HOA VĂN


NHỮNG CẢM NGHĨ TIÊU BIỂU CỦA BẰNG HỮU
VỀ THƠ THẢO CHI BÙI MỸ HOA

     Tôi hân hạnh được đọc những bài viết của một số Văn, Thi , Nhạc sĩ viết về thơ Thảo Chi từ năm 1999 đến nay 2024. Nhân dịp này, tôi xin phép được ghi lại vì, những lời viết rất trung thực, có giá trị:       
     Năm 1999, nhà thơ Thảo Chi Bùi Mỹ Hoa trình làng thi tập “NHẸ BƯỚC VÀO THƠ’ tại SanJose, California. Đây là thi tập đầu tay của Nữ sĩ. Tính đến nay, Thảo Chi đã đến với Thơ trên 30 năm.
     Theo lời viết tựa cho thi tập này của Nhà thơ Cung Diễm, Hoa Văn xin ghi lại những lời nhận định rất tinh tế của của Ông về thơ Thảo Chi thời đó:

-Thi sĩ CUNG DIỄM Cali 1999

“Thảo Chi sáng tác rất nhiều thể loại: Thất Ngôn, Ngũ Ngôn, Lục Bát. Thể thơ nào Thảo Chi cũng tỏ ra rất điêu luyện. Nhưng Thảo Chi rất thích thể thơ Lục Bát.
     Không gian là chỗ vòng cầu
Chỗ mưa rớt xuống chỗ sầu mọc lên”

 
    Thơ Thảo Chi có cái nét riêng biệt rất lạ, rất Thảo Chi. Nhưng cái lạ ấy mang đầy nhạc tính, rất dể đi vào lòng người. Thú thật, có những bài thơ của Thảo Chi tôi chỉ đọc qua một bận là cứ như.....nằm lòng.
“Người đi chút nữa về không nhỉ
  Hay chút rồi ta... sẽ mất nhau”

Ôi cảm động và dễ thương quá. Còn nhiều lắm.
Thảo Chi quả là một loại cỏ thơm, một loài dị thảo đáng có một vị trí trang trọng trong vườn thơ.
     Cung Diễm SanJose 1999
 
Cùng thời gian này, Nhạc sĩ PHẠM DUY cũng có một bài viết về thơ Thảo Chi như sau:

-Nhạc sĩ PHẠM DUY California 1999

Nhà thơ nữ mang bút hiệu THẢO CHI, có tên thật Bùi Mỹ Hoa sinh tại Bình Thủy Cần Thơ. Bà là em ruột của nhà thơ Sương Mai. Sau năm 1975 bà sang Mỹ định cư tại San José California.
Thời kỳ còn ở VN bà đã bắt đầu sáng tác thơ từ năm 1968 và có nhiều bài thơ được đăng trên tập san Lý Tưởng (không quân Cần Thơ trước 1975).
Sau khi qua Mỹ định cư hơn 20 năm, ổn định công việc,  Thảo Chi tiếp tục sáng tác thơ và chỉ trong ba năm 1999 - 2000 – 2001; liên tiếp mỗi năm Thảo Chi ra mắt một tập thơ đến với bạn đọc yêu thơ ở Mỹ.
Đây là thời kỳ sung mãn nhất của một người làm thơ phái đẹp. Thảo Chi e ấp mời người đọc: cùng tôi “Nhẹ Bước Vào Thơ” tuyệt vời" trong tập thơ đầu tiên Nhẹ Bước Vào Đời phát hành năm 1999 với bìa ảnh màu in những đóa hoa như những nụ hôn đầu. Tiếp đến là tập thơ Hoa Ô Môi phát hành năm kế tiếp chào mừng thập niên 2000. Trong đó hình ảnh Hoa Ô Môi của người con gái sông Hậu đã không còn rón rén, khiêm nhường mà mạnh dạn bước tới chinh phục hồn thơ ..
Là người sinh trưởng ở vùng phù sa sông Chín Con Rồng, xưng tụng quê hương đất nước. Trong “Hoa Ô Môi” Thảo Chi nhắc đến những ông đồ già, những câu đối đỏ. Không có cử chỉ trình diễn như vài nhà lãnh tụ, chính trị gia, quỳ xuống vốc hôn nắm đất nơi chôn nhau cắt rốn, Thảo Chi chỉ chân thực, đằm thắm:
Bỗng dưng nhớ quá quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà giằm tương
Thảo Chi đoan quyết:
Dạ nào em bỏ quê hương
Lòng nào anh nỡ lạc đường gió mây ..

Nếu ở tập thơ đầu tiên Nhẹ Bước Vào Đời là tuyển tập những bài thơ viết về TY cùng những cảm nhận của tuổi mới lớn, những rung động đầu đời của người con gái chân quê miền sông Hậu .. và đa phần ở tập thơ này các bài sáng tác theo thể loại tự do, phóng khoáng để diễn đạt dòng suy nghĩ. Thảo Chi vẫn dùng từ nhân cách hóa bạo dạn. Vẫn dùng những động từ, tính từ, mới và mạnh rất có lý:
Hái nắng, hái trăng, đẩy hết mù sương . .., xé toạc rừng mây. . .., mưa lăn trên cửa tôi lăn lộn . ..
Đó là thơ tình Thảo Chi, rất Thảo Chi, từ đó đã tạo được bản sắc riêng, không lẫn lộn giữa rừng thơ bạt ngàn nơi hải ngoại:
Cứ để chiều rơi, rơi vỡ vụn
Và mình lủi trốn giữa chiêm bao
. . .
Anh ơi mình là bụi cát
Cuồng quay trong ngọn trốt nào
Tuy đã chín chắn, đôi khi tình yêu cũng sôi bỏng, người nữ trong thơ đe dọa:
Ngoan đi nhé, nếu dặn hoài không được
Muời ngón tay em cắn nát cho xem

Thói quen "cắn?, vết cắn, vết răng" trong tập thơ Hoa Ô Môi vẫn còn lại đây ..
Ở tập thơ thứ hai, Thảo Chi tạm rời bỏ thơ tự do cùng những chiếc lá đổ muôn chiều (1999), giờ đây đã rơi về cội. Người làm thơ đã tìm đến với Thôi Hộ, chú ý đến bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bính, mê ca dao, thích gieo vần lục bát trong tuyển tập thứ hai “Hoa Ô Môi”. Dường như đó là một chu kỳ sáng tác thơ của một đời làm thơ, có điều Thảo Chi bước nhanh quá! Nói thế không có nghĩa là Thảo Chi thu mình vào cái vỏ cổ điển, khuôn phép. Chỉ muốn nói là ý thơ, tứ thơ theo thời gian đã vút cao, mượn hình thức cổ điển, hồn dân tộc để giãi bày những khám phá mới.
Đến tập thơ thứ ba phát hành năm 2001 có tên “Xin Cảm Ơn Thành Phố Có Anh” thì Thảo Chi đã hoàn toàn lột xác, người làm thơ dường như đã quyết định, một quyết định tất phải có. Là nhánh cỏ thơm đó, tờ lá biếc đó đã bay trở về nguồn lướt trên những vần thơ lục bát dung dị, tài tình. Không còn những chữ, những câu Anh ngữ chen lẫn trong thơ. Chỉ còn một bài thơ viết bằng Anh ngữ , sau đó được chính tác giả chuyển sang tiếng mẹ đẻ. Không còn những thử nghiệm, không còn những phiêu lưu nữa.
Kể cả việc nhắc đến những thành phố có hân hạnh bao bọc người tình trong thơ Thảo Chi Bùi Mỹ Hoa ? Thảo Chi về nguồn, làm thơ nhớ tiếc Sài Gòn, Đà Lạt, Cần Thơ, phà Mỹ Thuận, hồ Than Thở. Làm thơ vinh danh các bà mẹ, ông cha ..

*Về sau này, tức hơn 30 năm, vào năm 2022 chúng tôi lại nhận được bài viết của Nhà văn DUY XUYÊN trong thi tập Hoa Nở Đường Về  mà tôi xin rút gọn lại như sau:

-Văn sĩ DUY XUYÊN, Tacoma WA. 2023

Nhà thơ Thảo Chi tên thật là  Bùi Mỹ Hoa. 
Theo tôi đuợc biết bút danh Thảo Chi là một loài cỏ vô cùng hiếm quý, được tìm thấy tận miền rừng núi cao nguyên đã mọc trong thung lũng Thảo Nguyên và đuợc  Cụ ƯNG CUNG, con cháu của vua Minh Mạng, đời nhà Nguyễn, cho đem về trồng trong Vườn Thượng Uyển.  
 
Loài cỏ Thảo Chi, có thân cao, lá dài mỏng manh như tóc tiên. Các ngự y của triều Nguyễn săn sóc loài cỏ này rất cẩn thận, vì nó đươc pha chế trong môn thuốc cổ truyền của các thần y để chữa bệnh thương hàn...  
 
Thơ Thảo Chi vô cùng lãng mạn, hiếm quý như bút danh Thảo Chi Bùi Mỹ Hoa. 
  
Theo văn học sử: Định nghĩa theo chiết tự, lãng mạn là: sóng và nước vỗ tràn bờ, khó có gì ngăn cản nổi. Trong văn thơ còn có nghĩa: Tư tưởng, lời văn, ý thơ được tự do tuôn trào theo những ý nghĩ của dòng văn như thác đổ, mà không cần dùng lý trí để kìm hãm con tim để lời thơ, tiếng nhạc, dòng văn tuôn ra suối, nước vỗ tràn bờ... 
 
ThơThảo Chi theo khuynh hướng vô cùng lãng mạn... ấy, mà ý tưởng đang chắt chiu thầm kín của phong trào  "định hướng về thi ca hiện thực..." 
  
Trong bài thơ thứ 112. TÌNH EM MÁI LÁ, với những cụm thơ vô cùng lãng mạn có chắt chiu hiện thực:
 
"Cho dù trăng rụng sao sa 
Vai anh em tựa mặn mà tiếng ru" 

 
Quả thật, tôi tìm thấy trong câu chữ của Thảo Chi: "giọt nắng rơi thưa" đã thể hiện tính cách lãng mạn trong khuynh hướng hiện thực... 
 
Tôi đã nghe thấy nắng thủy tinh, nắng vàng, nắng bò vào hiên, nắng đứng bên thềm, nắng ngủ trên vai, nắng hôn môi em... nhưng lần này nữ sĩ Thảo Chi đã cho tôi thấy "giọt nắng rơi thưa" 
 
Nắng của Thảo Chi, mang vóc dáng của mưa rơi, một tượng hình được Thảo Chi tạo thành nhân cách hóa cho nắng như dung nhan của một thiên thần, chỉ để dành riêng cho tình yêu mộng mị của chàng và nàng. 
Cho phép tôi ghép "giọt-nắng-rơi-thưa" để tạo thành một "danh-động-từ- ghép có mang âm hưởng "tính-từ-hóa."  
Nắng của Thảo Chi là danh-động-tự mà lại mang tính chất của tính-từ-hóa, do đó nó còn có thể gọi là tính ngữ hóa trong văn chương hiện đại. 
Trong tiếng Anh, ta vẫn thấy cụm từ: "A-long-hair-girl-16-old-year" thì tại sao trong tiếng Việt ta lại không có cụm từ  "giọt-nắng-rơi-thưa"? 
 
Hoa Văn, có khi nào ông nghĩ Nhà Thơ Thảo  Chi của ông là nhà ngôn-ngữ-học không? Riêng cá nhân tôi, tôi đã nghĩ như thế. 
 
"Tay trong tay bước chân chưa muốn ngừng" 
  
Thơ Thảo Chi không những đã vô cùng lãng mạn, mà nhà thơ đã biết dùng con tim để đưa thơ từ khuynh hướng lãng mạn, trở về khuynh hướng cổ điển... của thi ca Việt Nam... 
 
"Lòng hoài mơ phút tao phùng 
Tình yêu đâu có ngại ngùng gió mưa"

 
Chữ *gió mưa trong câu thơ này, tôi còn tìm thấy có nghĩa bóng mà Thảo Chi đã dùng.  'gió mưa"  trong ngôn ngữ hiện thực nhưng vô cùng kín đáo như nữ văn hào Pháp Francois Sagan, trong tiểu thuyết hiện thực "Buồn Ơi Chào Mi" 
Còn câu thơ hiện thực của Thảo Chi còn mang tính chất hiện thực hơn Francois Sagan: "Hẹn người trong giấc Hoa mơ *ái tình".
 
Trong một cụm thơ khác, lời thơ cũng đã thể hiện theo phong cách hiện thực hơn: 
 
" Chờ ai ai biết mà chờ 
Đợi ai một kiếp trễ giờ thăng hoa" 
(TRĂNG BAO NHIÊU TUỔI)

 
Năm 2023 Hoa Văn cùng Thảo Chi viết chung và in chung thi tập Hoa Nở Đường Về, một trong số Thi hữu của Hoa Văn là Thi sĩ ĐỨC PHỔ có viết vài lời mà Hoa Văn xin trích vài đoạn như:
Thi sĩ ĐỨC PHỔ, Atlanta
 
GIỚI THIỆU THƠ SONG HOA
 
 Cái bút danh này tôi chưa từng nghe qua hoặc chưa từng ai nhắc tới! Tập thơ "Hoa Nở Đường Về" dày 240 trang do tác giả tự xuất bản năm 2022. Thơ được in trên giấy tốt màu vàng nhạt, layout sáng sủa dễ nhìn.
Trang đầu là lời ngỏ ký tên Thảo Chi & Hoa Văn. Được biết Thảo Chi là bút danh của Bùi Mỹ Hoa, một người bạn thơ của anh quen nhau từ những bài thơ trên FB. Sau đó hai người làm thơ xướng họa cùng nhau. Qua những bài thơ tình diễm lệ tuôn trào như dòng suối. Lời thơ nhẹ nhàng, dễ thương của hai người bạn tình hoặc bạn thơ rất hiếm gặp giữa đời thường...
Tập thơ "Hoa Nở Đường Về" gồm 140 bài thơ được ghi số thứ tự trước tựa đề mỗi bài thơ. Từ bài số 1 đến bài số 51 ký tên Song Hoa. Từ bài số 52 đến bài cuối, cứ 1 bài ký tên Hoa Văn thì bài tiếp theo ký tên Thảo Chi Bùi Mỹ Hoa.
Thật là một tập thơ lý thú rất nên tìm đọc. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn văn và bạn đọc gần xa, nhất là những bạn yêu thơ tình trong mọi lứa tuổi... Và xin chân thành cảm ơn tác giả Song Hoa (Hoa Văn và Thảo Chi Bùi Mỹ Hoa) thân mến!...
 
Cũng trong khoảng thời gian này, Thi hữu VINH HỒ tại Florida đã có những lời cảm nhận về thơ Thảo Chi, mà, tôi trân trọng nhắc lại trong bài này:

-Thi sĩ VINH HỒ Florida 2023

Thi sĩ Thảo Chi Bừi Mỹ Hoa từng được Nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc nhiều bài thơ, bà sang Mỹ vào tháng 4/1975, làm thơ rất sớm, hiện cư ngụ tái Tiểu bang Washington .
Thơ Bà thường dùng từ láy, từ điệp, lời thơ chân thật , ý thơ nềng nàn tha thết, có nhiều từ mới gây cảm xúc mạnh:
“Ôi buồn buồn quay quắt buồn”rất trừu tượng, quấn hồn thơ đau, bay qua lũng tình:
     “Ngày mưa Tây Bắc ôi buồn
Mưa rơi như thể chưa từng rớt mưa”
 
    “ Ngại gì mưa ướt mi cong
Lo gì cái có cái không cõi trần”
 
Ngày mưa tháng gió nơi này
Gọi mùa năm cũ buồn quay quắt buồn
Kéo dài những sợi mưa tuôn
Ðan khăn quàng cổ quấn hồn thơ đau
...
Ðợi chờ nhau mãi chờ nhau
Mưa Ðông che khuất núi cao sông dài
...
Những ngày chờ những tháng trông
Hẹn nhau ta rót rượu nồng cùng say
...
Mưa vùng Tây Bắc mưa dầm
Rong rêu xanh lối âm thầm hồn thơ
Lòng thi nhân những mong chờ
Ngày Xuân bầy én bay qua lũng tình.
(Mưa Vùng Tây Bắc - trang 115)

Bà đôi khi cũng quay về với thân phận "có không" của kiếp người:
Ngại gì mưa ướt mi cong
Lo gì cái có cái không cõi trần
...
Trắng tay từ thuở mẹ bồng
Từ thời cha hát điệu buồn ca dao

 
Trái tim nhạy cảm, tấm lòng cởi mở, đã viết lên những vần thơ thiết tha đầy tình nghĩa cao đẹp:
 
Cảm ơn đời những ngọt ngào
Cảm ơn anh đã gửi trao ấm nồng
Viết câu lục bát Hạ hồng
Yêu thương dù phải Tây Ðông vẫn tình
...
Cảm ơn anh tiếng hẹn thề
Trăm năm vừa đủ giấc mơ đã tròn
Cho dù mây tán đầu non
Câu thơ lục bát mãi còn dáng anh
(Mấy Nẻo Tâm Tình - trang 175)

Người Đông kẻ Tây, 2 khung trời cách biệt, nhưng Đồi Lá lại là 1 cõi riêng, 1 cõi địa đàng của tình yêu miên viễn của họ, ở đó hai tâm hồn gắn bó, gần gũi, yêu thương, tuy hai mà một:
Hai hồn thơ một cõi chung
Thơ giăng đồi lá nghìn dòng thơ yêu
(Ðồi Lá - trang 11)

Ngày xưa tại VN, Bích Câu là nơi kỳ ngộ của Tú Uyên và Giáng Kiều, thì hôm nay tại Hoa Kỳ, Đồi Lá là nơi hội ngộ tình thơ của Hoa Văn và Thảo Chi Bùi Mỹ Hoa vậy.
Rất đẹp, rất thơ và rất tình.
Xin cám ơn và chúc mừng hai tác giả.
VINH HỒ
Orlando, Feb, 2, 2024
 
-Nhà thơ DIÊN NGHỊ California 2023

Thảo Chi đã hơn một lần bày tỏ:
                                      Tôi làm thơ tặng cho đời
                                  Thơ tình tôi có tình người tôi mơ

Trân trọng cuộc đời khởi đầu khá sớm, tiềm tàng ẩn hiện tư dung thiếu nữ.  Tình lộ diện, gắn bó đậm nét tình người hai bờ mơ thực.  Thảo Chi âu yếm, nâng niu từng câu thơ, tựa hồ đang cầm trong tay đóa hoa hiếm quý, lãng mạn nghĩ về sự mong manh, mà ái ngại, băn khoăn lẽ vô thường.
                                 Tôi nâng từng cánh hoa lòng
                      Sợ mong manh rụng vô thường trên tay

Dấu ấn thơ xao động từ phút đó – vô thường, mong manh, dễ tan biến ngoại giới, len lỏi, thẩm thấu vào hồn – hình sắc u ẩn, ảm đạm khung cảnh mùa Đông hòa quyện sâu lắng nội tâm, dồn ép cảm xúc ngấm ngầm bi thiết.
                      Thơ tôi in dấu buồn sâu thẳm
                      Với một nguồn đau máu chảy ngầm (Lòng Thiếu Nữ)

Thân phận lưu lạc với bao thử thách, lận đận lao đao, cố lượm nhặt những mảnh đời chừng như hao mòn, hư mất.
                      Nhặt lên từng mảnh tuổi đời
                      Nhìn trong hiu quanh rã rời quạnh hiu
                      Sương sương sáng mưa mưa chièu
                      Bốn mùa cây lá xiêu xiêu bóng đời (Cõi Muôn Trùng)

Câu thơ viết ra rồi suy lại, tư duy lần nữa quay cuồng, tìm kiếm, khai thông, bỗng cảm nhận niềm tin vào cuộc sống, ánh hào quang chói lọi chan hòa đang chờ đón.
                      Tôi và thơ xây lại một thiên đàng (Vùng Ký Ức)
Thiên đàng Thảo Chi dự kiến, minh họa phải chăng là tình yêu? 
                                 Tôi còn sáu chữ câu thơ
                      Viết thêm tám chữ cho vừa ý nhau
                                 Tôi câu lục bát khởi đầu
                      Người câu lục bát nối câu ân tình
                                 Mùa Xuân này ta với mình
                      Hương Xuân trong gió hương tình trong thơ (Thơ Xuân)
                      Cuối quãng đường trần chung bước đôi
                      Gió giông bão táp nép vai người
                      Tình thơ luôn giữ lòng nhân ái
                      Suốt nẻo đương tình hẹn có đôi (Yên Bình)

Lứa đôi bày biện cuộc chơi, làm thơ chung, ký bút hiệu Song Hoa.  Bài thơ chung có ghi rõ
                                 Người xa tình mãi tình gần
                      Tâm tư gửi trọn trong vần thơ yêu (Nỗi Đi Nỗi Ở)

Khẳng định là thế, xa hay gần, vần thơ yêu vẫn trước sau như  một.  Đề cập đến cuộc đời vốn dĩ nhiều khê, phức tạp, vẫn vượt qua, có lẽ nhờ từng con chữ, ý tưởng của thơ.
                      Đời muôn ngả dòng thơ tình còn đó
                      Lối đi về tim nhịp tiếng thơ yêu
                      Nắng soi nghiêng in đậm bước chân chiều
                      Thơ mãi mãi thương yêu từng con chữ
                           (Bước Chân Sương)

Có khi cảm nhận tâm đắc cái chung một ý thơ:
                      Đôi tim thi sĩ tràn thi phú
                      Thơ viết nghìn trang chuyện chúng mình

Cũng đôi khi cợt đùa, âu yếm yêu thương:
                      Có anh thi sĩ già mơ mộng
                      Viết mãi thơ tình nhớ xứ thơ (Tình Thơ Xuân Thắm)

Thi nhân, nghệ sĩ nuôi dưỡng khát vọng vô cùng giữa thực tại cuộc đời, mà cuộc đời vốn hữu hạn... Có ước vọng nào viên mãn, tràn đầy?  Thế nên thơ lại vấn vương, nuối tiếc cái phù du chiều sớm và tự hỏi những mất còn.
                                 Đời người như giấc chiêm bao
                      Chẳng bao lâu nữa rơi vào hư không
                                 Còn chăng những áng thơ hồng
                      Viết cho nhau giữ tình không úa vàng

Di sản còn lại chính là những trang thơ tình, chuyện tình hiếm hoi kết thành từ cái Duyên Giữa Dòng Thơ, với bao nhiêu thi phẩm trữ tình thắm thiết bắt nguồn từ đôi tim chân thành, chung thủy.
 
Diên Nghị
Tháng Ba, 2023
 
-Thi sĩ Y Thy Võ Phú, Virginia 2023
 
Tháng 11/2023, Thi sĩ Võ Phú nhận được thi tập ĐỒI LÁ của Hoa Văn và  Thảo Chi gửi tặng. Trong phạm vi bài này, Hoa Văn chỉ nhắc lại phần viết của Nhà thơ Võ Phú viết về thơ Thảo Chi mà thôi.
 
Thi sĩ Thảo Chi, tên thật là Bùi Mỹ Hoa sinh quán Bình Thủy, Cần Thơ. Bà bắt đầu làm thơ từ thuở học Trung Học. Bà đến Hoa Kỳ vào tháng 4, năm 1975 và bắt đầu viết chính thức năm 1998 với bút hiệu Thảo Chi Bùi Mỹ Hoa. Hiện nay bà cư ngụ tại Lake Stevens, tiểu bang Washington.
Sau đây, tôi xin trích  bài thơ lục bát trong thi tập mà tôi yêu thích:
 
Ði quanh mấy nẻo tâm tình
Thấy đời con trốt tượng hình xoáy tim
Có khi đời cũng lặng im
Nghe như dòng nước êm đềm trôi xuôi
Ðời nhiều vui cứ tìm vui
Kế như một kiếp rong chơi tang bồng
Ngại gì mưa ướt mi cong
Lo gì cái có cái không cõi trần
Trắng tay từ thuở mẹ bồng
Từ thời cha hát điệu buồn ca dao
Cảm ơn đời những ngọt ngào
Cảm ơn anh đã gửi trao ấm nồng
Viết câu lục bát Hạ hồng
Yêu thương dù phải Tây Ðông vẫn tình
Thơ anh có miếu có đình
Thơ tôi có nắng chiều in lối về
Cảm ơn anh tiếng hẹn thề
Trăm năm vừa đủ giấc mơ đã tròn
Cho dù mây tán đầu non
Câu thơ lục bát mãi còn dáng anh
Hôm nay thơ mãi đi quanh
Viết câu lục bát Hạ xanh nắng vàng
Thơ tình tôi cõi mơ màng
Hồn thơ bay đậu trên ngàn lá xanh .
(Mấy Nẻo Tâm Tình - Thảo Chi Bùi Mỹ Hoa - trang 175).

Ðọc những bài thơ trích dẫn, chúng ta thấy rằng đây là một tập thơ tình rất mượt mà, vượt qua những rào cản không gian. Mặc dầu kẻ Ðông người Tây nhưng hai tâm hồn thơ hòa vào nhau bay bổng... “Hai hồn thơ một cõi chung/Thơ giăng đồi lá nghìn dòng thơ yêu”.
 
                                           x
     Tính đến hôm nay, nhà thơ Thảo Chi đã bước vào cõi thơ trần thế trên 30 năm. Trên 30 năm, nửa đời người như gió thoảng mây bay. Thảo Chi đã cùng thơ bước đi một bước khá dài  Thơ Thảo Chi hôm nay là những vần thơ vởi ý tưởng mới mẻ lạ lẫm hơn, hay hơn.
“Vẫn là một kiếp đam mê
Vẫn là một thuở hẹn thề bước đi”
Hoặc
“Chiều tà giọt nắng rơi nghiêng
Thơ tình còn viết lên hiên mái đời”

 
 Hay là những câu thơ Thất ngôn ngọt ngào thi ngữ:
“Đêm sắp tàn đêm ngày sắp rạng
Tôi thu bút mực cất vào ngăn
Treo thơ trên vách trời chưa sáng
Thầm nghĩ rằng thơ có Vĩnh Hằng

 
Sau hơn ba mươi năm đến với thơ, Thảo Chi đã đem đến cho người đọc hôm nay những vần thơ mới rất đa dạng, phong phú, sương khói mênh mông, đã thể hiện bàng bạc trong những vần thơ đẹp hiếm hoi của một nhà thơ nữ nơi hải ngoại như những cảm nhận tiêu biểu của bằng hữu mà tôi đã hân hạnh trình bày qua bài viết nói trên.
Virginia ngày 15/10/2024
HOA VĂN
 

  Trở lại chuyên mục của : Hoa Văn