HOÀNG BÍCH HÀ
Chiếc Áo Mưa Cũ Rách
Chiếc Áo Mưa Cũ Rách
Trong cuộc sống đời thường, đôi khi ta thiếu đi niềm tin đối với người khác để rồi sau đó lương tâm ta cứ mãi ray rứt về những điều đã qua.
Chuyện xảy ra cách đây hơn một năm, nhưng hễ mổi khi nhớ lại tôi vẫn cảm thấy xấu hổ và luôn tự trách mình. Chuyện là thế này. Đó là vào một ngày cuối đông khoảng tám giờ rưỡi sáng khi ra mở cửa thì tôi phát hiện có một bé gái khoảng chừng mười ba, mười bốn tuổi, bán vé số đang đứng trú mưa trước cửa hiên nhà. Lúc đó trời mưa càng lúc càng nặng hạt hơn, mưa như trút nước vì mái hiên tôi nhỏ hẹp nên cô bé phải thu mình lại để che chắn cho tập vé số trên tay khỏi bị ướt, trong khi đó mưa tạt khiến cho quần áo sờn cũ của cô bé đã ướt sũng. Tôi đoán có thể cô bé sinh ra trong một gia đình nghèo khó nên em phải sớm bươn chải để phụ giúp ba mẹ. Tôi muốn gọi cô bé vào nhà cho đỡ ướt nhưng lại nghĩ: là mấy đứa bé bán dạo vé số này khó có thể tin được. Không chừng lại rước họa vào thân nên tôi gạt ý định đó ra khỏi đầu. Tôi thấy cô bé hình như đang nóng ruột với tập vé số trên tay, muốn đi bán được tờ nào hay tờ đó nhưng không biết phải đi bằng cách nào. Như hiểu được ý của cô bé, tôi định đưa chiếc áo mưa mơi mua của tôi cho cháu mượn, nhưng lại nghĩ: “Đưa cho nó mượn rồi liệu nó có quay lại trả cho mình không?”. Vì thế, mà tôi đã đưa cho cô bé một chiếc áo mưa cũ, đã rách mà tôi không dùng nữa. Cầm chiếc áo mưa cũ rách mà tôi đưa, cô bé mừng lắm nói lời cảm ơn rồi vụt đi trong làn mưa xối xả. Sau đó hai ngày, vào một buổi sáng trời quang mây tạnh, khi tôi đi chợ về thì thấy cô bé bán vé số hôm nọ đứng ở hiên nhà chờ tôi. Khi nhìn thấy tôi cô bé mừng rỡ reo lên: “Cháu cứ nghĩ sẽ không gặp được cô, ai dè ông trời vẫn thương cháu”. Nói rồi cô bé mang trả chiếc áo mưa cũ rách được để trong một chiếc túi nhựa màu xanh và kèm theo một chiếc dù (Là chiếc ô ở miền Bắc) hàng chính hiệu và nói: “Cháu xin trả lại cô chiếc áo mưa hôm nọ. Còn đây là chiếc dù loại xịn cháu mua để biếu cô. Cô ơi cháu không có nhiều tiền để mua thứ này biếu cô đâu, nhưng nhờ cô cho cháu mượn chiếc áo mưa hôm nọ mà cháu đã bán được vé số cho khách, sau khi họ trung thưởng họ biếu cháu một khoản tiền kha khá. Cháu nghĩ nếu không nhờ cô cho mượn chiếc áo mưa thì cháu đâu có được diễm phúc đó phải không cô? Cháu thấy chiếc áo mưa của cô đã rách lại cũ rồi không hợp với cô nên cháu mua chiếc dù này biếu cô, cô đừng chê cô nhé”. Nói rồi cô bé vụt chạy đi. Cầm chiếc dù chính hiệu mới tinh trên tay và chiếc áo mưa lòng tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng.
Sự vô tư trong sáng của cô bé bán vé số đã dạy cho tôi một bài học nhớ đời đó là hãy có niềm tin với mọi người và hãy nhìn cuộc đời bằng một màu hồng, đừng bao giờ nhìn nó bằng cặp mắt của đôi kính đen. Cuộc sống luôn mang đến cho ta những điều hạnh phúc bất ngờ.
Chiếc Giếng Sâu
Trước đây khi quê tôi chưa có chương trình nước sạch, nhà tôi có một chiếc giếng sâu, nước trong vắt, người quanh vùng thường đến xin về dùng.
Khi chương trình nước sạch ra đời thì chiếc giếng sâu nhà tôi trở nên vô dụng. Nhà tôi và những nhà hàng xóm lân cận đều đã dùng nước sạch vừa tiện lại vừa sạch, không còn ai nghĩ đến việc dùng nước giếng nữa. Tôi nói với mẹ: “Mẹ ơi! Bây giờ chẳng ai dùng nước giếng nữa đâu, hay là nhà mình lấp chiếc giếng sâu này đi vì con sợ mấy đứa nhỏ tò mò, nghịch ngợm mà rơi xuống đó thì nguy hiểm lắm”. Nghe tôi nói vậy, mẹ nói: “Con chưa biết đấy thôi, việc lấp chiếc giếng sâu không đơn giản như con nghĩ đâu. Người xưa, người ta kiêng việc này lắm, mẹ cũng không biết là vì lý do gì, nhưng đó là điều tối kỵ đấy con ạ! Theo mẹ thì các con có thể làm một cái nắp đậy kín là được. Hơn nữa nước giếng tươi cây cối, hoa màu cũng tốt hơn nước máy, vả lại tiết kiệm được một khoản tiền nước, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày”. Nghe mẹ phân tích tôi thấy có lý nên không nghĩ đến chuyện lấp chiếc giếng. Thế rồi cơn bão 12 ập đến, nó là cơn bão lớn nhất đối với tỉnh Khánh Hòa trong suốt hơn bốn mươi năm. Cơn bão đi qua gây ra thiệt hại vô cùng lớn lao cho người dân toàn tình, trong đó có khu vực dân cư chúng tôi. Mất điện, mất nước, mọi sự liên lạc với bên ngoài đều vô hiệu hóa vì cột dây điện và dây viễn thông đều bị bão quật đổ ngã. Điều quan trọng lúc này là nước, nếu không có nước thì khó có thể tồn tại. Thế là chiếc giếng sâu nhà tôi bỗng nhiên trở thành sự cứu cánh cho tất cả mọi gia đình trong vùng. Đặc biệt là nước giếng vẫn trong, mạch nước ngầm dồi dào, mọi người đến xin về dùng rất đông nhưng không hề vơi cạn. Thế là người dân thoát được nạn thiếu nước trong những ngày chờ nhà máy nước hoạt động trở lại. Vậy mà trước đó tôi đã định lấp nó, cũng may nhờ mẹ khuyên ngăn nên chiếc giếng sâu vẫn còn và đã phát huy được tác dụng của nó.
Qua sự việc kể trên, tôi mới thấm thía một điều, con người ta khi đã có cái mới thì thường có ý xem thường và ruồng bỏ cái cũ. Nhưng không phải cái mới nào cũng tuyệt đối cả. Ngay cả những cái cũ xưa đôi khi nó vẫn mang một giá trị hữu dụng đối với cuộc sống của chúng ta.