HOÀNG THỊ BÍCH HÀ


 
 
Đến Với Bài Thơ Hay
“CHUYỆN NGƯỜI LƠ ĐÃNG”
Của Tác giả TẦN HOÀI DẠ VŨ
 
 
          Khi đi qua những năm tháng của cuộc đời, có lẽ người ta có đủ chín chắn để chiêm nghiệm về tình yêu, về hạnh phúc và những gì trong cuộc sống, thì tựa đề bài thơ “ Chuyện người lơ đãng” có khác với quy luật này không?
 
Chúng ta hãy cùng đi sâu vào khám phá nội dung ý nghĩa của bài thơ để thấy sự hoài nghi ban đầu sẽ dẫn dắt chúng ta đến với những điều rất hợp lý và logic của bài thơ. Tại sao lại “lơ đãng”? Phải chăng “ Phút lơ đãng thuyền ai trôi qua mất “ đã dâng trào cảm xúc, hình thành nên một bài thơ viết về tình yêu dang dở của nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ (THDV).
 
Bài thơ đằm thắm nhẹ nhàng, ý tứ chân thành, giai điệu trầm buồn sâu lắng. Xuyên suốt bài thơ là niềm yêu, nỗi nhớ, khắc khoải mong chờ và hi vọng chứa chan.

Mở đầu bài thơ:

-“ Em là nắng của một mùa yêu muộn
Em là sông chảy mãi phía xuân thì ”


Hình ảnh “ nắng”, “ sông” là những sự vật thiên nhiên. Có nắng ấm để ta thấy cuộc đời tươi đẹp và ấm áp cõi lòng khi “ta” nghĩ tới “em”. “Sông chảy mãi phía xuân thì” làm mát dịu, vỗ về lòng người khi cuộc đời này còn lắm nỗi ưu tư. Nắng rất cần cho sự sống và dòng sông cũng quan trọng không kém. Hai hình tượng đó cho ta thấy “ta” cần “ em” và không thể thiếu tình yêu !“Em là nắng”, “là (dòng) sông” của lòng anh, là hình ảnh so sánh ngang bằng để thấy rằng “em”( nhân vật trữ tình) trong “tôi”( tác giả) quan trọng biết nhường nào!
 
Khi bình thơ chúng ta thường dựa trên văn bản thơ. Ở đây, khi tác giả đưa bài thơ đến với bạn đọc (trên trang facebook của tác giả), có kèm theo hình ảnh mình họa, thì chúng ta không thể không lưu ý điều này: Đó là hình bóng Huế, là Hoàng thành lung linh về đêm, là dòng Hương, là nhịp cầu Trường Tiền và dáng trang đài của thiếu nữ Huế! Hình ảnh Huế. Phải chăng nỗi nhớ thi nhân lại trở về với Huế, với “tiếng dạ, tiếng thưa” ngọt ngào xứ Huế, có khi chưa hẹn hò mà nhớ tới trăm năm. Có thể đây là một mối tình vô vọng chăng? Hay người ấy đã sang ngang và mối tình dang dở nên lời thơ mới day dứt đến thế?

Em là nắng của một mùa yêu muộn” Có thể đây là ước nguyện của mùa thu cuộc đời trong sáng tạo nghệ thuật nhằm chia sẻ nỗi niềm, chút vui lạc quan muộn mằn hay tình yêu đó xảy ra trong cuộc sống hiện thực thì nó vẫn thật huyền diệu. Bởi tình yêu bao giờ cũng đẹp như cổ tích. Bởi vì “Tình yêu đẹp của một thời son sắt / cho đến khi tóc ngã bạc phai màu/ ta vẫn nhớ về nhau muôn nỗi nhớ”( Dương Hòa Lê). Có lẽ hình bóng ấy vẫn ngự trị trong ký ức của tác giả cùng với cả bầu trời kỷ niệm của những ngày thân ái bên nhau không thể phai mờ theo năm tháng. Tình yêu đẹp, lãng mạn đắm say, như tình yêu của loài người muôn đời vẫn thế, nhưng tránh sao khỏi những dang dở chia xa. Để duyên tình lỡ bước không biết là tại “anh” hay vì “em”? Nhưng sự thật là anh vẫn một mình phía ấy không em.

Nỗi nhớ của thi nhân cứ dâng đầy lên từng câu từng chữ:

- “ Cố dặn lòng mong nhớ buổi ra đi
Cho năm tháng không thành câu đưa tiễn “


Mặc dù nỗi nhớ mong, nhưng tác giả cố kìm nén, cố dặn với lòng mình để năm tháng không còn day dứt nữa, để khỏi đối diện với phút giây đưa tiễn tình em vào xa vắng.

Trong bài thơ, tác giả không hề miêu tả đến “nhân vật trữ tình”, nhưng qua hình ảnh so sánh: “ Em là nắng” “ là sông”, là tình yêu, là nỗi nhớ vấn vương, là khắc khoải trong lòng thi nhân, thì tôi vẫn liên tưởng đến một dáng yêu kiều có nụ cười tỏa nắng, có ánh mắt biếc hồ thu và lời nói dịu ngọt như dòng sông thì mới có sức lay động tâm tư và chiếm ngự trái tim thi nhân đến thế!

Có thể nói số phận đã an bài. Thi sỹ và nàng thơ đã đi về hai hướng khác nhau. Nhưng bóng hình nàng thơ vẫn chiếm ngự trong trái tim thi nhân:

-“ Anh vẫn biết tình em không về lại
Sao cứ chờ trời bữa ấy mưa bay”


Những hình ảnh, sự vật “ mưa bay”,"đường không tạnh”, “đời vẫn gió”, “ sương xuống lạnh”… xuất hiện trọng bài thơ và được thi vị hóa để đảm nhận sứ mệnh chuyển tải nỗi buồn của thi nhân với cuộc tình còn dang dở. Yêu và nhớ là những cung bậc của tình yêu tha thiết. Đắm say lãng mạn là thế, nhưng cũng như chuyện tình muôn thuở trên trái đất này, sao tránh khỏi những trắc trở chia ly. Vì thế những câu thơ lại càng da diết và xót xa hơn.

-“Bàn tay ai bỏ lạnh đã bao ngày
Đường không tạnh khi người còn xa mãi”


“Bàn tay... bỏ lạnh” là một hình tượng nghệ thuật để nói đến sự cô đơn, trống vắng của thi nhân. “Mưa’ vẫn “ bay” và “đường không tạnh” là những sự vật minh họa cho nỗi buồn thi nhân khi “người còn xa mãi”. Nhân vật trữ tình trong thơ chưa trở lại, vẫn còn trong niềm hi vọng chứa chan.

-“ Mùa chưa đi và cửa đời vẫn gió
Biết ai về đỏ lại bếp đoàn viên”


Những hình ảnh đầy sáng tạo như “cửa đời vẫn gió”, “ bếp đoàn viên” làm cho ý thơ dù buồn nhưng vẫn đẹp. Đó là những hình ảnh đầy tính nghệ thuật rất đắt để tác giả chuyển tải cảm xúc một cách hiệu quả nhất. “Cửa đời vẫn gió” cuộc đời thi nhân vẫn hiu quạnh trong nỗi nhớ, mong chờ khắc khoải và khao khát đoàn viên. Nhân vật trữ tình của bài thơ có nghe được tiếng lòng của thi nhân không, có động lòng trắc ẩn hay không? Ta muốn hỏi rằng biết bao giờ thì hạnh phúc trở về với thi nhân trong mái ấm sum vầy “bếp đỏ đoàn viên” để nỗi buồn thôi hiện hữu? Nếu đây là mối tình vô vọng thì biết làm sao bây giờ? Nhưng biết một điều chắc chắn rằng nếu thiếu "em" cũng như màn sương lạnh phủ lên đời anh, phủ lên cả không gian hai miền: Miền đời thực và miền đời trong tâm khảm.

-“Đành thôi em sương xuống lạnh hai miền
Khi quay lại nghe lòng chiều chuông đổ”


Thi nhân đã quay lại đối diện với chính mình, với hiện thực cuộc sống và lắng nghe tiếng lòng thổn thức, nghe “lòng chiều chuông đổ”. Hình ảnh gợi nhớ tiếng chuông chùa trong buổi chiều cô liêu thật buồn, não nề biết bao từ xa xăm vọng lại, hay từ miền ký ức vọng về, càng tăng thêm nỗi cô đơn và nỗi buồn thê thiết.

-“ Anh cố níu một mùi hương quên lãng
Gọi sông xa về với buổi tương phùng”


Trong nỗi buồn xa vắng ấy thi nhân vẫn không nguôi hi vọng. Có thể nàng thơ đã xa thật rồi. Có còn phép màu nào không? Để “sông xa về với buổi tương phùng". Ai yêu mà chẳng mong chờ ngày gặp gỡ và mơ ước có nhau! Thi nhân có quyền yêu, ngay cả khi tưởng chừng như vô vọng. Có quyền gửi ước mơ nhung nhớ, đợi chờ của mình vào những vần thơ để thấy đời vẫn đẹp, cuộc sống vẫn tràn đầy ý nghĩa.

“Mong thuyền tình soi lại bóng trăng chung
Để chăn gối thương một người lơ đãng.”


Cái tài của tác giả là đã cài cắm, đan xen biết bao trầm luân trắc trở từng gặp trong cuộc đời (qua những hình ảnh trong bài thơ như: “cửa đời vẫn gió”, "sương lạnh", “mưa bay”) với hi vọng, với niềm tin và hơn hết là tình yêu bao giờ cũng là cứu cánh của cuộc đời. Vị ngọt của tình yêu như mạch nguồn của sự sống vẫn tha thiết vỗ về an ủi những ưu tư.

Góc nhìn của thi nhân rất tinh tế và sâu sắc, nên cảnh vật thiên nhiên đã đi vào thơ anh rất tự nhiên và rất có hồn. Bài thơ giàu hình ảnh và nhạc điệu, tràn đầy cảm xúc và giai điệu sâu lắng, trầm buồn của thơ tình vạn kiếp. Phải chăng chất men say của tình yêu làm nên rung cảm và xao xuyến trong thơ.

Có thể nói bài thơ “ Chuyện người lơ đãng” của nhà thơ THDV là những cảm xúc rất chân thành trước tình yêu dù còn dang dở… chưa chạm đến bến bờ hạnh phúc của sự tương phùng, nhưng anh đã gửi tới độc giả những vần thơ lãng mạn, thiết tha và vời vợi nhớ mong. Cuộc sống muôn màu, vẫn tràn đầy ý nghĩa khi ta vẫn còn mơ ước.

Hi vọng với sự say mê sáng tác, bằng hồn thơ dạt dào đa cảm của anh, trong thời gian tới, sẽ có nhiều bài thơ hay như thế đến với độc giả chúng ta!

Thành phố Huế ngày 12. 6. 2018
Bích Hà

Xin mời độc giả thưởng thức trọn vẹn văn bản bài thơ
·
CHUYỆN NGƯỜI LƠ ĐÃNG

Em là nắng của một mùa yêu muộn
Em là sông chảy mãi phía xuân thì
Cố dặn lòng mong nhớ buổi ra đi
Cho năm tháng không thành câu đưa tiễn

Anh vẫn biết tình em không về lại
Sao cứ chờ, trời buổi ấy mưa bay
Và tay ai bỏ lạnh đã bao ngày
Đường không tạnh khi người còn xa mãi

Mùa chưa đi và cửa đời vẫn gió
Biết ai về đỏ lại bếp đoàn viên ?
Đành thôi em, sương xuống lạnh hai miền
Khi quay lại nghe lòng chiều chuông đổ

Anh cố níu một mùi hương quên lãng
Gọi sông xa về với buổi tương phùng
Mong thuyền tình soi lại bóng trăng chung
Để chăn gối thương một người lơ đãng !

TẦN HOÀI DẠ VŨ

(Bài đã được in trong tác phẩm Tần Hoài Dạ Vũ TRI ÂM ĐỜI GỌI –trang 221 đến trang231, NXB Hội Nhà Văn tháng 8 năm 2018, in trong tác phẩm BÌNH LUẬN VĂN HỌC của tác giả Hoàng Thị Bích Hà từ trang 216-222  đăng trên trang art2all.net và trang vanchuongviet.org ngày24/9/2019 )
 
 


  Trở lại chuyên mục của : Hoàng Thị Bích Hà