HOÀNG THỊ BÍCH HÀ
 
Ông Thầy Dạy Sử
Và Chiếc Vòng Đeo tay

Truyện ngắn
 
Nó là một đứa học được các môn xã hội, trong đó văn, ngoại ngữ và kể cả lịch sử là thế mạnh của nó. Với những môn nó yêu thích thì nó học một cách tự giác bằng hết cả đam mê. Đặc biệt là môn văn nó tỏ ra rất có năng khiếu, nghe bảo ông ngoại của nó là gs đệ nhị cấp dạy môn văn và cũng làm thơ còn má nó là một người cũng ham đọc sách và yêu thơ. Có lẽ tư chất này nó được thừa hưởng từ ông ngoại và má nó!
Đến lớp, giờ học các môn ngoại ngữ, văn, sử là nó tỏ ra tự tin lắm! Vậy mà có một sáng không mấy đẹp trời, lúc này nó học lớp 8 thì phải, cũng khoảng 14 – 15 tuổi gì đó. Ông thầy dạy sử bước vào lớp, sau khi đảo mắt qua một lượt khắp lớp, ông bắt đầu giở sổ điểm ra:
-Bây giờ tôi kiểm tra bài cũ!
Cả lớp im phăng phắc dường như nín thở nghe rõ tiếng dế kêu ngoài bụi cây. Bỗng ngòi bút dừng lại ở vị trí 1/3 cột tên, rà trúng tên nó rồi, nghe giật thót cả mình:
-Huỳnh Thị Tâm Liên lên bảng!
Tuy tâm lý chung khi lên trả bài thì giật mình vậy thôi chứ nó tự tin vì đối với nó thì bài sử nào nó chỉ cần đọc qua một hai lượt là nó có thể tóm tắt được bốn mục quan trọng mà đa số bài lịch sử nào cũng cần theo trình tự như vậy: Nguyên nhân, diễn biến, kết quả và ý nghĩa. Nó yên tâm vì bài này hôm qua nó đọc rồi! Sáng nay tới lớp sớm nó cũng đã đọc lại trước khi đến giờ vào học. Nó ung dung tiến lên trước lớp và đợi câu hỏi của thầy.
Sau khi chiếu thẳng ánh mắt vào nó, nhìn một lượt từ đầu đến chân, bỗng cặp mắt thầy dừng lại ở cái vòng đeo tay mà nó đang đeo. Chẳng biết cái vòng làm bằng kim loại gì màu trắng, có khắc chữ, nhỏ và dẹt bằng kích thước của sợi phở khô. ( loại vòng này bán ngoài chợ cho trẻ con đeo chơi). Thầy chưa vội đặt câu hỏi để kiểm tra bài cũ mà nhìn chăm chăm vào chiếc vòng rồi phán một câu không liên quan gì đến lịch sử.
-Này, về lấy cái long sữa bò cắt ra mà đeo hi!
Nó sững người, ngạc nhiên không để đâu cho hết! Trong lúc cả lớp cười ồ lên!
À thì ra thầy thấy cái vòng có màu sáng trắng, chẳng biết làm từ nhôm hay inox gì mà thầy liên tưởng tới vỏ cái long sữa bò. Con bé càng tỏ ra lúng túng và bất ngờ trước lời đề nghị đầy vẻ giễu cợt của người thầy. Đối với nó, thầy cô là những người đem đến kiến thức cho học sinh nên nó rất kính trọng nhưng nó không thể tưởng tượng cái vòng đeo tay của con gái lại làm thầy khó chịu đến thế! Không biết làm gì hơn vào lúc này. Nó cũng nhìn thầy, kiên nhẫn chờ câu hỏi để nó trả bài theo đúng mục đích thầy gọi nó lên bảng hôm nay. Trong lúc này nó kịp quan sát thầy có nước da không phải là ngăm đen mà là đen hẳn luôn. Như vậy thì màu trắng sẽ làm thầy khó chịu là cái chắc. Nó nghĩ vậy, thêm dáng của thầy lại đậm và chắc không khác gì một lão nông tri điền chính hiệu. Nó nghĩ mai mốt thầy có vợ và có con gái thì thôi rồi, đừng có mơ mà làm đẹp hay mang đồ trang sức gì nhá!
Thế rồi thầy hỏi bài và trò cũng đã trả lời xong. Kết thúc thời gian “kiểm tra miệng” lấy điểm tương đương với điểm trên giấy kiểm tra 15 phút trước khi vào bài mới. Nó không nhớ là được bao nhiêu điểm, chỉ biết rằng vì cái vòng sáng nay lớp được một trận cười và nó thì muốn độn thổ vì cái vòng đeo tay. Cuối năm điểm sử của nó cũng gọi là đủ để qua ải. Từ đó về sau nó không mấy thích môn sử nữa nên không nhớ là tổng kết cuối năm là mấy điểm nhưng câu chuyện chiếc vòng và thầy dạy sử thì ám ảnh nó suốt cuộc đời.
Kiến thức mà thầy dạy sử mang đến cho học trò không biết được bao nhiêu nhưng tôi đồ rằng chắc chắn nữ sinh trong lớp đó và nhất là nạn nhân như nó mấy chục năm sau tuyệt nhiên không bao giờ thấy nó đeo một đồ trang sức nào trên người. Nghe bảo bữa đám cưới mà chồng nó phải giỗ mãi nó mới chịu đeo nhẫn cưới và những đồ trang sức như kiềng, tằm, lắc dành cho cô dâu mà mẹ chồng nó đã cất công về một tiệm vàng ở đường Chi lăng Huế làm cho nó từ mấy tháng trước . Sau đám cưới thấy nó lại cất béng đi mất, đặc biệt là vòng tay không bao giờ nó đeo. Chẳng lẽ cái vòng và thầy dạy sử ám ảnh đến thế sao? Nhưng mà nghe đâu lớp đó sau này không có ai nối nghiệp thầy để dạy sử và cũng không ai có ý định làm nhà thiết kế tạo mẫu, thời trang hay là đồ trang sức làm đẹp nữa. Đúng là ấn tượng tuổi thơ dù vui hay buồn thì đều là những dấu ấn khó phai.
Nghe nó kể câu chuyện mà tôi không khỏi ngậm ngùi cho một giai đoạn lịch sử của đất nước. Hồi đó không ai dám nghĩ đến chuyện ăn ngon và mặc đẹp. Mặc đẹp cũng bị xem như là một cái tội, là chậm tiến. Nếu có điệu điệu một chút cho ra vẻ con gái thì sẽ bị bài xích, có khi còn bị nâng cao quan điểm là tiểu tư sản nữa kìa!
Ôi! Một thời khốn khó. Các suy nghĩ thẫm mỹ không có đất dụng võ và các nhà thiết kế, tạo mẫu, thời trang…chỉ còn biết “ bưng mặt khóc quê hương” rồi ngồi trách sao sinh nhầm thế kỷ.
Sài Gòn ngày 21/01/2021
Hoàng Thị Bích Hà
 
 
 


  Trở lại chuyên mục của : Hoàng Thị Bích Hà