HOÀNG THỊ BÍCH HÀ


Ngày Xưa Không Trở Lại

Lúc nhỏ, thuở cắp sách ấy mà! Hình như mình phải lòng một con nhỏ. Nó ở gần nhà người họ hàng của mình. Nhỏ đó sinh cuối tháng 12, mình sinh tháng 4. Lẽ ra nó phải học cùng lớp với mình mới đúng. Nghe nói lúc 5 tuổi nó hay nhõng nhẽo vì thế nhà nó đưa nó đến lớp một, học được chữ nào thì học, đỡ tốn người chăm giữ nó. Mục đích cho nó chơi là chủ yếu. Chứ mình nghĩ học hành có phải chuyện gì sung sướng đâu mà nó đâm đầu vào sớm thế! Ai dè nó học được. Và cứ thế nó lên lớp một lèo luôn ( hồi đó không thắt chặt tuổi như quy định hiện nay)
Lên cấp ba nó có học cùng trường với mình 1 năm, sau đó nó đổi qua trường khác, chẳng hiểu vì sao? Mình từng gặp nó đi cùng nhóm bạn của nó lúc tan trường. lúc này nó khoảng 15-16 tuổi gì đó nhưng cũng phởn phơ ra dáng thiếu nữ rồi, trông trắng trẻo cứ như búp bê! Thế là không biết ma xui quỹ khiến gì về mình mộng mị làm thi sĩ. Viết rồi xé, rồi lại viết nhưng thấy thơ thẩn này cũng ngố ngố thế nào ấy. Thôi chuyển qua viết thư cho lành. Đây là lần đầu tiên mình viết thư cho con gái người ta.
Ngày…Tháng ..Năm..
Chào bạn!
 Mở đầu lấy lí do gì nhỉ? À nghe nói nó cũng đội tuyển chuẩn bị đi thi môn văn của trường đó. Giờ mình thử mượn sách xem sao)
Mình biết bạn cũng có sở thích học văn như mình. Vậy bạn có cuốn: Thép đã tôi thế đấy không cho mình mượn với!
( Biết nó sơ sơ vậy mà lần hỏi mượn sách thì kỳ thế nào ấy! Thôi xé viết lại là cho nhỏ nớ mượn)
Chào bạn!
Mình biết bạn có sở thích đọc sách và thích học văn như mình. Vậy bạn đã có cuốn Hồng Lâu Mộng, Hồn bướm mơ tiên chưa? Nếu chưa mình mang qua cho bạn mượn nghe!
( Ơ mà viết vậy, lỡ may nó nói: Cảm ơn bạn, Mình có rồi thì hóa ra hết chuyện à)
Đành lại phải xé viết lại.
Lần này hỏi bên lớp bạn đã làm báo tường kỳ này chưa? Nghe nói bạn làm chủ biên tờ báo tường của lớp vậy mình hợp tác nhé. Bạn có cần vẽ vời gì trang trí không? Có thể mình phụ một tay được đó…v.v.
Cuối cùng thì cũng tìm được lý do có thể coi là tạm ổn. Giờ đến việc đưa thư. Mình nhờ ông anh họ mình ở gần nhà nó trao giùm. Mình hứa cuối tuần mình sẽ vác vô cho ông ấy một bó mía. (Ông anh này rất thích ăn mía) Nhưng anh mình cũng đáo để lắm! Anh ấy nói: “ Mi đi mà đưa! Tau không rảnh. Học không lo học mà thư từ vớ vẩn! Mi thấy tao không, chừng này tuổi -ngoài 20 rồi nha! Mà tau có thèm để mắt đến con nào đâu. Ở vậy cho gái nó thèm. Mày tưởng yêu đương nhăng nhít mà sướng à, chỉ tổ rước mệt vào thân”.
Lại nói về nhỏ này nó cũng chảnh như con cá cảnh lắm cơ!
Có bữa giờ giải lao mình đi qua trường nó. May gặp lúc nó vừa ra khỏi lớp. Mình nhìn nó định nở một nụ cười đầy thiện ý nhưng nó cứ tỉnh như ruồi, làm như là mình cười với ai chứ không phải là cười với nó. Lát sau, thấy tụi bạn nó đem ô mai ra chấm rồi xúm lại cười nói vui vẻ. Thế là thôi, mình rút về lớp.
Dạo này bác họ có vẻ quý mình lắm. Nói thằng này bữa nay lớn tình cảm với bác nghe! Thường đến thăm bác nhiều hơn. Mình về thăm bác tiện thể thăm nàng. Hôm nay qua cổng nó, thấy cổng đóng, chó sửa ing ỏi. Nghe nói ba mẹ nó đi làm xa, nó thường ở nhà với ông bà nội nó. Bà nội nó đi ra hỏi ai đó? Ai làm chi ngoài mà chó sủa rứa?
-Thưa mệ! Con xin nắm lá chè tàu!
-Ừ, con cần cứ hái đi!
Biết làm gì hơn giờ, đành hái đại nắm lá chè tàu mà về thôi!
Nghĩ lại thấy ông thầy mình thuật lại lời dân gian quá đúng: “Khó nhất là chặt tre, thứ nhì là ve gái”
Một bữa khác mình qua nhà bác họ mình chơi, thấy dáng nó thấp thoáng bên sân nhà. Thấy dịp này đưa lá thư là hợp lý nè. Mình vừa lò dò đến cổng thì nó lại biến vào nhà mất tăm. Chảnh đến thế là cùng. Nó làm như chỉ mình nó là con gái hay sao ấy. Mình về nghĩ cách khác. Cả buổi chiều hì hục gọt đẽo cái ống tre, rồi bỏ lá thư vào trong ống tre ( bắt chước Kim Đồng) định sáng mai đưa qua sớm. Mai thứ 7 chắc chắn nó có nhà.
Sáng cuối tuần, lúc này cũng trưa trợt rồi, qua cổng nhìn vào cũng chưa thấy nó dậy. Mình nghĩ bụng: “con gái con đứa gì mà ngủ trưa trợt rứa không biết”. Thôi đôi ống tre vào sân, chút nưa nó dậy sẽ thấy. Nghe tiếng chó sủa, mình sợ quá núp vào bên cây bằng lăng trước cổng xem nó đã dậy mà ra lấy chưa, nghe tiếng chó sủa, Ông nội nó đi ra, nhìn không thấy ai, ông nói: Đứa nào chọc chó sửa rứa bây? Mình hồi hộp chờ đợi mong ông đừng thấy ống tre. Nhưng ông đã thấy, ông cúi xuống lượm ống tre rồi đi vào nhà. Thôi rồi, xong phim! Lá thư của mình đã tới nơi nguy hiểm. Rứa là hết!
Mình nản quá về nhà luôn!
Có lần nghe tụi thằng H con ông H, thằng L, con ông Th, Thằng T nhà ở tận Phú Lộc, cũng lượn tới nhà nó, chó sủa inh ỏi nhưng nó không mở cửa. 20 năm sau thằng T gặp mình tại Hue nó kể là tới nhà nó chơi nhưng nó không mở cửa thế là nhảy vào vườn nhà nó hái trộm cam, giơ vạt áo pun ra hứng mang về ăn cho bỏ tức.
Thế rồi mình đi học xa nhà rồi xin vào làm một công ty ở tỉnh xa. Thấy mình chăm chỉ, tốt bụng (Ông chủ nghĩ thế) nên nhiều lần đưa tiền cho mình đi giao dịch, lần nào mình làm cũng đầy trách nhiệm và uy tín. Ông lại thích thơ nữa. thỉnh thoảng mình còn đọc thơ cho ông nghe. Ông bèn tạo điều kiện để mình tiếp cận với con gái ổng rồi ổng đồng ý gả con cho mình. Lần về quê đám giỗ ba mình, anh họ của mình kể cho mình nghe là nàng cũng đã lấy chồng.
Lấy câu thơ ai đó đã đọc lâu rồi mình không nhớ tên vận vào mình vậy cũng vui.
“ Nếu biết rằng em đã lấy chồng
Anh về cưới vợ thế là xong”
Viết lại mấy dòng tản mạn này để xin lỗi ngõ chè tàu vô tội vạ! Và lưu lại một kỷ niệm riêng mình cũng thấy vui chứ sao!
Sài Gòn ngày, 14/6/2021


  Trở lại chuyên mục của : Hoàng Thị Bích Hà