HỒ TUẤN NHÃ
Uống Trà Đọc Thơ Thiền
Uống Trà Đọc Thơ Thiền
Người viết bài này có một “con đường xưa” từ Nha Trang đi Ninh Hòa, dù ngắn ngủi, nên khi nghe có người “mang theo hơi thở nỗi buồn sông Dinh”, tự nhiên có mối đồng cảm man mác. Dù chưa được tắm nước sông Dinh một lần, chưa được nhìn bóng mình lồng với bóng ai trong dòng sông ấy…
Quê hương! Trong hơi thở có nỗi buồn của con sông xưa? Hèn chi hình bóng quê nhà vẫn đánh tráo những cảnh giới xứ người, những tràng vọng âm từ tiềm thức hiện ra ý thức:
Xuôi Nam về giữa Bolsa
Liêu xiêu bước phố Ninh Hòa vọng âm
(Vọng Âm -Mời Trà tr. 20)
Mái nhà xưa là nỗi gì chập chờn trong ký ức, người ra đi nào không quyến luyến?
Bên dòng suối mơ không ngày tháng
Dưới mái nhà xưa luôn bên nhau
Cũng chỉ là hồi tưởng, cũng chỉ là mòn mỏi, vì đã định phận khách lưu vong rồi! Thôi thì tự an ủi:
Thiên nhất phương hề, cố nhân
Xa là thật nghĩa của gần
Biết đâu?
(Phải Chi -Mời Trà tr. 116)
Ngoài tình quê hương, cái đáng quý là tác giả còn có thứ tình bạn cao, sâu, đậm:
Mời người chiêu ngụm trà thơm
Xem chơi cái hậu chín hườm trong nhau
( Mời Trà tr.3)
Mà khi nói với bạn bè, vẫn dung ái một lời lẽ sắc / không từ thơ thiền tiết ra:
Anh nay trở lại quê nhà
Tiễn anh một quãng ta bà sắc không…
…Ngàn xưa lang bạt ngàn nay
Vệt trăng cổ độ lăn dài tịch không.
(Tiễn Biệt I - Mời Trà tr. 59)
Tình bạn, tình tri âm tri kỷ, tình thiên nhiên, tình đôi lứa, đôi khi đi đến cực đoan siêu thực, đến nỗi như là một thứ hư - vô - tự - tánh:
Ta chẳng là nhau trong đời thực
Ta chẳng là nhau trong chiêm bao
Nhưng lại là nhau trong mọi lúc
Mãi mãi là nhau tự thuở nào.
Tình như một làn hương ngây trong gió bay qua:
Tao phùng
cuối cuộc hôm nay
Cố nhân ơi,
nhớ những ngày xưa
không?
(Nhớ Cố Nhân -Mời Trà tr. 129)
Một câu hỏi có thể phát sinh ra chướng duyên hoặc thiện duyên tùy theo đối tượng. Ở người mê đuối là lời trách móc- nhưng lại là lời vô chấp hỉ xả của hàng Duyên giác, Thanh văn?
Hay ở tình bằng hữu, là một túc duyên của tiền duyên xoay vần hiện kiếp?
Chỉ vì thơ Quang là một nguồn thiền. Tất nhiên cũng là thơ tình. Nhưng phải được hiểu một thứ tình bao luyến không- thời- gian, rất hoành diễu của loài hữu tình, chứ không đắm đuối cho riêng ái tình. Ái tình, nếu có chỉ là để thêm một vị ngọt để thư giãn giây lát e lắng tịnh quá chăng?
Cho dù có một lần Quang bạo miệng với tình:
Đạp nhào
cánh cửa vô vi
Thấy em
là
muốn
sân si với tình.
(Sân Si Với Tình -Mời Trà tr. 140)
Và rất hiếm, một lần khác, y đánh thức được tính lãng mạn nhạy cảm vốn có của máu thi nhân, trong giấc chiêm bao, y nghe thấy:
Thơ bay thơm phức
vũng triền
núi
non
(Bên Này -Mời Trà tr. 14)
Tôi rất ngại viết về tập thơ Mời Trà của bạn tôi, Mai Quang. Vì nhiều lý do trong đó có lý do đọc vội, viết cạn. Nhưng vì trót hứa, đành không thể nuốt lời hứa. (Dẫu gì cũng là bạn tù từng có lúc “đội trời chung” khổ ải với nhau). Viết về thơ Quang cũng là để nhớ lại một hình ảnh của kẻ sĩ không bị biến chất lúc mạt vận hôm xưa, trong trại - và không ngờ nay biết thêm môt thi sĩ có tài, nhất là một tâm thiền thanh thoát.
Tựu trung cái đáng nói nhất về tập thơ Mời Trà, đó là: Cõi tĩnh lặng, miền bình-thường-tâm, đáy hư không, nguồn thiền chan chứa… Tôi thành thật nói ra là tôi ngại không muốn viết về tập Mời Trà vì phải đụng tới cõi thiền, mà, để vừa “nhiếp” được thế giới thiền vừa “nhiếp” được chữ nghĩa tức là thi tài của tác giả thì quả là quá khó! Cho nên xin nhắc lại, đây chỉ là những lời nông sơ không tới đâu. Chỉ vì tâm tình bạn bè mà viết thôi. (…)
Từ một giọt sương rơi, tác giả thấy có cái gì rất vô ngã giữa chúng sinh hòa vào cảnh giới:
Sương rơi
xuống
hạt vô cùng
Hay ta rơi xuống
hữu-không
cõi người
(Giọt Sương Đầu Lá Cỏ -Mời Trà tr. 16)
Thơ thiền của Quang nhẹ như lông hồng giữa thanh khí, như vô ưu về trụ ở cốt cách tao nhã v.v… Thành thử nó đôi khi giống như “hạnh buông xả” của người tu Tịnh Độ Tông. Hãy lấy một trong nhiều ví dụ, bài thơ Đớp Động sau đây:
Mây trải thời gian
nhẹ hẫng
Rớt thuở bình yên xuống mặt hồ
Con cá giật mình
đớp động
Sóng xao vài gợn
lô nhô.
(Đớp Động -Mời Trà tr. 26)
Còn đây là tương ưng giữa chúng sinh với cảnh duyên để thành một Pháp giới rất cách điệu ngôn ngữ thơ đời thường lại nhuốm màu sắc/ không về đạo:
Vạc về
khẳm
ánh trăng tan
Đánh rơi mấy tiếng
đẫm
vàng
sương khuya
(Kêu Sương -Mời Trà tr. 102)
Với bài Tiếng, tiếng tùng vỡ tách hay tiếng sương gieo, thậm chí “tiếng sao trời lung linh”, một thể cách khác của tĩnh lặng để bắt gặp vô minh và trí tuệ bát nhã?
Tiếng hạt tùng vỡ
Tách
Giữa làn đêm vô minh
Tiếng sương trời thánh thót
Tiếng sao trời lung linh.
(Tiếng - Mời Trà tr.106)
Chính ở chỗ đáy của không đáy và chỗ vô biên của tâm-không, trở thành không lằn ranh, đông đặc dồn khối, phải chăng một đột phá muốn dò la bản lai diện mục?
Phải chăng là vĩnh cửu
Đong đầy một sát na
Và càn khôn vũ trụ
Tròn một giọt sương sa?
(Viên Dung -Mời Trà tr. 124)
Và đây cũng cõi thiền/ cõi đạo ấy, nhìn dưới nhãn quan trường lực lan truyền:
Tâm kinh nào
vỡ
sóng
Lồng lộng
vô thanh
(Vô Thanh -Mời Trà tr. 26)
Nói chung, cõi thơ Mai Quang bàng bạc thiền và thiền, y như tác giả và thơ và bút và giấy cùng tới nhập diệu… Như làn hương trong gió, hoa bay trong không gian nên không dễ nắm bắt như dầu thơm trong lọ hay hoa trên cành.
Bây giờ điểm sơ qua về chữ dùng và tài dịch thơ của tác giả: hai khía cạnh của một tài hoa. Thường thì Mai Quang chỉ dịch những câu hoặc rất ít bài thơ Hán cổ do tâm đắc mà thôi. Chính vì vậy mà khi chuyển sang ngôn ngữ mẹ đẻ, có những chữ dùng bất ngờ quá hay. Ví dụ:
Dưới thềm
khoanh giấc mộng
Chợt tỉnh
nửa giường trăng.
(Độc hướng thiềm hạ miên / Giác lai bán sàng nguyệt - Tảo Thu Độc Dạ - Bạch Cư Dị -Mời Trà tr. 12)
Chữ “khoanh” làm ta hình dung ra cái dáng nằm ngủ khoanh tròn, giấc mộng tải trăng đang chu lưu theo dòng máu, bao nhiễu một nhân sinh an lạc.
Hay chữ “níu” trong bài Giọt Nắng:
Chồi thổ lan khai nụ
Níu xuống mảng trời xanh
(Giọt Nắng - Mời Trà tr.24)
Và ở chỗ khác, chữ dịch rất thoải mái thanh thoát từ câu chính ngữ “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên” - Phong Kiều Dạ Bạc / Trương Kế:
Trăng tà
một tiếng quạ rơi
Sương giăng khắp nẻo
Đất trời
mênh mông.
(Mênh Mông -Mời Trà tr. 36)
Có lẽ không sai khi nói văn tức là người. Chỉ cái đề sách Mời Trà cũng ít nhiều toát lên được một phong thái rồi. Khi sống chung ở trại tập trung sau năm 1975, tôi nhìn Quang với cảm tưởng một con người không nhiễu sự, có vẻ như chính nhân. Chỉ thế thôi. Rồi tình cờ một cú phone gọi. Bây giờ thì tôi biết thêm mình có người bạn thơ có tài mà lâu nay không ngờ. Thú vị khi đọc thơ thiền của bạn ta. Vì bạn ta, từ thơ toát lên cái cốt cách thanh thản của người an bần lạc đạo. Phải chăng trải qua vàng phai đá nát, đã rơi rụng rất nhiều đi bụi bậm trần gian để còn lại một con người thức tỉnh tự độ (chưa dám nói tới độ tha), đi vào tĩnh lặng cõi thơ?
Từ chỗ đó, thỉnh thoảng như quanh quất đâu đây chút gì là thanh khí ngay cho cả ai chỉ qua “văn kỳ thanh”.
Đó là dáng dấp hoành diễu của câu thơ:
Chân Không
Đạp sóng
Lướt qua
Tóc râu lồng lộng Đạt Ma Bồ Đề
(Bồ Đề Đạt Ma - Mời Trà tr.08)
Đó là sương khói mơ hồ:
Tiếng thời gian khẽ gọi
Vàng hanh ơi
Vàng rơi.
(Vàng Hanh - Mời Trà tr.44)
Đó là mông lung chênh vênh:
Gió hỏi thăm đường
Mây vài gợn
Nhẹ hẫng lá phong bay.
(Nhẹ Hẫng -Mời Trà tr. 46)
***
Tự nghĩ mình sẽ nói với Quang như nói chuyện thân tình trong buổi uống trà. Tâm đắc chỗ nào thì bộc bạch chỗ ấy. Thế thôi. Cảm tưởng đầu tiên là: thơ thiền được đính treo chùm chùm trên những đóa Thư Pháp thướt tha. Mà nét thảo phóng bút phát tiết ra tài hoa. Đó là vẻ đẹp câu Thư Pháp. Nhưng cái hồn thiền của thơ ở đâu rồi? Chắc hẳn hồn thiền đang được đựng ở tận đáy thẳm của nét Thư Pháp. Như thế có nghĩa là một cái tâm thiền nhập diệu ở thơ thiền được mặc bởi bộ áo nghệ thuật lua tua phơ phất lộng gió bát nhã.
Nhiều lúc tôi phát ngông mà nghĩ, viết về thơ thiền của Quang thật giống như Từ Thức trở về quê hương rồi thơ thẩn trở lại Nguồn Đào, đứng khóc ngất. Khóc ngất vì sau một chuyến hành trình dài TRỞ VỀ, đã không thấy được gì, nhạt nhòa quê hương sâu thẳm trong ta. Mất quê hương lẫn người vợ Tiên, Từ Thức ơi. Người viết, người đọc cũng có cuộc TRỞ VỀ để tâm hồn thiền chìm lắng trong nếp núi, bờ sông, tảng đá, cọng cỏ v.v… và những giá trị gì muốn dò tìm ở cõi thơ?
Nhưng, đã đành là Từ Thức mất tất cả khi trở về Trần. Còn tôi và bạn đọc được gì, khi làm một chuyến hành hương trở về với hồn Thiền dân tộc trong lòng Phương Đông?
Riêng với hồn Thiền trong thơ của Quang, Quang có những câu thơ, tự nó đã toát ra từ cảnh giới bên trong/bên ngoài viên dung hàm chứa nhau, “vạn pháp quy nhất” của một hành giả thiền rồi…