HOÀNG THỊ BÍCH HÀ

 

Dzạ Lữ Kiều- tâm hồn thi nhân trong khí chất người lính
(Phần 2)

 
Không thể đem thành bại để luận anh hùng- phận người “trôi theo vận nước”, dù trong hoàn cảnh nào thì hồn thơ anh vẫn đầy nét hào sảng của người lính yêu hòa bình:
“Mà ta chí mỏng, tài trai
Quyết mài gươm để chống loài xâm lăng”
Nước non nặng gánh thề chung
Ra đi thỏa chí tang bồng trời mây”
(Giọt Huế mưa- Lời gió chướng)
“Quê hương ơi!
Nước mắt tuôn
Bao năm rong ruỗi con đường nghẹn đau”
(Giấc mơ trưa hè- Lời gió chướng)
Anh khắc họa thành công chân dung người lính dãi dầu phong sương là thế, mà vẫn hào hoa lãng mạn và rất đỗi ngọt ngào. Bộc lộ qua những vần thơ sau:
“Đâu rồi áo trận đã sờn vai
Giày lính còn lấm bụi đường dài
Mơ về phố thị cùng chung bước
Giọt cà phê, hương ngát bay”
(Cà phê nhớ- Giọt nắng phai)
Ý thơ anh đưa tôi liên tưởng đến câu thơ của Quang Dũng: “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Chất lãng mạn làm nên vẻ đẹp trong thơ tình của lính:
“Môi em như nụ hồng hàm tiếu
Để hồn tôi ngơ ngẩn suốt canh thâu”
(Chia tay- Giọt nắng phai)
- “Chỉ là ánh mắt em thôi
Sao tim ta đã chơi vơi đỉnh sầu
Huống em tặng nụ hôn đầu
Ta trả mấy kiếp thêm nhàu trái tim”
(Ánh mắt- Lời gió chướng)
Những tháng ngày trong quân ngũ, tình chiến hữu gắn bó thật đẹp, bên câu chuyện tâm tình là những kỷ niệm đẹp khắc sâu vào tâm khảm của nhà thơ- người lính.
“Thôi bỏ hết những ngày vui chưa lớn
Mai đứa về đồng lúa ngọt miền Nam
Đứa ra Trung xứ cằn khô sỏi đá
Để lên non nhận kiếp trâu cày
Hãy ngồi sát nhau hút thêm điếu thuốc
Tàn canh rồi ly rượu mãi chưa vơi”.
(Chuyện quân trường- Lời gió chướng)
Những năm tháng sau này, khi có dịp gặp lại những chiến hữu khi ngồi bên nhau, kỷ niệm lại ùa về. Hãy nghe anh trải lòng vào thơ một thời khói lửa, áo trận, hành quân gắn với đời lính gian truân mà cũng đầy bi tráng:
“Bạn bè nhắc lại chuyện thuở xưa
Rừng già đêm lạnh khúc giao mùa
Ba lô súng đạn trăng chếch bóng
Xào xạc rừng già lá vàng khô”
(Cà phê nhớ- Giọt nắng phai)
Khi đã dấn thân vào quân trường không biết ngày về, đành chấp nhận bỏ lại quê hương, người thương và đối diện với biệt ly.
“Người khoác lên mình màu chiến y
Bỏ lại quê hương nuối tiếc gì
Quân hành tám hướng người rong ruỗi
Tìm thú yên hà- Tống biệt ly”
(Chung thủy- Lời gió chướng)
Tôi chợt liên tưởng đến hình ảnh “Người ra đi đầu không ngoảnh lại” của Nguyễn Đình Thi.
Thi nhân- người lính ý thức được rằng đời lãng tử nay đây mai đó thì khó lòng giữ vẹn câu thề với tình riêng. Lấy vần thơ là điểm tựa, là cứu cánh khỏa lấp nỗi vui buồn. Hãy đến với những câu thơ tài hoa buồn nhưng rất đẹp rung động lòng người của Dzạ Lữ Kiều.
“Đời lãng tử mấy khi tròn ước nguyện
Khúc trăm năm cũng dang dở huống là
Thôi hãy dệt vần thơ chưa trọn
Để trong tim vọng nhớ- tình- xuân- xa”
(Chia tay- Giọt nắng phai)
Tàn cuộc chiến, anh trở lại với cuộc sống với bộn bề cơm áo, những vất vả đời thường của người lính trở về từ hậu chiến . Anh có những câu thơ chiêm nghiệm đầy khắc khoải ưu tư trước thành bại của cuộc đời.
“Đời ta áo trận sờn vai
Giày lính bung gót làm người đốt than
Lục bình ta trôi bơ vơ
Nghiệm đời dâu bể bên bờ đục trong”
(Về một bút hiệu- Giọt nắng phai)
Anh nói với cháu nội hay nói với chính mình:
“Đời ông kẻ sĩ lỡ thời
Lên rừng đốn củi trắng lời ước mơ”
(Đêm mất ngủ- Giọt nắng phai)
-"Bao năm …
Thành phế binh đời
Về đây…chốn cũ ta ngồi đếm mưa”
(Mưa phùn và nỗi nhớ- Giọt nắng phai)
Người thơ biết rõ mình là ai, mình làm được gì cho đời bằng những câu thơ gan ruột:
“Ta không rủng rẻng bạc tiền
Chỉ giàu lời dệt cõi riêng tình người”
( Tình thơ- Giọt tình quê)
Vậy cũng quý rồi thi nhân ơi! Tiền bạc đôi khi chỉ là phương tiện của cuộc sống chứ không phải là tất cả. Có thể có đó và hết đó nên cũng là phù du. Sự giàu có về tâm hồn là điều quý giá hơn, để cuộc sống tinh thần thêm phong phú. Những câu thơ tả thực khiến người đọc cũng quặn thắt lòng khi nhớ về những cơ cực của người thơ sau cuộc chiến, tha hương.
“Từ ngày rời bỏ quê hương
Về kinh tế mới - phượng hồng lỡ quên
Chồng vợ đen đúa gầy gò
Đốt than cưa củi…từng giờ gạo đong”
(Ru đời-vọoc đất)
Hai câu thơ: “Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt/ cơm áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu) quả rất đúng cho hoàn cảnh người thơ lúc này. Nhưng khi nghĩ về cố xứ anh vẫn thầm nguyện cầu cho Huế được bình yên nhất là khi mưa bão lại về.
“Ta người xa xứ đã bao năm
Nhớ hoài trong những chuyến về thăm
Nỗi lòng theo cánh chim mùa bão
Trời yên, biển lặng…nguyện trong tâm”
(Tháng tám bão về- Lời gió chướng)
Tết đến xuân về, nơi xa anh lại càng nhớ da diết:
“Nhặt giùm tôi chút nắng gầy
Bên thềm xuân Huế bao ngày cách xa
Gói thêm vài hạt mưa sa
Để thấm hương vị quê nhà nhớ quên”
(Tết- Giọt sương khuya)
Anh xê dịch nhiều, cứ đi và viết nên những vùng đất nào anh có dịp đặt chân tới đều để lại dấu ấn trong thơ. Những địa danh Sài Gòn và Miền Tây Nam Bộ: Rạch giá, Sa đéc, Đồng Tháp, Hà Tiên đều được anh nhắc đến trong bài thơ dọc đường gió bụi- tập thơ Giọt Nắng Phai.
Tổng kết lại đời mình anh có nhận xét dí dỏm nhưng rất đúng: lãng tử, ngọt ngào, lãng mạn để làm thơ.
- “Tôi lãng tử
thích ngọt ngào
Câu thơ viết tặng ngày đầu mới quen”
(Ví dụ ta quen nhau)
Đã gần hai mươi lăm năm năm nay, anh đã và đang làm biên tập cho tạp chí Vô Ưu. Vì thế được tiếp cận với văn hóa Phật Giáo nên chất thiền ngấm và hồn thơ anh rất rõ nét:
“Đời là một chuỗi vô thường
Có không…không có con đường trải qua”
(Hướng tu-Lời gió chướng)

 Lời kết
Thơ Dzạ Lữ Kiều được viết ra bởi cảm xúc rất chân thành, tự nhiên bật ra câu chữ nên cách dùng từ của anh gần gũi với đời thường. Ngôn từ dung dị cũng chân chất giản dị như chính con người đời thực của anh. Anh sử dụng phương ngữ, có những từ mà có lẽ chỉ dân miền Trung mới hiểu như “ đùm” “Vọoc bùn”. Có lẽ vì vậy mà thơ Dzạ Lữ Kiều bên cạnh những bài thơ hay, câu thơ hay còn có những bài, những câu thơ chưa thực sự ấn tượng. Tuy nhiên nếu đọc kỹ vẫn tìm thấy những điều thú vị. Và trong số lượng sáng tác phong phú của anh người đọc dễ dàng tìm thấy nhiều bài thơ hay, nhiều câu thơ tâm đắc mỗi khi mình có cùng tâm trạng. Điều đáng quý là nhìn chung tất cả những sáng tác của anh đều được viết bởi cảm xúc chân thành. Thơ Dzạ Lữ Kiều phản ánh cuộc sống, là những trang viết về cuộc đời về nhân tình thế thái rất chân thực, đầy tính nhân văn. Như chúng ta đã biết thơ được hình thành bởi ba yếu tố chính là cảm xúc, ngôn từ và kỹ thuật. Trong đó cảm xúc là yếu tố quan trọng nhất trong thi ca, để chạm đến trái tim, và đi vào lòng người đọc phải là tiếng nói từ trái tim của người nghệ sĩ. Thơ Dzạ Lữ Kiều chân chất, giàu tính nhân bản vừa rất đời mà cũng không kém phần ngọt ngào, lãng mạn. Cảm hứng trữ tình và tự sự được anh đan xen cài cắm một cách hài hòa. Hình ảnh, thi liệu thơ quen thuộc nhưng được anh chọn lọc đưa vào thơ rất hợp lý, kết hợp với cách dùng từ lập ý có giá trị biểu đạt cao. Anh đã vận dụng các biện pháp nghệ thuật để chuyển tải nội dung cần diễn đạt rất biểu cảm.
Trong gần trọn cuộc đời cầm bút của mình, nay anh đã bước sang tuổi tám mươi nhưng anh vẫn miệt mài với công việc biên tập và sáng tác. Vẫn tiếp tục cống hiến cho đời bằng lao động nghệ thuật nghiêm túc, cần mẫn. Nay mái tóc đã phai màu theo thời gian nhưng niềm say đắm với thi ca thì vẫn nguyên vẹn như thuở mới vào đời. Mong thi nhân có được nhiều sức khỏe! Và người đọc chúng ta đón chờ những tác phẩm mới của anh trong thời gian tới!

Sài Gòn, ngày 25/6/2022
Hoàng Thị Bích Hà

 
 

 
 

 
 
 
 

 
 


  Trở lại chuyên mục của : Hoàng Thị Bích Hà