HOÀNG THỊ BÍCH HÀ



HOÀNG TRỌNG BƯỜNG
Hồn Thơ Nồng nàn, Đa Cảm

1/Vài nét khái quát về thân thế của tác giả.  

Anh sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Nguyệt Biều, một mảnh đất giàu phù sa, nổi tiếng cho nhiều quả ngon trái ngọt. Ngôi làng hình thành khá sớm từ thế kỷ XV, bên dòng sông Hương thơ mộng và những câu hò, lời ru của mẹ đã hun đúc và nuôi dưỡng hồn thơ của anh…Anh thuộc dòng dõi họ tộc hiếu học đỗ đạt nổi tiếng khắp vùng. Truyền tụng qua câu Phong dao“ Ruộng đồng Di , thi Nguyệt Biều”. Thi Nguyệt Biều không ai khác chính là câu chuyện kể về hai chú cháu của gia đình họ Hoàng Trọng của anh. Dòng dõi bên nội của anh có hai ông chú  tiến sỹ làm quan dưới triều vua nhà Nguyễn:Ông Hoàng Trọng Từ đỗ tiến sỹ năm 1838 giữ chức Án sát tỉnh Quảng nam. Ông Hoàng Trọng Nguyên đỗ tiến sỹ năm 1847 làm quan tới chức tham tri Bộ Lễ.  
 Cha của anh cũng là một nho sinh làm chức viên ngoại. Bà nội của anh là hậu duệ của Ông Thân văn Nhiếp -  một nhà quân sự lỗi lạc, một vị quan cương trực thương dân ( Ông làm quan đến chứcTham biện lễ bộ, Lại bô, Binh bộ…). 
Anh theo học ban B nhưng rất yêu thích văn chương. Thời còn đi học  anh đã sưu tầm 500 bài thơ của các trác gia tên tuổi để ngâm nga lúc rảnh rỗi. Khi trưởng thành anh có duyên với thi ca cũng là điều dễ hiểu. Anh dấn thân vào con đường binh nghiệp, rày đây mai đó nên anh sáng tác chưa nhiều. Mãi sau này khi đã nghỉ hưu anh mới bắt đầu quay trở lại với niềm yêu thích và sáng tác thi ca.
Ngòi bút của anh có sự kế thừa trong truyền thống học hành khoa cử của gia đình vừa cộng thêm niềm yêu thích văn thơ.Anh viết khỏe, hầu như ngày nào cũng có một bài thơ . Tính đến nay có lẽ cũng hơn 500 bài.Đây là tập thơ thứ ba của tác giả Hoàng Trọng Bường. Sau khi các tập thơ: “Huế Trong Tim Tôi” , “Có Một Mùa Đông” được đông đảo bạn đọc đón nhận. Đó cũng là động lực để anh tiếng tục với những sáng tác mới.
2/ Tập thơ “Cánh  Phượng Ngày Xưa”  là tập thơ tình của tác giả. Thơ tình là một đề tài muôn thuở. Từ xưa dến nay biết bao văn nhân thi sỹ tốn không biết bào nhiêu giấy mực  cho đề tài này, nhưng thơ  của anh vẫn có nét rất riêng, có sức lôi cuốn hấp dẫn  với sự độc đáo giàu suy tưởng và chất men say trong ngôn ngữ thơ .Tựa đề bài thơ hé lộ một mối tình đầu đã lỡ vì biến cố. Vẫn không thôi day dứt nên anh chọn cách giải bài qua thơ. Tiếng nói của thơ trữ tình cất lên từ cảnh ngộ riêng tư của nhà thơ. Những góc khuất sâu kín được trải lòng qua thơ  nên dễ chạm vào tâm hồn bạn đọc có chung nỗi niềm.Thơ tình của anh  chiếm ưu thế, nổi bật và độc đáo trong các sáng tác của anh. Đó là tiếng lòng của thi nhân, là khát vọng về hạnh phúc, là tình yêu mãnh liệt, nồng nàn và say đắm. Là hoài niệm đẹp, nhiều man mác bâng khuâng…Hình ảnh người xưa không thể phai mờ trong tâm trí thi nhân. 
“Trên lối về anh vẫn còn nhớ mãi
Áo dài bay màu trắng với hoa cài
Cánh phượng hồng rực rỡ vẫn chưa phai
Bờ tóc ngắn phủ vai gầy một thuở.” 

( Thiên thần thất lạc
Những câu thơ được viết nên từ những cung bậc tình cảm buồn  thương  da diết, day dứt và nhớ tiếc không nguôi. Ta bắt gặp những câu thơ rất đồi chân thành:
“Kể từ ngày hai đứa mình thất lạc 
Anh bâng khuâng ôm hối hận dày vò 
Tự trách thầm sao mình quá ngu ngơ
Buông tay lỡ cho tình mình vuột mất. 

Từ giã em trong tháng ngày hấp tấp
Anh lang thang trên xứ lạ quê người 
Anh dại khờ bỏ lại Huế nụ cười 
Và ánh mắt yêu đương thời vụng dại.”
 
( Huế chiều mây
Ký ức gọi về, tạo nên cảm xúc trong những vần thơ trữ tình. Hình bóng cố nhân rất rõ nét:
“Anh không quên một người bạn nhỏ
Quên thiên thần anh gọi buổi quen nhau
Quên tiếng cười trong ngần theo nỗi nhớ
Khi chuyện tình kể lại thoáng vu vơ” 

(Vẫn mãi thiên thần)  
-“Trở lại ngày xưa chuyện chúng mình
Của thời hoa mộng áo thư sinh
Anh đem giấu kín tình yêu ấy
Trên cánh hoa màu cánh phượng xinh”  

(Thời hoa mộng)
Cách lập tứ không mới, có sự kế thừa của thi ca hơn nửa thế kỷ trước. Nhạc điệu trong thơ là nhịp điệu của tiếng lòng. Thơ anh giàu cảm xúc. Cảm xúc cư tuôn dào dạt đôi khi vần điệu, niêm luật đôi khi sợ làm ngăn chặn dòng cảm xúc từ trái tim. Thơ tình anh viết có đan xen giữa cảm hứng tự sự và cảm hứng trữ tình một cách hài hòa. Giai  điệu  nhẹ nhàng đằm thắm và man mác một nỗi buồn của câu chuyện tình dang dở.Đôi khi tôi chợt nghĩ nếu không có nghệ thuật thi ca thì nỗi buồn của thi nhân biết gửi gắm vào đâu? 
-“Chỉ có thế thôi đủ hiểu là
Đường tình ngăn trở bởi chia xa
Cho nên thương tiếc niềm yêu ấy
Chỉ nhớ về nhau ở khoảng xa ...

(Thời hoa mộng)  
“ Không sóng lớn gió to không là biển / Chẳng nhiều cay đắng chẳng là yêu”
(Puskin).
Tình yêu có phải bao giờ cũng đơm hoa kết trái. Vì không phải cứ yêu là chung lối trọn đời nên làm sao tránh khỏi những lỡ làng đau xót, chia xa… Vì vậy tình yêu chân chính luôn khao khát vươn tới hạnh phúc. Đôi khi chỉ còn là hi vọng mong manh, vẫn mãi kiếm tìm trong kỷ niệm.
“Anh tìm lại thời gian ngày xưa ấy
Lật tung ra từng kỷ niệm con đường
Trên lối mòn hoa, cỏ có còn vương
Vài hơi hướng mà hai ta chung bước”
( Lỡ muộn)
“Gởi lại cho nhau những đợi chờ
Màu hồng cánh phượng áo dài xưa”

 (Cho dẫu ) 
Hoài niệm có lẽ là nỗi niềm thường trực trong thơ anh. Tập thơ tái hiện cả khung trời kỷ niệm đẹp không phai mờ trong tâm trí thi nhân.
“Anh nhớ mãi lời xưa em thủ thỉ
Bên tai anh bách bộ dưới hàng cây
Cánh phượng hồng in đậm nét trời mây
Và phố Huế ngày xưa chung hai đứa”

(Tình biển động) 
Và dù chuyện tình dang dở , anh vẫn không nguôi hi vọng ngày hạnh ngộ đoàn viên. Và hình như trong chặng đường lữ thứ thi nhân không phải là không gặp gỡ bóng hồng nào…nhưng có lẽ “cánh phượng ngày xưa” khó thay thế trong lòng tác giả. Nên tấm lòng nhà thơ vẫn dành một chỗ đứng cho em ...và em-nhân vật trữ tình trong thơ trở về thì có lẽ “vầng trăng mới thôi khuyết”. và hạnh phúc mới trọn vẹn.
“Bây giờ mưa đổ lại không em
Mưa đổ tuôn ra mọi nỗi niềm
Ướt sũng cõi lòng anh bỏ ngỏ
Lâu rồi không khép để chờ em” 

(Chiều mưa và nỗi nhớ )
 
Cảnh vật là một chiều mưa tầm tã cũng làm thao thức tâm hồn thi nhân. Nỗi nhớ ngày nào lại có dịp sống dậy, day dứt  mãi không thôi… Cuối cùng cũng chỉ nhớ và mong không sao lay chuyển được. Tác giả có những câu thơ hờn dỗi rất đáng yêu:
“Anh bắt đền em đó biết không
Tại sao cứ nhớ mãi trong lòng
Anh tìm mọi cách cho thôi nhớ
Cuối cùng cũng chỉ nhớ và mong”.

 
“Em ơi! Tháng sáu mưa buồn quá
Nhất là trên lối rẽ chia xa
Nhớ em nên cứ mưa tầm tã
Mưa riết làm chi cho xót xa”

(Chiều mưa và nỗi nhớ )
Những vần thơ tình lãng mạn của anh có cách viết nhiều  ví von. Những hình ảnh so sánh tinh tế và gợi cảm:
 “Một mối tình thật êm và thật dịu
Bỗng biến thành biển động sóng trào dâng
Một lần thôi dù cho dẫu một lần
Cũng đủ để dặt dày trong nỗi nhớ”

(Còn lại gì cho anh) 
Anh viết về tình yêu của chính mình hay nói giùm cho bao đôi lứa đang yêu? Thơ anh chất chứa bao nỗi vời vợi nhớ mong, tha thiết chân tình và vô cùng lãng mạn. Đây là một hồn thơ tràn đầy xúc cảm kể cả khi viết về cuộc chia ly.Yêu đương ai cũng muốn tình là vừng dương, tình là ngàn sao chứ không ai muốn tình là vầng trăng khuyết? Trên thế gian này có gì hạnh phúc hơn tình yêu? Và cũng  có gì làm ta đau khổ nhất khi phải đối diện với chia ly như tình yêu .
“Tạo yêu đương chớm mầm rồi li biệt
Cho tình ta héo úa thật chênh chao
Đêm gọi hồn về nhung nhớ  chiêm bao
Cho thắc thỏm những canh dài khó ngủ”             

( Mối tơ vương)
Tâm trạng thổn thức vì tình yêu đã vuột khỏi tay ngoài ý muốn, không tránh khỏi thất vọng khi buộc phải chấp nhận thức tế cuộc đời “ Tình yêu đã cũ” nhưng sao vẫn cứ thổn thức đến tận bây giờ?
“Tình yêu xưa cứ cho là đã cũ
Sao lại mang dằn vặt đến bây giờ
Trong lạnh lùng trong lối rẽ bơ vơ
Ray rức lắm bởi hoài bao kỷ niệm”

(Mối tơ vương)
Thi nhân buồn vương nỗi buồn của trần thế, cho cả biết bao nhiêu cuộc tình dang dở trên thế gian. Để cuộc đời thực đi vào thơ đó chính là tài năng của nhà thơ, đem đến cho người đọc những vần thơ tình da diết.
“Vẫn biết là đang nhớ đến em
Thế sao mưa cứ kéo về thêm
Cho dài nỗi nhớ ngày mưa cuối
Gió tạt nghiêng nghiêng lạnh ướt thềm

Nhìn qua song cửa của phòng anh
Những hạt mưa tuôn đã kết thành
Từng chuổi nhớ thương rơi xuống đất
Rơi nhiều nên nỗi nhớ vây quanh”

( Hạt mưa cuối cùng )
Nỗi buồn được nhân lên khi ngoài trời tuôn mưa. Hạt mưa hay giọt lệ chan chứa trong lòng thi nhân khi nỗi nhớ vẫn vơi đầy trong tâm khảm. Đọc những vần thơ đau đáu với một cuộc tình không vẹn, độc giả yêu thơ không khỏi xót xa và có lẽ cũng đã hơn một lần rơi lệ.
“Anh ngước nhìn về nơi có em
Tuy rằng phương ấy đã trời đêm
Ánh trăng mỏng quá không trông rõ
Nét mặt tóc che những sợi mềm”

( Hạt mưa cuối cùng )
 
Ở thể thơ ngũ ngôn tự do, tác giả có cách chuyển tải cảm xúc theo nhịp thơ có vẻ gấp gáp như sợ tình yêu chạy trốn. bằng ngôn từ dung dị gần với lời nói thường ngày nhưng vẫn đầy biểu cảm.
“Nếu như được làm lại
Sẽ cầm lấy tay em
Nhìn mắt nhung ngây dại
Nói rằng " "Anh yêu em"

(Nếu như)
Nếu được thời gian quay lại thì tình yêu đầu đời sẽ kết trái đơm hoa. Câu thủy chung hẹn thề bên nhau mãi mãi.
“Tình ta bên nhau mãi
Bù đắp những dại khờ 
Thủy chung câu ân ái
Kiếp nầy chẳng bơ vơ”

( Hứng tình) 
Nỗi đau khổ vì tình làm giông bão trong trái tim bao người tình lỡ. Trái tim thi nhân  đa cảm  có sứ mệnh từ những nỗi đau đó dệt thành thơ.
 Tấm lòng thì thủy chung mà cuộc tình thì dang dở, thi nhân đối diện với cô đơn.
“Buổi chiều đã bỏ anh đi mất
Còn lại đêm đen với nỗi buồn
Anh muốn bật đèn nhưng lại ngại
Sợ mình đơn lẻ giữa mông lung”
(Chiều thấy ghét)
Trong đau xót chia xa, thi nhân vẫn ao ước một phép màu hội ngộ tương phùng.
“Ôi đôi mắt long lanh đầy thánh thiện
Biến tình anh thành nhục thể tâm hồn
Cuộc đời nầy không có thứ gì hơn
Để được sống cùng em trong mái ấm”

(Kẻ trăn trở)
 
Trước những vần thơ nói về một tình yêu nồng nàn nhưng tan vỡ, người đọc không khỏi xót xa: Đến khi nào thì hạnh phúc mới ở trong tầm tay và bao lâu nữa thì nỗi buồn thôi xuất hiện? Câu hỏi đó người đọc muốn hỏi thi nhân mà cũng có thể tự hỏi chính mình! Bởi cuộc đời luôn là những thách thức trái ngang. Tình yêu say đắm là thế cũng không tránh khỏi vị đắng cay xen lẫn. Cuộc đời mà, khi tuổi trẻ đi qua có lẽ ai cũng đã từng một lần nếm trãi.
Phải chăng tình yêu là chất men say tăng thêm nỗi rung cảm vốn có trong thơ anh. Hồn thơ đa cảm và lãng mạn của anh đã gửi đến người đọc những bài thơ tình chất chứa nỗi niềm và giàu xúc cảm. Và thông điệp tác giả gửi gắm vào thơ là đối với tình yêu cần tha thiết, chân thành và đắm say như thế! Đến với thơ anh, có lẽ người đã yêu, đang yêu và sẽ yêu đều tìm thấy được nguồn cảm hứng ngọt ngào, khao khát cho riêng mình. Đối với người trưởng thành, chín chắn đọc thơ anh sẽ được qua về với những kỷ niệm, những đắm say của tình yêu một thời tuổi trẻ đã qua mà bây giờ đã trở thành những hoài niệm đẹp.
Việc sáng tác thơ và những đặc điểm nghệ thuật trong thơ mà anh đã sử dụng như là một thủ pháp để chuyển tải thông điệp từ trái tim, dẫn dắt người đọc đi từ cảm nhận đến yêu thích thơ anh.Thơ anh có sự kế thừa thi pháp truyền thống và thi pháp hiện đại.Anh có những bài thơ lục bát làm theo thi pháp truyền thống. Từ đặc trưng đến cấu trúc ngữ nghĩa câu thơ nền nả, mượt mà,“tả cảnh ngụ tình”. Nhìn đâu cũng thấy thiếu vắng một người và giọt sương  cũng tưởng là giọt lệ.
“Một lần nhung nhớ, một lần nhớ thương
Nhớ nhiều lá đẫm hơi sương
Như là giọt lệ vấn vương nỗi buồn
Lá vàng từng chiếc luyến thương
Như ngày thuở trước chung đường bên nhau”  
( Chiếc lá không em)
Thơ anh là tiếng nói chân thật  say đắm đến kỳ lạ. Từ thuở thanh xuân cho đến khi tóc đã điểm màu phai. Lúc nào cũng ngọt ngào, đủ cũng bậc  từ yêu thương nhung nhớ,tiếc nuối, ngậm ngùi của cuộc tình chia ly  vì người đi kẻ ở.
“Em ơi tình của đôi ta
Dở dang vì bởi cách xa nghìn trùng
Đôi mình không bước đi chung
Không đan tay nắm, không cùng sánh vai”
(Duyên phận)
Như chúng ta đã biết, cuộc sống vốn đa chiều,nhiều gam màu và nhiều cung bậc tình cảm, thì thi pháp hiện đại mới đủ cho ngòi bút phóng khoáng của anh bay bỗng hơn trong việc diễn tả cảm xúc. Vì vậy các sáng tác của anh phần lớn theo thi pháp hiện đại. Thơ anh phong phú với đủ thể loại: Thơ lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể, thơ ngũ ngôn, thất ngôn, bát ngôn…Có bài thơ anh dùng những điệp ngữ, điệp từ dạt dào như ngọn sóng, có khi lắng dịu với giai điệu trầm buồn, phù hợp tâm trạng thể hiện. Đôi khi cảm xúc chợt đến bắt đầu bằng một cụm từ hay một câu có cấu tứ lạ đủ hàm chứa những trải nghiệm cuộc sống, kiến thức và tài năng của  nhà thơ. Từ đó nhà thơ sáng tác ra một thi phẩm hoàn chỉnh và có những câu thơ tài hoa. Một bài thơ ra đời xuất phát từ một cảm hứng có khi là “ tức cảnh sinh tình”, nhưng được chắt lọc từ vốn sống và những kỷ niệm trong đời và nhờ vật liệu kết cấu ngôn từ  dung dị, hình ảnh lãng mạn.
“Em đi chân cát vết loang vàng
Vỗ nhẹ lên bờ sóng biển tan
Từng đợt sóng xô đầu bạc trắng
Tình anh trong đó gởi đưa sang ‘

(Biển vàng BIKINI) 
Ngòi bút Hoàng Trọng Bường vừa hiện thực vừa lãng mạn. Thơ anh đậm chất trữ tình có cảm hứng tự sự, tả thực đan xen, hòa quyện  nhau hài hòa cân đối. Cảnh vật đi vào thơ anh rất có hồn, ý tứ chân tình. Diễn tả được nỗi lòng của chủ thể trữ tình. Khắc họa trong đó những đường nét của đời sống thực. Bằng thủ pháp ẩn dụ, hoán dụ, đảo ngữ…Ngôn ngữ thơ anh dung dị ,không mấy trau chuốt. Nhưng giàu hình ảnh và nhạc điệu,sâu lắng dễ đi vào lòng người.                  
Anhviết  khỏe. Cảm xúc tuôn trào có những bài anh viết một mạch gồm mười  khổ thơ. Đôi khi tôi có cảm giác như anh không phải làm thơ mà anh mượn câu chữ để chuyển tải cảm xúc đang ứ động chực tuôn ra dào dạt. Thơ là tiếng lòng của tác giả ,là tiếng nói cảm tính nhưng rõ ràng sứ mệnh của thơ chuyên chở cảm xúc đến với người đọc. Để họ tìm thấy ở đó một tiếng nói tri âm, đồng cảm, sẻ chia còn gieo vào lòng người những khát khao vươn tới hạnh phúc hay gìn giữ hạnh phúc đang có trong tầm  tay, từ đó thêm yêu cuộc sống hơn. Người đọc chúng ta trân trọng kết quả lao động nghệ thuật của tác giả. Đó là những dòng cảm xúc chân chất tự đáy lòng của thi sỹ. Anh đã trang trải lòng mình bằng những câu thơ ngọt ngào như vị ngọt của thanh trà, hương bưởi quê anh.
Đọc hết tập thơ tôi như đi hết cuộc tình của thi nhân. “ Sống là để yêu”. Có thể có người vẫn còn hoài nghi về điều đó. Tôi vẫn tin rằng tình yêu không có tuổi. Dù ở giai đoạn nào của đời người:  tuổi thanh xuân đang hừng hực sức sống hay đã bước vào mùa thu của cuộc đời  thì tình yêu bao giờ cũng tươi mới, vẫn nồng nàn dịu ngọt như thuở ban đầu. Chỉ có điều ở mỗi giai đoạn của cuộc đời thì có những cách biểu hiện khác nhau mà thôi. Tất nhiên khi con người ta đã đi qua những thăng trầm thì tình yêu có phần đằm thắm hơn, chín chắn và chiêm nghiệm hơn.
 
Tôi cũng đã cảm nhận nhiều tập thơ, nhiều bài thơ. Mỗi phong cách, mỗi hồn thơ có những nét hay riêng. Tập thơ Cánh Phượng Ngày Xưa đã làm tôi xao động.  Tôi chọn cách đọc nhiều lần Mỗi lần đọc tôi lại khám phá ra một điều ẩn chứa bất ngờ. và tôi đi đến khẳng địnhtác giả Hoàng Trọng Bường chính là thi sỹ của tình yêu. Bao giờ cũng là những cảm xúc mãnh liệt  của tình yêu. Ở thơ anh có đủ những nồng nàn, đắm say tha thiết của men tình và ẩn chứa nỗi buồn và day dứt  của tình đầu dang dở. Chính nỗi buồn đọng lại nỗi khát khao vươn tới hạnh phúc. Thơ anh đi vào lòng người có lẽ nhờ góc nhìn tinh tế, lời thơ giản dị, cảm xúc tự nhiên, thi ý  ngọt ngào và lãng mạn. Khi anh sáng tác tập thơ này là viết về hoài niệm đẹp đã qua thì thơ tình của anh như sống lại với thời tuổi trẻ, vẫn yêu bằng cả trái tim. Dù tuổi thanh xuân đã trở thành một thời đã xa và tình yêu đầu đã trở thành dĩ vãng nhưng tình yêu trong thơ của anh vẫn thiết tha, vẫn nồng nàn lại có thêm chiều sâu của chiêm nghiệm.Thơ tình của anh dù là nỗi niềm riêng, người đọc vẫn tìm thấy sự đồng cảm. Bởi tình yêu đầu mấy ai không dang dở, chia xa. Anh có những vần thơ hay,  cái hay của sự giản dị, lắng động và ngọt ngào. Anh biểu lộ qua những tần số rung cảm để rồi gửi gắm những tâm tư đó qua những từ ngữ, hình ảnh, ý tưởng và chọn lựa thủ pháp nghệ thuật tâm đắc nhất để biểu đạt.
Tập thơ Cánh  Phượng Ngày Xưa là một tập thơ buồn mà đẹp, vẻ đẹp trang nhã mà se sắt lòng người. Có thể tập thơ này tác giả viết cho một nhân vật trữ tình. Mỗi bài thơ toát lên niềm tin yêu cuộc sống.Phong cách giản dị chân phương mà hào hoa. Và phải là người yêu thiết tha cuộc đời này mới có những vần thơ tình như thế. 
Tất cả xuất phát từ một trái tim giàu nhân bản, một hồn thơ nồng nàn đa cảm .
Mời bạn đọc hãy đến với tập thơ  Cánh  Phượng Ngày Xưa , để  tâm hồn mình lắng dịu giữa những bộn bề  cuộc sống với những ngọt ngào sẻ chia .
Thành phố Huế ngày 25/1/2019
Hoàng Thị Bích Hà
 


  Trở lại chuyên mục của : Hoàng Thị Bích Hà