HOÀNG THỊ BÍCH HÀ
Với Bài Thơ
“CHO MÙA HIẾU HẠNH”
Với Bài Thơ
“CHO MÙA HIẾU HẠNH”
Mùa vu lan lại về! Một lời ru “ gió mùa thu” man mác hay một đoạn Gia Huấn ca của Nguyễn Trãi cũng làm cho bao người bồi hồi xúc cảm. Những ai may mắn còn cha mẹ hẳn cũng muốn làm một điều gì đó để tỏ lòng tôn kính, báo hiếu với các bậc sinh thành, nuôi dưỡng .
Những ai cha mẹ nay đã quá vãng hẳn họ cũng ngồi nhớ tiếc những phút giây sà vào lòng mẹ thuở ấu thơ hay quây quần bên mâm cơm nóng hổi ấm áp do bàn tay của mẹ chăm chút cho gia đình. Dẫu tất cả bây giờ chỉ còn là hoài niệm nhưng hình ảnh và tình yêu của mẹ vẫn mãi là suối nguồn hạnh phúc cho các con. Mỗi khi gặp trở ngại trên đường đời, nghĩ về người mà vượt qua dâu bể!
Hôm nay, tôi lang thang một vòng trên mạng chợt gặp một bài thơ tràn đầy xúc cảm nhân lễ vu lan nhớ mẹ của nhà thơ Trần Dzạ Lữ. Đó là những phút giây tưởng niệm, hướng về công đức cao dày của mẹ . Anh vẽ ra hình tượng mẹ bằng ngôn ngữ thi ca rất hiện thực sống động. Mẹ trở về trong hương trầm thơm ngát. Bài thơ có tựa đề “Cho mùa hiếu hạnh” là một trang hồi ký dạt dào cảm xúc và buâng khuâng hoài niệm. Thi ảnh bình dị mà rung động lòng người.
Mở đầu bài thơ tác giả hồi tưởng về mẹ bằng những vần thơ hàm súc, giàu tính ước lệ, ít lời mà nhiều ý. Những từ ngữ “vòng đau đeo cổ tay quen”, “bàn tay”, “đôi mắt”…là hình ảnh của mẹ hiện lên đầy đủ với phẩm chất đáng quý như chịu thương chịu khó và vất vả lo toan. Đó là nét điển hình của người phụ nữ Việt nam đầu thế kỷ hai mươi trải qua biến cố, loạn lạc… nếm đủ thăng trầm, gian khó, chèo chống nuôi con, chăm lo gia đình, lận đận trong cuộc đời dâu bể. Tất cả được thể hiện qua các cụm từ “ vòng đau”, “ lạt mềm”, “cheo leo” và trong câu cảm thán “Nửa cheo leo phận, nửa đời bạc thay!”.
“Vòng đau đeo cổ tay quen
Xuyến xao kỷ niệm lạt mềm buộc đôi…
Ngỡ ngàng con mắt chia ngôi
Nửa cheo leo phận, nửa đời bạc thay!”
Hình ảnh mẹ rõ mồn một như mới đây thôi mà ngoảnh lại đã bàng bạc trong sương khói của thời gian. Mẹ giờ đây đã đi xa rồi, xa rời cõi tạm để đến nơi vĩnh hằng. Nhưng hình ảnh tấm thân hao gầy “thân cò lặn lội” thì vẫn còn mãi trong ký ức của tác giả. Những động từ “ lặn lội” , “bứt tóc thiên tiên” kết hợp với các cụm danh từ chỉ thời gian” “lụn ngày”, “tàn đêm” nói lên biết bao vất vả nhọc nhằn mà mẹ trải qua để nuôi con khôn lớn. Tất cả những vất vả lo toan và hi sinh thầm lặng của mẹ để có được mái ấm bình yên, gia đình hòa thuận trong ấm ngoài êm, “để mong đổi chút bình yên đàn kìm”. “Đàn kìm” là đàn nguyệt, cũng có thể gọi là nguyệt cầm. Đó là tiếng đàn êm ái mà phụ nữ xưa và nay nhiều người rất thích. Ở đây từ dùng ước lệ để chỉ cuộc sống tinh thần êm ái như tiếng nguyệt cầm, nghĩa là hướng đến cuộc sống bình yên mà mọi người đều ao ước.
Bài thơ với các biện pháp nghệ thuật dùng câu hỏi tu từ, ví von, hoán dụ, và dùng phép tiểu đối trong câu khi sử dụng hình ảnh tương phản rất ấn tượng, có giá trị biểu đạt cao. Vẫn là bút pháp ước lệ tượng trưng, gợi nhiều hơn tả. Ngôn ngữ thơ anh giàu hình tượng, gợi cảm và hàm súc đã đem đến cho người đọc thi phẩm hay về mẹ nhân dịp lễ vu lan.
“Đi qua cõi tạm thân gầy
Vì ai lặn lội lụn ngày, tàn đêm?
Vì con bứt tóc thiên tiên
Để mong đổi chút bình yên… đàn kìm!”
Anh nhớ như in hình dáng mẹ hao gầy những tháng ngày tần tảo, làm lụng để có cái ăn, cái mặc, lo chuyện học hành cho con. Hình ảnh mẹ chăm chỉ việc nhà, ngồi khâu vá chăm lo manh quần tấm áo cho gia đình qua cặp từ láy “căm căm” và thành ngữ “se-chỉ-luồn-kim”. Mẹ điển hình cho hình tượng phụ nữ Việt Nam đầu thế kỷ với những phẩm chất đảm đang, vén khéo, thầm lặng hi sinh, không nề hà và luôn nhận thiệt thòi về mình …với lòng thương con vô bờ bến.
“Căm căm “se-chỉ-luồn-kim”
Ngồi đơm nút áo mà quên xuân thì…
Có phong vân vẫn không nề
Bóng in trên vách …Ta hề! Nhớ con…”
Thời gian cứ lặng lẽ trôi và mùa hiếu hạnh lại về. Dù cuộc đời có trải qua nhiều biến cố, hay những tác động vần vũ của đất trời, mưa nắng bão bùng thì tấm lòng của người con vẫn nhớ đến mẹ với một tình mẫu tử thiêng liêng không gì lay chuyển! Lòng nhớ mẹ không nguôi với giọng thơ bùi ngùi mà chan chứa yêu thương.
“Rồi mùa hiếu hạnh lòng son
Dù mưa hay nắng vẫn lòn lọt thương”
Khép lại bài thơ, lần nữa tác giả sử dụng biện pháp tu từ nhằm tạo ấn tượng và nhấn mạnh ý nghĩa: trong mắt mẹ con mãi là đứa trẻ:
“Cả kiếp này, có tin không?
Mãi trong mắt mẹ con còn nằm nôi…”
Bài thơ “Cho mùa hiếu hạnh” đã khép lại. Lời hết rồi mà ý vẫn vô cùng. Xin cảm nhà thơ Trần Dzạ Lữ đã làm nao lòng người đọc với cảm xúc dành cho mẹ.Tiếng thơ của anh mà cũng là tiếng lòng của độc giả. Anh đã nói giùm bao người con khi nghĩ về mẹ. Nghệ thuật diễn đạt bằng thể thơ lục bát rất mượt mà. Câu thơ nền nã, gieo vần chỉnh chu. Phải nói rằng thi nhân đã sử dụng rất điêu luyện thể thơ truyền thống. Thơ lục bát của anh hay về nội dung, giàu về nhạc tính, Chỉnh thể về nhịp điệu, lấy thanh bằng làm chủ vận cách gieo vần đối thanh linh hoạt. Lựa chọn thi ảnh, thi liệu giàu sức biểu cảm. nên bài thơ trong giai điệu tâm tình đã rung động lòng người. Chúng tôi- những độc giả xin cùng nhà thơ đốt nén tâm hương dâng lên người mẹ của thi nhân và mẹ của những ai đã về cõi vĩnh hằng.
Chúng tôi và có lẽ rất nhiều bạn đọc cũng đồng cảm với tác giả Trần Dzạ Lữ và các nhà thơ tiền bối như Chế Lan Viên, Du Tử Lê…
“ Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”
( Chế Lan Viên)
Xin mượn bốn câu thơ của Du Tử Lê để kết thúc bài viết:
“Nghìn năm nữa tôi vẫn là đứa trẻ
Cần bàn tay của mẹ thuở lên năm
Như mưa nắng rất cần cho cây trái
Em cho tôi mãi nhé ấu thơ mình”.
Xin cảm ơn anh đã đóng góp và cõi thơ đương đại một áng thơ hay về mẹ nhân lễ vu lan.
Sài Gòn, ngày 31/8/2020
Kính mời độc giả thưởng thức trọn vẹn thi phẩm:
CHO MÙA HIẾU HẠNH
Vòng đau đeo cổ tay quen
Xuyến xao kỷ niệm lạt mềm buộc đôi…
Ngỡ ngàng con mắt chia ngôi
Nửa cheo leo phận, nửa đời bạc thay!
Đi qua cõi tạm thân gầy
Vì ai lặn lội lụn ngày, tàn đêm?
Vì con bứt tóc thiên tiên
Để mong đổi chút bình yên… đàn kìm!
Căm căm “se-chỉ-luồn-kim”
Ngồi đơm nút áo mà quên xuân thì…
Có phong vân vẫn không nề
Bóng in trên vách …Ta hề! Nhớ con…
Rồi mùa hiếu hạnh lòng son
Dù mưa hay nắng vẫn lòn lọt thương
Cả kiếp này, có tin không?
Mãi trong mắt mẹ con còn nằm nôi…
Trần Dzạ Lữ