, đồng cảm với tác giả Phạm Phú Hải. Đây là ca từ của bài nhạc ấy:

MỘNG MỊ

Đặt tên cho bò
Thả bò cho núi
Đặt tên cho núi
Thả núi cho bò

Một hôm bò ho
Tiếng ho cổ quái
Ta buồn biết mấy
Một hôm bò ho

Bò ơi! Núi ơi!
Suốt đời ngây dại!
Ta ơi! Ta ơi!
Suốt đời dại ngây!

Một hôm núi khóc
Suối lệ chứa chan
Một hôm núi khóc
Ta bỏ đi hoang

Đi ngang, đi ngang nhà
Thênh thang nơi giang hà
Hỏi mây in thạch ảnh
Vun vút ánh sao sa

Ta có một bầy bò
Ta có một bầy núi
Nửa khuya chụp bắt khói
Ta để ngàn năm qua

Chỉ còn một dấu lặng.
Khói vụt khỏi tay ta


Phạm Phú Hải
HSN-18-523

Phổ nhạc xong, làm hòa âm, tìm người hát, thu âm thành thành phẩm hoàn chỉnh rồi, tôi vẫn định tìm cách nào đó gửi bài hát đến tay tác giả Phạm Phú Hải, nhưng chưa kịp thực hiện tâm nguyện ấy, thì anh Hải đã qua đời. Đọc trên báo, nghe tin anh mất, trong lòng tôi không tránh khỏi một chút rạn vỡ… Muốn gửi món quà nhỏ này đến với gia đình anh, không hiểu sau này có làm được hay không?

TUYẾT HOA, một người không quen biết khác, ở CANADA, tình cờ nghe được bài hát MỘNG MỊ này, cũng phát sinh ngẫu hứng, thực hiện thành một tác phẩm VIDEO. Âu đó cũng là cái DUYÊN VĂN NGHỆ với nhau vậy. Hy vọng rằng ở thế giới khác, anh Phạm Phú Hải sẽ có thể … nghe và xem được bài này!!!

Cám ơn anh Phạm Phú Hải với bài thơ MỘNG MỊ. Cám ơn nhạc sĩ Lâm Đình Thuận làm hòa âm. Cám ơn Đăng Tuấn đã hát. Cám ơn Tuyết Hoa đã làm video. Cám ơn tất cả.

Hàn Sĩ Nguyên.

Các bạn có thể xem bài hát này ở đây:
 
Link: https://www.youtube.com/watch?v=NqasL2A9Kq4
 
Embed: <iframe width="420" height="315" src="https://www.youtube.com/embed/NqasL2A9Kq4" frameborder="0" allowfullscreen></iframe>
 





  Trở lại chuyên mục của : Hàn Sĩ Nguyên