HOÀNG THỊ BÍCH HÀ
 
Mưa Buồn
Rơi Xuống Phía Hoàng Hôn

Truyện vừa
 
1. Dì Lạc Viên là chị cả của mẹ tôi, dì sinh năm 1920. Tên thường gọi ở nhà là dì Ty. Ông ngọai tôi người làng An Ninh Thượng nhưng vì để tiện cho việc đi dạy và việc học của các con nên chuyển về sống ở Thanh Long gần nhà nhạc phụ của ông. Ông bà tôi sinh được dì Lạc Viên song sinh với dì Lạc Thiên và mấy cậu nữa, mãi hơn hai mươi năm sau mới lòi ra mẹ tôi là út kém dì 23 tuổi, nên dì Lạc Viên cưng mẹ tôi lắm!
Dì có mái tóc đen nhánh, làn da mịn màng đôi mắt đẹp và cười rất duyên. Dì thông minh, tháo vát lại khéo tay nữa. Ngoài việc ông ngoại cho học chữ thì ở nhà bà ngoại cũng truyền dạy về nữ công gia chánh như thêu thùa đan lát, làm các loại bánh và đặc biệt là nấu bún bò, cơm hến rất ngon.
Một buổi sáng đẹp trời, cậu học trò của ngoại tôi ghé thăm thầy giáo cũ. Cậu người ở làng bên kia sông. Ông ngoại tôi nói tiếng Pháp giỏi, cậu học trò (tên là cậu Khiên) của ông rất quý thầy nên đi làm ở đâu xa khi trở về cũng tới vấn an và đàm đạo với thầy coi bộ tâm đắc lắm! Dì Ty pha trà bưng lên. Cậu Khiên bất chợt thấy dì Ty, thoáng chút bỡ ngỡ:
Cậu hỏi: - Dạ bé Lạc Viên đây hả thầy. Sau mấy năm con trở lại nhà, em lớn nhanh quá con không nhận ra.
Từ đó về sau, cứ dăm bữa nửa tháng cậu Khiên lại tới thăm thầy một bận. Và có lần cậu mạnh dạn mở lời:
-Thưa thầy! Con thú thật với thầy là con đã thương em Ty. Thầy cho phép ba mạ con qua dạm hỏi em. Xin thầy tác hợp cho tụi con.
Lúc này dì Ty vừa tròn 17 tuổi. Ông ngoại tôi cũng quý cậu Khiên vì tính tình, trí tuệ và dung mạo khôi ngô nên ông ngoại tôi đồng ý cho hai gia đình qua lại.
Thế rồi, ngày lành tháng tốt, đám cưới được cử hành, dì Ty về nhà chồng ở làng Triều Thủy, bên kia sông, so với làng ngoại tôi cũng không xa là mấy.
 
2. Mười tám tuổi, Dì Ty về nhà chồng, là gia thế của dòng họ Hoàng Trọng- dòng họ có truyền thống khoa bảng dưới triều Nguyễn. Bố chồng của dì làm quan Tả bộ thị lang dưới triều vua Thiệu Trị - Tự Đức vì vậy nhà cửa rất đồ sộ khang trang, tòa ngang dãy dọc. Vườn tược rộng thênh thang do ông bà nội tạo dựng.
Dì Lạc Viên là con ông giáo nên được kèm cặp dạy dỗ chu đáo. Tư tưởng Nho học, tam cương ngũ thường dì tôi thuộc nằm lòng và thấm đến tận chân tơ kẻ tóc của con nhà nề nếp đầu thế thế kỷ XX. Nhưng xem ra làm dâu một gia đình vọng tộc cũng không dễ dàng gì. Mẹ chồng dì- phu nhân quan Tả bộ thị lang, bà là hậu duệ của quan đại thần Thân Văn Nhiếp (1804-1872) môt nhà quân sự tài ba dưới triều vua Tự Đức và đặc biệt là phụ nữ Huế xưa, tư tưởng Nho Giáo chuẩn mực nên càng khó hơn! Nhưng nhờ đức tính nhu mì, hiền thục, khéo léo lại siêng năng, dì Ty tôi cũng tròn vai vợ hiền dâu thảo. Vườn nhà ông bà rất rộng. Đến nỗi đứng ở phía đầu vườn, gọi cuối vườn không nghe thấy, trồng cam quýt, thanh trà, bưởi, thơm, mít cau trầu, mảng cầu, măng cụt, dâu,… trong vườn nhiều lắm! Công việc của dì là coi sóc vườn tược, chợ búa và nấu nướng. Dì nấu món nào cũng rất khéo và ngon. Hằng ngày, cơm bưng nước rót phục vụ ba mẹ chồng và chăm lo chồng con vẹn toàn. Mẹ chồng dì khó là vậy nhưng cuối cùng chỉ thương mỗi dì là nhất.
 
3. Năm 1941 dì sinh anh con trai đầu cậu đặt tên là Trọng Thanh, kế đến các con của dì lần lượt chào đời là: chị Hằng sinh năm1943, anh Trọng Bình sinh năm1945, anh Trọng Đạt 1948. Cậu Khiên chồng dì làm nghề canh nông ở sở canh nông TP Huế. Gia quyến thật đầm ấm hạnh phúc. Nhưng điều không may đã xảy đến với gia đình dì. Oái ăm thay chỉ vì cậu Khiên nói và viết tiếng Pháp giỏi nên bị Việt Minh thời bấy giờ nghi ông hoạt động cho Pháp mà chống lại Việt Minh nên đã bắt ông đi khu chiến và tra khảo trong thời gian 6 tháng. Sau xét thấy ông vô tội nên được Việt Minh thả về. Nhưng ngay sau đó ông lại bị bọn Việt gian chỉ điểm nên bị Pháp bắt giam ở lao Thừa Phủ TP Huế một thời gian rồi đem xuống Phú Bài, Hương Thủy và bị Pháp và bọn Việt gian tay sai tra khảo hết sức tàn độc như bắt uống nước xà phòng cho đầy bụng rồi đạp giày đinh lên bụng cho ói trào ra để lấy lời khai. Cuối cùng chịu không nỗi với sự hành hạ tra tấn ấy ông đã lâm bệnh nặng, khi đưa về nhà thì hai hôm sau ông tức tưởi qua đời. Lúc này dì tôi chỉ mới 33 tuổi, một nách bốn đứa con thơ và đang mang thai đứa con út. Năm đó là 1950. Trong suốt thời gian cậu Khiên bị giam giữ dì tôi lo đi thăm nuôi, bới xách cơm ăn nước nước uống cho chồng. Dì phải đi bộ từ nhà xuống tận Phú Bài từ sáng sớm đến tối mịt mới thất thểu, trở về nhà trong phờ phệt để lo cho các con. Một mình gồng gánh nuôi bốn đứa con thơ, thêm một đứa con nuôi của người em song sinh nữa là năm đứa và một đứa sắp sinh. Số là Dì Lạc Thiên lấy chồng (ở làng Xuân Thượng) nhiều năm mà không có con nên nhận đứa con nuôi là Trần Văn Thạnh mới 4 tuổi rồi gửi cho Dì Lạc Viên nuôi nấng.
Năm1951 dì tôi sinh người con út là anh Trọng Tiến. Ở cử vài ngày non ngày, non tháng cũng phải lo dậy coi sóc việc vàn, cắt việc cho các con, đứa giỗ em, đứa lớn kèm đứa nhỏ bảo ban nhau học hành. Gia cảnh lâm vào tình huống ngặt nghèo. Nói sao hết nỗi buồn và cả sự vất vả của dì tôi- một gánh hai vai để chăm lo quán xuyến gia đình. Dì rất hiếu đạo với nội ngoại, đặc biệt chăm sóc bố mẹ chồng ngày càng già yếu sau nỗi đau mất con.Vừa làm lụng, buôn bán tảo tần để nuôi 6 đứa (5 đứa con và 1 đứa cháu) ăn học! Đúng là mẫu người mẹ hi sinh hết lòng cho con cái và gia đình.
“Nuôi con chẳng quản chi thân
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn.”
( Ca dao)
Có những lúc giáp hạt cơm phải độn sắn, thêm khoai thì dì chỉ lượm mấy mẫu khoai sắn ăn còn nhường cơm trắng cho các con cháu ăn. Dì là điển hình của những người phụ nữ Huế chịu thương, chịu khó nhân hậu và đảm đang. Dì làm việc quần quật từ tờ mờ sáng cho tới khuya. Nhờ vườn tược rộng rãi, rộng hai mẫu (theo cách tính của Trung bộ là 20 ngàn mét vuông, phù sa mỗi năm về bù đắp cho vùng quê nơi này nên cây trái luôn tươi tốt, trồng đủ thứ cây ăn quả như: mít, dâu, nhãn, ổi đặc biệt là thanh trà và bưởi… cây trái nào cũng trĩu quả. Có lẽ nhờ người chăm có tay. Mùa nào thức nấy, dì tôi thu hoạch rồi gánh ra chợ bán lúc chợ gần, lúc chợ xa tùy cây trái. Đàn bà con gái như dì Ty quả là đảm đang và tháo vát mà thế hệ chúng tôi chưa hẳn đã giỏi dang được như dì. Dì làm cả những việc của đàn ông thường làm như trèo cây rồi dùng câu liêm giựt từng buồng cau xuống bán tươi hoặc chẻ phơi khô đáp ứng nhu cầu thị trường. Mỗi lần tôi thấy dì tôi hái thơm tay xước do gai đâm máu tươm ra là tôi xót lắm. Mà dì bảo không sao, vô rửa qua nước muối là lành thôi. Chân đi nhẹ nhàng như lướt mà nhanh thoăn thoắt, mới nghe tiếng dì đầu ngõ một chút sau đã thấy dì thu hoạch đầy gánh thơm (dứa, khóm) thật đáng nể.
 
4. Trước khi ông bà nội qua đời, lần nữa tai họa lại đổ ập lên gia đình dì mà không lường hết được. Đó là một cơn hoả hoạn xảy ra cho ngôi nhà do con mèo nằm sưởi ấm bên đống rơm trấu trong một đêm trời lạnh mà gia nhân đã un đốt lúc trời nhá nhem tối mà quên dập tắt. Khi con mèo ngủ quên bị cháy lông nên hoảng hồn nhảy lên nóc xà nhà làm cả toà nhà bốc cháy dữ dội vô phương cứu vãn. Từ đó gia đình dì cậu lâm vào tình trạng nghèo khó sau khi ông bà nội mất. Lúc cậu tôi qua đời, anh Trọng Thanh con đầu của dì mới 9 tuổi, Anh Trọng Bình 5 tuổi. Cậu tôi đặt tên con trai Thanh rồi đến Bình ý là mong đất nước luôn Thanh Bình. Nhưng khi anh Thanh ra phường làm giấy khai sinh cho em chuẩn bị đi học, không hiểu anh nhân viên văn phòng có ngủ gật không mà để ngòi viết quệt thành dấu sắc hay vì trùng tên người nhà ổng mà sửa từ dấu huyền sang dấu sắc thành Bính không biết nữa. Anh Thanh còn nhỏ thấy làm xong giấy khai sinh cho em là mừng, cũng không thắc mắc gì nên cầm giấy khai sinh về. Thế là anh mang tên là Hoàng Trọng Bính luôn từ đó.
 
5. Dưới sự chăm sóc dạy dỗ của dì tôi, các người con của dì đều chăm lo học hành, mặc dù không tránh khỏi những lúc chọc giỡn nhau, khóc chí chóe, chạy khắp xóm, khắp làng. Đến giờ cơm có khi người nhà kêu như kêu đò mới chạy về ăn. Dì thường nói “Tau chạy như chó đạp lửa” đây nè! Tụi bây quậy cho lắm vô. Đặc biệt là anh thứ ba: Trọng Bính hoang trổ trời mà lên. Dì tui nói có lẽ vì có hai cái xoáy trâu trên đầu. Khi thì trèo cây té như trái mít rụng ngoài vườn (có bà mụ đỡ hay sao mà không việc gì) chạy nhảy tiếp không biết mệt là gì. Nhiều khi té nhào đầu, bầm tím, vết bầm này chưa tan, vết bầm kia đã tới. Trán va nhau sưng cục u, dì tôi vừa lật đật đi giã muối với xác chè mà bóp trán cho anh ấy vừa giảng giải mà hôm sau hoang nghịch không thấy giảm! Khi thì anh còn chạy đi xem đá banh ở tận Dạ Gà (khu đất trống bên cạnh lò vôi Long Thọ), gặp mưa ướt như chuột lột về đầu nóng hầm hầm, dì tôi lại lo nấu nước xông cho anh. Rồi nhiều lúc còn đi tắm mưa, giẫm nước, về bị nước ăn chân. Dì tôi lấy trái khế chua nướng vừa đủ cho anh đạp chân vào trái khế nóng thế là vài ngày là khỏi. Dì tôi thường dùng thuốc dân gian để chữa bệnh lặt vặt cho con. Coi vậy mà tứ quí (bốn anh con trai của dì) và anh Thạnh đều lớn nhanh, khỏe mạnh. Chỉ có chị Hằng con gái là hơi ốm, người mảnh mai như cây sậy, dì tôi cứ chọc là “con Rọm” nhưng chị siêng năng giỏi dang như dì vậy! Lên 10 tuổi đã biết phụ với mạ làm việc nhà: quét sân nhà, quét sân, cho gà ăn, rồi gánh nước đầy lu (thời này gánh nước giếng hoặc nước sông chứ chưa có nước máy). Dì tôi lo làm vườn, thu hoạch rau, củ quả, cắt tỉa, sắp xếp vào quang gánh cho gọn để sáng mai đi chợ sớm. Thương dì lắm! Gánh hàng thì nặng mà cứ đi bộ trên đoạn đường dài 2- 4 cây số. Lúc nào buôn may bán đắt thì về sớm, lúc bán ế thì giờ ngọ nắng gắt gao cũng còn bươn bả ngoài đường. Nhiều khi về đến nhà ăn chén cơm trưa cũng 1-2 h chiều. Cơm nước ở nhà lúc này có chị Hằng đảm nhận lo cho mấy anh em. Mỗi lần dì phân công anh Trọng Bính quét nhà thì anh ấy lại nhờ chị Hằng làm giùm (để rảnh mà chạy đi chơi) rồi nói:- “chị làm giùm, đó hồi tui đi xin lá thuốc cho (chị Rọm thích hút thuốc lá ngọn mà chỉ có bên nhà hàng xóm mới có nên phải chạy đi xin (loại thuốc lá quấn lại bằng lá thuốc nguyên chất nhìn giống như thuốc xì gà thời nay) còn dì Ty thì ăn trầu và hút thuốc Cẩm Lệ như mấy mệ Huế ngày xưa. Buổi chiều thường ưa uống vài chung rượu đế cho dễ ngủ. Chị em hạp nhau nên chị Hằng cũng rất thương thằng em quậy của chị. Nhìn chung cả mấy anh em đều thương nhau, biết bảo ban nhau học hành. Anh Trọng Thanh học toán rất giỏi, anh thi vào trường sư phạm Quy Nhơn để làm thầy giáo như ông ngoại. Nhưng học được 3 tháng thì một hôm có toán cảnh sát vào bắt và sau đó bị đuổi học vì một lý do không đâu. Số là lúc bầu cử thời đệ nhất cộng hòa, ban bầu cử dặn là: “ Xanh giỏ, đỏ bì” Ý nói phiếu xanh ghi tên vua BĐ thì bỏ vào giỏ rác còn phiếu đỏ ghi tên N Đ D thì bỏ vào bì. Nhưng anh làm ngược lại, bị theo dõi ghi vào sổ đen. Đó là lý do đuổi học. Bởi vậy mới nói người Việt làm khổ nhau, rình rập, ton hót nịnh bợ là một thói xấu mà thời nào cũng có. Chứ việc bầu cử là việc dân chủ mà. Thiết nghĩ mấy tay sai nha này rảnh thì ngồi pha ấm trà mà khề khà còn hơn là đi lùng bắt bớ ai không bỏ phiếu cho tổng thống (sau 3 tháng rồi còn gì). Còn chuyện ai bỏ ai gạch thì làm sao Tổng thống biết, mà có biết ổng cũng chẳng để ý làm gì miễn là trúng cử thì thôi. Biết bao nhiêu việc đại sự phải làm, quan tâm gì ba cái vặt vãnh không đáng.
Nhưng trong cái rủi có cái may, sau đó anh thi vào trường viễn thông và làm việc ở SG, anh thông minh, giỏi chuyên môn nên chẳng bao lâu anh được lên chức trưởng phòng khi tuổi đời còn rất trẻ. Anh Trọng Bình hoang nghịch nhất trong mấy anh em. Lúc nhỏ học từ mẫu giáo địa phương rồi học trường tiểu học Triều Thủy. Năm 1958 người anh con bác đem vào ở với gia đình anh tại đường Gia Long, Quy Nhơn cho đi học trường Tiểu học Mai Xuân Thưởng, được nhận vào học lớp Nhì với cô giáo Huyền. Chưa hết một năm mà couper cours trốn học đi coi cinema, leo núi, có bữa trượt núi té một lần tính chết may nhờ chụp được cái cây. Thấy anh Trọng Bính hoang nghịch quá nên gửi anh vô trường Dòng Bình Linh để mấy frère dạy học nội trú trong trường Dòng, thường học chuyên về tiếng Pháp và Việt Ngữ. Một buổi sáng ấy frère hỏi một câu tiếp Pháp mà anh Trọng Bính trả lời không kịp nên bị frère đá một phát rớt từ trên thềm xuống bãi cỏ. Công nhận mấy frère nghiêm khắc và rất dữ.Tức quá, anh giụt hết sách vở bỏ về. Ông anh thấy hoang nghịch quá không chịu nổi trả anh về Huế. Anh thi vào đệ thất trường Hàm Nghi năm 1961, học đến lớp đệ tứ năm 1964. Năm 1965 anh thi đậu vào lớp đệ tam trường Quốc Học. Năm 1968 anh vào đại học. Lúc từ Sài Gòn về Huế ăn tết, quân đội vào giải tỏa làng, tập trung hết dân làng vào nhà vôi Long Thọ. Trong số đó có gia đình dì Ty. Dì và 4 anh con dì được bố trí ở tạm chung một phòng tại đây, lúc này anh Trọng Bính đi chơi với người bạn thân tên Hồ Xuân D (Di óc lép). Nhưng anh không ngờ anh ta là đặc công nằm vùng. Dân trong làng thấy rồi chỉ điểm
nên anh tr Bính bị bắt và bị tra khảo xem anh có dính líu hay hoạt động gì không? Sau 3 ngày tra khảo, đánh đập không có kết quả gì và xét thấy vô tội nên thả về với gia đình. Nhưng chưa hết, họ đã ghi tên anh Tr Bính vào hồ sơ đen. Cái đau ở chỗ là người công an đánh đập anh tên là Vĩnh T lại là bạn của anh Trọng Thanh và cũng là anh ruột của người bạn thân khác của anh Bính, tên Vĩnh H. Bị ghi vào sổ đen nên sau này, khi ở Sài Gòn và trong thời gian ở Mỹ, công an và bộ Tư lệnh Không Quân ở Tân Sơn nhắc báo cho anh Tr Bính biết là anh đã có sổ đen và luôn bị theo dõi. Khi còn ở Phi đoàn Hoa tiêu mấy người bạn sĩ quan và chỉ huy của anh cũng biết điều này nên họ nói với anh là cuộc đời quân ngũ của anh có giỏi lắm thì chỉ đến cấp tá là cùng chứ không thể ngóc đầu lên được. Thế là cả anh TR Thanh và anh Tr Bính đều bị sổ đen vì những chuyện không đâu với những kẻ tiểu nhân đó mà cứ ngỡ là bạn. Hai anh nói:
- Chính họ đã đâm sau lưng mình. Buồn thật!
Cuộc đời thăng trầm dâu bể đôi khi chỉ vì không may bị chính người mình cho là bạn lại đi vu oan, hãm hại mình.
Tôi hỏi anh sao không viết đơn kiện để tìm lại công bằng.
Anh nói:
- Kiện ai hồi đó? Ai có quyền có chức thì kẻ đó thắng. Xã hội còn quá nhiều bất công và thối nát. Tụi anh chỉ nhờ vào ơn Đức của Mẹ mà tại qua nạn khỏi là mừng rồi.
Năm 1969 được đi du học Mỹ theo chuyên ngành pilot. Năm 1972 anh về nước với quân hàm trung úy, vào làm trong không đoàn vận tải. Anh cưới vợ và được cấp một căn hộ ở bộ tư lệnh. Anh thường bay thẳng từ sân bay Tân Sơn Nhất qua sân bay LosAngeles, San Fancisco chỉ 19 tiếng đồng hồ. Mỗi lần đi công cán về thì có xe không quân ra đón tận sân bay. 3 năm sau anh được lên lon đại úy. Anh Trọng Đạt vào lính bộ binh. Anh Trọng Tiến thì vào SG làm cho cơ quan thuế vụ ở phi trường TSN. Còn anh Thạnh dì cho ăn học xong Trung học phổ thông rồi mới về sống với mẹ nuôi của anh. Sau này anh Thạnh làm thầy giáo dạy học ở Nha Trang. Lấy vợ cũng họ Hoàng nhà ở trên làng đối diện trước cổng nhà dì.

6. Chị Hằng lấy chồng về ở đường Chi Lăng, anh là một thợ may đẹp có tiếng, mở tiệm trên phố. Anh đúng là rể quý, hiền lành và hiếu nghĩa. Anh chị sinh được hai đứa một trái, một gái. (Sau này chị mất rồi anh vẫn lên về kỵ giỗ nhà vợ đều đặn. Đến nay khi anh đã ngoài tám mươi tuổi rồi anh vẫn không quên phận sự rể con trong nhà của vợ)
Chị Hằng mất vào năm Mậu Thân 1968, lúc này bom đạn dữ lắm. Lúc chị cùng 2 con trốn dưới hầm trong nhà chồng đã yên nhưng vì con bé đầu của chị (mới 4 tuổi) đói bụng đòi uống sữa nên chị bò lên hầm tìm lấy sữa cho con và bồng thêm đứa con nhỏ mới đầy 2 tuổi. Ngay lúc đó 2 máy bay của Mỹ ném bom rơi trúng nóc nhà chỗ chị đang đứng với 2 con. Sức ép của quả bom đã đẩy văng 2 đứa con của chị ra xa mà tụi nó không hề hấn gì. Có lẽ chị đã che chắn cho con mà hi sinh thân mình.
Lúc này, 4 anh em cùng về quê ăn tết, cả nhà dì đều được trú tạm trong lò vôi Long Thọ với các gia đình trong làng. Ở đó khi nghe tin chị Hằng mất dì sững sốt bàng hoàng. Những giọt lệ đau buồn tràn ra ràn rụa trên khuôn mặt đau khổ của người mẹ mất con. Lần mất chồng nay lại mất con. Tan nát cõi lòng. Còn đớn đau nào hơn thế nữa. Bốn anh em còn lại chỉ gục đầu trong ngẹn ngào, uất hận và nuối tiếc người chị duy nhất hiền lành chăm chỉ của mình.

7. Lúc thế cuộc tao loạn dì tôi vào ở Nha Trang. Anh Trọng Bính lái trực thăng ra Nha Trang đón mẹ, gặp một cô gái cùng làng chạy từ Kontum về (ở lại cùng dì tôi trong nhà anh Trọng Thanh) nhận là bạn gái của anh Trọng Tiến (em trai út của anh). Thế là anh Trọng Bính chở mẹ và cô gái ấy (tên là Mai) từ Nha Trang vô Sài Gòn. Nhưng khi qua trạm quân cảnh Phi Hùng ở Nha Trang cũng không dễ dàng gì. Mấy anh gác cổng sau khi xem căn cước thì thấy quan hệ mẹ ruột của anh nên họ chỉ cho dì Ty qua. Chứ nhất định không cho chị Mai qua vì nói trong căn cước không thể hiện quan hệ gì với anh Tr Bính cả. Anh Tr Bính phải bỏ nhỏ, năm nỉ ỉ ôi cũng không được, anh đành dùng kế sách là đe mấy người quân cảnh:
- Tôi nhớ tên và nhớ mặt hết rồi nghe! Sau này gia đình mấy người không được cho đi nhờ máy bay quân sự của phi đoàn tôi!
Thế là mấy anh quân cảnh cho chị Mai qua trạm rồi anh Tr Bính chở dì Ty và chị Mai vào Sài Gòn.
Sau này chị Mai xin làm y tá ở bv G V và trở thành vợ anh TrọngTiến- dâu út của dì tôi. Anh Trọng Bính đã lấy vợ và sinh bé Thảo Vy năm 1974. Anh muốn đưa dì tôi qua Mỹ để được ở gần bên mẹ cho bỏ những năm tháng học hành xa cách và cũng để cho mẹ anh vui vầy với con cháu. Dì tôi nhớ con và cháu nên cũng muốn qua bên đó, nửa lại không muốn đi vì không nỡ lìa bỏ quê nhà - nơi đã gắn bó biết bao vui buồn, lòng tiếc nuối những kỷ niệm đã gắn bó gần trọn cả một đời nơi quê nhà. Quan trọng với dì là ở làng quê còn có phần mộ của chồng dì và cha mẹ hai bên. Tâm tư dằng xé, nửa muốn đi, nửa muốn ở lại quê nhà.
Giá như hồi đó dễ dàng cứ qua ít tháng rồi về thuận tiện như thời gian sau “đổi mới” (trước khi dịch covid) thì hay biết mấy. Cuối cùng anh Trọng Bính cũng đã thuyết phục được và đưa dì qua Mỹ bằng máy bay của không quân cùng vợ con anh ấy.Thế mới biết “con là tất cả”.
Dì lần lữa ngoái nhìn lại ngôi nhà, vườn cây là chào bà con lối xóm mà nước mắt rưng rưng khi dứt áo ra đi. Lòng thầm nghĩ không biết bao giờ trở lại.
Qua đây, dì choáng ngợp trước sự lộng lẫy, văn minh hiện đại của xứ người. Tòa nhà nào cũng cao ngút trời. Tiện nghi rất hiện đại. Duy chỉ có thời tiết hơi khắc nghiệt, nhưng vì đất nước tân tiến nên mọi thứ đều ổn, đẹp, cơ sở hạ tầng hợp lý đến từng centimet. Ánh mắt dì rạng ngời bên nụ cười của bé Thảo Vy lúc này mới một tuổi nhìn cưng lắm! Vậy là gia đình anh Trọng Bính cùng mẹ định cư ở Mỹ từ năm 1975. Cuộc sống ở bên này xem ra cũng ổn, đặc biệt rất hợp cho lớp trẻ. Nhưng chỉ có việc ăn uống là dì chưa mấy thích hợp. Ở nhà muốn ăn rau, củ quả thì chỉ việc ra vườn hái, ăn gà ra vườn bắt vào làm, ăn cá tươi có thể ra chợ mua khi cá còn bơi, chứ qua đây phải dùng thực phẩm đông lạnh. Mỗi lần đi siêu thị về trữ trong tủ lạnh dùng từ một tuần đến10 ngày. Dì có cảm giác ở trong nhà như cái hộp khổng lồ vậy. Đi ra ngoài gặp người nước ngoài nhiều hơn người Việt, lại bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán cũng khác. Và cũng chẳng quen ai để mà chuyện trò như ở quê. Chỉ có niềm vui là gần con và cháu Thảo Vy. Hằng ngày dì tôi phụ chăm cháu nhỏ đỡ đần anh chị. Vợ anh Tr Bính quê ở Mỹ Tho, chị có ưu điểm là làm hũ tiếu ngon. Dì tôi nấu các món Huế. Dì Ty là chuẩn mực của phụ nữ Huế, nên việc gì cũng chỉnh chu. Từ lời ăn tiếng nói đến việc làm lúc nào cũng ngăn nắp gọn gàng, sạch sẽ. Anh chị đi làm, dì ở nhà vừa chăm cháu vừa dọn dẹp nhà cửa rồi nấu các món ăn để tối về anh chị làm về có cơm ngon canh ngọt để dùng. Nhưng xem ra không khí hoàn toàn khác với thời dì tôi làm dâu. Dâu thời mới khác với dâu thời xưa. Thậm chí đôi khi vai trò dường như bị đảo ngược. Đó là một điều mà ai cũng có thể nhận ra, kể cả bây giờ. Chị dâu càng lúc càng tỏ ra khó chịu với sự có mặt của dì tôi, dần dần mặt nặng mày nhẹ. Khi thì chê món ăn nấu kiểu Huế cay khi thì chê nhà lau chưa bóng. Và thái độ thiếu kính trọng bậc phụ huynh- người sinh ra chồng mình. Làm dì tôi buồn lắm. Nhưng vì con dì cố nuốt tủi vào trong mà nhẹ nhàng nói với các con: Nếu cay thì mẹ sẽ giảm gia vị lại, mẹ nấu lại món khác cho con ăn nghe. Chị hậm hực:
- Tui hết muốn ăn gồi!
Dì tôi nấu giảm ớt, tăng đường lên cho vừa miệng con dâu thì anh con trai dì lại ăn không ngon miệng, vì anh là con trai Huế mà! Nhưng anh rất chiều vợ nên cũng chịu khó nuốt các món đồ kho, đồ nấu ngọt nhiều đường. Anh còn khen món hũ tiêú chị làm ngon để động viên vợ. Những lúc anh đi làm vắng, chị càng tỏ thái độ khó chịu với mẹ chồng. Chị cho rằng mẹ chồng là người khó tính, cổ hũ. Thậm chí đôi khi chị xem dì tôi như là cái gai trong mắt không hơn. Dì làm gì cho cháu chị cũng không bằng lòng, ôm hôn cháu, giặt đồ cho cháu …chị đều không vừa ý…Làm đồ ăn, đút cho cháu ăn thì bảo làm gì mà mẹ kỹ quá vậy. Chị nặng nhẹ với dì tôi. Thái độ chị càng lúc càng bộc lộ kể cả lúc anh có nhà. Anh cũng đã lờ mờ đoán được phần nào. Nhưng bên tình, bên hiếu anh đứng giữa thật khó cho anh. Dì biết vậy nên cắn răng chịu đựng vì thương anh. Chị xin đi làm trong hãng cho vui chứ ở nhà hưởng phụ cấp cho vợ tiền còn gấp đôi số tiền chị đi làm. Chị cũng muốn có lý do ra ngoài nhiều hơn. Anh đi làm về mệt mỏi, dì tôi muốn anh được nghỉ ngơi nên dì không kể với anh chuyện gì khi anh vắng nhà. Bản tính của dì vốn hiền lành, một đời phụng sự ông bà nội, một đời thủ tiết thờ chồng nuôi cả bầy con khôn lớn. Cho nên dì cho rằng vì con mà gắng chịu đựng, hi sinh thêm chút cũng chẳng sao! Dì nghĩ vậy nên càng nhường nhịn dâu con nên lúc buồn chuyện gì cũng nuốt nước mắt vào trong. Lúc này nỗi nhớ nhà, nhớ làng quê trong lòng dì càng da diết day dứt hơn. Dì nhớ những buổi chợ về dù vất vả nhưng tâm hồn thư thái, đi đứng tự do và vui. Hàng này còn có bà con lối xóm chạy qua chạy lại, ăn miếng trầu, chuyện trò vui vẻ. Giờ ngồi bó gối nơi đây biết bao giờ về lại quê hương. Ôi ngày ấy đâu rồi! Dì âm thầm khóc một mình và không hé răng nói với con trai lời nào về những gì vợ anh đối xử tệ với mẹ chồng. Việc nhà, việc chăm cháu chị giao khoán cho dì tôi. Có khi ngồi nói chuyện điện thoại với ai đó thật lâu, mặc con bé khóc đòi mẹ. Dì tôi nói:
-Hình như em đói bụng, con cho bé bú kẻo nó thèm, chắc là đói rồi mới đòi mẹ. Chị nói:
- Mẹ ồn quá! Con đang bận, mẹ không thấy sao?
Rồi chị trang điểm đi ra ngoài và có khi chỉ về trước giờ anh tôi đi làm một chút. Có lần một cậu trai lạ ghé nhà (lúc này anh tôi đi làm) nói cười bả lả với chị dâu, có khi còn véo đùi, véo má nhau ngay trước mặt dì tôi. Đó là điều dì khổ tâm nhất. Dì nhắc khéo chị:
- Con có chồng rồi, quan hệ bạn bè cũng nên chừng mực kẻo tổn thương đến chồng con. Rồi sống sao để còn làm gương mà dạy dỗ con gái con nữa. Tội nghiệp chồng con lúc nào cũng thương yêu vợ con. Con sống sao cho phải thì làm, con cũng trưởng thành, có học có hành, mẹ tin là con biết thế nào là phải trái đừng để mẹ nói nhiều!
Chị tôi nguýt dì một cái rồi quắc mắt lên:
-Mẹ cổ hũ vừa thôi, bạn bè con nói chuyện, cười chút không được sao? Mẹ thấy khó coi thì về Việt Nam đi!
Dì nghẹn lòng và cảm thấy dâu con thời nay lạ quá! Cứ như dâu con bây giờ nó đổi vai chủ, còn mẹ chồng nó chỉ coi như người làm không hơn! Rồi tệ hơn nữa là coi chồng con không ra gì. Không như thế hệ ngày xưa với đạo dâu con, chồng vợ phải sống sao cho phải. Dì buồn và héo hắt đi trông thấy, đến bữa cơm dì nhìn con trai và cháu lòng buồn và càng thương đứt ruột. Phần vì những điều đập vào mắt dì, bắt dì phải chứng kiến, chướng tai gai mắt mà dì thì không thể kể với con trai, sợ hai đứa tan đàn xẻ nghé lại khổ cháu mình.

8. Anh Trọng Bính hằng ngày lo làm lụng siêng năng. Những năm tháng thời bao cấp ở bên quê nhà khó khăn anh cũng phụ giúp anh em và các cháu. Anh cũng không giàu có gì so với họ bên này nhưng anh thương anh, thương em nên làm được bao nhiêu, anh em cần thì anh cũng sẵn lòng giúp đỡ. Anh cũng đã làm giấy bảo lãnh cho cả mấy anh em. Nhưng anh Trọng Thanh muốn qua sớm để tiện cho việc học của mấy cháu nên anh đã giúp phần tài chính để anh và cháu đi bằng đường biển, được một tàu Na Uy chở qua Singapore. Từ Sing, anh TrọngThanh điện cho anh Trọng Bính bảo lãnh.Thường thì mọi người đi kiểu này phải ở các trại tị nạn, để học tiếng Anh, học nghề,…sau 1 năm mới giải quyết. Nhưng thật may mắn là anh Trọng Bính có mối quan hệ tốt với một vị nghị sĩ. (vị nghị sĩ này có bảo trợ một gia đình người Trung Quốc ở gần nhà anh Trọng Bính, vị này nhờ anh Trọng Bính coi sóc, quan tâm thăm hỏi, động viên. Rồi những vật dụng, lương thực, thực phẩm…xem cái gì thiếu thì cung cấp kịp thời cho gia đình ấy) giúp người- người giúp lại là vậy. Trong lúc này mẹ anh ốm, nằm bệnh viện, anh Trọng Bính liền nhờ ông nghị sĩ can thiệp để anh Trọng Thanh qua sớm cho kịp gặp mẹ. Vì vậy chỉ sau 2 tuần anh Trọng Thanh và cháu qua đến Chicago. Từ đó dì Ty vui và thấy khỏe ra vì được gặp con trai cả và cháu nội đích tôn. Dì tôi thương tất cả các con và cháu nhưng với anh Tr Thanh dì thương hơn một chút có lẽ vì anh hiền, nói gì cũng nghe, ngoan, tính khí hạp dì hay vì con trưởng là mối quan tâm lớn nhất của bậc phụ huynh thời Nho giáo thịnh hành. Sau đó anh Trọng Bính thuê thêm nhà gần đó để dì tôi sống với con trai trưởng và cháu đích tôn. Anh Trọng Bính và bé Thảo Vy ở gần nên thường xuyên chạy qua, chạy lại thăm. Đó là những tháng ngày vui vẻ nhất của dì tôi. Sau một thời gian anh Trọng Thanh bảo lãnh tiếp vợ và các con gái anh qua sau. Rồi anh chị chuyển tới bang Oregon, ở đây có những người bà con bên ngoại. Từ đó gia đình anh Tr Thanh đã lập nghiệp và chọn nơi này định cư lâu dài.
Dì tôi lại sống với gia đình anh Trọng Bính. Ngày đêm mong nhớ con, cháu ngày nào cũng nhắc tên anh Trọng Thanh. Và nét mặt buồn đi trông thấy. Anh Trọng Bính phải đợi đến khi có kỳ nghỉ mới đưa mẹ đi thăm gia đình anh Trọng Thanh được.
Ở quê nhà, lúc khó khăn, vườn tược cũng phải bán bớt đi một ít. Đoạn người trụ cột gia đình là cậu Khiên không còn, khu vườn dần dần cũng đã bị hàng xóm lấn chiếm, rồi sau này thời thế khó khăn, anh Trọng Đạt ở nhà cũng phải bán bớt đi để lấy tiền sinh kế.Vườn tược ngày nay chẳng còn lại là bao nhưng cũng đủ xây cất nhà thờ chính 3 gian, nhà phụ và đủ cây trái, rau quả dùng quanh năm.
Trọng Đạt xuất ngoại bằng đường biển mấy lần gặp trục trặc nên không thành. Con đường tìm vùng đất mới cũng không ít gian nan. Cuối cùng phải chờ anh Trọng Bính bảo lãnh gia đình anh mới đường đường chính chính sang định cư tại Hoa Kỳ một cách hợp pháp, an toàn từ năm 1994.
Như vậy, qua bên này có đến ba gia đình của các con trai dì. Bà con ai cũng mừng cho các anh. Như vậy khá là sum vầy! Còn anh Trọng Tiến thì vào SG làm cho cơ quan thuế vụ ở phi trường, cũng đã lập gia đình, công việc ổn thỏa nên anh không muốn xuất ngoại nữa.

9. Lâu lâu, có kỳ nghỉ anh Trọng Bính lại đưa dì đi thăm gia đình anh Tr Thanh. Mặc dù các anh ở cách nhau từ bang này tới bang khác khá xa, có khi đi máy bay mấy giờ đồng hồ mới tới. Cuộc sống xứ người hoa lệ là thế mà dì vẫn không nguôi nỗi nhớ cố hương. Dì nhớ những đứa con, đứa cháu ở quê nhà! Nhớ những buổi chiều ra vườn nhổ cỏ, khi hái thanh trà, khi cắt dâu truồi đi bán mà lòng thanh thản, tự do tự tại. Mặc dù cũng trải qua mấy chục năm tần tảo nuôi đàn con không lớn, vất vả là vậy nhưng dì thấy công việc của dì có ý nghĩa. Con cái trưởng thành là thành quả, bù đắp xứng đáng cho nỗi cực nhọc mà người mẹ đơn côi đã trải qua. Cảm giác không khổ tâm như tình cảnh bây giờ. Dì thẫn thờ nhìn về phương trời Đông mà nhớ những chiều về ngang ngõ, con chó đốm chạy ra mừng rỡ sủa vang xóm. Nhớ những chiều bà con lối xóm, bạn bè, bà con nói chuyện về tình làng nghĩa xóm, no đói có nhau. San sẻ cho nhau kinh nghiệm, làm sao cho cây mùa này ra trái nhiều, khỏi bị sâu ăn hơn. Chợ nào bán buôn được giá, chợ nào mua đồ ăn ngon cho con… Về thì nhớ con cháu bên đây. Ở lại thì nhớ con cháu ở bên cố quận. Tình cảnh với dì lúc này ngổn ngang trăm mối, về không được mà ở cũng không xong. Dì cũng biết lúc này việc đi lại giữa hai nước là rất khó nên việc đưa dì trở về là điều không thể. Hơn nữa các anh cũng muốn mẹ ở bên đây cho có điều kiện, muốn bù đắp cho mẹ về vật chất tốt hơn vì nghĩ mẹ khổ nhiều rồi! Nhưng đối với dì tôi và cũng như nhiều người mẹ Việt Nam khác thì vật chất cần thật đấy nhưng không quan trọng bằng tinh thần. Dì tôi không muốn nghĩ đến điều gì tệ hại xảy ra nhưng thực tế chị dâu đã thay lòng đổi dạ. Nói theo cách nói của dân gian là “ trở cẳng ra”. Người ta nói: “ yêu nhau yêu cả đường đi/ ghét nhau, ghét cả tông tri họ hàng” thì có lẽ nó hết thương con trai mình thì mẹ chồng với nó có ý nghĩa gì nữa đâu! Anh Trọng Bính làm việc chăm chỉ, người ta trả lương cho anh hậu hỉnh vì anh làm giỏi, đầy trách nhiệm và uy tín. Anh làm về đưa tiền cho vợ, những tưởng vợ sẽ biết vun vén gia đình và chăm lo cho tổ ấm, lo cho mẹ và con gái anh! Bản tính anh tôi cũng hiền lành và tốt bụng như dì cậu tôi vậy.Thế rồi chị dâu đã phản bội anh, bỏ nhà đi theo nhân tình, bỏ lại đứa con gái còn đang tuổi ăn tuổi học. Con bé khóc nhớ mẹ đến gầy hẳn đi. Đêm đêm đắp mền cho con ngủ mà lòng anh quặn thắt. Một mình anh, cảnh gà trống nuôi con cho đến khi bé Thảo Vy học xong Đại học kế toán tài chính ở tiểu bang Illinois. Bé vẫn không nguôi nhớ mẹ và muốn mẹ về. Cả hai cha con mấy lần tìm mẹ và khuyên nhủ mẹ về với cha con. Anh giận chị lắm nhưng nghe lời con, vì thương con, lòng muốn những gì tốt nhất cho con nên anh đã tìm mọi cách để thuyết phục, níu kéo chị trở về nhưng mọi việc không thuận chiều như suy nghĩ của hai cha con. Thời gian này anh Tr Bính đem dì tôi lên Oregon sống với gia đình anh con cả của dì để về Hawaii làm việc. Sau những thăng trầm dâu bể, anh bây giờ sống như một người tu hành tại gia.
Dì tôi trong tình cảnh, gần đứa này thì xa đứa kia. Nhớ và thương con, thương anh Trọng Bính duyên tình gãy đổ, lận đận, vất vả,.. Rồi nhiều điều khó nói ra cho rạch ròi mà chỉ có những ai đã từng làm dâu, làm vợ, làm mẹ và và trở thành mẹ chồng khi sống phụ thuộc với dâu con thì mới hiểu.
Dì tôi tuổi cũng đã cao thì tỷ lệ nghịch với sức khỏe ngày càng thấp. Lòng không như ý, sinh ra buồn phiền, ngày càng mang tâm bệnh và kiệt sức dần. Cho đến một ngày dì tôi đã lịm đi và không bao giờ trở dậy nữa. Đó là một ngày cuối tháng 10/1993, dì tôi từ giã cõi đời trả lại những buồn vui cho trần thế lúc mới 73 tuổi. Lúc này anh Trọng Bính đang ở Hawaii. Tang lễ của dì tôi tổ chức tại nhà anh Trọng Thanh theo nghi thức Thiên chúa giáo (vì chị dâu đầu là giáo dân) còn dì tôi cũng như theo truyền thống của gia đình chồng (đạo Khổng) chỉ thờ cúng tổ tiên ông bà chứ không theo tôn giáo nào. Anh Trọng Bình nhận điện tín mẹ mất như sét đánh ngang tai. Anh sững sờ rồi ngã quị xuống ngất xỉu vì anh tôi thương dì lắm! Sau hồi tỉnh anh tất tả lên xe về. Đến nhà, thấy mẹ nằm, mắt nhắm nghiền, cả gia đình đang quỳ khóc bên linh cửu của mẹ, xung quanh con cháu chít khăn tang. Anh tôi chạy vào choàng tay ôm quan tài và nghẹn ngào khóc mẹ: Anh nói với mẹ: “Mạ ơi! Con về trễ mất rồi! không gặp mẹ, sao mẹ bỏ con mà đi, không kịp nói với con lời nào. Con có lỗi với mẹ, con không thể tha thứ cho chính mình”. Qua tấm kính trắng trên nắp quan tài, anh thấy hai giọt nước mắt lăn trên khóe mắt mẹ. Dường như có điều chi mẹ muốn nói với anh nhưng không thể được rồi!

10. Tin dì tôi mất đã về đến làng quê. Ai cũng ngậm ngùi thương cảm. Ở quê nhà mọi người cũng lập bàn thờ ngay chính ngôi nhà ngày xưa dì đã sống, đã làm dâu thảo vợ hiền, và người mẹ đảm. Bà con họ hàng bên này cũng làm một ngôi mộ gió ngay bên phần mộ của chồng dì. Xem như là một ngôi nhà của dì, bên cạnh cậu để dì muốn đi về lúc nào tùy ý. Cậu tôi đi trước dì 43 năm, nay mong dì vượt ngàn trùng mây gió về bên cạnh cậu để bù lại những năm tháng vò võ nuôi con một mình. Bà con nội ngoại hai bên và làng nước đến thắp hương tiễn biệt dì rất đông. Hàng xóm, bạn bè con cháu ai cũng thương tiếc dì. Mẹ tôi thương chị khóc suốt ngày, không chịu ăn uống gì. Đêm nằm mơ thấy dì rồi quả quyết rằng nói trong nước mắt rằng:
- Nếu chị ở lại quê nhà, thỉnh thoảng con cháu về thăm chắc không buồn như buổi hoàng hôn xứ người thế này! Thì có lẽ chị còn sống đến trăm tuổi như ông bà nội ngoại nhà mình rứa tề. Chứ qua bên nớ, lạ nước, lạ cái, con cháu bận đi làm, ở nhà buồn nhớ nhà mà đi sớm chơ chi!
Tôi không dám cãi, cũng chẳng dám phân tích gì, mặc dù tôi muốn nói với mẹ tôi rằng: Bên đó người ta văn minh, hiện đại không thiếu thứ gì, con cháu cũng đông đúc mà. Vậy thì tại sao dì tôi mất, tôi cũng bế tắc với suy nghĩ của mình. Mẹ tôi khóc ngất nên tôi sợ mình nói gì lúc này cũng thừa. Hãy để yên dòng tâm tưởng mà mẹ tôi cho là có lý ấy để mà thổn thức, tỷ tê nói chuyện cùng di ảnh của chị gái thân yêu!
Những giọt mưa buồn rụng xuống buổi hoàng hôn xứ người! Dì tôi nằm lại bên kia bán cầu nhưng tôi nghĩ thỉnh thoảng dì tôi vẫn về nơi nhà xưa, bến cũ với đầy ắp kỷ niệm của người. Mỗi lần ra chợ Long Thọ, tôi lại bùi ngùi nhớ dì tôi, chỗ này ngày xưa dì đã từng ngồi bán hàng, rồi khi chợt thấy ai gánh hoa quả, dáng giống dì đi ngang trước mặt tôi, là tôi lại ngó trân. Tưởng tượng là dì Ty của tôi vẫn còn ở đâu đây!

Sài gòn, ngày 16/8/2021.


 


  Trở lại chuyên mục của : Hoàng Thị Bích Hà