HOÀNG THỊ BÍCH HÀ


Thường Dân Hồi Ký 
Một Cuốn Phim Quay Chậm
Ngược Miền Ký Ức



 

Tập hồi ký có tựa đề rất đỗi bình dị nhưng lại gây ấn tượng bởi có chút gì ngộ nghĩnh, hóm hỉnh “THƯỜNG DÂN hồi ký” của tác giả Nguyễn Thu Hải (Nhà xb Hà Nội quí 2/ 2021) của tác giả Nguyễn Thu Hải rất hấp dẫn và thú vị, lôi cuốn người đọc từ trang đầu khiến cho người đọc không thể rời mắt cho đến trang cuối cùng. Trước hết hồi ký của ông là những trang viết ghi lại dòng thời gian của cuộc đời mình một cách chân thực bằng ngôn ngữ bình dị, trong sáng và dễ hiểu. Mỗi con người, mỗi cuộc đời đều có giá trị riêng cho dù là danh nhân, chính khách, nhà văn hóa hay dân thường thông qua cuộc đời riêng, người đọc có thể biết thêm những dự kiện lịch sử, ý nghĩa của cuộc sống, tuy không phải là nhà văn hóa hay nhân vật lịch sử nhưng có bóng dáng của một giai đoạn lịch sử tình cờ đi qua đời ông mà nhân vật chính trong tập hồi hồi ký đã chứng kiến, đã trải nghiệm…Ở đó tình đời, tình người và những kinh nghiệm sống đúc rút từ cuộc đời bằng bút pháp hiện thực, tác giả đã đóng góp một góc nhìn riêng mà theo tôi như là pho tư liệu đầy tính văn học và có cả kiến thức văn hóa, lịch sử và địa lý…rất bổ ích. Bạn đọc hãy khám phá, biết đâu lại có thể đem đến cho mình những điều thú vị. Thông qua hồi ký của ông có bóng dáng một giai đoạn lịch sử khi mà mình chưa có mặt trên đời hoặc chưa có dịp trải nghiệm.

Trước hết nói về chất văn học trong tác phẩm này. Chúng ta hãy cùng đọc bắt đầu từ lời ngõ, ông viết:
“Từ thường dân đến vĩ nhân, mỗi người có một dòng đời riêng. Đó là những năm tháng thăng trầm. Vĩ nhân được nhiều người biết đến, được ngợi ca trở nên nổi tiếng như dòng sông reo sôi ồn ã. Thường dân ít ai biết đến, nên yên ả lặng thầm như dòng suối nhỏ chốn rừng xa”
Cách nhập đề giới thiệu, dùng từ ngữ thích hợp, gợi cảm, hình ảnh, so sánh ví von…để diển đạt một cách rất biểu cảm.
Ông cha ta từng nói: “Quan nhất thời, dân vạn đại” Ai làm quan rồi có khi lại chẳng làm dân. Vĩ nhân có đóng góp của vĩ nhân, thường dân có ích cho cuộc đời bằng những đóng góp của thường dân, đôi khi tưởng như không tên nhưng nếu không có thường dân không làm nên lịch sử. Và chúng ta học được gì ở vĩ nhân, chúng ta cũng học được gì ở thường dân? Cuộc đời một thường dân cả “đời chẳng biết ghét ai” đến với thế giới này như thế nào? Chúng ta hãy lần lượt đi vào dòng thời gian của tác giả Nguyễn Thu Hải.

Ông sinh năm 1939 tại Bắc Ninh. Khi viết tập hồi ký ông đã bước sang tuổi 80. Đi gần trọn một đời với biết bao thăng trầm dâu bể. Bằng ngôn ngữ giản dị, trình bày khúc chiết, mạch lạc ông đã ngược miền ký ức ghi lại dòng thời gian của đời mình bằng một tác phẩm văn học đó là Thường Dân Hồi Ký.
Từ tuổi ấu thơ, giai đoạn học hành, trưởng thành, công tác, thành công, thất bại, các mối quan hệ xã hội, quê hương, gia đình người thân ban bè….trình bày có hệ thống với phong cách kể chuyện chân thành, lôi cuốn bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh, ấn tượng và có giá trị biểu đạt cao.
Quê hương ông hiện ra trong trang viết với những đoạn văn đẹp, nổi bật một vùng quê đầy tự hào với những phong tục, lễ hội và đặc điểm của con người nơi đây:
“ Bắc Ninh hình thành lâu đời gắn liền với nền văn minh sông Hồng,…có các lễ hội lớn như hội chùa Dâu, hội Lim, hội đền bà chúa Kho…con người Bắc Ninh có truyền thống văn hóa lâu đời, cần cù sáng tạo với những bàn tay khéo léo mang đậm nét dân gian của vùng trăm nghề như tơ tằm, gốm sứ, đúc đồng, chạm bạc, khắc gỗ, làm giấy, vẽ tranh…nổi bật là những làn điệu dân ca quan họ”
Sau này lớn lên trong bước đường xuôi ngược, do điều chuyển công tác, những nơi ông có dịp đặt chân tới đều để lại dấu ấn trong cuốn hồi ký này với tình người, tình đất cũng như những đặc điểm về địa hình, khí hậu, cảnh vật, sản vật nơi đó. Có thể gọi ít nhiều là dư địa chí, kiến thức về địa lý để có thể tham khảo để bổ sung vào cẩm nang du lịch cho chúng ta.

Tác giả ra đời trong giai đoạn đất nước cực kỳ khó khăn. Tuổi thơ ông gắn liền với bên ngoại và lớn lên chủ yếu nhờ vào sự nuôi dưỡng của mẹ và bà ngoại, do hoàn cảnh gia đình riêng không mấy thuận lợi: nghèo đói, vất vả, suýt chết…là những gì ông đã trải qua trong tuổi ấu thơ của mình. Ông thiệt thòi không được sự chăm sóc dạy dỗ của cha nhưng ông may mắn có bà ngoại và mẹ là những người phụ nữ đảm đang, tảo tần, chịu thương chịu khó chăm lo gia đình. Tuổi thơ của ông đã đi qua cơn đói 45, tận mắt chứng kiến sự kiện lịch sử Ất Dậu, hơn 2 triệu người chết, tận mắt chứng kiến xác người chết đói la liệt bên vệ đường. Trong hồi ký chúng ta thấy được trang sử buồn đã vô tình đi vào ký ức của ông:
“Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ tác động mạnh mẽ sâu sắc đến nề kinh tế… ,sự kiện nổi bật nhất trong giai đoạn này là nạn đói năm Ất Dậu 1944-1945, các cường quốc đang chiếm đóng Việt Nam như Pháp, Nhật Bản vì mục địch phục vụ chiến tranh đã lạm dụng khai thác quá mức vào nền nông nghiệp vốn đã lạc hậu đói kém…Đầu năm 1947, Pháp chiếm đóng lại Bắc Ninh”.

Tuổi thơ ông cũng chứng kiến cảnh thực dân Pháp càn quét, cảnh người dân chạy giặc khốn khổ như thế nào, di tản ra sao, tình người nơi vùng tản cư đều đi vào những trang viết của ông. Ông nếm đủ vất vả thiếu thốn: Nước lũ dâng cao, cả khu vực bị ngập, hết tiền, phải ăn chuối luộc, khoai sắn…” và món thịt gà nhà nuôi, trừ bữa lặp đi lặp lại đến phát sợ. Ông là một đứa con hiếu thảo, chăm học, siêng năng biết phụ mẹ và bà những việc trong gia đình. Những dòng ông viết về mẹ thật cảm động: “Mẹ tôi vất vả từ nhỏ, một mình chạy chợ nuôi mẹ già và 3 con nhỏ, một nắng hai sương chịu nhiều cay đắng của thân làm lẽ. Bà bị bệnh từ lâu nhưng cố gắng chịu đựng”. Mẹ trút hơi thở cuối cùng khi ông mới 13 tuổi. Đó là nỗi đau đớn nhất trên đời không có gì bù đắp nổi.

Mẹ mất, các em lần lượt mất, còn lại 2 bà cháu, may mắn thay được gia đình người bác đón về. Hai bác là người nhân đức, dù còn thiếu thốn vất vả trong hoàn cảnh chung của thời đó nhưng ông đã có chỗ bấu víu để tiếp tục học hành. Đi bộ 7km “lúc đường rừng, lúc lội qua vũng nước, mỗi khi qua ven đồi, đá ong lởm chởm, chân đau chảy nước mắt”. về nhà ra vườn bắt sâu, làm cỏ, múc nước tưới rau, giặt giũ áo quần cho gia đình”. Dẫu hai bác không cho làm nhưng trong hoàn cảnh gia đình như vậy không thể không giúp việc nhà.“Bác là tấm gương sáng, hình thành nhân cách của tôi sau này” chịu khó, cần mẫn, trách nhiệm, ông được bác thương yêu dạy dỗ là một sự bù đắp cho ông khi thiếu vắng tình cha.

Một sự kiện lịch sử khác vô cùng chấn động vào nỗi oan khuất của người dân: “ Cuối năm 1953-1954, bắt đầu cải cách ruộng đất…các “ ông đội” về làng nằm trong các nhà bần cố nông gọi là “khổ chủ”, đội là người có quyền sinh sát, họ tổ chứ gợi nghèo, hỏi khổ, tổ chức những đêm cho người nghèo tố khổ. Họp thiếu nhi, chị phụ trách đội xúi ông tố khổ, đấu tố 2 bác của mình. Họ hứa sẽ chia của cải ruộng đất. Đội cải cách dự kiến đưa gia đình bác vào diện địa chủ cho đủ chỉ tiêu. Ông đã nhận ra phi lý, ông không nghe lời nên bị khai trừ ra khỏi Đội thiếu niên. Ông tuổi nhỏ mà đã biết phân biệt đúng sai, không như những người khác thời bấy giờ nghe xúi dại, bị ép đứng lên tố cha mẹ mình thật vô nhân tính, ấu trĩ. Đây là điều thế hệ sau như chúng tôi nể phục ông. Ông là cậu bé thông minh, học giỏi. Năm 1957, mới kết thúc lớp 7 đã giải được toán lớp 8, được tạp chí “Toán tuổi trẻ” của Bộ GD đăng những cách giả toán hay.

Lớn lên, ông chọn ngành kiến trúc xây dựng. Suốt 3 năm học đươc học bổng toàn phần. Trong giai đoạn học hành bên cạnh cái may cũng có cái rủi. Qua đây chúng ta thấy được những tư tưởng ấu trĩ, qui chụp thật nực cười. Khi ông làm bài kiểm tra Điểm thường đạt 4 điểm trên thang điểm 5 vậy mà có lần làm bài chính trị dài 4 trang viết tốt mà chỉ cho điểm 2/5 vì lý do vì hôm trước viết thư về người chị bán hàng ngoài thị xã, chúc chị “ nhân bản vạn lợi “ mà anh lớp trưởng đọc lén ngoài bì thư. Thời này quan niệm lạc hậu là xem người buôn bán là lừa lọc, là một dạng bóc lột. Chứ không phải quan niệm “ phi thương bất phú” như bao đời nay.

Theo dòng thời gian, tôi xin điểm lại các mốc quan trọng trong đời ông.
Năm 1961 ông được phân công nhiệm sở, biên chế vào tổ thiết kế của phòng kiến trúc, từng điều đi công tác ở Đồng Đăng mà thuở bé ông chỉ mới nghe trong lời ru của mẹ “ Đồng Đăng có phố kỳ Lừa…” Khi ông đặt chân đến : “ Nơi rét nhất Việt Nam, rét như cắt ruột, bụng đói, đi dọc đường tới đâu ngủ đó, nhờ nhà dân, cuốc bộ 30 km với 1 nắm xôi 1 hào. Lội sông, trời mưa đường trơn như đổ mỡ, phải bấm từng ngón chân xuống đất…” Công việc đo vẽ cắm mốc khu mỏ trong môi trường núi non khe suối, vắt đo ngang lưng, muỗi đốt sưng đỏ…cuối cùng cũng hoàn thành công việc.
Thành quả công việc từ năm 1961-1965, ông đã tham gia thiết kế cải tạo nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy điện Hàm Rồng, Nhà máy xe đạp Thống Nhất, Các nhà máy: Phân đạm Hà Bắc, Phân Lân Ninh Bình, Que hàn Việt Đức. Sửa chữa nhà máy xi măng Hải Phòng, Nhà máy đất đèn Tràng Kênh, nhà máy hóa chất Việt Trì.

Ông còn được cử vào Thanh Hóa, Nghệ an, Hà Tĩnh, Quảng Bình tìm địa điểm để sơ tán các cơ sở sản xuất của địa phương đến nơi an toàn trong bối cảnh chiến tranh ác liệt.

Với vai trò là một kỹ sư xây dựng, nhiều khi kiêm luôn cả thiết kế, công việc bộn bề nhưng ông cũng không quên ghi lại đôi dòng có tính chất ký sự về những chuyến đi, vùng đất và con người nơi đó.

“ Hàm Rồng nằm ở vùng hạ lưu sông Mã, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 4 km về phía Bắc. Đây là nới có nhiều di tích lịch sử văn hóa”, “Cẩm Giang nằm ven tả ngạn sông Mã, đầu nguồn nên về mùa đông nước trong xanh, mùa mưa từ đục chuyển qua đỏ như nước sông Hồng qua Hà Nội. Dân cư khoảng trên dưới 2000 khẩu. Dân tộc Mường đã lâu đời định canh, định cư ở nơi đây. Đồng bào thường trồng lúa nếp nhiều hơn lúa tẻ và gạo nếp là lương thực hàng ngày. Kinh tế phụ cảu các gia đình là khai thác gỗ, tre, nứa, mây, song…Do có nguồn gốc xuất xứ từ xa xưa và có số dân đông đúc nên người dân có đời sông văn hóa tinh thần khá phong phú”

Ông cũng đã trải qua các chức vụ như Phó phòng xây dựng viện thiết kế, phòng kế hoạch vật tư, rồi Trưởng phòng kinh tế dự toán và học lên sau đại học.Trong cuộc sống ông cũng từng chứng kiến những mâu thuẩn mất đoàn kết nội bộ. Chi bộ từng chỉ trích ông là thiếu tinh thần phê bình .Ông chủ trương lấy sự hoàn thành công việc để đoàn kết. Nhưng khi hoàn thành công việc rất tốt cũng không tránh khỏi lời dèm pha mách lẻo vì nhưng lý do rất trẻ con nếu không muốn nói là làm ơn mắc oán. Cho người ta đi nhờ, bị họ tố là cho họ ăn, cho họ uống cô ca mà không cho uống bia như các ông. Lãnh đạo đã kỷ luật ông mức lưu hành nội bộ khoảng 7-8 tháng. Sau đó Đảng ủy cục xóa kỷ luật cho ông. Ông vẫn bị không lên lương mặc dù đủ thâm niên do có kẻ cơ hội xì xào nói xấu sau lưng ông. Khi ông bị kỷ luật, nhưng kẻ cơ hội lơ ông, không ai bảo vệ nói giùm cho ông để việc nâng lương khỏi thiệt thòi đến quyền lợi chính đáng của ông.

Điều này trong giai đoạn chúng tôi sống vẫn nhận thấy điều đó, khi mà ai đó bật lại Lãnh đạo (tư duy phản biện) bị cấp trên ghét thì trong cơ quan mọi người sẽ quay lưng lại với bạn vì sợ bị vạ lây, dẫu rằng bạn nói đúng... Hiện thực cuộc sống không thiếu những điều đó và cũng là nỗi cay đắng nhất cho người chính trực, chân thành và lương thiện.

Trở lại hồi ký: Ông đã trải qua giai đoạn bao cấp “ Trăm thứ gì cũng phân” người tiêu dùng phải nhận qua phân phối nhu yếu phẩm từ cân gạo, lạng thịt cho tới kim khâu, vải vóc qua tem phiếu. Tất cả những khó khăn ách tắc của nền kính tế khi ấy dội vào cuộc sống của mọi tầng lớp xã hội. Đồng lương không đủ sống, người dân phải chạy vạy đủ đường kéo theo những tiêu cực xã hội. Kinh tế rơi vào trạng thái trì trệ”
Khó khăn chung là vậy mà khi ông được giao nhiệm vụ tìm xin đất để xây nhà cho ở cho cán bộ công nhân viên của viện ở giữa thủ đô “tấc đất tấc vàng” thời nào cũng khó. “Căng mình với công việc cơ quan, vừa chỉ đạo thiết kế, tổ chức thi công trong khó khăn về cơ chế và vốn. Chỉ trong thời gian ngắn đã xây xong 3 dãy nhà 5 tầng, giải quyết chỗ ở cho hơn 300 hộ gia đình năm 1979-1985 là biến một điều không tưởng thành hiện thực”
Sau đổi mới 1986 ông lại được giao nhiệm vụ mới “ vừa làm vừa dò dẫm” nhưng tư duy bao cấp cố hữu không làm thay đổi cách quản lý và phân phối thu nhập. Từ “ đổi mới” đến thực tế vẫn rất khó khăn.

Mỗi lần đi công tác chung với lãnh đạo thì được ngồi chung xe nhưng lại phải bỏ tiền túi ra bao ăn cho lãnh đạo, lãnh đạo hỏi thì nói giá bằng nửa để lãnh đạo khen rẻ hơn ở Hà Nội. Còn khi không có lãnh đạo đi cùng thì phải gánh tài liệu, bản vẽ nặng 50-60 kg cuốc bộ 20 km từ ga tàu ra đến hiện trường đội mưa, đội nắng, hàm răng va lập cập vì rét trong lúc đó xe cơ quan nằm không trong gara, nghĩ lại không thể hiểu nổi … tự gây khó khăn cho nhau, nó nghiệt ngã đến cay nghiệt”.

“Có những lần cả tuần ban thiết kế bận tiếp khách, không có chỗ ăn ở tại hiện trường phải đưa anh em đi Sa Pa cách đó 30 km vào nhà dân để nhờ vả. Thiếu chỗ ăn, chỗ ngủ, mưa gió, rét”. Nếu tác giả không kể thì thế hệ chúng ta và con cháu mai sau làm sao có thể biết được ông cha mình đã sống như thế.
Ông tỏ ra thông minh và tháo vát, khi được giao khảo sát dự án có yếu tố nước ngoài như 1 dự án của Nga, 1 dự án bên Lào nhưng sau tính toán thấy không khả thi ông đề nghị hủy. Nhưng người Nga vẫn vui vẻ chấp thuận vì thấy ông đưa ra ý kiến đúng. Qua đây cũng thấy vẻ đẹp của “Tâm hồn Nga lúc nào cũng vô tư, trong sáng và rất tình người.”

Có lần người ta đưa ông đi làm quản lý để vực một nhà máy đã hoàn toàn phá sản ở Đà Nẵng với số vốn o đồng và ngoài chuyên môn của ông. Thế mới biết một thời bố trí công việc của các sếp thật amateur. Thế rồi! Ông vừa làm vừa học hỏi cùng với cộng sự vừa vay vốn…khắc phục khó khăn, cuối cùng cũng vực dậy được. Oái ăm thay, khi “Mọi việc đang thuận lợi, ngày 4/1/1992, Viện yêu cầu bàn giao công việc cho thủ quỹ, rút tôi vào Sài Gòn, lấy cớ lập dự toán cho cải tạo công ty hóa chất miền Nam”. Rồi còn chuyển 50 triệu ra viện. “Nhưng tết Quý Dậu năm đó không đủ tiền mua vé tàu để về nhà với vợ con”. Đức tính phục tùng, khiêm cung, chịu khó hết lòng với công việc được giao nhưng kết quả thế nào? Cái này người ta gọi là “ vắt chanh bỏ vỏ” nè xót xa quá tác giả ơi! Làm việc cật lực, kham khổ vậy mà không đủ tiền mua vé về tết thì làm sao có động lực nữa để mà công hiến không? Sau tết ông xin nghỉ hưu, và đây là quyết định đúng đắn!

Sau năm 1977, ông có những trải nghiệm với những công việc ở Sài Gòn. Làm cho tư nhân, ông gọi là “thời kỳ làm thuê”. Gặp người chủ công ty người ta nhận thấy năng lực và chuyên môn của ông đã hợp đồng với ông những công việc phù hợp thuận lợi. Ông nhận xét về người Sài Gòn như sau: “ Người Sài Gòn thân thiện, phóng khoáng trọng nghĩa khí” đã cho ông cảm giác ấm áp với vùng đất mới, ông đã gắn bó nơi đây 20 năm. Với 7 năm đầu làm thuê tích lũy khinh nghiệm với những khó khăn và thuận lợi để rồi năm 1999, ông đi đến quyết định táo bạo là ra riêng làm chủ và đã thành công.
Tổng kết lại đời ông có 32 năm thời bao cấp, 7 năm làm thuê cho tư nhân, ông luôn là người mẫn cán, ông tự hỏi sao cứ mãi chịu bị động mà không thể là chủ động công việc. Ông thử ra riêng đương đầu với thử thách, lo được công ăn việc làm cho nhiều người bằng kiến thức, năng lực và kinh nghiệm của mình và đã thành công. Ông đã trở thành một ông chủ tốt, tôn trọng người làm: “ cụm từ lo việc để “nuôi quân”, với tôi phải là “ quân nuôi mình”. Mọi người dựa vào nhau, đấy mới là tư duy đúng!”. Ông sống tốt, gặp những cộng sự tốt, rồi những mối hàng cung cấp vật liệu tốt, trọng chữ tín
Với Sài Gòn ông chia sẻ:“ Sài Gòn cho tôi nhiều thứ, trước hết là tình người, sự sẻ chia, phóng khoáng, giàu lòng vị tha và thân thiện. Cho tôi cóng hiến phần lao động cuối đời mình có ý nghĩa, mở tầm mắt thay đổi tư duy, cho tôi có thu nhập cho gia đình mình. Tôi biết ơn Sài Gòn”.
Với Bảo Lộc, ông nhận xét: “ Bào Lộc được mệnh danh là “thiên đường khí hậu của Đông Nam Á” nằm ở độ cao 800 m và chịu tác động của địa hình nên khí hậu ở đây rất ôn hòa. Đây là nơi trồng trà lớn nhất khu vực phía Nam. Nhờ khí hậu ôn hòa mà Trà Bảo Lộc có hương vị thơm ngon trong cái se lạnh của phố núi. Khi công việc xong xuôi, người ta thường hẹn nhau tới quán trà, cà phê vườn trong không gia yên tĩnh, đắm mình trong những bản nhạc nhẹ nhàng và ấm cúng, cùng với địa hình cao thấp trong khuôn viên mà Hà Nội, Sài Gòn không thể có được, người Bảo Lộc ôn hòa, tình cảm chân thành, dễ mến”. Quả là những kiến thức về du lịch rất bổ ích phải không ạ? Nghe tác giả kể mà người đọc chúng ta nếu chưa tới Bảo Lộc hẳn cũng muốn đặt chân tới một lần cho biết.

Phần viết về gia đình, người thân, con cái và bạn bè cho người đọc hòa mình vào không khí gia đình hạnh phúc của ông. Mối tình đẹp của chàng kỹ sư Hà Thành với cô thanh niên xung kích đất Lam Sơn, dẫu vất vả nhưng họ đã sống vì nhau. Cuộc đời đã tặng cho ông người vợ thủy chung, đảm đang, tần tảo, các con chăm ngoan, thành công mỹ mãn. Ông cũng được bạn bè quý mến. Lúc tuổi già, sức yếu, bệnh tật người thân và bạn bè luôn bên cạnh ông. Ngay cả cái chết tạm thời của lúc hôn mê cũng cho ông những trải nghiệm rất lạ và không kém phần thú vị. Tất cả đều đi vào trang viết cuộc đời của chàng kỹ sư năm nào, trải qua biết bao thăng trầm dâu bể, giờ ở tuổi 80 ông vẫn sống lạc quan yêu đời bên con cháu, bạn bè và niềm yêu mến văn chương. Cuộc sống tinh thần vẫn tràn đầy ý nghĩa.

Chúng tôi- người đọc thuộc thế hệ sau, rất xúc động. Xin trân trọng những đóng góp của ông với cuộc đời, với những dòng hồi ký chân thực và ý nghĩa. Chân thành cảm ơn ông đã lưu lại một tác phẩm văn học đích thực với cái tên giản dị và không kém phần hóm hỉnh: THƯỜNG DÂN HỒI KÝ. Nhờ đó người đọc có những trải nghiệm thú vị trong thực tế cuộc đời thăng trầm đầy biến cố của ông và có thể rút ra những bài học cho riêng mình khi đối diện với nghịch cảnh cuộc đời. Thời nào cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng. Từ đó chúng có thêm kinh nghiệm, thêm động lực để vượt qua thử thách hướng đến thành công, hạnh phúc.

Ông thích “ví mình như một hạt nước trong con suối nhỏ, hòa vào dòng sông khi đục, lúc trong, lắng phù sa đưa ra biển”
Cuộc đời bình dị của công dân Nguyễn Thu Hải là một tấm gương đẹp, tràn đầy ý nghĩa nhân văn.
Kính chúc ông luôn an lành, sức khỏe vui vẻ bên con cháu, bạn bè…và niềm yêu thích văn chương.
Sài Gòn, ngày 18/6/2021


  Trở lại chuyên mục của : Hoàng Thị Bích Hà