HOÀNG THỊ BÍCH HÀ
Đến Với Bài Thơ “ƠN MẸ”
Của Tác Giả QUANG THÀNH
Đến Với Bài Thơ “ƠN MẸ”
Của Tác Giả QUANG THÀNH
Quang Thành hiện đang công tác trong lực lượng quân đội. Anh là một người lính rất yêu thơ và làm thơ. Tính đến nay anh đã sáng tác được khá nhiều bài nhưng điều đặc biệt là khi cơ duyên đến với thơ cũng là bài thơ đầu tiên anh viết về mẹ. Bài thơ ƠN MẸ rất nhiều cảm xúc với giai điệu lục bát mượt mà, mang âm hưởng dân ca.
Hình ảnh mẹ đã đi vào thơ ca, nhạc họa từ rất sớm. Có thể nói từ khi có các loại hình nghệ thuật thì hình tượng mẹ đã được khắc họa rất rõ nét. Mỗi tác giả có một cách giải bày khác nhau. Hình ảnh mẹ tảo tần hôm sớm với tình yêu thương con vô bờ bến được Quang Thành chuyển tải bằng một bài thơ rất cảm động.
Mở đầu bài thơ tác giả viết:
“Cuộc đời vất vả tảo tần
Sớm khuya mưa nắng bụi trần mẹ tôi
Trải bao gian khó trong đời
Đẫm tình mẫu tử trong lời ca dao”
Hình ảnh mẹ tháo vát, đảm đang, chịu thương chịu khó để chăm lo gia đình và nuôi dạy con cái. Đặc biệt là trong một giai đoạn lịch sử có những khó khăn chung của đất nước, làm sao để cho con có cơm ăn, áo mặc và học hành nên người? Đó là một thử thách rất lớn đặt ra trên vai mỗi người mẹ. Tác giả sử dụng hai cặp từ láy “vất vả”, “tần tảo” rất cô đọng, ít lời mà nhiều ý cũng đủ để nói lên cả một cuộc thăng trầm đầy thương khó của mẹ.
Câu tiếp theo tác giả dùng phương pháp liệt kê.Bằng những từ ngữ chỉ về thời gian và thời tiết vừa cụ thể vừa trừu tượng: “sớm khuya, mưa nắng, bụi trần” để nói về những gian khó trong cuộc đời của mẹ. Cuối câu là hai chữ rất đỗi thân thương, anh đã đặt hết tình thương yêu, lòng biết ơn mẹ vào hai chữ “mẹ tôi”. Anh lớn lên nhờ những tảo tần, lo toan như thế của mẹ, cũng như bao người con được lớn lên trong tình mẫu tử thiêng liêng và lời ru ngọt ngào của mẹ.
“Dù cho bão gió song trào
Tấm lòng của mẹ biển sao sánh bằng”
Quả đúng vậy! Cho dù “bão gió sóng trào” về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng những truân chuyên dâu bể với những thử thách nghiệt ngã của cuộc đời thì tấm lòng thương con vô bờ mẹ đều vượt qua. Để mong sao đem đến cho con những gì tốt nhất có thể. Bằng biệt pháp nghệ thuật so sánh: “biển sao sánh bằng” đủ để thấy công đức của mẹ đối với con không gì sánh nổi. Gợi nhớ trong lời một bài hát có câu: “Tình mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”. Đó mới là cách so sánh ngang bằng. Nhưng như vậy có lẽ chưa đủ để diễn đạt tình mẹ nên tác giả dùng biện pháp so sánh hơn kém. Vì đối với anh thì công lao của mẹ hơn cả biển trời.
“Thương con từ thuở nặng mang
Gửi vào bầu sữa muôn vàn thương yêu”
Tình yêu thương của mẹ dành cho con từ lúc con mới tượng hình trong bụng mẹ. Từng ngày, từng ngày con quẫy đạp trong lòng mẹ, mẹ đã yêu thương con vô bờ bến. Đến lúc con lọt lòng, bao nhiêu yêu thương của mẹ gửi gắm vào bầu sữa để nuôi dưỡng con khôn lớn. Anh chọn hình ảnh “bầu sữa”, “nặng mang” là những từ ngữ súc tích, hàm chứa nội dung ý nghĩa nói lên công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ. Tuổi trẻ của mẹ, những tháng ngày thanh xuân của mẹ dành trọn để chăm bẵm con thơ và vun vén gia đình. Khi con ngày càng lớn thì tuổi của mẹ cũng ngày một nhiều đi. Con trưởng thành, tuổi già của mẹ cũng bắt đầu ập đến. Thời gian trôi nhanh như vó câu qua cửa. Chẳng mấy chốc, con lớn lên, ăn học và trưởng thành thì cũng là lúc mái tóc mẹ dần phai, mắt mờ, gối mỏi. Ai cũng vậy, tuổi càng cao thì sức khỏe càng xuống, đó là điều không mong muốn, nhưng chúng ta cũng phải xó xa chấp nhận.
“Giờ đây mẹ đã xế chiều
Vẫn còn nguyên vẹn yêu thương thuở nào”
Dẫu cho mẹ đã già nua, gối mỏi chân chùng, thì tình thương yêu của mẹ dành cho con vẫn không thay đổi, vẫn vẹn nguyên như từ thuở mẹ sinh con, khi mẹ cho con có mặt trên đời.
“Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”
(Chế Lan Viên)
Vì vậy: Quang Thành đã dùng những từ ngữ ví von rất ấn tượng bằng hai câu thơ tiếp theo, đem đến cho người đọc với thật nhiều cảm xúc.
“Cho dù đếm cả trời sao
Cũng không kể hết công lao của người”
Khép lại bài thơ, anh gởi gắm niềm mơ ước: cầu mong mẹ vui vẻ, bình yên bên con cháu, chỉ vậy thôi, đó là điều hạnh phúc của mẹ và của tất cả chúng ta và của những ai may mắn còn có mẹ trên cõi đời này.
“Chúc mẹ luôn nở nụ cười
Vui cùng con cháu cuộc đời thần tiên”.
Bài thơ hàm súc chỉ gói gọn trong mười bốn câu nhưng đủ ý, vẹn tình. Chuyển tải được cảm xúc của tác giả đến với người đọc. Thông điệp bài thơ cũng gởi gắm đến chúng ta một điều giản dị nhưng rất ý nghĩa.
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”
(Khuyết danh)
Đời người hữu hạn, trăm năm cũng sẽ trôi nhanh như chớp mắt mà thôi, thì lỡ mai kia mẹ về với thế giới vĩnh hằng, có một nhà thơ đã nghẹn ngào nói thay chúng ta rằng:
“Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười”
(Trần Trung Đạo)
Quang Thành đã lựa chọn từ ngữ rất chính xác, tinh tế và giàu biểu cảm, đã làm cho lời thơ bộc lộ được niềm tâm sự chân thành của một người con hiếu thảo, nặng tình nặng nghĩa, đem đến cho người đọc nhiều rung động và thấm thía.
Bằng các biện pháp tu từ, ví von, so sánh, liệt kê được vận dụng sáng tạo bằng ngôn từ bình dị, đậm màu sắc dân dã, anh viết lên những vần thơ giàu hình ảnh và nhạc điệu êm ái như một lời ru, dễ đi vào lòng người đọc.
Sài Gòn, ngày 02/6/2020.
Hoàng Thị Bích Hà
Kính mời bạn đọc đến với trọn vẹn văn bản của bài thơ ƠN MẸ của tác giả Quang Thành vàthưởng thức bài hát được phổ nhạc từ bài thơ này:
ƠN MẸ
Cả đời vất vả tảo tần
Sớm khuya mưa nắng bụi trần mẹ tôi
Trải bao gian khó trong đời
Đẫm tình mẫu tử trong lời ca dao
Dù cho bão gió sóng trào
Tấm lòng của mẹ biển nao sánh bằng
Thương con từ thuở nặng mang
Gửi vào bầu sữa muôn vàn thương yêu
Giờ đây mẹ đã xế chiều
Vẫn còn nguyên vẹn thương yêu thuở nào
Cho dù đếm cả trời sao
Cũng không kể hết công lao của người
Chúc mẹ luôn nở nụ cười
Vui cùng con cháu cuộc đời thần tiên
Tác giả: Quang Thành