HÀN SĨ NGUYÊN


     
Tam Bách Niên Tử Đối

DA TRẮNG VỖ BÌ BẠCH  
[ĐOÀN THỊ ĐIỂM]


Tản mạn 
      

DA TRẮNG VỖ BÌ BẠCH [ĐTĐ]

Người ra câu đối trên là Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1749).
Tục truyền rằng, có một hôm, khi bà Điểm đang tắm, Trạng Quỳnh lần mò lại, tưng tửng, đòi vào… xem. Bà Điểm ra câu đối DA TRẮNG VỖ BÌ BẠCH, hứa nếu đối được sẽ cho vào tắm chung. Trạng Quỳnh, một người cực giỏi thời bấy giờ, vậy mà cũng cắn lưỡi, chịu thua! Trải qua 300 năm sau, người tham gia giải đối thì nhiều, nhưng hầu hết các câu đáp đều KHÔNG THỎA.

Giải mã câu đối BÌ BẠCH

1-Đây là một câu đối gồm 5 chữ THUẦN NÔM (thuần Việt), trong đó 2 chữ cuối BÌ BẠCH là một từ tượng thanh (Onomatopée), chỉ ra cái âm của tiếng vỗ trên da thịt, nó bao gồm một thanh bằng (dấu huyền trong chữ BÌ) và một thanh trắc (dấu nặng trong chữ BẠCH). BÌ BẠCH là tiếng Nôm thuần túy.
2-Điểm quái ác của câu đối này nằm ở chỗ 2 từ Nôm BÌ BẠCH tượng thanh nói trên lại có cả nghĩa Hán: BÌ là DA, BẠCH là TRẮNG.
3-Chữ giữa VỖ là một động từ
4-Hai chữ đầu gồm một danh từ DA (thanh bằng) và một tính từ TRẮNG (thanh trắc)

Trong 4 đặc điểm ấy, đặc điểm 1 tượng thanh đã là KHÓ, đặc điểm 2 là CỰC KHÓ. Suốt mấy trăm năm qua, câu đối này hầu như là một câu TỬ ĐỐI (câu đối chết, kg thể giải đối được). Thậm chí còn được gọi là câu TAM BÁCH NIÊN TỬ ĐỐI (Câu đối chết, không thể giải phá, suốt ba trăm năm).

oOo

Câu đáp của Trạng Quỳnh
 
Đây là một câu đáp được truyền khẩu đã lâu đời, kg biết của ai, cũng có ý kiến cho rằng đó là câu đáp tức thời của Trạng Quỳnh, ngay lúc ấy. Đó là câu:

TRỜI XANH MÀU THIÊN THANH  [Kd-Khuyết danh]

-Ông Lê Anh Chí đã nhận định như sau (trong website www.leanhchi.com): “Từ gần 300 năm nay, có nhiều người đã đối lại câu đối DA TRẮNG VỖ BÌ BẠCH. Hầu hết đều không chỉnh. Câu đáp TRỜI XANH MÀU THIÊN THANH này khá hay, nhưng vẫn không chỉnh, vì đây chỉ là một câu tả chân thôi, không có hành động của một chủ thể. Trong câu đối DA TRẮNG VỖ BÌ BẠCH, có chủ thể vỗ vào da gây ra tiếng bì bạch”.

-Ý kiến của HSN: TRỜI trùng thanh bằng với DA (một điều hỏng). Danh từ MÀU đối với động từ VỖ (hai điều hỏng). THIÊN THANH không phải là từ tượng thanh (ba điều hỏng).

oOo

Trên website www.leanhchi.com ông Lê Anh Chí nói: “Câu đối này hiện nay đã có người đối được: đó là nhà ngữ học Nguyễn Tài Cẩn. Tôi nghĩ rằng tôi cũng đối được, trong bài này, tôi sẽ đưa ra 4 câu đáp, đối lại câu của Hồng Hà nữ sĩ!” 

Chúng ta sẽ rảo qua một vòng, xem thử các câu đáp ấy như thế nào. 

Câu đáp của ông NGUYỄN TÀI CẨN: 

Ông Lê Anh Chí viết: Nguyễn Tài Cẩn là một nhà ngữ học, đã giải đối như sau: 

RỪNG SÂU MƯA LÂM THÂM  [NTC]

-Nhận định của ông Lê Anh Chí: Câu này rất hay. Trước ông Nguyễn chưa có ai đối chỉnh đến thế (Lâm thâm là chữ tượng thanh-Lâm là rừng-Thâm là sâu-Có tác động của chủ thể: trời mưa, gây tiếng động lâm thâm). Chỉ có một khuyết điểm sau: Trong câu đối của nữ sĩ, tiếng động ‘bì bạch’ là do ta vỗ vào da thịt, chỉ có da thịt mới đưa đến tiếng động ‘bì bạch’. Còn "Rừng sâu mưa lâm thâm" thì mưa trong thành phố cũng có thể lâm thâm! Chẳng phải là một đặc điểm của mưa trong rừng! Mưa trong rừng có thể gây nên những tiếng động vũ bão, cuồng loạn.

-Nhận định của lão thủ An Chi (Tác giả An Chi, người phụ trách mục Chuyện Đông - Chuyện Tây trên tạp chí Kiến thức Ngày nay), ông cho rằng: “Da trắng” không đối bằng “má hồng”, “môi son”, “mắt huyền”, “máu đỏ”… thì thôi, chứ làm sao lại đối bằng “rừng sâu” được? Rồi ông hóm hỉnh hơn: “Mưa” mà đối được với “vỗ” thì “nắng” tất phải đối được với “sờ” trong “sờ mó”, “tạnh” tất phải đối được với “xoa” trong “xoa bóp”, “chớp” tất phải đối được với “vê” trong “vê râu”… Nghệ thuật đối mà đạt được đến những kết quả cụ thể như thế thì chẳng còn gì thảm não cho bằng! Và ông kết luận: Vì vậy mà câu “Da trắng vỗ bì bạch” vẫn còn treo ở đấy. Nó vẫn hấp dẫn như thường.

-Ý kiến của HSN: Tôi nhất trí với các nhận định của tiền bối AN CHI. Ngoài ra, còn một điểm nữa, “Lâm thâm” 2 thanh bằng, không nghịch thanh như “Bì bạch”, một bằng một trắc. Do đó, không thể cho rằng câu đáp này là chuẩn được.

Bốn câu đáp của ông Lê Anh Chí:

Câu thứ nhất: MẬP PHÙ THỞ PHÌ PHÒ  [LAC] (hay "Béo phù thở phì phò")

LAC giải thích:
-Phì (Hán Việt) = mập béo (Nôm)
-Phò (Hán Việt) = phù (Nôm và Hán Việt)
-Phù (Nôm) = (sưng) phù = quá mập béo
-Mập phù = phì phò
-người quá mập béo thì thở phì phò!

Ý kiến của HSN: Câu này hỏng ở 2 điểm
-Tính từ MẬP không thể đối với danh từ DA
-PHÙ không thể thay cho PHÌ. Dân ta nói MẬP PHÌ, SƯNG PHÙ, chứ không nói MẬP PHÙ

Câu thứ nhì: ÁO XANH LAY LỤC PHỤC  [LAC]

LAC giải thích:
-Lục (Hán Việt) = xanh lục (Nôm)
-Phục (Hán Việt) = áo (Nôm)
-Áo xanh = lục phục
-Lục phục là tiếng tượng thanh, âm thanh của quần áo khi bị lay động
-Lay động áo xanh thì nghe lục phục! Dĩ nhiên nếu ta lay giũ áo trắng thì cũng nghe lục phục, cũng như vỗ vào da đen cũng nghe bì bạch!

Ý kiến của HSN: Câu này trật cấu trúc của vế xuất. Trong vế xuất chữ BẠCH (màu trắng) đi sau. Câu đáp này màu LỤC lại đi trước. Nếu đảo lại PHỤC LỤC thì từ tượng thanh này vô nghĩa (không có trong ngôn ngữ VN)

Câu thứ ba: QUẦN ÁO VUNG PHÙNG PHỤC  [LAC]

LAC giải thích:
-Quần (Nôm) = cái quần = quây quần (nghĩa bóng) = Phùng (Hán Việt)
-Áo (Nôm) = Phục (Hán Việt)
-Quần áo = phùng phục
-quần áo mà vung, mà giũ thì nghe phùng phục!

Ý kiến của HSN: Chữ QUẦN nghĩa cụ thể (cái quần) bị ép ra nghĩa trừu tượng (quây quần) để đi cặp với PHÙNG, là một điều gượng ép. Chữ ÁO (danh từ) không thể chọi với chữ TRẮNG (tính từ). QUẦN ÁO trùng thanh với DA TRẮNG. PHÙNG PHỤC không thể hiểu thay thế cho PHẦN PHẬT được. Đó là 4 điều hỏng của câu đáp này.

Câu thứ tư: ĐÁ CHÀM SỜ LAM NHAM  [LAC]

LAC giải thích:
-Lam (Hán Việt) = (màu) xanh chàm (Nôm)
-Nham (Hán Việt) = đá (Nôm)
-Đá chàm = lam nham
-đá chàm sờ thấy lam nham lám nhám
-chữ "bì bạch" là tượng thanh, "lam nham" ở đây là tượng-cảm-giác. Ngoài ra còn có ý nói: sự hình thành của đá chàm cẩu thả lam nham. [Lê Anh Chí]

Ý kiến của HSN: Giống như câu thứ hai, câu này hỏng về cấu trúc, chữ LAM đi trước, trong khi chữ BẠCH của vế xuất đi sau. Đảo lại thành NHAM LAM cho đúng cấu trúc, thì hóa ra vô nghĩa (từ này không có trong ngôn ngữ Việt)

Tóm lại, cả 4 câu đáp của ông Lê Anh Chí đều không thỏa vậy. 

oOo


CÁC CÂU ĐÁP KHÁC

Trải dài suốt 300 năm qua, có rất nhiều câu đáp cho DA TRẮNG VỖ BÌ BẠCH. Tựu trung, ngoại trừ những câu chỉ nhằm mục đích đùa giỡn (chẳng hạn như GÀ ĐEN KÊU Ô KÊ - CHÉM GIÓ ĐI AIR BLADE) ra, các câu đáp khác có thể tạm quy thành 6 nhóm chính

Nhóm 1: Hỏng ngay chữ đầu tiên, không đối thanh, hoặc trật từ loại (DA là danh từ, thanh bằng. Do đó câu đáp nào có từ đầu tiên trùng thanh bằng, hoặc không phải là danh từ đương nhiên bị loại)
 
TRỜI XANH MÀU THIÊN THANH [Kd]
RỪNG SÂU MƯA LÂM THÂM  [Nguyễn Tài Cẩn]
QUẦN ÁO VUNG PHÙNG PHỤC  [Lê Anh Chí]
RÙA ĐEN LÈN QUY HẮC  [Việt Thành]
RÙA VÀNG LỒNG QUY HOÀNG  [Việt Thành]
NHÀ VÀNG NGỒI ĐƯỜNG HOÀNG [Kd]
NHÀ MỚI ĂN TÂN GIA  [Kd]
CON THẦY SĂN SƯ TỬ  [Kd]
MÂY RỒNG RUNG VÂN LONG  [Lu Ha]
LÔNG RỒNG CHEN MAO LONG  [Lu Ha]
SEN TRẮNG ĐIỂM BẠCH LIÊN  [Lu Ha]
MẤT SÁCH ĐI THẤT THƠ  [Kd]
BẢY TIẾNG KÊU THẤT THANH  [Kd]
SÁU BI VA LỤC CỤC  [Kd]

(MẤT là động từ-BẨY, SÁU là tính từ số đếm)
 
Nhóm 2: Hỏng chữ thứ nhì (TRẮNG là tính từ chỉ màu sắc, thanh trắc. Câu đáp nào có chữ thứ nhì trùng thanh trắc và không phải là tính từ sẽ bị loại. 
 
QUẦN ÁO VUNG PHÙNG PHỤC  [Lê Anh Chí]
MẤT SÁCH ĐI THẤT THƠ  [Kd]
BẢY TIẾNG KÊU THẤT THANH [Kd]
SÁU BI VA LỤC CỤC  [Kd]
NHÀ MỚI ĂN TÂN GIA  [Kd]
SEN TRẮNG ĐIỂM BẠCH LIÊN  [Lu Ha]
SUỐT ĐỎ KHOAN THÔNG HỒNG  [Kd]
HẠC ĐỎ THỞ HỒNG HỘC  [Kd] 

(ÁO, SÁCH, TIẾNG, BI là các danh từ, không chọi được với TRẮNG trong vế xuất) 

Nhóm 3: Hỏng chữ thứ ba (VỖ là động từ, thanh trắc. Do đó, câu đáp nào có chữ thứ ba trùng thanh trắc hoặc không phải là động từ cũng bị loại). 
 
TRỜI XANH MÀU THIÊN THANH  [Kd]
SUỐI VÀNG NGẬP HOÀNG TUYỀN  [Lu Ha]
CHỊ ĐEN KHÓC TỈ TI  [Hoài Anh Võ Quang Thạch]
ĐẤT ĐEN NẮN ĐỊA Ô  [Thanh Đạt]
TÓC XANH THẤY PHÁT THƯƠNG  [Kd]
MẮT ĐEN NGẮM NHÃN HUYỀN [Kd]
MÂM VÀNG THẤY BÀNG HOÀNG  [Kd]
NGỖNG HỒNG THỞ HỘC HÀ  [Hoài Anh Võ Quang Thạch]
HẠC ĐỎ THỞ HỒNG HỘC  [Kd] 

(MÀU không phải là động từ)

Nhóm 4: Hai từ cuối không tượng thanh,không tượng hình, cũng không biểu cảm. Đương nhiên bị loại.

TRỜI XANH MÀU THIÊN THANH [Kd]
RÙA ĐEN LÈN QUY HẮC  [Việt Thành]
RÙA VÀNG LỒNG QUY HOÀNG  [Việt Thành]
GẤU VÀNG ĂN HÙNG HOÀNG [Hàn Băng Tâm]
ĐẤT ĐEN NẮN ĐỊA Ô  [Thanh Đạt]
MÂY RỒNG RUNG VÂN LONG  [Lu Ha]
LÔNG RỒNG CHEN MAO LONG  [Lu Ha]
SEN TRẮNG ĐIỂM BẠCH LIÊN  [Lu Ha]
BƯỚM VÀNG XUYÊN ĐIỆP HỒ  [Lu Ha]
NHÀ VÀNG NGỒI ĐƯỜNG HOÀNG [Kd]
TÓC XANH THẤY PHÁT THƯƠNG  [Kd]
MẮT ĐEN NGẮM NHÃN HUYỀN [Kd]
NHÀ MỚI ĂN TÂN GIA  [Kd]
CON THẦY SĂN SƯ TỬ  [Kd]

Nhóm 5: Có 2 từ cuối, tượng thanh, tượng hình hoặc biểu cảm, nhưng không nghịch thanh (cùng có 2 thanh bằng hoặc 2 thanh trắc)

RỪNG SÂU MƯA LÂM THÂM  [Nguyễn Tài Cẩn]
ÁO XANH LAY LỤC PHỤC  [Lê Anh Chí]
ĐÁ CHÀM SỜ LAM NHAM  [Lê Anh Chí]
MÂM VÀNG THẤY BÀNG HOÀNG  [Kd]
XƯƠNG LIỀN KÊU CỐT KẾT  [Kd]
QUẠ ĐEN KÊU Ô Ô  [Nguyễn Phước Thạnh – Dương Hồng Kỳ]
MẬP PHÙ THỞ PHÌ PHÒ  [Lê Anh Chí]
SÁU BI VA LỤC CỤC  [Kd]

-LỤC PHỤC, LAM NHAM: ngược cấu trúc với BÌ BẠCH
-CỐT KẾT: không thay cho CÓT KÉT được.
-MẬP PHÙ, SÁU BI: trật từ loại.

Nhóm 6: Có 2 từ cuối tượng thanh, tượng hình, hoặc biểu cảm và 2 từ này nghịch thanh (một trắc, một bằng). Đây là câu cho đáp án ĐÚNG (nếu 3 chữ đầu cũng đúng)

QUẦN ÁO VUNG PHÙNG PHỤC  [Lê Anh Chí]
TAY SƠ SỜ TÍ TI  [Kd]
BUỒNG XANH VANG THẤT THANH  [Kd]
PHÒNG XANH VANG THẤT THANH  [Kd]
BẢY TIẾNG KÊU THẤT THANH [Kd]
MẤT SÁCH ĐI THẤT THƠ  [Kd]
NGỖNG HỒNG THỞ HỘC HÀ  [Hoài Anh Võ Quang Thạch]
CHỊ ĐEN KHÓC TỈ TI  [Hoài Anh Võ Quang Thạch]
HẠC ĐỎ THỞ HỒNG HỘC  [Kd] 
 
Thật đáng tiếc cho các câu đáp này, về gần đích nhất mà vẫn CHƯA ĐẠT
-QUẦN, TAY, BUỒNG, PHÒNG, trùng thanh với DA: Hỏng!
-PHÙNG PHỤC: ép chữ PHÙNG. Và PHÙNG PHỤC không thay thế được PHẦN PHẬT.
-BẢY là tính từ chỉ số đếm, không chọi được với danh từ DA. TIẾNG là danh từ không chọi được với tính từ TRẮNG (đã vậy, lại còn cùng thanh trắc)
-MẤT SÁCH: trật từ loại
-NGỖNG là NGA, không phải HỘC. HỒNG và HÀ cũng là dùng ép (đã vậy lại trùng thanh giữa THỞ và VỖ của vế xuất)
-Câu CHỊ ĐEN KHÓC TỈ TI trùng thanh trắc chữ KHÓC rất uổng. Nhưng CHỊ ĐEN và TỈ TI cũng không ổn.
-Câu HẠC ĐỎ THỞ HỒNG HỘC có vẻ đạt yêu cầu nhất. Nhưng câu này vấp 3 lỗi về trùng thanh: ĐỎ trùng thanh với TRẮNG, THỞ trùng thanh với VỖ, HỒNG HỘC trùng thanh với BÌ BẠCH… Hơn nữa, “lão thủ AN CHI” chắc cũng không cho rằng con HẠC có thể chọi được với DA (!)

Tóm lại: Từ 4 đặc điểm GIẢI MÃ đã nêu ở đầu bài, nhìn lại các câu đáp, ta sẽ thấy TẤT CẢ đều hỏng, hỏng hết. Và khi ta chưa có được câu đáp nào thỏa đáng, đành phải kết luận câu đối này là một câu TỬ ĐỐI thôi.
 
oOo

CÂU ĐÁP TẠM của HSN

(Tạm đặt mình vào cương vị của Trạng Quỳnh, cách đây khoảng 300 năm, đứng xớ rớ trước cửa cái buồng tắm ấy):

DA TRẮNG VỖ BÌ BẠCH  [ĐTĐ]
               Da (tôi) trắng, (tôi) vỗ (nghe kêu) bì bạch.
CHÓP XINH RÌNH PHIÊU DIÊU  [HSN]
               Chóp (ai) xinh, (tôi) rình (tôi thấy) phiêu diêu. 

-CHÓP: vật hình chóp, hình nón, có đỉnh nhọn (giống cái gì vậy ta?)
-XINH: tính từ phẩm tính, có thể chọi với tính từ màu sắc TRẮNG
-RÌNH là động từ chỉ việc rình rập, rình mò, lén nhìn, có thể chọi với VỖ được
-PHIÊU DIÊU: từ biểu cảm (nói lên cảm xúc) với nghĩa là nhẹ nhàng lâng lâng, muốn bay bổng lên. (Chúng ta hoàn toàn có thể dùng từ tượng thanh, hoặc từ  tượng hình, hoặc từ biểu cảm để chọi với từ tượng thanh, điều này chấp nhận được) 
-DIÊU, cũng như DAO nghĩa là xinh, là đẹp (Giống như SWELL, PRETTY, BEAUTIFUL vậy)
-PHIÊU: trong tiếng Hán, còn cách đọc khác là PHIẾU (dấu sắc) hoặc PHIỂU (dấu hỏi). Chữ PHIỂU (dấu hỏi) này là cái phễu (miền Bắc) cái quặng (miền Nam), một vật dụng hình chóp, có một đầu nhọn. PHIỂU (dấu hỏi) còn là một nhạc cụ cổ xưa hình chóp, giống cái chuông, chuyên dùng để gõ. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, khi hộ tống vua Triệu dự hội nghị với vua Tần, Tướng quốc Lạn Tương Như đã rút gươm ép vua Tần đánh cái phễu là đánh cái nhạc cụ PHIỂU này vậy.


Câu CHÓP XINH RÌNH PHIÊU DIÊU này chỉ là một câu đáp TẠM, trong đó, chữ PHIÊU được phát âm và được hiểu như PHIỂU, một vật hình chóp chỉ cái chóp xinh của… phụ nữ. Do tính chất PHIÊU DIÊU trùng thanh (hai thanh bằng), và phải hiểu một cách gượng ép chữ PHIÊU (không dấu) này như PHIỂU (dấu hỏi), nên câu đáp này chỉ là một chút mua vui, giúp bằng hữu bốn phương tham khảo mà thôi. 

oOo

MỘT CHÚT TÂM SỰ

Khi lần theo câu đối BÌ BẠCH này, cách đây 20 năm, tôi hầu như đã nắm được chìa khóa để giải phá nó. Có lúc đã tưởng chừng mình sắp về đến đích rồi, nhưng rút cục vẫn KẸT MỘT SỢI TÓC, khiến nên câu đáp không thể hoàn chỉnh.

Mấu chốt của nó ở đâu: Ở 2 chữ cuối. Nếu ta tìm được 2 từ Nôm tượng thanh, tượng hình, hoặc biểu cảm có 2 thanh nghịch nhau (Trắc trước, Bằng sau), mà bản thân 2 từ ấy lại có nghĩa Hán thì bài toán xem như đã có lời giải. Cần thiết phải đi từ nấc thang đầu tiên ấy, may ra mới có thể về đích. Nếu bạn cứ tìm 2 chữ đầu trước, chắc chắn bạn sẽ đi vào ngõ cụt. Và câu đáp của bạn may lắm cũng sẽ chỉ lọt vào các nhóm… bị loại.

Theo cái hướng đi vừa nói, có lần tôi đã tìm ra 2 chữ thuần Nôm: TỈNH KHÔ
-Đây là một từ biểu cảm, chỉ cái trạng thái cảm xúc: tỉnh táo, tỉnh queo, tỉnh rụi, không bộc lộ cảm xúc vui, buồn, ngạc nhiên hay sợ hãi gì ra mặt.
-Từ TỈNH KHÔ này Trắc trước Bằng sau chọi với BÌ BẠCH (Bằng trước, Trắc sau) rất đẹp.
-Tỉnh (Hán) là cái giếng. Còn Khô (Hán) nghĩa là cạn, khô héo

Lập tức, tôi có được câu đáp:

GIẾNG CẠN PHƠI TỈNH KHÔ  [HSN]
              Cái giếng cạn (của ai) phơi (ra) tỉnh queo!

-GIẾNG là cái giếng nước, tất nhiên. Nhưng nghĩa bóng ám chỉ bộ phận sinh dục nữ (kiểu như chữ LỖ: "Một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa" vậy)
-CẠN: khô, nông, không sâu
-PHƠI: phơi ra, phô bày ra, tô hô ra
-TỈNH KHÔ: tỉnh queo, không ngượng ngùng gì

Tưởng chừng là QUÁ ĐẸP. Tưởng chừng là đã phá giải được câu đối quái chiêu của bà Điểm... Nhưng nhìn lại thì vẫn HỎNG. Vì sao? 
-Vì TỈNH KHÔ bắt đầu bằng cặp phụ âm T-K không giống nhau, trong khi BÌ BẠCH 2 phụ âm B-B. 
-Hơn nữa, CẠN và TRẮNG trùng thanh, cùng là thanh Trắc cả. 

Thế mới đau. Tiếc hùi hụi câu này, các bạn ạ. Nói rằng "tưởng chừng sắp về tới đích, nhưng lại... LỌT GIẾNG" là vì thế. Tôi không giấu dốt, phô bày cái yếu kém đó của mình ra đây. Chỉ mong các bạn nắm lấy cái LA BÀN ấy, một ngày nào đó, các bạn sẽ có thể tìm ra được câu đáp, mà chính tôi đã KHÔNG THỂ.

Chúc tất cả quý hữu luôn vui.

Hàn Sĩ Nguyên
Saigon, tháng 12 năm 2018

 


  Trở lại chuyên mục của : Hàn Sĩ Nguyên