HOÀNG BÍCH HÀ



Chợ Quê Những Ngày Áp Tết
 
            Mới đó mà đã gần đến tháng Chạp, một năm nữa lại sắp trôi qua. Từng tờ lịch mong manh rơi theo ngày, tháng. Cầm tờ lịch cuối năm trên tay, lòng tôi rộn ràng niềm vui khó tả, một mùa xuân mới đang về.
Tháng Chạp những ngày giáp Tết, lang quê tôi chợt bừng dậy, háo hức như một đứa trẻ mong tết về để khoe bộ quần áo mới. Cái chợ quê nhỏ bé nơi góc đình nghèo nàn, heo hút này cũng vậy, ngày thường chẳng có mấy người họp, chỉ lèo tèo vài ba hàng quán, lưa thưa những gian hàng tạp hóa nghèo nàn, vậy mà mấy ngày giáp Tết hàng quán trưng bày la liệt suốt từ con đường dẫn vào chợ, cách xa tới hàng trăm mét với đủ các mặt hàng. Kẻ bán người mua bỗng trở nên thân thiện, niềm nở hơn, vồn vã hơn chứ không thâm trầm, lạnh nhạt, khinh khỉnh như mọi ngày. Chợ quê ngày Tết khoác lên mình một chiếc áo mới từ những sạp hàng, quầy hàng, gánh hàng, với những hàng hoa trăm sắc ngàn tía của mùa xuân. Hàng hóa chợ Tết ở quê phần lớn là sản phẩm của người nông dân như: Lá dong xanh, măng giang, măng nứa từ miền ngược xuôi về.... Dãy hàng gạo từng thúng vun đầy có ngọn. Gạo nếp trắng ngần thơm nức, đậu xanh, đậu đen, đậu tương khoe mình dưới nắng mai. Dãy hàng chuối xanh, bưởi, cam quít vàng xộm, hồng xiêm sẫm đậm. Bên cạnh hàng cau trầu, hương vàng là những  thứ không thể thiếu vắng trên bàn thờ mỗ igia đinh trong mấy ngày Tết. Kế đến là dãy hàng rau xanh như cải bắp, su hào, cà rốt, súp lơ, xà lách, mùi tàu, hành, húng... toàn những sản phẩm vườn nhà. Đến hàng thủy, hải sản là cá chép, cá lóc, cá trắm cỏ... quậy mình nhao nhao trong các chậu nước. Gà vịt cũng nháo nhác râm ran... Dãy hàng hoa kéo dài từ ngoài cổng vào đến tận trong chợ làm sáng rực cả một vùng chợ quê, từ hoa cành, hoa chậu, hoa cây và nhiều nhất vẫn là hoa bó. Thôi thì trăm hoa đua nở, muôn hồng nghìn tía dưới trời xuân của phiên chợ Tết. Mấy ngày giáp Tết, mẹ vất vả hơn. Tôi nói với mẹ: “Mẹ ơi! Tết nhất có gì dùng nấy mẹ đừng lo lắng quá, không khéo đổ bệnh thì buồn lắm”. Mẹ nói: “Cả năm mới có mấy ngày Tết, phải sắm sanh mâm cơm cho chu đáo, tươm tất, để tỏ lòng hiếu nghĩa với tổ tiên, ông bà cha mẹ, đồng thời cũng là ngày sum họp gia đình mà không chuẩn bị đầy đủ thì cả năm lại làm ăn chẳng ra gì”. Mẹ nói thì nghe có vẻ dễ dàng như vậy, nhưng tôi thừa biết rằng, để có một cái Tết tương đối đầy đủ, mẹ đã phải chắt bóp, dành dụm cả năm trời để đi chợ chỉ có một ngày 30 Tết. Đi chợ Tết toàn là những người ở cùng một làng nên thường quen biết nhau. Các bà, các chị hỏi han nhau về con, cháu và cuộc sống có gì thay đổi không. Những người túng thiếu thì đôn đáo đem ra chợ bán con gà, con lợn, thúng thóc... thêm chút tiền lo sắm Tết. Người dân quê có phong tục là những gì ngon nhất, tốt đẹp nhất để dùng vào dịp Tết. Nhà dù nghèo thế nào đi chăng nữa cũng phải "Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà", cũng phải sắm cho được một mâm cỗ để cúng tất niên, giao thừa, lễ gia tiên, rước ông bà về ăn Tết với con cháu. Tôi nhớ câu nói của mẹ: “Tết đến người lớn có trăm nghìn nỗi lo toan, chỉ có trẻ con các con là vui vẻ”. Mẹ nói đúng, chỉ có trẻ con chúng tôi mới được hưởng trọn vẹn cái không khí náo nức vui tươi của một ngày Tết thực sự. Theo thời gian, tôi đã là người mẹ, mỗi lần Tết đến tôi không còn háo hức chờ mong như thời trẻ con nữa, thay vào đó là những nỗi lo toan cơm áo gạo tiền giống như cuộc đời của mẹ trước kia. Không biết Tết cổ truyền ngày nay chợ quê có giữ được cái hồn cốt như trước đây nữa hay không hay đã bị cuộc sống hiện đại làm phai mờ đi nét riêng vốn có của chợ làng quê Tết đến.
Nhớ phiên chợ Tết quê nhà, nhớ về những kỷ niệm ngày xửa, ngày xưa, tôi rất muốn về quê đi phiên chợ Tết cuối năm, để mong gặp lại bạn bè thời chăn trâu, cắt cỏ, đánh trận giả, để biết được ai còn ai mất. Tôi nhắm mắt lại, thả hồn mình để nghe hương vị Tết đang đến gần, thật gần.


  Em Ơi! Mùa Xuân Đến Rồi Đó
 
          Mùa xuân về mang theo với đủ mọi cung bậc của cỏ cây hoa lá , của đất trời và lòng người, tất cả tạo nên một bức tranh xuân huyền diệu trong đó ẩn chứa nhiều gam màu, cung bậc và giai điệu khác nhau, tạo nên một nét đẹp bất tận của mùa xuân.
          Trong dòng chảy của cuộc sống hối hả của công nghiệp hóa hiện đại hóa, ta bắt gặp khoảnh khắc của mùa xuân đang hiện hữu khắp mọi nơi, ở mỗi con người, từ thành thị đến nông thôn. Đâu đâu ta cũng thấy hoa lá cỏ cây, đang đâm chồi nảy lộc báo hiệu một mùa xuân mới đang về “Xuân thắm đỏ ngàn hoa khát mặt trời”. Mùa xuân về mang theo cánh én, và hơi ấm với cái nắng dịu nhẹ mà thanh thoát. Đặc biệt là ở những vùng quê, mùa xuân không ồn ào tấp nập, không đua chen hối hả, chỉ có làn khói mỏng bay và tiếng gà trưa thưa thớt, không gian yên ã với một khoảng lặng bình dị. Trong cái khoảng khắc yên tĩnh và  thanh bình đó, mùa xuân, ẩn chứa trong nó những giá trị tinh thần mang tính nhân văn, tình người, tình dân tộc và cả tính tâm linh. Mấy ngày trước đó thôi những hàng cây ven đương còn trơ cành, trụi lá vậy mà sáng nay mùa xuân đã choàng lên cho nó một sức sống mãnh liệt. Những chồi non nhú lên, những cái tối qua còn là nụ vậy mà sáng nay đã bung ra nở như hoa khoe sắc rực rỡ để đón xuân. Mùa xuân đi vào lòng người bình dị như một lẽ thường tình, nhưng sao ta vẫn cứ cảm thấy có gì đó nôn nao khó tả, xao xuyến đến lạ thường. Một tình cảm, tình yêu quê hương, đất nước trào dâng trong lòng . Mùa xuân về là niềm vui chung của cả dân tộc và cũng là niềm vui nho nhỏ riêng của mỗi gia đình người dân Việt Nam. Đó là lúc cả nhà quây quần bên mâm cơm tất niên ấm cúng, và cũng là lúc để mỗi người dành ra một khoảng lặng, suy nghĩ về những gì đã qua, dù đó chỉ là điều đơn giản và nhỏ nhặt nhất “Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc”. Mùa xuân về ta bỗng thấy mỗi người trong chúng ta cũng chính là một phần nhỏ của mùa xuân quê hương, đất nước. Một nốt trầm nhỏ bé nhưng nó có ý nghĩa vô cùng vì đã góp vào bản giao hưởng chung của cả mùa xuân dân tộc. Quả đúng thật vậy! Mùa xuân không chỉ đơn thuần là mùa xuân thiên nhiên nữa, mà mùa xuân đã trở thành nơi gửi gắm niềm vui, niềm tin, niềm hi vọng của mỗi con người, “Xuân ước vọng ngàn năm lại tới/ Nghe lòng vui phơi phới/ Kìa em nắng đã lên rồi mừng xuân hát lên thôi”. Xuân về mang mưa xuân những hạt bụi nước li ti, trắng xóa phủ lên những cánh đồng, bãi bồi, khắp đường làng ngõ xóm. Đó cũng chính là mùa xuân của những con người đang lao động xây dựng đất nước về quê đó tết. Mùa xuân là mùa đất đón người, những mảnh đất ngày xưa bom cày, đạn xới nay đang có những bàn tay của thế hệ mới làm nên sức sống diệu kỳ trên khắp mọi miền Tổ quốc. Mùa xuân "đến hẹn lại lên", qua một năm lao động học tập vất vả nay tất cả như đang cùng nô nức, vui vẻ, phấn khởi cho việc chuẩn bị chào đón một cái Tết cổ truyền dân tộc, với biết bao hi vọng và ước mơ. Ta như bỗng như thấy mình lắng lại, cảm nhận kỹ hơn, sâu lắng hơn về những sự đổi thay của đất nước, để có thêm niềm tin, niềm hy vọng cho một năm mới.
         Bất chợt tiếng hát vang lên từ chiếc loa nhà ai đầu ngõ “Em ơi, mùa xuân đến rồi đó!.... Nghe em mùa xuân nói gì đó/ Xúc động lòng ta trước cuộc đời”.

                       
    Ngôn Ngữ Của Hoa Trong Cuộc Sống

 
 
          Nói đến mùa xuân là nói đến hoa vì hoa tô đẹp cho mùa xuân làm cho mùa xuân có thêm một sức sống diệu kỳ. Người ta thường nghĩ rằng hoa là loài cỏ cây vô tri vô giác, nhưng ta đã nhầm. Ở mỗi loài hoa đều có tính cách riềng, có một thứ ngôn ngữ riêng, chính vì vậy mà trong cuộc sống con người thường nhờ hoa để bày tỏ nỗi niềm riêng tư của mình. Nhân dịp xuân về Tết đến chúng ta hãy thử xem người xưa có cách nhìn, cách nghĩ  về các loài hoa và cây như thế nào nhé.
           Người xưa xem các loài cây, loài hoa như: Tùng, Trúc, Cúc, Mai có phẩm chất cao đẹp nổi bật có thể đem sánh với nhân cách đạo đức của con người. Tùng chịu được tuyết sương. Trúc tao nhã, cứng rắn. Cúc đẹp bình dị, gần gũi với khách văn chương, người ẩn dật. Mai đẹp giản đơn nhưng tinh khiết, vững chãi với tiết Đông giống như lòng kiên trinh của con người. Ngày nay có đến muôn ngàn loài hoa đậm đà hương sắc được con người yêu chuộng, đó cũng là sự hướng đến cái đẹp, tôn vinh cái đẹp của con người. Con người ngày càng tìm cho mình những nhận thức, cảm xúc thẩm mỹ, ước muốn tô đẹp cuộc đời. Người ta cho rằng loài hoa có một thứ ngôn ngữ mà con người không thể diễn tả bằng ngôn từ một cách tinh tế và trọn vẹn ý nghĩa. Ngoài việc mang đến cho con người những bức thông điệp về bốn mùa thì hoa còn mang nhiều ý nghĩa khác. “Một số loài hoa biểu lộ hầu hết ra ngoài những ý tưởng mà chính chúng là những đại diện sống động bằng xương bằng thịt, với cả tầm cao trí tuệ cũng phải bái phục”. Đó là lời nhận định của một trong những cuốn từ điển về hoa đầu tiên được xuất bản tại Iladelphia năm 1870. Ngay cả chí sỹ Cao Bá Quát cũng đã phải thốt lên rằng: "Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái Mai hoa". Có nghĩa là: "Mười năm xuôi ngược giao du quyết tìm thanh gươm cổ/ Suốt đời chỉ biết cúi đầu trước hoa Mai mà thôi". Thật vậy! Chẳng hạn hoa Sen thì tinh khiết, không bị ô nhiễm dù là sống trong bùn nhơ nước đọng, nó xứng đáng là biểu tượng cho người quân tử. Hoa Cúc thì mộc mạc, đơn sơ, có vẻ đẹp thanh cao, chính là biểu tượng của đời sống ẩn dật. Hoa Mai tượng trưng cho lòng dũng cảm kiên trinh.  Ngày nay, ý nghĩa biểu tượng của hoa càng phong phú hơn, một loài hoa tùy vào vẻ đẹp, sắc thái và cách thưởng thức mà có giá trị ý nghĩa khác nhau. Hương thơm nồng nàn hay dịu dàng, thanh thoát. Màu sắc tươi sáng, rực rỡ hay ảm đạm, u sầu, tẻ nhạt sẽ biểu lộ những ý tưởng khác nhau. Cũng là một loài hoa Cúc, nhưng đóa hoa Cúc trắng thường được tượng trưng cho sự hồn nhiên, ngây thơ trong trắng, còn Cúc vạn thọ vàng tượng trưng cho nỗi thất vọng, buồn đau. Người phương Đông xem hoa Cúc là biểu tượng của sự thanh cao, thoát tục, nhưng một số nước phương Tây lại xem hoa Cúc vàng là loài hoa tượng trưng cho điềm gở. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chọn hoa Hồng là biểu tượng của tình yêu và sắc đẹp. Vì được mệnh danh là hoa tình yêu nên ý nghĩa tượng trưng của hoa Hồng cũng hết sức lý thú. Hoa Hồng trắng tượng trưng cho mối tình trong trắng, hoa Hồng đỏ đậm tượng trưng cho tình yêu cháy bỏng, hoa Hồng đỏ thắm đậm tượng trưng cho tình yêu nồng thắm, hoa Hồng đỏ than chỉ nỗi đau thầm kín trong tình yêu, hoa Hồng vàng chỉ tình yêu tươi sáng nhưng không bền lâu mà đang dần dần phai nhạt...Có thể nói hầu hết các loài hoa đều được con người “quy ước” cho những ý nghĩa và xem nó là biểu tượng của cuộc sống. Hoa là biểu tượng của tình bạn, tình yêu, đạo nghĩa vợ chồng, và trên nữa là luân thường đạo lý, triết lý cuộc đời. Hoa Mẫu Đơn tượng trưng cho vinh hoa phú quý, hoa Sen tượng trưng cho sự thanh cao, thoát tục, hoa Cúc thể hiện sự thanh khiết, thánh thiện, hoa Mai tượng trưng cho đức tính kiên trinh, dũng cảm, hoa Lan tượng trưng cho vẻ đẹp lộng lẫy, kiêu sa và cũng tượng trưng cho đức cao vọng trọng. Hoa Đỗ Quyên mang ẩn ý nhớ nhà. Những cây như: Vạn Niên Thanh, Tùng La Hán, Trúc, Lan quân tử thì thể hiện sự trường thọ, mạnh khỏe v.v... Con người đã gởi gắm vào các loài hoa với biết bao ý tưởng tốt đẹp và những lời nhắn nhủ thầm kín. Còn rất nhiều ý nghĩa hàm chứa trong các loài hoa mà có lẽ chỉ những ai chơi hoa, yêu hoa, quý hoa mới cảm nhận hết được niềm vui tao nhã khi đắm mình trong thế giới của các loài hoa, mới có thể khám phá hết, hiểu hết được ý nghĩa của mỗi loài hoa.
Mùa Xuân đã về, trăm hoa khoe sắc thắm, thoảng đưa hương đã nói hộ lòng ta về những gì tốt đẹp của mùa xuân, khiến cho lòng người có thêm niềm vui Xuân. Phơi phới!

 
  Trở lại chuyên mục của : Hoàng Bích Hà