HOÀNG THỊ BÍCH HÀ
THE RHYTHM OF VIET NAM
VÕ THỊ NHƯ MAI
THE RHYTHM OF VIET NAM
VÕ THỊ NHƯ MAI
Hôm nay, cuối tuần rảnh rỗi, lần giở lại từng trang, thả hồn vào “Nhịp điệu Việt” cùng Võ Thị Như Mai qua tiếng lòng của hơn 300 tác giả. Nhịp điệu việt The Rhythm of Viet nam là tuyển thơ song ngữ nhiều tác giả được Võ Thị Như Mai tuyển chọn và chuyển ngữ (Nxb Hội nhà văn, quý I/2024). Tác phẩm có diện mạo ấn tượng không chỉ ngoại hình xinh đẹp, bắt mắt mà còn ôm ấp biết bao cảm xúc, nỗi niềm của rất nhiều thi nhân đương đại hiện đang sống và viết ở trong nước và hải ngoại: Nội dung phong phú, sách đồ sộ dày khoảng bảy trăm rưỡi trang, xinh xắn, hấp dẫn, khiến ai cầm cuốn sách cũng muốn thưởng lãm các thi phẩm thơ bằng bản tiếng Việt và tiếng Anh.
Võ Thị Như Mai- một cái tên thân thương với giới cầm bút mảnh mai như bông mai nhưng tâm hồn yêu văn chương thi phú thì không nói ngạ, nàng đã làm được một việc không hề nhỏ, gom tụ kết nối những người làm thơ: những tác giả có tên tuổi trên thi đàn hay chưa nhưng viết chất được nàng trân quý tuyển chọn và chuyển ngữ.
Nàng là ai? Điểm qua vài nét về chủ biên Nhip Điệu Việt - Võ Thị Như Mai, nguyên quán Mỹ Chánh, Quảng Trị. Sinh năm1976 tại Đà Lạt. Chị học trường trung học Bùi Thị Xuân và sau đó học khoa tiếng Anh -đại học Đà Lạt. Sau khi tốt nghiệp, chị về trường trung học Ngô Quyền ở Suối Nghệ - Châu Đức dạy môn tiếng Anh (5 năm). Sau đó, nàng sang Tây Úc, học đại học chuyên ngành Giáo dục Tiểu học, rồi học tiếp thạc sĩ giáo dục ngành ngôn ngữ học. Từ 2004 đến nay, định cư tại Úc (Western Australia), dạy học tại trường tiểu học của thành phố Perth. Có bậc lương thâm niên trong biên chế nhà nước với gần 20 năm giảng dạy. Nàng là dịch giả dành nhiều tâm huyết để mang văn học Việt Nam tới bạn đọc quốc tế. Nàng đăng nhiều thơ dịch tại Website do nàng tạo ra gần 15 năm nay: https://vietnampoetry.wordpress.com/.../vn-poets-from.../
Võ Thị Như Mai đã có một số đầu sách được xuất bản trong hoặc ngoài nước: Tản mạn, Bên kia tít tắp đại dương, Vườn cổ tích, Để cho ngày ngắn; song ngữ Võ Quê (Tứ tuyệt Covid 19), song ngữ Nguyễn Quốc Học (Nắng tháng Ba), song ngữ Nguyễn Thanh Kim (Thế giới những giấc mơ, Romania), song ngữ Trần Quang Đạo (Nhẫn Trăng), song ngữ Vũ Thụy Nhung (Diệu Thắm và Tôi), song ngữ Nhịp điệu Việt (The Rhythm of Vietnam)
Dù sống ở Tây Úc nhưng Võ Thị Như Mai vẫn theo sát đời sống văn chương của người Việt trong nước và hải ngoại. Để có thể kết nối các tâm hồn thi phú, chị lập trang web song ngữ The Rhythm of Vietnam, qua đó tiếp cận được với nhiều tác giả.
Công trình đã được chị thực hiện ba năm, cần mẫn, góp nhặt tuyển chọn, chuyển ngữ và dàn trang lên kế hoạch xuất bản, tiêu tốn nhiều năng lượng, thời gian và kinh phí và có thể đây là công trình tập hợp thơ duy nhất, lần đầu và lần cuối. Chị bảo: “Không có Cuộc chơi nào giống như vậy nữa, đủ rồi, phỉ chí rồi, đi làm việc khác mà vẫn gắn với dịch thuật”. Một công trình mang dấu ấn với việc tập hợp những bài thơ chọn ngẫu nhiên của hơn ba trăm tác giả, biên tập in ấn song ngữ để giới thiệu thơ Việt đến với độc giả yêu thơ trong và ngoài nước. Sự kiện ra mắt sách cũng đã được giới yêu thơ hưởng ứng trong nước tại Saigon, Một số nơi ở Tây Úc và nhóm thi hữu tại TP Houston thuộc bang Texas Hoa Kỳ. Sự kiện ra mắt sách cũng đã được nhiều trang báo mạng, Website VHNT trong nước và hải ngoại đăng bài giới thiệu.
Nội dung: Mở đầu là lời thưa của tác giả, tiếp theo là những bài thơ là những câu chuyện lòng của 304 tác giả được trình bày bằng tiếng Việt nguyên tác và tiếng Anh. Mỗi nỗi niềm, mỗi tâm sự riêng mang mà tác giả gửi gắm được Võ Thị Như Mai đồng cảm, chuyển sang tiếng Anh. Chị khiêm tốn không nhận mình là dịch giả, nhưng rõ ràng chị đã hoàn thành xuất sắc vai trò và tâm huyết của một dịch giả. Tôi nghĩ dịch nghĩa đã công phu rồi mà còn phải dịch sao cho ra thơ mà vẫn đảm bảo ý tứ, hồn cốt của bài thơ. Khi dịch thơ qua một ngôn ngữ khác là điều không hề dễ. Một khuôn hình mảnh mai mà ôm cả núi việc, thật là giàu năng lượng trong con người nhà thơ, nhà giáo và dịch giả Võ Thị Như Mai. Hãy nghe nàng tâm sự ở lời thưa đầu cuốn sách, lời lẽ khiêm cung, nhẹ nhàng mà đủ đầy ý nghĩa.
“Như Mai chỉ viết lại những bài thơ của các tác giả bằng tiếng Anh chứ không dám nhận mình là người dịch thuật. Đây là dự án được thực hiện trong ba năm, nên những bài thơ về sau Như Mai nghĩ rằng được viết bằng tiếng Anh mượt mà hơn những bài viết trước. Mong rằng các tác giả cũng như bạn đọc đón nhận cuốn sách với nhiều niềm yêu thương.”
Lời giới thiệu sách của chị bằng tiếng Anh cũng thật đẹp. Tôi xem chị dịch ra mà có cảm thấy giác thật vui và thỏa mãn. Cách chị viết vừa nhẹ nhàng, vừa đẹp đẽ, vừa ý tứ, vừa cẩn trọng nhưng quan trọng nhất là tỏ lòng quý mến cũng như coi trọng vẻ đẹp ngôn ngữ Việt, để nhiều người nói tiếng Anh có dịp tiếp cận cũng muốn đọc, muốn sở hữu tập sách này.
Lần lượt thưởng lãm các áng thơ của từng tác giả trong tác phẩm này thời gian không chỉ một sớm, một chiều mà xong đâu, có khi đọc vài ngày, vài tuần, đọc lại vài tháng nữa mới xong, mỗi dòng tâm sự của các tác giả níu chân chúng ta ở lại với họ bao nhiêu lâu, thời gian tùy thuộc vào sự đồng cảm, niềm yêu thương từ người thưởng thức. Mỗi bài thơ là một tác phẩm nghệ thuật được viết ra từ cảm xúc, từ đam mê để gửi gắm tiếng lòng của mình. Mỗi tác giả có câu chuyện riêng của mình để kể với thi hữu và bạn đọc. Bài thơ nào được chọn ngẫu nhiên, lưu lại ở đây dù chưa phải là những bài hay nhất của tác giả đó nhưng đó là những bài được dịch giả- chủ biên yêu thích thì cũng nên đọc. Nhiều bài thơ hay ấn tượng, tôi không chỉ đọc một lần, cũng không thể trích hết vào trong bài viết này, mặc dù tôi rất ham hố, muốn trích dẫn hết cả 304 tác giả, mỗi tác giả đôi câu thơ mà tôi thích nhất (có lẽ việc này nếu được hẹn gặp lại ở một bài viết khác). Trong giới hạn của bài viết tôi cũng xin trích ngẫu nhiên một vài câu thơ của vài tác giả để minh chứng cho vẻ đẹp thi ca trong tác phẩm mà thôi. Có thể những bài chưa kịp trích biết đâu còn rung động hơn, phù hợp với tâm trạng của bạn hơn, điều đó để dành cho các bạn với thời gian không giới hạn: Xin trích một số câu thơ -dấu ấn của mỗi tác giả- những câu thơ khó quên sau khi gấp sách lại.
“Thanh âm hình chữ S/ Từ ngàn xưa, ông bà/ Tiếng Việt ơi, tiếng Việt/ Nuôi nhau bằng dân ca” (Trương Nam Hương)
Tiếp theo đọc những vần thơ chủ đề về mẹ nhé:
“Nếu như mai mốt không còn mẹ/Ai nhốt giùm ta những nỗi buồn/ Ai người xoa dịu lòng ta xót/Ai đón ta về nương náu tâm” (Mẹ- Trần Hồ Dũng)
“Đất nước nơi nào cũng nổi chìm dâu bể/ Nhưng chỉ quê hương mới có mẹ hiền” (Quê hương- Võ Thị Như Mai)
Thơ về quê hương, đất nước:
“Tôi muốn mang hồ đi trú đông/Mà không khiêng vác được sông Hồng/ mà không gói nổi heo may rét/ Đành để hồ cho gió bấc trông” (Trần Mạnh Hảo)
“Lần về thăm Huế xưa yêu/ Hình như đông chạm ít nhiều…nỗi em) (Võ Miên Trường)
“Bao năm chưa trở lại/ Mưa qua cầu Phú Cam/ Mưa qua dòng An Cựu/ Mưa xám trời quê hương” (Đường Lá Me- Trần Hoài Thư)
Viết về nỗi buồn của thi nhân, về nhân tình thế thái: thực ra thi nhân nào cũng có nỗi buồn riêng, không buồn không có thơ hay:
“Tôi đến với văn chương khi nỗi đau đã đầy, văn chương vực tôi dậy,…” (Hoa Mai)
“Chân dung là sự cô đơn, nỗi đam mê không bờ bến” (Hồng Lĩnh Phạm Thị Quý)
“Đi dăm bước đã cụng đầu ngõ tối/ Chẳng ngược dòng cũng biết phận bèo trôi/ …/Cả tấm lòng chân thật gởi cho ai/Cười ngoảnh mặt ân tình thua rượu nhạt” (Tần Hoài Dạ Vũ)
Thơ tình nhé mọi người:
Đôi mắt buồn của người yêu cũ/Như sao sa xuống vực hồn tôi” (Trần Dzạ Lữ)
“Tôi đã triền miên những đắm say/ Nổi chìm trong mắt biếc như mây” (Trần Quang Châu)
“Đêm về bỗng nhớ bâng khuâng/Nhớ người con gái trong ngần dáng hoa” Trần Quốc Vĩnh”
“Em thấy không cả đất trời mênh mông? Chỉ đọng lại những say nồng dấu ái” (Phong Trần)
“Thương người tiền kiếp đến nay/ Níu nhau chẳng vẹn buông nhau chẳng đành” (Dạ Vũ Nguyên Minh)
“Em bắt đền bến nhớ của tình duyên/ Cái nắm tay để tim thành bão tố/ Tiếng gió reo ngỡ người về bến cũ/ Xa thật rồi tri kỷ của ngày xưa (Hoàng Thị Bích Hà)
“Anh có biết vì đâu em yêu anh nhiều đến thế/ Mà chẳng cần hoa/ Chẳng tay nắm môi kề/ Chỉ có em trong miền thơ anh kể/ Cũng dạt dào cảm xúc đến say mê” (Phương Ngô)
“Ta quay quắt em ở chốn nao/ Nghe như trong quán rượu lao xao” (Lê Hữu Minh Toán)
“Anh về thăm sau năm tháng chen đời/ Có tất cả chỉ mất thời thơ ấu” (Hồ Thi Ca)
“Tôi chỉ là giếng khơi/Mạch trong từ thuở ấy? Úa thời gian lá rụng/ Phủ lên tôi kiếp người” (Nguyễn Đăng Hưng)
“Giọt lệ lênh đênh tìm giọt nước/ Điệu buồn cỏ mọn giọng hèn quen/ Về đâu thất thểu cùng đinh sĩ/ Gói cả trời xưa trong lá sen” (Lưu xông Pha)
Thơ nói về niềm vui hạnh phúc gia đình: “Niềm vui chan chứa biển sông/ Mầm xanh tươi thắm ẵm bồng nâng niu/ Thương yêu ừ nhé thương yêu/ Giữ gìn vun vén chắt chiu được mùa” (Lê Minh Quốc)
“Mỗi ngày một khác khung trời mới/ Giữ lấy mùa vui giữa sóng đời” (Phạm Ngọc Dũ)
“Từ hư không rơi xuống/ Nhẹ những cánh mai vàng (Thiên Di)
“Cám ơn những vần thơ/ Lót êm đường dài chân bước mỏi” (Nguyễn Thị Xuân Mãn)
“Rất kỳ lạ chiếc răng khểnh của em/ đã bao lần làm anh bối rối” (Nguyễn Quang Hà)
“Tình đầu …sao nó hay quên/ Mặc cho mưa ướt bắt đền cái ô” (Nguyễn Hùng Phong)
“Chiều rơi tràng hạt nắng vàng/ Tôi gom kết áo cúc hoàng tương tư (Huỳnh Duy Lộc)
Quan tâm đến môi trường cây xanh, lồng trong Bài thơ tình tháng bảy: “Giả sử cây xanh biến mất trong thành phố này/ Không gian lấy gì sớm mai xanh để thở/ Thời gian lấy gì đang trưa dừng chân ngồi lại/ Anh lấy đâu chiều về mang biếc vào thơ” (Lê Nho Quế Sơn)
Và những lời tự tình:
“Rồi về kiếp hạt bụi rơi/ Thơ còn ở lại muôn đời nhân gian” (Phạm Trung Tín)
“Ta góp nhặt cho đời thêm hoa trái…/Vui cùng bạn nụ cười đầy ưu ái/ Gửi vào thơ để lại tấm lòng” (Ben oh)
“Khi đọc tôi rung động trước chữ nghĩa, dù chữ nghĩa đó khởi đi từ một người không tên tuổi” (Đoàn Nhã văn)
“Trong bộn bề cuộc sống/ Hãy tìm vui cho mình” (Vĩnh Nguyên)
“Anh mơ thấy giữa lòng anh em ngủ/ Với nhịp đập đều đều thanh thản giấc mơ yêu” (Nguyên Hùng)
Thôi thì dẫu trọng dẫu khinh/ Ẩn dòng thơ gởi chút tình cho thơ” (Nguyễn Ngọc Hưng)
“Mưa có về bịn rịn buổi chia ly/ Sao Núi Chúa cúi mặt thương phút giây từ biệt” (Trúc Linh Lan)
“Em xin lỗi từ giờ không nhớ nữa/ Không ngóng trông chờ đợi những dòng tin” (Phạm Thị Diệu Thu)
Thơ dành cho những cuộc tình tan: “Nếu đã cạn cùng của yêu thương/ Trái tim không hướng về nhau nữa/ Nói một lời cho tử tế rồi đi” (Phạm Thị Hoài Thu)
Thơ về những cuộc tình tan hay nói gần hơn chút nữa là chủ thể trữ tình mang nỗi đau bị tình yêu phụ rẫy. Có lẽ là những vần thơ day dứt nhất, chạm đến con tim người đọc hơn cả. Nhưng vần thơ da diết, ngọt ngào chất chứa đắng cay nhưng nhẹ nhàng cao thượng.
Xin cảm ơn lời bạc của tình nhân/ Cảm ơn người đã cho ta những bài thơ bọc bằng suối lệ (Dung Thị Vân)
“May mắn cho em, anh đã chẳng phũ phàng hơn. Thêm chút nữa, chắc gì em sống được, thêm chút nữa chắc là bao nước mắt, không dễ gì em giấu giữa tim khô. Thêm chút nữa thôi em sẽ phải căm thù. Ta chẳng thể nhìn nhau dù giá lạnh... Em vẫn biết trơ lỳ, ngạo nghễ ngông nghênh. Em đã biết vô tâm trên chính đắng cay mình. Biết tàn nhẫn khinh mình dù day dứt. Em đã mất em rồi, anh thấy đấy, sỏi đá nặng tâm hồn, em lạc lỏng mà đi.
Và tất cả phải chăng là may mắn?” (Đinh Thị Thu Vân).
Đọc thơ của Phạm Thị Hoài Thu, Dung Thị Vân, Đinh Thị Thu Vân, tôi nhớ đến câu thơ của Nguyễn Thị Hồng Ngát: “Cảm ơn anh đã không tráo trở ngay từ phút đầu tiên/Để cho em được có thời gian ngộ nhận”.
Bài viết đã dài, nên xin dừng tại đây. Cuốn sách Nhịp điệu việt The Rhythm of Viet nam vẫn còn rất nhiều điều hay chờ bạn đọc khám phá, dăm bảy trang viết chưa lột tả hết vẻ đẹp của tác phẩm đồ sộ này. Xin cảm ơn chủ biên, dịch giả nhà thơ Võ Thị Như Mai cùng 304 tác giả góp mặt trong “Nhịp điệu việt”.
Saigon, ngày 2/4/2024
Hoàng Thị Bích Hà