HOÀNG THỊ BÍCH HÀ


Đọc Bài Thơ
HÃY QUÊN TÔI ĐI

Đến với tác giả có bút danh Ben Oh, tên thật là Hồ Bê. Anh sinh năm 1952 và lớn lên ở thành phố Huế. Hiện định cư tại tiểu bang Texas, USA .
Cuộc sống xa quê nên nỗi lòng anh gửi gắm trong thơ luôn đau đáu với Huế, với những hoài niệm đẹp thời thơ ấu , với mẹ hiền và cả khung trời kỷ niệm luôn hiện hữu trong thơ anh. Tác giả đã dụng công chắt lọc cảm xúc để có những bài thơ tâm đắc, giàu cảm xúc và hình ảnh. Lời thơ giản dị chân thành và dễ hiểu.
Ben oh là một trong những tác giả có nhiều thơ được phổ nhạc. Những ca khúc được sự phối hợp của các nhạc sỹ: Lê Thiên Nhã, Duy Vũ, Cao Huy Thế, Võ Phương Anh Lợi … đã chắp cánh cho thơ anh qua giọng hát của những ca sỹ tên tuổi của nền âm nhạc Việt Nam đương đại. Có thể kể ra đây những ca khúc: “Duyên số không thành”, “Huế và em”, “Về với em đi anh”, “Huế niềm mơ”, “Mười năm không gặp”, Đặc biệt ca khúc “Mẹ hiền ơi!” được ca sỹ Lê Minh Trung thể hiện đã làm lay động hàng triệu trái tim, nhân dịp lễ vu lan. Sau khi đăng tải trên Youtube.com đã nhận được hơn 10000 lượt xem. Có thể nói sự nghiệp sáng tác của anh đã có những thành công đáng ghi nhận.
Bài thơ “Hãy xa tôi đi" là một tâm sự buồn, mang sắc thái tình cảm của thi nhân: có buồn, có thất vọng, có cô đơn… có hờn dỗi nhẹ nhàng… của tác giả Ben Oh. Bài thơ như lời tâm tình nhẹ nhàng sâu lắng, chơi vơi buồn với mối tình không vẹn. Bằng phong cách sáng tác thơ tả cảnh ngụ tình cùng ý tứ chân thành. Anh giải bày tâm sự của lòng mình, đầy tính trữ tình. Bài thơ có lẽ được viết nên từ những cung bậc tình cảm dường như đang làm rối bời tâm trạng của thi nhân.
Mở đầu bài thơ tác giả viết:
“Tôi dẫu vẫn yêu em
Nhưng đôi mình cách trở
Chuyện tình không hồi kết
Bận lòng chi hỡi em?”

Anh vẫn còn yêu em nhưng có lẽ qua cảm nhận bằng sự tinh tế của con tim đã cho thấy hai tâm hồn đã không cùng chung một hướng hay vì một lý do nào đó mà đành cách trở đôi nơi. Hãy xem như câu chuyện đã qua rồi nhưng cảm giác để lại khi tình yêu tan vỡ qua cụm từ “đôi mình cách trở”. Chuyện tình không hồi kết để lại nỗi nuối tiếc chia xa của một tình yêu dang dở. Có thể đây là lời nhắn nhủ với một bóng hồng đã đi qua trong đời anh để lại nhiều tiếc nuối không nguôi. Em xa tôi có lẽ cũng chẳng nhẹ nhàng gì khi tác giả dùng câu hỏi tu từ “Bận lòng chi hỡi em?”
Rồi những kỷ niệm một thời trên “Ngỏ nhỏ”, “Bước chân quen” là hình ảnh ẩn dụ. Người xưa vẫn còn trong nỗi nhớ “Bên thềm xưa” có thể đôi bóng đã từng bên nhau vui đùa với từng đốm nắng hắt bóng bên hiên nhà. Nay cảnh cũ người đâu? Cả khung trời kỷ niệm gọi về. Làn tóc mây đen nhánh xỏa xuống bờ vai của một người, Hơi thở thân quen, lừng hương thiếu nữ.Thương ngõ nhỏ, thương bước chân quen, thương làn tóc xỏa và thương cả mảnh trời quê… Lòng tác giả xúc động trào dâng bởi vì trên thế gian này có gì hạnh phúc hơn tình yêu mà cũng có gì làm ta đau khổ hơn tình yêu? Những câu thơ đầy hoài niệm, nhiều man mác bâng khuâng.
“Ngõ nhỏ bước chân quen
Bên thềm xưa, giọt nắng
Yêu làn tóc mây xỏa
Thương cả mảnh trời quê”

Ngày đó đã xa rồi… xa dần như ánh chiều trôi của hoàng hôn sắp phủ. Cuộc chia tay nào mà chẳng buồn! Em hãy quên tôi đi! Còn lại anh là chủ thể trữ tình đơn côi trong lời thơ não nuột. Nghe rõ từng tiếng thổn thức của tấc lòng vẫn đầy vơi thương nhớ. Người ấy của thi nhân có lẽ vì một ý do nào đó ngoài ý muốn mà không thể cùng chung bước trọn đời, đành phải chia xa, không còn gì níu kéo cho một cuộc tình tan vỡ. Giọng thơ trĩu xuống tăng thêm nỗi buồn, cô đơn đang bủa vây tác giả.
Thi nhân buồn nhìn cảnh vật cũng buồn không kém. Khi “Ngày đông về trở gió”, mùa đông, mùa của mưa phùn ảm đạm mang theo gió lạnh se sắt lòng người. Có thể nào xót xa hơn, buồn hơn như khi nhìn “Mây lạc bước về đâu?” Đây là câu hỏi tu từ. Tác giả hỏi mây hay hỏi chính lòng mình? Thương người ấy và thương cả chính thi nhân? Và thi nhân đã bật lên nỗi lòng mình “mắt nhạt nhòa sầu tủi”. Mắt đã tràn ngấn lệ, người thơ hay cố nhân cũng trải qua những dằn vặt dâu bể, lòng bùi ngùi khi đối diện với niềm đau của cuộc tình dang dở!
Ngày đông về trở gió
Mây lạc bước về đâu?
Mắt nhạt nhoà sâu tủi?
Lòng bùi ngùi chia xa”

Phải chấp nhận một thực tế phủ phàng là duyện nợ không thành. Thi nhân buồn bởi chuyện tình chẳng may phải chia thành hai lối.
“Duyên nợ đã không thành
Mình đành chia hai lối
Một mối tình dĩ vãng
Thương lắm chẳng thành đôi”

Có phải là một sự dỗi hờn? Hay là sự thật phũ phàng cần phải đối diện. Cuộc tình có lẽ đến đây đã phải đặt dấu chấm hết rồi! Không thể cứu vãn khi thi nhân phải thốt lên rằng “Thương lắm chẳng thành đôi”. Yêu thương thật nhiều nhưng mà cũng như nhiều cuộc tình đẹp trên thế gian có phải chuyện tình nào cũng đơm hoa kết trái đâu.
“Em lau giùm ngấn lệ
Mà cất bước sang ngang
Tôi về chôn niềm nhớ
Vào góc khuất tim tôi!”

Phải chăng tác giả nhắn gửi thông điệp rằng: Tình dẫu hết nhưng ta cần phải sống vì cuộc đời còn đó những niềm vui, những điều thú vị khác. Em hãy lau khô dòng lệ mà cất bước sang ngang cho thuận với điều kiện, hoàn cảnh, thuận với không gian, thời gian của mỗi chúng ta. Tôi sẽ ổn mà! Không sao cả nghe em. Sẽ có cách đối diện với chia ly, với thực tế cuộc đời. Em hãy yên lòng mà bước sang một lối rẽ khác, lối rẽ không anh... Chúng ta cũng sẽ tiếp tục đi về phía trước của hành trình không nhau. Có thể hạnh phúc và thành công đang chờ ta ở phía cuối con đường. Như dòng sông vẫn tiếp tục chảy mãi để dâng cho đời nước ngọt với phù sa. Tất nhiên rồi! Thi nhân vẫn sẽ tiếp tục với niềm vui nghệ thuật. Và sẽ lấy lại cân bằng trong cuộc sống bằng đam mê sáng tác. Thi nhân sẽ chôn chặt nỗi niềm thương nhớ trong góc nhỏ tim côi. Kết thúc bài thơ tác giả muốn vỗ an lòng người ấy. Hãy yên lòng mà cất bước sang ngang. Anh cũng sẽ cất giữ vào hành trang kỷ niệm một nỗi nhớ niềm thương. Và cảm xúc trữ tình này đã được tác giả lưu lại trong một thi phẩm hay.
Tác giả Ben Oh rất yêu nghệ thuật văn chương. Mặc dù rất bận rộn với công việc thường nhật của bộn bề cuộc sống nhưng anh vẫn dành thời gian cho thơ. Anh sử dụng bút pháp hiện thực để viết. Cảm hứng thường bắt đầu những việc xảy ra trong cuộc sống. Với ngôn từ giản dị, không trau chuốt, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày, rất đỗi thân quen nhưng lay động lòng người.

Bài thơ HÃY QUÊN TÔI ĐI! Là bài thơ ngũ ngôn. Nhịp thơ ngắn đôi khi như tiếng nấc buồn, nghẹn ngào hay những lời hờn dỗi kết hợp với thi liệu vừa hiện thực vừa ước lệ tượng trưng. Nghệ thuật viết dùng các biện pháp như ẩn dụ, tu từ, ví von, …để diễn tả tâm trạng, gửi gắm nỗi lòng. Mặc dù đây là một bài thơ buồn, cái man mác bao trùm vì một chuyện tình không vẹn nhưng vẫn bộc lộ một tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống. Biết làm chủ bản thân, biết kìm nén, tìm lối thoát giải tỏa nỗi đau để cân bằng cuộc sống. Đó là điều rất đáng quý! Điều này có thể gọi là bản lĩnh với đời của thi nhân chăng? Hai khổ cuối bài thơ cho người đọc thấy rõ điều đó.
Trang viết của anh là ở những cảm hứng trữ tình thể hiện tâm hồn yêu cuộc sống, yêu nghệ thuật thi ca. Người đọc vẫn luôn đòi hỏi các thi nhân lao động nghệ thuật cần mẫn: chắt lọc cảm xúc, lựa chọn ngôn từ kết hợp hài hòa với tính nhạc, tính hàm súc trong thơ để cho thơ ít lời mà nhiều ý với hình thức diễn đạt đem lại hiệu quả truyền cảm. Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người yêu thơ!
Chúc cho anh tiếp tục sáng tác tạo ra những vần thơ giản dị vừa giàu âm hưởng trữ tình, vừa dồi dào ý nghĩa!
Sài Gòn, ngày 4/6/2019 - Hoàng Thị Bích Hà
Sau đây là văn bản trọn vẹn bài thơ:
HÃY QUÊN TÔI ĐI
***
Tôi dẫu vẫn yêu em
Nhưng đôi mình cách trở
Chuyện tình không hồi kết
Bận lòng chi hỡi em?

Ngõ nhỏ bước chân quen
Bên thềm xưa, giọt nắng
Yêu làn tóc mây xỏa
Thương cả mảnh trời quê

Ngày đông về trở gió
Mây lạc bước về đâu
Mắt nhạt nhoà sâu tủi?
Lòng bùi ngùi chia xa

Duyên nợ đã không thành
Mình đành chia hai lối
Một mối tình dĩ vãng
Thương lắm chẳng thành đôi

Em lau giùm ngấn lệ
Mà cất bước sang ngang
Tôi về chôn niềm nhớ
Vào góc khuất tim tôi!
Ben Oh
Texas USA, 06/3/2019
  Trở lại chuyên mục của : Hoàng Thị Bích Hà