HOÀNG THỊ BÍCH HÀ
Chất Liệu Cuộc Sống Và Tư Tưởng Thẩm Mỹ
Trong Truyện Ngắn Của NGUYỄN AN BÌNH
Chất Liệu Cuộc Sống Và Tư Tưởng Thẩm Mỹ
Trong Truyện Ngắn Của NGUYỄN AN BÌNH
- Cuối tháng 9/ 2021, anh gửi cho tôi bản thảo tập truyện ngắn có tựa đề là Chén Ngọc Trương Chi. Trong đó gồm 14 truyện rất hấp dẫn lôi cuốn người đọc. Giọng văn thủ thỉ tâm tình qua cảm quan nghệ thuật riêng: những câu chuyện đầy tính hiện thực mang yếu tố đời thường hay tính huyền thoại có yếu tố lịch sử, những địa danh gắn với những huyền thoại gợi trí tò mò khám phá để người đọc không thể không cùng tác giả đi hết câu chuyện và cuối cùng là thưởng thức trọn vẹn tác phẩm. Ở đó có đủ chiêm nghiệm về cuộc đời, về nhân tình thế thái và rất giàu tính nhân văn
Phải nói rằng truyện ngắn Nguyễn An Bình phong phú về đề tài, chất liệu anh chắt lọc từ từ hiện thực cuộc sống. Bằng góc nhìn tinh tế, nhà văn xây dựng thành hình tượng nhân vật, đưa vào câu chuyện rồi quay trở lại làm đẹp cuộc sống tinh thần của công chúng yêu văn chương. Những nhân vật, sự kiện đẫm hơi thở của cuộc sống, và có cả những nhân vật từ truyền thuyết đã cách chúng ta cả hàng ngàn năm. Tất cả đều bước vào trang viết một cách tự nhiên thật sống động, hợp logic và thuyết phục. Những thông điệp cuộc đời gửi gắm qua lời thoại ở các nhân vật từ ngày xưa mà đến nay cuộc sống hiện đại chúng ta vẫn thấy rất ý nghĩa. Chúng ta hãy đến với từng nhân vật trong câu chuyện của anh:
2. Đó là anh ngư phủ có tiếng sáo và giọng hát tài hoa làm say đắm lòng người (Trương Chi). Anh là học trò của quan tư đồ Vương Doãn tài cao học rộng, cáo quan về mở trường dạy học, nhằm đem kiến thức tài năng của mình truyền lại cho thế hệ sau. Rất tâm huyết với nghề, cách dạy nghiêm minh, không thiên vị giàu nghèo: con vua, quan quyền hay dân chúng …Đó là điều đáng suy ngẫm, đến nay vẫn chưa bao giờ là cũ. Rồi những bất công, vu oan giá họa cho người chính trực: “Đời nào cũng thế, bọn tham quan ô lại đầy rẫy, chống lại nó, nó mà không chết thì mình phải chết thôi. Vì cách đây không lâu quan ngự sử đã dâng sớ lên vua xin trị tội bảy kẻ nịnh thần, tham quan nhất là sau vụ vỡ đê ở sông Nhĩ Hà, bọn chúng đã ăn xén vật tư,… những bòn rút ngân khố ngày càng khánh kiệt mà còn làm khổ lê dân bá tánh trăm đường lầm than. Lý do vì sao cậu học trò thông minh kỳ vọng của thầy đồ Tư Doãn đã không vinh hiển. Để lại bao nỗi tiếc nuối xót xa cho người đọc cho mối tình tai tài gái sắc Trương Chi- Mị Nương và tiếng sáo tài hoa nhưng bạc mệnh. (Chén Ngọc Trương Chi).
Câu chuyện về một nhân vật lịch sử nổi tiếng là Đào Duy Từ. Lúc mười sáu tuổi, thơ phú nổi tiếng một vùng. Chàng phải đổi thành họ Vũ Được xướng tên trên bảng vàng rồi mà bị trượt, suýt sa vào vòng lao lý. Nhờ quan chánh chủ khảo quí mến văn tài của chàng nên xin nhà vua giảm tội nếu không bị ghép tội khi quân. “Cơ hội muốn đem tài năng của mình ra giúp dân giúp nước đã mất, chàng bỏ quê nhà xứ Thanh lên Thăng Long tìm đường mưu sinh chờ cơ hội khác. Để kiếm sống Vũ Sinh đã dùng tài học của mình, hành nghề kể chuyện mua vui cho kẻ chợ…biến những câu chuyện trong tích xưa, truyền thuyết thành những câu chuyện mới mẻ tân kỳ... Chàng trở thành người kể chuyện nổi tiếng của đất kinh kỳ”. Nhưng trong lòng chàng vẫn ấp ủ cơ hội đem tài học của kẻ sĩ ra giúp đời. Thời cuộc đầy biến động: “Ngoài Bắc, nạn kiêu binh tác yêu tác quái, Vua Lê Chúa Trịnh ngày đêm tiệc tùng trác táng, sưu thuế nặng nề.Trong Nam, Chúa Nguyễn hùng cứ một phương, phân chia ranh giới, dãy đèo Ngang đi dễ khó về. Rồi chàng đã gặp cô gái mặc áo thiên nga. Sau cuộc chuyện trò đó chàng “bí mật rời khỏi phòng trọ, một mình lặn lội băng đèo vượt núi,vượt qua dãy Hoành Sơn hiểm trở vào tụ nghĩa dưới trướng của Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên. Chàng lấy lại họ Đào giúp Chúa Nguyễn luyện binh, xây thành đắp lũy, lũy Trường Dục và Lũy Thầy, chạy suốt theo sông Nhật Lệ như một hình cánh cung ngăn chia hai miền Nam Bắc, chặn đứng nhiều đợt Nam tiến của Bắc quân đàng ngoài lập nhiều chiến công hiển hách, được quan khám lí họ Trần gả con gái”(Chiếc Áo Thiên Nga)
Ngược thời gian, Nguyễn An Bình lại đưa người đọc trở về quá khứ ở tận đất nước Trung Hoa để hiểu sự tích ở Động Đình Hồ: “Mùa thu năm ấy, sau hơn hai tháng hành trình, đoàn sứ bộ của Đại Việt đã đặt chân đến Hồ Nam bên bờ hồ Động Đình sau một chuyến đi dài từ ải Nam Quan sang Trung Quốc.
“Nếu Hoàng Hạc Lâu nổi tiếng với bài thơ Thôi Hiệu, Đằng Vương Các nổi tiếng với bài văn Vương Bột thì Nhạc Dương Lâu nổi tiếng với bài Nhạc Dương Lâu ký của Phạm Trọng Yêm.”
Chàng họ Vũ không ai khác đó chính là hậu duệ còn sót lại của Nguyễn Trãi. Anh đã gặp và phóng sinh con cá vàng, được báo đáp ra sao? Câu nhân nghĩa từ nàng công chúa (cá vàng):
-“Chàng thật mau quên. Có phải chàng cho rằng thi ân bất cầu báo chăng? Nhưng người thọ ân không thể quên được. Đạo lý thánh hiền từ ngàn xưa đã dạy như thế. Chẳng phải sáng nay chàng đã phóng sinh một con cá vàng xuống hồ nầy sao?
Rồi nàng khuyên:
- “Con đường hoạn lộ cũng là con đường chính trị hiểm ác khó lường, tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào.”
“Vua Lê Thái Tông vốn là một ông vua ham sắc, có nhiều vợ, nhiều cung tần mỹ nữ hầu hạ ngày đêm…Các bà vợ vua luôn tranh chấp ngôi thái tử cho con mình, dòm ngó đến ngai vàng, kéo bè kéo phái trong triều thường xảy ra những hiềm khích, nghi kị…” Như vậy vì xâu xé quyền lực, một bà phi đã giết vua tại Lệ Chi Viên rồi vu cáo cho cha chàng và bà Nguyễn Thị Lộ cũng nên. Truyền thuyết rắn báo oán.Tình tiết câu chuyện hấp dẫn, và cũng đượm vẻ huyền bí. Qua đây chúng ta cũng hình dung việc đi sứ ngày xưa vất vả, nguy hiểm ra sao, nhiều khi mất mạng. Sự tích Động Đình Hồ gắn liền với tên tuổi Nguyễn Anh Vũ:
“Người đời sau kể rằng Vua nhà Minh nghe trình tấu, cảm kích trước hành động dũng cảm tiêu diệt mãnh xà trừ hại cho bá tánh của vị chánh sứ nước Việt đã xuống chiếu sắc phong Nguyễn Anh Vũ đời đời làm thành hoàng của cả vùng Động Đình hồ bao la rộng lớn.” (Chuyện kể Động Đình Hồ)
Nhà văn Nguyễn An Bình cũng tỏ ra thông cảm với nỗi vất vả của nghề báo, một nghề không kém phần nguy hiểm đối với nhà báo chân chính. Khi điều tra những khuất tất, để lôi ra ánh sáng những vụ việc làm ăn gian dối thì không tránh khỏi khỏi bị kẻ xấu hãm hại. Trong câu chuyện anh lồng vào tả vẻ đẹp của hoa quỳnh. Vẻ bí ẩn của một fb mang tên Quỳnh đã cùng động viên chia sẻ vui buồn khi gặp gai góc trắc trở trong công việc. Nhưng người đó chỉ tồn tại trong sương khói mong manh vì cô ấy đã bị ám hại trong khi viết phóng sự điều tra. Dẫu vậy họ vẫn nhắn tin nhau:
-Đấu tranh với hiện tượng tiêu cực thời nay không phải dễ anh nhỉ? Công việc chúng ta nhiều khi gặp khó khăn và đầy nguy hiểm, không phải có nhiệt tình của tuổi trẻ là đủ.
- Anh biết nhưng bên cạnh ta còn nhiều người tốt mà em. Còn em, công việc thế nào rồi.
Cô ấy còn dặn anh nhiều kinh nghiệm khi đi tác nghiệp.
Khi biết Quỳnh Hương chỉ là hồn ma bóng quế. Khang thốt lên:
“Quỳnh Hương ơi! Trong cái thời gian và không gian vô tận của thế giới nầy em mãi mãi tồn tại trong anh, dù em chỉ còn là sương khói em vẫn mãi mãi là đóa hoa quỳnh mảnh mai trong trắng dù chỉ nở một lần duy nhất về đêm nhưng luôn đem đến cho đời một hương thơm dịu dàng thanh khiết và vĩnh cửu.
Câu chuyện đượm màu ma quái nhưng có ý nghĩa nhân văn cao cả. (Quỳnh Hương)
Tập truyện cũng lý giải khi nhà Trần mặc dù một thời vàng son đưa đất nước đến sự phát triển thịnh trị nhưng đã đến giai đoạn thoái trào, mục ruỗng. “các vị vua cuối đời nhà Trần chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, bỏ mặc triều chính”. Những đề xuất cải cách mạnh mẽ của Hồ Quý Ly về chính trị, quân sự thường bị quan lại cựu triều dèm pha phản đối. Chính vì thế nhiều lần những đề xuất cải cách ấy không thực hiện được. Biên cương phía nam thì Chiêm Thành nhiều lần đánh tới Thanh Hóa, thậm chí đem quân ra tới Thăng Long để quấy nhiễu, cướp của làm cho cuộc sống của người dân bao lần khốn đốn, phương bắc thì triều Minh chờ cơ hội nước ta suy yếu để xâm lược. Là người có tầm nhìn xa trông rộng ông thấy rõ được điều đó nên càng nung nấu quyết tâm thực hiện hành động cải cách của mình”. Vì sao Hồ Quý Ly- Một tướng giỏi, có chí lớn muốn canh tân đất nước chỉ lên ngôi được 6 năm cuối cùng lại thất bại. Bởi vì: “Không một triều đại nào có thể thống trị thiên hạ bằng bạo quyền, muôn đời phải biết lấy dân làm gốc”.
Con trai của Hồ Quý Ly đã nói rằng:
“thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”( Rồng Đá Thành Nhà Hồ).
3. Qua những chuyến xê dịch của tác giả chúng ta thấy vẻ đẹp vùng cao của núi rừng Tây Bắc mùa hoa ban trắng, những thửa ruộng bậc thang. Cảnh vật và con người nơi đây. Hào gặp Thảo, tình yêu trong sáng nảy nở nhưng cô đã có người yêu dù người yêu không còn nữa. “Thảo như đóa hoa ban xinh tươi của núi đồi, anh không được phép làm cho nó tàn phai sắc màu, hãy để đóa hoa ban ấy tô thắm cho núi rừng Tây Bắc. Mối tình thoáng qua trong trẻo là một kỷ niệm đẹp với cô gái vùng sơn cước thật thà, thủy chung và hiếu khách. (Lãng Đãng Mai Châu). Rồi
Đà Lạt có loài hoa mimosa gắn liền với truyền thuyết cảm động như thế nào, xuất xứ từ đâu? Câu chuyện dẫn dắt người đọc đi vào khám phá để cảm nhận được vẻ đẹp của loài hoa mimosa có sắc vàng rực rỡ đầy quyến rũ, tô điểm thêm cho vẻ đẹp của xứ sở ngàn hoa.
Thắng cảnh Lang Biang- khu du lịch sinh thái mang vẻ đẹp hoang sơ thuần khiết của tỉnh Lâm Đồng,… gắn liền với truyền thuyết về một đôi trai tài gái sắc yêu nhau tha thiết. Và chàng du học sinh sẽ có cuộc gặp lãng mạn đầy hứa hẹn với người thiếu nữ. Tất cả có trong (Tạm biệt mimosa).
Trở lại cuộc sống gần gũi đời thường diễn ra xung quanh qua câu chuyện (Trên Chuyến Xe cuối Năm). Hồi ức qua nhân vật một thời khốn khó:
“Tôi đã nhiều lần qua lại những chuyến phà nầy khi trở thành kẻ buôn chuyến đường xa bất đắc dĩ trong những năm khốn khó… Cái thời bao cấp, ngăn sông cấm chợ, buôn một món hàng nào dù rẻ hay mắc,…ngoài những mặt hàng quốc doanh, hợp tác xã đều là hàng lậu cả. Một thằng du kích ba lơn cũng có thể làm khó dễ người đi đường nếu nó nghi trong túi xách họ chứa hàng lậu. Có những đêm kẹt xe, tôi về tới bến trể, phà ngừng hoạt động phải ngủ vất vưỡng trên xe chờ sáng, tôi thấm thía nhiều về những ngày chạy theo miếng cơm manh áo để nuôi mấy miệng ăn của cái gia đình nhỏ bé của mình.” Khi rời bỏ nơi chốn đã nhiều gắn bó ấy lòng cảm thấy bùi ngùi. Nhưng khi tuổi già xộc tới, hay ốm đau chuyển về Thành phố sống gần con cái là một lựa chọn hợp lý. Anh chọn nghỉ hưu trước tuổi. Với suy nghĩ:
“- Có lẽ tôi không còn hứng thú với công việc dạy dỗ trong giai đoạn nầy, thế thôi.”
Câu chuyện bộc bạch của người bạn đường cũng chính là em gái của người bạn năm xưa. Hoàn cảnh của Hồng cũng giống như nhiều phụ nữ không may vướng phải chữ bạc tình. Lúc nghèo, hai vợ chồng công chức lo làm lụng nuôi con. Khi có chút chức tước, chồng đâm ra nhậu nhẹt, lang chạ với gái bia ôm, có con với người ta. Rồi chồng đâm đơn ra toà ly dị. Lẽ ra vợ chồng tuổi về chiều, con cái trưởng thành, nghỉ hưu chính là lúc nhàn nhã, an hưởng tuổi già. Nay khi không đâm đầu vào mưu sinh lại từ con số không bằng công việc mở đại lý vé số để nuôi con dại… Chị Hồng níu kéo không thành đành buông bỏ. Chị chọn cách vui vầy bên con cháu và thân ruột để khuây khỏa phần nào. Như để an ủi Hồng (nhân vật điển hình của nhiều phụ nữ sống tốt nhưng bị chồng phản bội, cuối truyện anh để lại câu chốt:
“Cuộc đời không hề bất công với ai bao giờ cả, còn nhiều điều tốt đẹp còn ở phía trước để chúng ta thấy mình còn đáng sống và cuộc sống còn đáng yêu.”
Câu chuyện người hàng xóm là Lão Quyền- Một con người về già sống bí ẩn, bệ rạc với cuộc sống nghèo khó, miếng cơm dựa vào lòng hảo tâm của mọi người và đứa con cũng làm thuê cực khổ. Khi chết cũng buồn như lúc sống. Quê quán không chịu về lại cứ bám mãi một địa điểm túp lều nơi đó. Hóa ra ổng đợi cấp trên của ông về. Ông là hoạt động tình báo mà. Lần nữa người đọc lại xót xa vì (đại tá) cấp trên của ông tìm về đã muộn. Ông không còn nữa. Như vậy chế độ đại ngộ chưa xứng đáng với người có công. Câu chuyện làm tôi nhớ lại hai câu thơ không biết của ai, lưu truyền thời hậu chiến: “ Đầu đường đại tá vá xe/ cuối đường trung tá bán chè đậu đen” Nhưng như vậy dù nghèo vẫn còn có danh dự chứ đây không ai biết lão là ai? Chỉ biết lão là ăn mày bố thí. Quá xót xa! (Lão Quyền). Số phận con người như thằng Sửu thì sao:
- Thằng Sửu phải bỏ nhà đi kiếm sống. “Nó thề sẽ không trở lại cái nơi đã làm cho nó bầm dập tổn thương quá nhiều.”
-“Cái thứ chỉ ăn bám váy đàn bà thôi. Mẹ tui làm việc cực khổ chỉ để nuôi thằng chả mà thằng chả tối ngày chỉ biết lo rượu chè, số đầu số đuôi thôi. Tui chịu không nổi mới bỏ đi đó.”
Cha dượng là một người chỉ biết chơi số đề, uống rượu và lôi thằng nhỏ ra đánh đòn khi thua đề “vì cho rằng sự hiện diện của nó trong nhà nầy đem lại cho hắn nhiều xui xẻo.” Người đọc quặn thắt lòng giận những người mẹ sinh con ra mà không bảo bọc được con. Khi duyên tình gãy đổ cho dù nguyên nhân nào cũng ráng nuôi con. Thậm chí không có việc làm mà phải đi ăn xin hay đi làm nghề mạt hạng để kiếm tiền nuôi con cũng tốt hơn là bỏ con mà đi lấy chồng, (vợ) hoặc lấy chồng, (vợ) về hành hạ con mình. “ Bao giờ bánh đúc có xương/ mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng”. Tuy nhiên có trường hợp gặp mẹ kế rất tốt nhưng trường hợp này rất hiếm. Thực tế cuộc sống ít khi gặp người tử tế với con riêng của vợ hoặc chồng.
- Thằng Sửu cuối cùng được sống ấm áp với ông Tư Diềm” Mùa xuân đang trở về cùng đất trời. Mùa xuân cũng đang nở hoa trong lòng của hai kẻ nghèo khổ” (Mùa Xuân Của Sửu). Còn những câu chuyện khác nữa như: Dốc Đợi, Hoa Đào Vườn Cũ, Gửi Lại Mùa Trăng mời gọi bạn đọc tiếp tục khám phá.
Chất liệu cuộc sống và tư tưởng thẫm mỹ xuyên suốt trong tập truyện làm nên vẻ đẹp văn truyện Nguyễn An Bình. Tác giả gửi gắm vào những câu chuyện là thông điệp hướng tới những điều tốt điệp trong cuộc sống bằng giọng văn giản dị trong sáng, dể hiểu. Anh trân trọng vẻ đẹp tâm hồn, chất thiện lương, giàu tình người từ những người ở nhiều giai tầng khác nhau trong xã hội. Từ nguyên mẫu đời thường, tác giả xây dựng thành hình tượng nhân vật sinh động. Khéo sử dụng các yếu tố hiện thực và lãng mạn. Ảo và thực song hành mang tính huyền thoại nhưng có vẻ hợp lý và thuyết phục, rồi gửi vào đó tính triết luận nhẹ nhàng và giàu ý nghĩa cuộc sống. Thú vị như ta gặp truyện cổ tích giữa đời thường. Đó là cách nhìn nhân sinh của nhà văn Nguyễn An Bình gửi vào tác phẩm
Sáng tạo văn chương là một lĩnh vực không hề dễ. Nó đòi hỏi trước hết phải chút năng khiếu, đam mê, nhọc nhằn và lao tâm. Vì vậy Nguyễn Đình Thi đã từng khuyên: “Mỗi người chỉ nên chọn công việc nghệ thuật khi tự cảm thấy đủ sức yêu công việc ấy”. Tác phẩm cho thấy Nguyễn An Bình- người làm nghệ thuật rất yêu công việc của mình.
Nếu địa hạt thi ca anh là một nhà thơ trữ tình lãng mạn và đằm thắm thì ở thể loại truyện ngắn anh tỏ ra là một cây bút có kinh nghiệm.
Như chúng ta đã biết: Mỗi nhà văn có sự lựa chọn xây dựng thế giới hình tượng để thể hiện gương mặt thời đại trong một góc nhìn riêng, phù hợp với nội dung tư tưởng gửi gắm. Từ cuộc sống trở thành chất liệu văn học cô đọng tinh chất, phản chiếu hiện thực cuộc sống rõ nét hơn. Giá trị của tác phẩm khi có sức lay động con tim người đọc. Khơi gợi những rung động thẫm mỹ hướng đến vẻ đẹp cuộc sống: Chân- Thiện- Mỹ. Những câu chuyện giản dị, chứa niềm trữ tình sâu lắng, nỗi trắc ẩn, ưu tư về số phận con người. Đôi khi chỉ là những nôm na đời thường mà lấp lánh chất thơ. Nguyễn An Bình viết truyện ngắn theo khuynh hướng hiện thực và lãng mạn. Cài cắm đan xen giữa yếu tố trữ tình và tự sự một cách hài hòa cân đối. Giọng văn giản dị trong sáng, không đề cập đến những vấn đề gì quá to tát. Có lẽ cái dung dị, gần gũi đời thường là cái tạng của anh. Đọc văn truyện của anh, chúng tôi gặp niềm vui, gặp cả những trắc ẩn, suy tư bình dị mà giàu tính nhân văn. Viết truyện ngắn thường có cốt truyện, những cũng có truyện ngắn không cần có cốt truyện theo phong cách Thạch Lam mà vẫn rất lôi cuốn. .. Lại có những truyện ngắn phảng phất chất thơ. Đó là chất trữ tình sâu lắng và tư tưởng thẫm mỹ trong truyện. Chất thơ trong truyện là nỗi niềm ưu thời mẫn thế của nhà văn: tâm huyết, nghĩa nhân, lo lắng việc đời, thương xót thế gian và u hoài với nỗi niềm nhân thế. Thể hiện thái độ ứng xử của nhà văn đối với cuộc sống, với số phận con người qua trang viết của họ. Anh không kể lại một biến cố, sự việc mà qua những hình tượng chọn lọc, miêu tả tâm lý qua lăng kính nhìn đời của anh. Truyện ngắn có chất thơ, tránh khô khan nhàm chán mới có khả năng thu hút. Hẳn bạn đọc đã gặp trong các truyện ngắn của Paustovsky, Thạch Lam, Tô Hoài, Nguyễn Khải… là những Truyện ngắn giàu chất thơ. Trong truyện ngắn có tính chất tự sự nhưng biết chọn chi tiết thật đắt, cốt truyện ly kỳ kịch tính, ở đó có hơi thở của thời đại, có nỗi vui buồn nhân thế. “ Văn Học là nhân học” (M.Gocrky). Khi truyện ngắn chạm đến tiêu chuẩn thẫm mỹ về cốt truyện, mạch cảm xúc và kết cấu ngôn từ có thể gọi là truyện ngắn giàu chất thơ. Tất nhiên yếu tố tự sự là đặc trưng của truyện ngắn nhưng biết kết hợp hài hòa với chất trữ tình một cách sáng tạo mới là truyện ngắn hay. Truyện có cốt truyện hoàn chỉnh, miêu tả tự sự, xây dựng nhân vật, diễn biến đầy đủ các yếu tố chi tiết của truyện. Những truyện không có cốt truyện thì dòng chảy của truyện là mạch cảm xúc, tâm trạng có hiện thực đan xen. Trong đó gửi gắm lòng trắc ấn, trái tim nhân ái đa đoan chủ thể trữ tình.
Từ cảm quan nghệ thuật tinh tế, Nguyễn An Bình viết bằng hồi ức, xây dựng hình tượng nhân vật giàu tính hiện thực gợi cảm. Quá trình sáng tác cho thấy nhà văn đã góp nhặt chất liệu từ đời thường, từ sách vở cổ kim như người đãi cát tìm vàng. Vậy vẻ đẹp cho các truyện ngắn của anh được chưng cất từ hiện thực cuộc sống và tư tưởng thẫm mỹ của nhà văn.
Tuy nhiên chúng tôi vẫn muốn truyện ngắn của anh cô động tinh chất hơn nữa, hàm súc gãy gọn hơn nữa, gọt bỏ đi những chi tiết “nhẹ ký”không mấy quan trọng mà vẫn có thể đảm bảo hiện ra gương mặt cuộc sống với đủ các gam màu một cách ấn tượng. “Về Truyện ngắn tôi hiểu tuy ngắn nhưng nó có sức chứa đựng phải được nén chặt, gọn mà nặng. Đòi hỏi nhà văn có khả năng thể hiện một cách tập trung và cô động, phải biết chọn những điển hình, những chi tiết thật đắt” (Nguyễn Quang Sáng).
Độc giả chúng ta đón chờ tác phẩm của anh sắp xuất bản và có quyền hi vọng những sáng tác mới của anh trong trong thời gian tới đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thưỡng lãm nghệ thuật của công chúng yêu văn chương!
Sài Gòn, ngày 29/10/2021
Hoàng Thị Bích Hà