HOÀNG THỊ BÍCH HÀ


 
Bình thơ:
"RĂNG CỨ ĐÒI THƯƠNG HUẾ" 

Tựa đề bài thơ hé mở cho người đọc là niềm thương, nỗi nhớ khắc khoải không nguôi của người con xứ Huế xa quê. 
Mở đầu bài thơ là một câu hỏi tu từ: 
" Huế có chi mô mà đòi thương dữ rứa?" 
Dạ thưa Huế cũng bình thường thôi chỉ là:"Dải đất hẹp Trường Sơn ra tận biển" 
Thời tiết Huế với mưa dầm cả tháng, với:"Hạ nắng cháy mình mùa đông lạnh cắt da" thiên tai bão lũ cũng thường. 
Biết là vậy: 
"Nhưng khổ quá 
Tui cũng là dân Huế 
Đã xa quê khi mới nửa đời người 
Nơi đất khách có đủ điều mơ ước 
Rủng rỉnh lợi danh tưởng quên được Huế rồi"

Tác giả đã từng đi nhiều nơi trên trái đất này, được ngắm nhìn biết bao phong cảnh - đẹp ,hữu tình , lộng lẫy và kỳ vỹ... hơn Huế rất nhiều: 
"Tui đã tới đã đi nhiều xứ lạ 
Cũng lặng nhìn bao cảnh đẹp kiêu sa"
 
Con người và xứ sở ở những nơi tác giả từng đến có lẽ cũng thân thiện, cũng gắn bó với tác giả: bạn bè, đồng nghiệp và những người xung quanh bên trời Tây cũng dành cho tác giả bao nỗi niềm thương mến! Nhưng có lẽ sức quyến rũ, nhớ thương mãnh liệt day dứt với tác giả chỉ có thể là Huế! 
"Ma quỷ bắt cứ đăm đăm về Huế 
Nhớ nhịp cầu thổn thức với dòng Hương"

Xa xôi là thế cách nửa vòng trái đất mà sao (ánh nhìn) cứ "đăm đăm về Huế". Tận cõi lòng nghe cả tiếng "thổn thức" của từng nhịp cầu Trường Tiền tỉ tê bên dòng Hương thơ mộng. Ở đây tác giả chỉ đưa ra hình ảnh" nhịp cầu" và " dòng sông" nhưng nỗi nhớ của tác giả không chỉ dừng lại ở đó mà hình ảnh núi Ngự, Chùa Linh Mụ, những con đường đi về trong Thành Nội, bến Đập Đá, vườn cây thôn Vỹ... hay những kỷ niệm với bạn bè chiều Thiên An ngày ấy cũng thường trực trong nỗi nhớ xa quê:
 "Núi Ngự hong buồn chao sợi nắng
 Sông Hương trải nhớ vọng đôi bờ"  
( Việt Trang) .                                        
Tác giả nhớ đến Huế từ những nét ẩm thực đời thường như  
"Tô cơm hến dĩa xôi mè buổi sáng
 Cháo gạo nghèo răng thương Huế rưng rưng"
 . Vâng giản dị thôi! Từ những bữa sáng nhẹ nhàng "Tô cơm hến" hay " cháo gạo nghèo" mà nuôi dưỡng biết bao nhiêu con người trưởng thành, trong số đó có không ít nhân tài đã ra đi từ Huế và thành danh trên xứ người. Nỗi nhớ Huế rưng rức đến nao lòng của người xa xứ.Trong bài thơ tác giả không hề nhắc đến bóng dáng của giai nhân nhưng qua "Nét Huế không đến từ đôi mắt", tôi chợt nghĩ đến những cô gái Huế nhu mì đoan hạnh không soi mình qua gương mà soi mình qua ánh mắt người thương
“Trầm tư, nhu nhã, con người Huế 
O Tím áo dài.."mô" dệ thương!” 
By Anne Sandra Anh Ton
(Huyền Tôn Nữ Trâm Anh) 
Gái Huế với đầy đủ công- dung- ngôn- hạnh và cả cầm- kỳ- họa để cho bao thi nhân mặc khách đến Huế một lần rồi ngơ ngẩn tơ vương! 
Đến đây thì nỗi vấn vương khắc khoải về xứ Huế đã phần nào lý giải. 
"Nhưng nét Huế không đến từ đôi mắt 
Tự trong lòng sâu thẳm Huế lan ra"
 
Vâng đúng vậy bởi vì Huế đã ở sẵn trong nỗi nhớ niềm thương và từ trong sâu thẳm của ký ức tác giả là hình bóng Huế- kinh đô đế vương của một thời "Im ắng mãi tượng đài cổ tích" vẫn uy nghi trầm mặc bên bóng nước Hương giang.Nét trang đài trong cốt cách cung đình Huế và nét dịu dàng lãng mạn của dòng Hương,có lẽ đã làm nên tính cách con người xứ Huế sâu kín,đằm thắm, trang đài nhưng đầy lãng mạn và thi vị đó chăng? 
"Huế ngập ngừng như lời ngỏ tình nhân 
Mắt rơm rớm cắn môi là đã nói.."
 
Huế đa cảm, dễ mũi lòng nhưng cũng đầy ý tứ ,rồi cả tiếng "dạ thưa!" ngọt ngào xứ Huế: sẽ " không hẹn hò"mô mà nhớ tới cả "trăm năm" . 
" Bởi rứa mới đi mô rồi cũng chộ 
Bàng bạc trên đầu cũng Huế thôi 
Sông Hương núi Ngự luôn chờ đợi 
Những gót chân xa hẹn bữa về ''
 
(Trần Hồng Tầm) 
Huế không có "chi cả", không "có chi" để vấn vương là thế!
Bốn câu cuối của bài thơ là một sự gói gọn những lý giải dù có dài đến ngàn trang cũng không nói hết về Huế và tại sao thương Huế nhiều đến thế!
"Không chi cả mà nghe đời rất Huế 
Hạt bụi hồng thiên cổ vọng bao la 
Trong giọt nước chứa linh hồn biển cả 
Nên Huế gần mà Huế cũng rất xa"
 
Dạ vâng "Huế rất gần" vì Huế ở ngay trong tim của tác giả (và những người xa Huế) "mà Huế cũng rất xa " vì bây giờ tác giả đã xa Huế rồi, vời vợi phía trời Tây! 
Huế ,ngày 27/12/2017 
Bich Hà
Xin mời đọc giả thưởng thức đầy đủ bài thơ:

RĂNG CỨ ĐÒI THƯƠNG HUẾ 
(Tác giả: Trần Kiêm Đoàn)

RĂNG CỨ ĐÒI THƯƠNG HUẾ

Huế có chi mô mà đòi thương dữ rứa
Hạ nắng cháy mình mùa đông lạnh cắt da
Dải đất hẹp Trường Sơn ra tận biển
Cuối tháng mười bão lụt cũng không tha

Nhưng khổ quá 
Tui cũng là dân Huế
Đã xa quê khi mới nửa đời
Nơi đất khách có đủ điều mơ ước
Rủng rỉnh lợi danh tưởng quên được Huế rồi

Ma quỷ bắt cứ đăm đăm về Huế
Nhớ nhịp cầu thổn thức với dòng sông
Tô cơm hến dĩa xôi mè buổi sớm
Cháo gạo nghèo răng thương Huế rưng rưng

Tui đã tới đã đi nhiều xứ lạ
Cũng lặng nhìn bao cảnh đẹp kiêu sa
Nhưng nét Huế không đến từ đôi mẳt
Tự trong lòng thăm thẳm Huế lan ra

Im ắng mãi theo tượng đài cổ tích
Huế ngập ngừng như lời ngỏ tình nhân
Mắt rơm rớm cắn môi là đã nói
Không hẹn hò mà nhớ tới trăm năm

Không chi cả mà nghe đời rất Huế
Hạt bụi hồng thiên cổ vọng bao la
Trong giọt nước chứa linh hồn biển cả
Nên Huế gần mà Huế cũng rất xa

Chiều mùa Thu Natomas Park 11-2017
Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn
 
 
  Trở lại chuyên mục của : Hoàng Thị Bích Hà