HOÀNG THỊ BÍCH HÀ
 

Chợ Truyền Thống Mở lại
Niềm Vui Của Người Nội Trợ

( Tùy bút)
 
Thời gian vừa qua kể từ lúc đợt dịch covid lần thứ 4 bùng phát ở Việt Nam. Một số địa phương tính từ đợt giãn cách đầu tiên ngày 31/5/2021, tuần đầu vẫn còn có thể mua bán những mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm. Nhưng sau đó thì cấm hẳn, cũng là biện pháp chẳng đặng đừng để hạn chế dịch bệnh lây lan. Người bán, người mua đều khổ như nhau. Người bán không có thu nhập. người mua không có để dùng, mà chống dịch thì cần ăn uống bồi bổ để có sức đề kháng, hoặc lỡ có ốm thì càng cần đáp ứng dịnh dưỡng hơn. Thời gian này chợ truyền thống ngoài trời đóng cửa chỉ còn các siêu thị vẫn hoạt động. Nhưng tâm lý vào trong siêu thị thì môi trường khép kín cũng rất đáng lo ngại về độ lây nhiễm
Người dân ở tâm dịch mòn mỏi đợi chờ hết 2 tuần giãn cách này đến 2 tuần khác…và kéo dài mãi cho đến 30/9/2021. Nơi tôi cư ngụ là ròng rã 4 tháng không có chợ. Không nói hết những khó khăn thiếu thốn của cuộc sống. Thực phẩm bỗng trở nên khan hiếm, giá cả tăng vọt. Không còn cách nào khác thì phải mua hàng qua mạng. Nhưng tôi đặt hàng qua đường link trên ứng dụng zalo thì 5 ngày sau mới có phản hồi mà phản hồi bằng cuộc gọi là:
- Chị ơi hết hàng. Chị có để đơn hàng đây thì có thể mai em giao hàng được không? Hay là chị hủy đơn?
Tôi thất vọng trả lời:
-Thôi hủy đi em! Chị chờ 5 ngày nản rồi! Chị không có kiên nhẫn đợi lâu hơn!
Tổ trưởng dân phố có thông báo ai cần nhờ đi chợ hộ. đăng ký trước vài ngày, ghi mặt hàng cần mua, nộp tiền trước, sẽ có tình nguyện viên sắp xếp thì hôm sau hoặc hôm sau nữa mới có hàng. Dù người đi chợ hộ nhiệt tình nhưng hàng cần mua, cũng lúc có lúc không.
Vậy thì săn lùng mua hàng trên mạng của tư nhân, mua online cũng cái được cái không. Thực phẩm không đẹp như ảnh chụp giới thiệu. Lại còn cân không đúng trọng lượng, giá cả đắt gấp rưỡi, gấp đôi ngày thường! Có khi thịt ôi thiu, cá ươn rau già và héo queo không dùng được.

Đầu tháng 10, Sài Gòn đã đi qua đỉnh dich, số ca nhiễm, số ca tử vong đã giảm xuống rõ rệt. người dân cũng đã hoàn hồn sau những gì khốc liệt quét qua. Chợ truyền thống mở lại báo hiệu bình thường mới sau đại dịch covid 19. Đó là niềm vui nhất của người nội trợ- những người trực tiếp chăm lo bữa cơm cho gia đình. Khi lòng tin chao đảo thì phải cứ người thật việc thật cho chắc ăn. Hàng trực tiếp thấy tận mắt và tự mình lựa chọn, kiểm nghiệm theo ý người dùng là tốt nhất. Theo một thống kê chưa đầy đủ thì hiện nay vẫn có tới 70% người dân có thói quen đi mua thực phẩm ở chợ truyền thống. Mặc dù trong xu thế phát triển, những loại hình kinh doanh hiện đại như siêu thị, các trung tâm thương mại mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng với nhiều tiện ích, hàng hóa phong phú đa dạng hơn, sản phẩm rõ nguồn gốc và khỏi mặc cả. Thỉnh thoảng cuối tuần dạo siêu thị một đôi lần để mua sắm cũng là điều thú vị với môi trường giao dịch văn minh (tuy cũng chỉ có xếp hàng tính tiền hơi lâu nếu khách đông). Có những mặt hàng tiêu dùng ở siêu thị rẻ hơn ở chợ. như xà phòng, dầu gội… Ngoài ra còn có những mặt hàng ngoại nhập mà ở chợ không có.
Tuy nhiên thực phẩm tươi sống, rau củ quả ở chợ vẫn tươi hơn. Có nhiều ý kiến cho rằng ở chợ thì thực phẩm tươi sống hay trái cây, rau củ quả không đảm bảo an toàn thực phẩm, sợ ngâm hóa chất…điều này có thể không sai. Ở siêu thị thì hàng nhập vào ghi rõ nguồn gốc, có thể an toàn hơn. Nhưng nói như thế không có nghĩa là ở siêu thị thì thì hàng hóa nhập vào đều đảm bảo độ an toàn 100% được. Đó là điều không dám chắc. Có lần, tôi cũng đã mua phải hàng hỏng hóc, hết date không dùng được. Đời sống của người dân tùy thuộc vào cơ quan quản lý thị trường và cục an toàn thực phẩm ra tay chứ biết sao giờ.

Chúng tôi đi làm về thì tiện đâu mua đấy. Gần chợ thì đi chợ, gần siêu thị thì mua siêu thị cũng ok với điều kiện cuộc sống bình thường hóa. Nhưng khi dịch chưa hoàn toàn chấm dứt thì môi trường hoạt động mua bán diễn ra trong phòng lạnh vẫn là điều đáng ái ngại.

Tôi chưa có điều kiện để đi nhiều nơi trên thế giới mà có đi một đôi nước thì cũng chỉ cưỡi ngựa xem hoa, chuyện ăn uống do Tour Du lịch đặt sẵn nên chưa có trải nghiệm chuyện chợ búa bếp núc.
Duy chỉ có khi qua Singapore vào cuối năm 2019 là tôi đã có dịp trải nghiệm ở lĩnh vực cơm nước chợ đò vì ở đó 5 tháng với các con tôi. Chuyện ăn uống ở hàng quán trong một ngày 3 bữa, nếu dùng số tiền đó tự đi chợ nấu ăn có thể dùng được 3 ngày, lại hợp khẩu vị, cảm giác ngon theo ý mình. Thế là sau những ngày lang thang một vài hàng quán cho biết, tôi đi mua thực phẩm tươi sống, rau củ quả về tự chế biến. Khi thì đi siêu thị ( supermarket) Lúc thì đi chợ truyền thống bên này gọi là Wet market để chỉ chợ bán đồ tươi sống.
Ở siêu thị có thể thanh toán tự động hoặc tới quầy nhân viên thanh toán. Tiện đâu làm đấy. Nhưng cũng phải để ý một chút, có khi hóa đơn cũng bị tính trội lên đến 5- 7$ tiền Sing thì thấy không nhiều nhưng cũng tương đương với 85000đ – 120000đ tiền Việt. Lâu lâu một lần thì có thể cho qua nhưng nhiều ngày nhầm lẫn cộng lại thì thiệt hại không nhỏ. Hơn nữa cũng nên phản hồi để lần sau họ lưu ý hơn. Mình báo lại thì nhân viên sẽ quay lại quầy kiểm tra giá tiền và vui vẻ lịch sự trả lại tiền với lời xin lỗi vì nhầm lẫn. Có thể hàng hóa thay đổi liên tục nên họ chưa kịp cập nhật giá mới. Có cả những lúc số tiền thanh toán thấp hơn giá trong các kệ hàng một chút do đã được chiết khấu giảm giá.
Mấy tháng đầu năm 2020 tôi ở Sing gặp trúng đợt dịch covid bên đó nên cũng bị giãn cách nhưng siêu thị hàng hóa vẫn đầy đủ. Mỗi người đi siêu thị chỉ được mua đủ dùng chứ không được mua trích trữ. Ví dụ gạo mua mỗi người một bao 5kg-10kg chứ mua 2 bao là họ không bán. Như vậy để đảm bảo nguồn hàng phân phối đều, ai cũng có. Ở Sing có hệ thống siêu thị của nhà nước, giá cả bình ổn. Tuy nhiên các loại thực phẩm thủy hải sản, kể cả các loại thịt thì ở chợ (Wet market) vẫn tươi hơn. Điều này không khác gì ở Việt Nam.
Và nói gì thì nói, chợ truyền thống vẫn là một nét văn hóa khó phai của người Việt. Với góc nhìn của người nội trợ, tôi vẫn thích đi chợ truyền thống hơn, nếu chỉ cần mua đồ về để phục vụ bữa ăn trong gia đình. Vì lý do thực phẩm thịt cá… tươi hơn và môi trường hoạt động ngoài trời thoáng, đỡ lo hơn trong phòng lạnh
Tuy nhiên ở chợ phải chọn những nơi bán hàng uy tín, chất lượng và giá cả hợp lý, thái độ tôn trọng khách hàng của người bán mà người mua hài lòng qua trải nghiệm.

Chợ truyền thống được hoạt động trở lại là niềm vui của chúng tôi- những người trực tiếp chăm lo bữa ăn cho gia đình.
Mong rằng đợt dịch sớm qua đi và đừng bao giờ trở lại để các ngôi chợ truyền thống hoạt động bình thường cho phố phường thêm sầm uất, đời sống người dân được đáp ứng nhu cầu chính đáng. Và qua đây cũng mong chợ truyền thống dần nâng cấp, cải tạo môi trường mua bán tiến tới tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm. Phục vụ tốt hơn nhu cầu mua sắm ngày càng văn minh của người tiêu dùng.
Sài Gòn, ngày 13/10/2021


  Trở lại chuyên mục của : Hoàng Thị Bích Hà