HOÀNG BÍCH HÀ
Ứng Xử Trong Cuộc Sống Vợ Chồng
Ứng Xử Trong Cuộc Sống Vợ Chồng
Trong cuộc sống không có tình cảm nào mặn nồng bằng tình cảm vợ chồng nếu như ta biết ứng xử khéo léo với một nửa của mình thì cuộc sống gia đình hạnh phúc đầm ấm vô cùng.
Chủ nhật tôi đến nhà Hồng chơi vì mãi nói chuyện huyên thuyên nên xong thịt hầm măng trên bếp ga bốc mùi khét lẹt. Hồng và tôi chạy xuống thì ôi thôi cả xong thịt biến thành một hòn than đỏ rực. Tôi lo lắng cho Hồng vì tính lơ đãng thế nào cũng bị chồng la. Vừa lúc ấy chồng của Hồng cũng có mặt, anh cười nói đùa: “Em định tiếp khách bằng món thịt than hay sao vậy?”. Tôi không thấy Hồng biểu lộ sự lo lắng mà còn cười: “Ấy chết! hai đứa bọn em mãi vui chuyện nên quên khuấy đi mất”. Chồng Hồng động viên: “Không nổ bình ga là may lắm rồi thôi bỏ đi, hai chị em lên nhà nói chuyện, anh làm nhoáng một cái là có bữa cơm ngon ngay thôi mà”. Không khí vợ chồng vui vẻ bình thường như chẳng có chuyện gì xẩy ra. Tôi hỏi nhỏ Hồng: “Liệu mình về rồi anh ấy có nói gì cậu không?”. Hồng cười hồn nhiên: “Đối với vợ chồng mình cuộc sống tình cảm vợ chồng là trên hết, tiền bạc vật chất có thể làm ra được, nhưng tình cảm nếu không khéo giữ thì chẳng tiền bạc nào mua nỗi. Mình kể cậu nghe một hôm đi chợ vì không cẩn thận nên chiếc xe máy mới mua hai mươi lăm triệu đồng, không cánh mà bay. Mình nghĩ thế nào về nhà cũng bị anh ấy càm ràm nhức xương cho mà coi, Nghĩ thế nên mình chuẩn bị đối phó nếu có sự cố xẩy ra. Khi nghe mình kể lại cậu chuyện mất xe anh ấy nói hóm hĩnh: “Điều anh sợ nhất là mất em chứ mất chiếc xe có là gì mà em phải rầu rĩ đến vậy. Hôm nào gom góp lại mình sẽ mua một chiếc xe xin hơn cho chúng nó biết mặt”. Nghe anh ấy nói vậy mình cảm thấy nhẹ lòng, nhưng vẫn tiếc đứt ruột cậu ạ! Lại một bữa khác đứa em ở quê mang lên cho hai con cá Lóc (Cá tràu) mỗi con nặng đến một ký rưỡi. Anh ấy bảo mình nên cho vào cái xô nhựa sâu đổ ít nước thôi, đậy lại kiếm vật gì nặng dè lên không nó quậy tung ra và lóc đi đấy. Nhưng mình chủ quan không nghe lời anh ấy dặn, cho vào cái chậu nhựa, đổ rất nhiều nước và đậy lên một chiếc rổ, vì sợ mùi tanh của cá nên mình đem ra nơi ống thoát nước để. Chiều hôm đó anh ấy mời mấy người bạn cầm chai rượu ngoại về nhậu món lẩu cá lóc. Nhưng khi mình ra lấy cá làm thì ôi thôi hai con cá đã đi từ lúc nào, mình chưa biết ăn nói làm sao với anh ấy thì anh ấy bảo: “Cứ coi như chú nó chưa cho mình hai con cá đó có sao đâu, em vào chuẩn bị cho anh món gì cũng được để bọn anh lai rai, còn lẩu cá lóc thì anh sẽ nói để bạn anh thông cảm”. Đấy chuyện không may xẩy ra trong cuộc sống vợ chồng là chuyện ngoài ý muốn, nếu vợ chồng biết thông cảm, chia sẻ cho nhau thì cuộc sống cảm thấy thoải mái và hạnh phúc biết bao. Tôi nhớ lại những chuyện của vợ chồng tôi: Một hôm khi giặt quần áo cho anh ấy tôi vô tình không kiểm tra túi quần nên chiếc điện thoại di động bị ngâm nước trong máy giặt. Khi anh ấy tim thấy thì ôi thôi nó đã thành đồ phế liệu. Anh ấy cầm chiếc điện thoại rồi nói với tôi: “Cô đúng là một người phụ nữ đoảng hết chổ nói, chiếc điện thoại để trong túi quần chồng mà không biết, thử hỏi người như cô thì làm được việc gì?”. Tôi bị chồng xúc phạm tức lắm cứ ấm ức trong người: Thì ra anh ấy coi vật chất tiền bạc trọng hơn tình cảm vợ chồng và thế là chiến tranh lạnh trong gia đình xẩy ra. Suốt mấy ngày liền tôi chẳng nói chẳng rằng, ngay cả việc nấu cơm tôi cũng “đình công” luôn. Chồng tôi biết mình đã lỡ lời nên cố tình làm lành xin lỗi, nhưng với tôi ấn tượng về câu nói đó cứ ám ảnh mãi. Hôm anh ấy say rượu té xe máy, chiếc xe hỏng nặng đi sửa gần hai triệu đồng còn anh vào cấp cứu bệnh viện, anh ấy cứ luôn mồm xin lỗi tôi vì gây ra sự việc này. Tôi động viên anh: “Anh còn sống là quý nhất trên đời này rồi em chẳng bao giờ trách anh cả, anh đừng nghĩ ngợi lung tung, tiền bạc vật chất mình có thể làm ra, tính mạng con người mới là quan trọng. Chính lời động viên của tôi đã giúp anh sớm bình phục. Từ hôm đó trở đi vợ chồng tôi càng thương yêu và quý trọng nhau hơn nhất là trong cách ứng xử.
Việc ứng xử trong cuộc sống vợ chồng nó không chỉ là lời qua tiếng lại giữa hai vợ chồng mà nó còn là thông điệp của cuộc sống hạnh phúc gia đình. Ngoài ra nó còn có ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của con cái sau này. Bởi cha mẹ bao giờ cũng là tấm gương cụ thể nhất để con cái noi theo.
Bữa Tiệc Chay
Ngày rằm tháng bảy lệ Vu Lan tôi được một thầy chủ trì chùa mời dự bữa cơm chay. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời tôi được ăn cơm chay đầy đủ các món như: Thịt gà, cá, trứng, thịt bò…y như thật nếu không phải là đi “ Ăn mày cửa phật” thì tôi không tài nào biết đây là những món được chế biến từ đậu, đỗ, hoa quả.
Biết tôi ngạc nhiên trước những món ăn chay đầy hấp dẫn và bắt mắt này, một phật tử chuyên gia nấu cơm cho nhà chùa giới thiệu với tôi từng món: Nem rán, thịt ba chỉ hầm măng, gà luộc, sườn xào chua ngọt, cá chiên vàng…và một tô ga ri nổi lên những miếng thịt gà vàng ươm, bóng lưỡng. Mới thoạt nhìn những món trên mâm thì rất dễ bị đánh lừa được cảm giác người trần vốn thích mặn nồng hơn thanh đạm. Tôi nghĩ có lẽ ngoài tài nghệ lựa chọn nguyên liệu để chế biến các món ăn ra thì người đầu bếp ở đây còn có một cái tài uyên bác nữa là việc “ Điều binh khiển tướng” các loại gia vị, nên món nào cũng đều mang đặc trưng mùi vị của món ấy. Cụ thể: món ốc luộc có lá sả, tía tô, món thịt gà có lá chanh, bát canh chua có rau bạc hà và ngỗ…Gia vị là một chất phụ gia nhưng nó chiếm một vai trò quan trọng trong việc chế biến món ăn chay. Đĩa thịt lươn mập vàng ươm được đầu bếp làm bằng củ cà rốt, lá cây tỉa từ củ su hào, bông hoa đỏ thắm được chế biến từ quả ớt, thịt gà, thịt bò được làm từ đậu phụ miếng…Theo người đầu bếp của chùa cho biết đây là bữa cơm chay đơn giản, còn nếu tiệc chay đại lễ của nhà phật có đến hàng trăm món không thể nào kể hết toàn là “ Sơn hào hải vị” cả. Đặc biệt là những món không thể thiếu được trong bữa tiệc đại lễ như: Gà rán, chim quay, vịt tìm, cá bỏ lò, yến sào, vây cá, chả tươi nem cuốn…đủ cả không thiếu một món nào mà nguyên liệu chính không có gì khác ngoài đậu xanh, đậu nành, đậu phọng ( Lạc). Còn cây, củ, quả thay cho tiếng quẫy đuôi của cá, tiếng quang quác của gà, tiếng gâu gâu của cẩu, tiếng nghé ò của bò, bê…Phần lớn những người đầu bếp là những nhà tu hành đã lâu năm ở chùa, có trình độ văn hóa, có tài khéo léo, biết nghệ thuật ẩm thực tiếp thu được tinh hoa từ những nghệ nhân bậc thầy nấu cơm chay truyền dạy. Ngồi ăn bữa cơm chay ở nhà chùa trên mâm không hề vướng bận một chút động vật nào mà tôi cứ tưởng mình đang thưởng thức những món ăn ngon ngoài đời vậy.
Bữa cơm “ Ăn mày cửa Phật” trong khung cảnh nhà chùa đã mang đến cho tôi một cảm giác riêng là không qúa mặn mòi với đời trần tục, nhưng cũng không quá thoát tục với cuộc sống sống đời thường, thông qua những món ăn ngoài đời có món gì thì người tu hành đều được thưởng thức món đó những chỉ khác nó là: đậu, rau, củ, quả chế tác mà thành, tôi thấy tâm hồn thanh thản và thanh đạm vô cùng.
Hiểu Nhầm
Chuyến bay từ Hà Nội vào thành phố Nha Trang chưa đến giờ bay, tôi thong thả ngồi chờ bằng cách mua một ly cà phê và một gói bánh để vừa đọc báo vừa nhâm nhi cho hết thời gian.
Sau khi lấy ly cà phê và gói bánh bích quy, tôi tới một cái bàn trống đọc báo và lấy một cái bánh trong gói ra ăn. Khi tôi đang say mê đọc báo, thì nhận ra có người đang làm gì đó sột soạt ở bàn mình. Hé nhìn qua tờ báo tôi thấy một một người đàn ông ăn mặc lịch sự đang với tay lấy bánh ở bàn rồi bỏ vào miệng ăn một cách ngon lành. Không muốn làm ầm ĩ, vì gói bánh chẳng đáng giá bao nhiêu tiền nên tôi lặng im chỉ nghiêng người lấy một cái cho mình rồi cặm cụi đọc báo tiếp. Một lúc sau tôi lại nghe tiếng sột soạt, tôi liếc nhìn thì thấy anh ta tiếp tục lấy bánh ăn như chính là bánh của mình vậy. Cho đến lúc cả hai đã ăn đến cái bánh cuối cùng trong gói, tôi tức giận vô cùng nhưng vẫn không nói được câu nào. Người đàn ông bỗng bẻ cái bánh cuối cùng làm hai, đẩy một nửa về phía tôi và ăn nửa còn lại, rồi lặng lẽ bỏ đi. Lát sau, khi loa phóng thanh gọi ra sân bay trong lòng tôi vẫn còn ấm ức tức giận về hành vi thiếu lịch sự đó của người đàn ông nọ . Khi xuất trình vé, tôi mở túi xách ra và thấy gói bánh của mình vẫn còn nằm nguyên trong đó mà tôi chỉ mới ăn có một cái. Tôi sững người ra vì xấu hổ. Thì ra từ nãy tới giờ tôi đã ăn bánh của người đàn ông kia một cách ngon lành và ăn đến miếng bánh cuối cùng mà không hề có lời cảm ơn anh ta. Càng nghĩ tôi càng thấy mình có lỗi.
Qua câu chuyện trên, tôi mới nghiệm ra rằng: trong cuộc sống, nên cẩn thận khi đánh giá người khác và hãy thay đổi cái nhìn của mình một cách thật khách quan và chính xác. Có như vậy mới không hiểu nhầm người tốt và người xấu.