HOÀNG BÍCH HÀ
Nguyên Liệu Của Chiếc Bánh
Nguyên Liệu Của Chiếc Bánh
Con gái tôi ngày nào cũng về than thở với tôi đủ thứ chuyện tồi tệ ở lớp học, ở nhà và cả những chuyện phức tạp, khó khăn khác trong cuộc sống… mà hàng ngày nó phải đương đầu.
Nhân ngày chủ nhật, con vui vẻ, tôi làm món bánh nướng để chiêu đãi cả nhà, tôi nhờ con gái giúp mình một tay. “Con gái lấy giùm mẹ chai dầu ăn nhé!”. “Vâng! Chai dầu ăn của mẹ đây ạ!”. “Con thấy mùi của nó thế nào?”. “Ôi! Khiếp quá! Mùi gì mà béo ngậy! Dính đầy ra cả tay con đây này”. “Bây giờ con lấy cho mẹ mấy quả trứng và đập bỏ vào tô rồi quấy đều lên”. Con gái vui vẻ nhanh nhẹn giúp tôi. “Con thấy mấy quả trứng có mùi gì nào?”. “Mùi tanh lợm giọng rất khó chịu lắm mẹ ạ!”. “Con có thích nếm thử đường không?”. “Ôi! Nó ngọt khiến con thích quá mẹ ạ!”. “Thế con nếm muối thử xem?”. “Mặn lắm con không nếm được đâu”. “Bây giờ, con rắc vào bánh thêm một ít tiêu nữa giúp mẹ nhé”. “Mẹ ơi tiêu cay nồng làm con chảy cả nước mắt rồi đây này”. “Con gái! Con nói đúng đấy! Nhưng nếu không có tất cả những thứ nguyên liệu như vừa rồi thì mẹ con mình không thể nào làm được một chiếc bánh ngon tuyệt vời như thế này được! Cuộc sống nó cũng giống như chiếc bánh vậy đấy con ạ! Nếu cuộc đời không có đủ nhưng dư vị đắng, cay, mặn, ngọt… thì cuộc sống đâu còn là cuộc sống. Con nên nhớ rằng hạnh phúc của đời người cũng bắt đầu thêu dệt nên từ những dư vị như vậy của cuộc sống. Con hãy vui vẻ đón nhận nó như một điều tất yếu."
Mỗi sự vật, sự việc xảy ra hàng ngày trong cuộc sống quanh ta đều có lý do riêng và đều chứa đựng một ý nghĩa sâu xa của riêng nó. Nếu ta biết sử dụng chúng như những thứ “nguyên liệu” cần thiết để làm nên “chiếc bánh cuộc đời” ngon, dở tất cả đều tùy thuộc vào chính bản thân ta mà thôi!
Mẹ Và Món Nhà Nghèo
Ngày ấy gia đình tôi sống ở vùng nông thôn, cuộc sống của thời bao cấp cái gì cũng thiếu. Mỗi lần ăn cơm với rau lang luộc mẹ nói: “Rau lang ăn tốt cho nhuận tràng và mát cho cơ thể”. Nhưng dù thức ăn có là gì đi nữa thì mẹ ăn lưng chén cơm là buông đũa. Ba nói: “Bà nhường cho ba con tôi ăn phải không? Nếu bà nằm xuống thì các con khổ lắm đấy”. Một hôm em của ba từ trên huyện ghé chơi, mẹ nói với ba: “Ông ạ! Chú nó về chơi mà nhà mình cạn tiền rồi, hay có con gà mái đang đẻ bắt làm thịt cho chú nó ăn?”. Ba cười: “Bà nghĩ chú nó là ai? Chú nó là em mình, ăn gì mà chả được, cả nhà còn có một con gà để cho nó đẻ”. Bữa cơm hôm ấy dọn ra có một đĩa cá cơm khô rang, tẩm mắm, một bát canh rau tập tàng và một đĩa ngọn rau lang luộc cùng với chén mắm tỏi ớt. Bình thường tôi thấy không ngon nhưng hôm nay sao ăn thấy ngon thế, béo và thơm đến lạ lùng. Chú nói: “Cái món ngọn rau lang luộc chấm mắm tỏi ớt em ăn không biết chán”. Mẹ nói chữa: “Món này là món của nhà nghèo đấy chú ạ”. Cái khốn khó của một thời rồi cũng qua đi, những năm sống ở thành phố tôi thường nhớ về món ngọn rau lang luộc chấm với nước mắn tỏi ớt ngày ấy. Mỗi lần ngồi vào bàn ăn có món rau lang luộc tôi nói với chồng và các con: “Đây là món ăn nhà nghèo đấy”. Chồng tôi phá lên cười: “Em nhầm rồi! Đây là món ăn của nhà giàu, là món ăn đặc sản của các nhà hàng khách sạn đấy”. Hình ảnh mẹ lại hiện về, Mỗi lần đi làm đồng về trên tay mẹ thế nào cũng có một nắm ngọn rau lang. Sau khi rửa sạch sẽ xong mẹ nói: “Rau này nhìn vậy nhưng kén lửa lắm, nếu lửa không to, không đều thì rau dễ bị ôi và đen, nếu luộc kỹ quá thì nó sẽ nhừ ăn vào không ra gì, chỉ luộc vừa chín tới thì ngọn rau vẫn xanh ăn vào có độ giòn ngọt, lẫn vị béo kết hợp với vị thơm của tỏi, vị cay the của ớt càng làm cho món rau càng thêm hấp dẫn”. Những lời mẹ dặn cứ ăn sâu vào tâm trí tôi không bao giờ rứt ra được.
Mẹ tôi nay không còn nữa nhưng hình ảnh mẹ và món “Nhà nghèo” luôn ngự trị trong trái tim tôi.
Phái Yếu Không Bao Giờ Yếu
Không biết ngày xưa ai gọi phụ nữ là “phái yếu” thì thật quả là sai lầm. Theo tôi thì phụ nữ họ không hề yếu yếu chút nào cả. Nếu nói phụ nữ là “ Phái yếu” qua diện mạo bên ngoài thì đàn ông sẽ bị thua đo ván ngay lập tức. Điều này không phải tôi là phụ nữ mà nói quá lên đâu, điều tôi nói là có cơ sở.
Trong cuộc sống gia đình người phụ nữ thường dẻo dai, bền bỉ với chiến thuật “Mưa dầm thấm lâu”. Ngoài thiên chức làm vợ, làm mẹ, tạo hóa còn ban cho người phụ nữ một hình thể quyến rũ và có một giọng nói trong trẻo, nhẹ nhàng khiến cho nhiều bậc mày râu phải cúi đầu quy phục “ Anh hùng khó qua ải mỹ nhân”. Thế mới biết cái yếu của phụ nữ “ Yếu” đến nhường nào. Đã đến lúc “ Đấng mày râu” phải nhìn nhận lại “phái yếu” cho đúng. Bởi nếu cứ coi phụ nữ là “ Phái yếu” mà đàn ông cứ đòi “ăn trên ngồi trốc” thì sớm muộn gì cũng chuốc lấy sự cô đơn, giá lạnh mà chẳng bao giờ có được hơi ấm của hạnh phúc gia đình. Ở đời ai mà chẳng muốn thích mình mạnh mẽ, vì có sức mạnh thì mới có vị trí làm chủ, còn nếu yếu thì chắc chắn sẽ bị người ta đè đầu cưỡi cổ, khinh bỉ, thậm chí còn bị mất mạng như chơi. Nói thế nhưng không phải ai muốn mạnh cũng được cả đâu, rất nhiều chị em phụ nữ chúng ta muốn thể hiện mình mạnh mẽ giống như đàn ông. Mọi cử chỉ, hành động đều bắt chước thể hiện như đàn ông, với mục đích chứng minh rằng: phụ nữ và đàn ông chẳng khác gì nhau. Khác chứ! Bởi làm như vậy là một sai lầm, vì cái mạnh của đàn ông là sở trường, còn cái mạnh của phụ nữ là sở đoạn. Chúng ta lấy cái sở đoạn của mình ra mà so đo với sở trường của đàn ông thì làm sao sánh nổi. Các cụ xưa đã có câu “ Yếu trâu hơn khỏe bò” cơ mà. Muốn nói gì thì nói, về sức khỏe đàn ông vẫn hơn phụ nữ chúng ta. Như vậy chúng ta dại gì đem sở đoạn của mình ra đấu với sở trường của họ. Chúng ta nên dùng sở trường vốn có của mình là nhân từ, giàu lòng vị tha và hay mau nước mắt ra để chinh phục và chiến thắng đàn ông. Người đàn bà được mênh danh là người đàn bà thép ThatCher đã thú nhận rằng: “ Sức mạnh của đàn bà là biết làm ra mình yếu đuối”. Đúng vậy! xưa nay người ta thường thấy mềm thắng cứng. Mềm như nước, cứng như đá, vậy mà “ nước chảy, đá mòn”. Hay câu “Lạt mềm buộc chăt”. Vậy thì chẳng thể nào khác, chúng ta hãy dùng sở trường của mình để thu phục đàn ông. Có nhiều chị em phụ nữ chúng ta thường lấy cái cứng để thị uy chồng, con, hơi một chút là nổi khùng lên mồm năm, miệng mười, la ó, rồi “ giận cá, chém thớt” loạn xạ cả lên. Thậm chí có chị em còn ném tung đồ dùng, vật dụng ra đường. Làm như vậy không những không thuyết phục được chồng, con, mà còn có nguy cơ hạnh phúc gia đình sẽ đổ vỡ. Trái lại có rất nhiều chị em phụ nữ chúng ta biết tận dụng hết sở trường của mình. Họ sống với chồng, với con mềm dẻo đúng mực, đem những “ Lời ngọt lọt tận xương” ra để thuyết phục chồng con, khiến chồng con vị nể. Bởi lẽ một lời nói của người luôn biết làm tròn bổn phận với chồng, với con nặng gấp ngàn lần những lời đay nghiến, quát tháo, chưởi rủa. Người phụ nữ được tạo hóa ban cho họ hai đặc tính: Mạnh mẽ và yếu đuối. Cái yếu là để họ thưởng thức bản nhạc thì thầm của trái tim tình yêu, những lúc như vậy họ nghiêng đầu xuống bờ vai người mình yêu để tận hưởng hạnh phúc. Còn cái mạnh là họ muốn khép người đàn ông mình yêu vào chiếc tròng bổn phận của tạo hóa.
Phụ nữ là một nửa của đàn ông, là hiện thực của cuộc sống vợ chồng, muốn có hạnh phúc thì không thể không quan tâm và chiều chuộng họ. Ngoài ra phụ nữ còn là một bông hoa mà tạo hóa dành để tặng cho đàn ông xin đừng đụng mạnh vào hoa. Phụ nữ còn là chiếc khóa mà tạo hóa ban xuống để bảo vệ cuộc sống hạnh phúc gia đình, đàn ông cần phải biết bảo vệ đừng để nó bị han rỉ.