HOÀNG THỊ BÍCH HÀ
 

Thương “GỪNG CAY MUỐI MẶN”!
(Truyện ngắn)
 
Chị Thiên Kim từng là một giai nhân xứ Huế. Chị sinh trưởng vào thập niên năm mươi của thế kỷ trước, trong một gia đình khá giả có cửa hiệu buôn bán ở phố Ngã Giữa-đường Phạn Bội Châu, Huế (Từ năm 1976 đổi tên thành đường Phan Đăng Lưu). Hồi học trường Đồng Khánh chị đã nức tiếng hoa khôi, nên mỗi lần tan lớp, có nhiều “cái đuôi” theo về tận ngõ, hoặc trồng cây si trước cổng đợi tan trường. Thế nhưng chị con nhà gia giáo nền nếp, chăm lo học hành. Ngoài giờ học chị còn phụ mẹ làm các công việc nội trợ, đan lát thêu thùa rất khéo tay. Lúc nào cũng ăn nói nhẹ nhàng, duyên dáng. Tính tình đằm thắm chỉnh chu nên rất được thầy cô và bạn bè thương mến.
Chị có người anh trai tên là Trọng Bình. Anh Trọng Bình chơi thân với anh Gia Phước. Anh Gia Phước thường ở lại trong nhà học hành cùng với anh Trọng Bình và được gia đình rất quý coi như con cái trong nhà. Anh Gia Phước cũng rất quí Thiên Kim, cưng như em gái của mình. Ba anh em rất hợp nhau, hai anh ngoài giờ học thì phụ việc trong nhà và bày vẽ thêm cho Thiên Kim học.
Sau khi tốt nghiệp tú tài, chị Thiên Kim tiếp tục vào sư phạm. Anh trai chị và anh Gia Phước cũng đang bước vào năm cuối của trường sư phạm, chuẩn bị ra trường. Hồi đó sau khi tốt nghiệp, dựa vào số điểm sẽ được chọn nhiệm sở từ cao đến thấp. Theo nguyện vọng của mình, Anh Gia Phước chọn dạy trường trung tâm nội đô cho gần nhà. Còn anh Trọng Bình lại muốn bay nhảy tới nơi có khí hậu biển ở Mỹ Khê Đà Nẵng và cũng để gần nơi công tác của vị hôn thê của anh ấy.

Thế rồi anh Gia Phước với công việc giảng dạy gần nhà, cũng đã yên bề gia thất nhưng lòng anh vẫn canh cánh lo cho đứa em đời là chị Thiên Kim mà anh rất cưng quý. Trong nhóm bạn của anh có một người ở trong thành nội. Đó là anh Trần Đình Tùng. Anh Tùng đang học trường võ bị Quốc gia Đà Lạt. Tướng tá coi cũng đặng, rắn rỏi con nhà lính. Có lần anh Gia Phước nói như đùa:
-Mi thích Thiên Kim đúng không? Mi với nhỏ thiên Kim được đó, mi cưới hắn đi cho tụi tau (anh Phước và anh Bình- 2 anh trai) yên tâm, không thôi tau với Trọng Bình ai cũng có gia đình riêng mà nó chưa yên bề gia thất mặc dù cũng có mấy người đang theo đuổi nhưng Trọng Bình chưa ưa ý.
Tưởng nói chơi vậy té ra Đình Tùng thích thật. Anh Tùng thầm yêu chị Thiên Kim lâu rồi nhưng đời lính xa nhà nên không dám tỏ, phần vì nể sợ anh trai Trọng Bình, sợ ảnh không đồng ý. Nay nghe anh Gia Phước mở lời anh Đình Tùng mừng như mở cờ trong bụng.Thế rồi trong những ngày nghỉ phép, anh Đình Tùng tới lân la làm quen nàng tiểu thư xinh đẹp và được sự hỗ trợ của hai người anh, hai anh cũng nói vào giùm cho để chị Thiên Kim xiêu lòng:
- Em lấy Đình Tùng được đó, nó con nhà đàng hoàng lại chững chạc, vẻ đẹp con nhà lính.
Mà lính là thần tượng “người hùng”- một thời của các nữ sinh. Chị Thiên Kim dần dà cũng có cảm tình với anh Đình Tùng.
Sau lễ tốt nghiệp của chị không lâu thì anh Đình Tùng cũng mãn khóa học ra trường với cấp bậc thiếu úy lục quân. Đám cưới được cử hành trọng thể trong sự chung vui của họ hàng hai bên và anh em bè bạn. Cô dâu xinh tươi trong tà áo dài lụa hồng, áo choàng voan và khăn vành rất đẹp bên chàng rễ thiếu úy lục quân bảnh bao. Hai người anh là Trọng Bình và Gia Phước rất vui khi cô em gái đã có bờ vai để dựa. Mừng cho hạnh phúc của anh chị. Hai người đã có cuộc sống rất vui vẻ hạnh phúc và rồi vài năm sau đó lần lượt hai đứa con trai kháu khỉnh ra đời, một gia đình đáng mơ ước, êm ấm, ríu rít tiếng trẻ thơ.

Thế sự đổi dời, sau 1975, anh thuộc quân đội của bên thua cuộc nên anh bị bắt đi cải tạo. Ngày anh nhận được giấy triệu tập thông báo ra phường trình diện trong giấy có dặn chuẩn bị đồ dùng và thức ăn cho khoảng 10 ngày đến 1 tháng. Chỉ học tập chính sách rồi về. Nhưng khi anh đi tới thì được đọc tên lên xe chở ra các trại cải tạo ở miền núi phía Bắc chưa biết khi nào về.
Chị Thiên Kim ở nhà một nách hai đứa con nhỏ. May mà chị còn được nhận đi dạy (diện giáo viên lưu dung). Chị đêm nằm lo lắng không yên, ngày đi làm và vò võ đợi chờ tin tức của anh. Sau sáu tháng chị mới nhận được tin của anh. Lá thư vỏn vẹn mấy dòng cho biết là anh khỏe, đang học tập cải tạo ở trại T30 thuộc tỉnh …Tin để em hay! Gửi lời thăm ba mẹ hai bên. Nhớ em và con nhiều!

Chị biết tin anh đỡ lo hơn, mặc dù đoạn đường phía trước còn rất dài. Nhưng có địa chỉ để đi thăm nuôi cũng là quý. Đồng lương thời bao cấp không đủ chi tiêu. Chị chạy vạy gửi con cho ngoại rồi buôn bán chạy chợ thêm bất kể nắng mưa, khuya sớm mới mong có tiền nuôi con, trang trải cuộc sống.
Từ khi nhận được tin anh, chị bắt đầu chuẩn bị cho cuộc thăm nuôi. Đầu tiên là lên phường xã xin giấy đi đường, mua vé tàu và chuẩn bị mua sắm vật dụng, thức ăn khô, làm các món kho rim khô để anh dùng nhiều ngày, làm một số loại bánh rồi sấy khô, mua thêm áo quần, thuốc men để anh dùng . Xếp vào cả thảy 3 giỏ xách, mỗi giỏ khoảng chục kg rồi tất tả gửi con cho ngoại để đi thăm nuôi chồng. Lên tàu chợ thời bao cấp, nói sao cho hết nỗi cực nhọc, người và hàng hóa, có cả lợn gà vịt chen chúc, người ngợm vật vờ như ma đói bơ phờ. Có khi tàu chết máy vài ba ngày trong hành trình là chuyện thường. Lên tàu còn nỗi khổ nữa là bị thuế vụ săm soi tưởng là đi buôn, thời này ai đi buôn mà thấy thuế vụ là khiếp đảm như thấy cọp.
May mà lên tàu chị gặp được mấy chị vợ cùng cảnh ngộ cũng đi thăm nuôi chồng. Họ giúp đỡ nhau, canh cho nhau để chợp mắt lấy sức, thay nhau ngó đồ, hồi này hở là bị mất cắp. (có người đi thăm đã từng bị trộm giật hết mấy giỏ đồ bới cho chồng là khóc như mưa)
Đi bầm dập trên tàu mấy ngày đêm rồi cũng đến. Mấy chị em dắt díu nhau xuống một ga hẻo lánh thuộc xã miền núi biên giới phía Bắc xa xăm. Trời tối hẳn, mấy chị em gồng gánh hàng đi tìm nhà trọ nghỉ chân qua đêm trong cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông biên giới. Sáng hôm sau dậy nấu tạm món mì lót dạ rồi chị em lại lỉnh kỉnh gồng gánh hàng thăm nuôi quày quả trên vai và cuốc bộ đường rừng. Chị gánh không quen, hai vai đỏ tấy, người mệt lả nhưng phải ráng! Hết ngày đường bộ hi vọng gặp anh như tia sáng cuối đường hầm giúp chị quên đi bao nỗi nhọc nhằn. Đi đoạn lại ngồi nghỉ một chút lấy sức, men theo những con đường rừng ngoằn ngoèo, lúc lại phải bì bõm lội suối, rất sợ rắn rết, vắt và cả thú dữ. Cũng nghe nói có người đi thăm nuôi từng bị thú dữ dọc đường ăn thịt, ai cũng rờn rợn, nổi da gà nhưng không còn lựa chọn nào. Tối trời ở đâu thì trải áo mưa ra ngủ lấy sức ở đó, lại làm mồi cho muỗi rừng hút máu no nê. Thêm một ngày đường nữa mới tới trạm đón tiếp thân nhân. Mấy chị em được cán bộ cho nghỉ ở một căn nhà lá ven rừng bên bờ suối, bên kia cách ngăn là trại cải tạo. Nhìn từ xa thấy từng nhóm người tù đi làm: tốp thì cày bừa, trồng trọt để cải thiện bữa ăn.
Đến sáng hôm sau, mấy chị lần lượt được gọi tên qua gặp người thân. Chị được gọi tên, thật hồi hộp, tay xách nách mang đồ nặng nhưng chị thấy giờ đây không nặng nữa, anh Đình Tùng kia rồi, nhưng chị nhìn không ra, ảnh khác quá! Có chăng chỉ còn ánh mắt thân quen với ánh nhìn đầy yêu thương pha lẫn nỗi mừng tủi… Anh ốm quá, râu tóc mọc lởm chởm, có lẽ anh không hợp khí hậu nơi đây. Anh ngồi đối diện với chị trong một cái bàn gỗ, ở đầu bàn có sự canh gác của hai vị cán bộ. Hai anh chị được nói chuyện với nhau (được phép trong 1 h), thăm hỏi dăm ba câu, anh hỏi thăm các con, hai gia đình nội ngoại rồi dặn dò em ráng nuôi con đợi ngày anh về. Chị nhìn anh nước mắt lưng tròng nghẹn ngào không nói được gì nhiều. Cán bộ thông báo đã hết thời gian gặp. Anh nhận quà thăm nuôi rồi lầm lũi bước vô trại, chị nhìn theo anh một quảng, đợi anh đi khuất rồi chị mới trở lại con đường mòn để về lại ga tàu, mua vé trở lại Huế. Ở nhà các con cũng đang đợi chị.

Một thời gian anh lại bị chuyển đi trại khác, chị lại lần hồi sắm sửa đi thăm nuôi, cứ thế lúc thì chị đi một mình, khi thì đem theo hai con để cho các con được nhìn thấy cha, cho anh thăm, an ủi anh, cải tạo cho tốt (theo lời cán bộ) để sớm đoàn tụ với gia đình, trở về cùng chị làm lụng nuôi con.
Sau mấy năm đằng đẵng, thế rồi thời gian cải tạo cũng đã hết anh được trở về! Chị nói sao hết nỗi vui mừng, từ đây anh chị bắt đầu làm lại cuộc sống.
Thời gian đầu anh chưa có quyền công dân, sức khỏe cũng còn yếu nên anh ở nhà chăm con, còn chị đi dạy và chạy chợ. Chị lại ngược xuôi buôn bán tảo tần để lo cho gia đình. Dẫu vất vả nhưng có anh bên cạnh chị cũng ấm lòng. Một năm sau thì sức khỏe của anh đã tốt lên, anh lấy lại phong độ nhờ một tay chị biết chăm lo, vén khéo gia đình. Các con lúc này đã vào tuổi học, những tưởng hạnh phúc vẹn toàn từ đây, bù đắp cho chị những tháng ngày đơn côi, vất vả nuôi con, chờ chồng và thăm nuôi.

Nhưng sự đời có những bất ngờ xảy đến ngoài sức tưởng tượng của chị và của những người xung quanh. Anh bắt đầu có tình nhân. Rồi một ngày anh đành đoạn bỏ lại vợ và con thơ để đi theo tình mới. Chị đau khổ tột cùng, tưởng chừng như trời đất sụp đổ dưới chân mình. Không thể gắng gượng dậy được nữa, nhưng tiếng khóc của các con kéo chị trở về để đối diện với thực tế. Dù cay đắng phủ phàng thế nào đi nữa chị cũng ráng sống, các con cần mẹ. Thiên chức làm mẹ cho chị thêm sức mạnh, chị đứng lên, lại lao vào công việc mưu sinh làm lụng nuôi con. Chị lấy công việc quên đi nỗi đắng cay của người vợ đã hết lòng chăm lo chồng nhưng bị chồng ruồng bỏ. Lúc này gia cảnh của chị thật bơ vơ, con còn nhỏ mà không có người đàn ông trụ cột của gia đình, chị một gánh hai vai. Vừa làm mẹ vừa làm cha để dưỡng dục các con. Lúc này chị mới hai mươi bảy tuổi. Dù vất vả là thế nhưng nhan sắc chị vẫn mặn mà lắm nên không thiếu những người đàn ông xung quanh ve vãn. Nhưng không, chị khước từ tất cả. Niềm vui của chị giờ đây là nhìn thấy sự khôn lớn mỗi ngày của các con. Có lần người phụ nữ đơn độc ấy lại bị đứa em cùng cha khác mẹ giành nhà không cho chị ở. Chị lại phải nhờ đến công lý phân xử. Lúc này anh Trọng Bình ở xa, nên may mà còn có anh Gia Phước là người anh tin cậy. Anh Gia Phước chở chị đi lo những thủ tục giấy tờ nhà, mong trắng đen được minh bạch. Anh Gia Phước rất nhiệt tâm và lo lắng cho chị. Có lẽ anh nghĩ dù sao cũng có một phần lỗi. Nỗi đa đoan mà em phải gánh, anh tự trách mình là ngày xưa nhìn lầm người, tác hợp cho em một người chồng nông nổi, bội bạc. Anh ân hận lắm nên càng phải giúp đỡ chị Thiên Kim trong khả năng của mình. Ít ra cũng là chỗ dựa về mặt tinh thần trong lúc chới với như vậy.

Năm tháng trôi đi, các con của chị nay đã trưởng thành, có công ăn việc làm và cũng đã nên gia thất. Bây giờ con trai lớn của chị lập nghiệp ở Sài Gòn, còn con trai út lập nghiệp tại Huế. Bây giờ chị đã lên chức bà nội với những đứa cháu kháu khỉnh thông minh. Chị đã hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng của người mẹ hiền, người vợ (không chồng) vẫn lo cho con cái ăn học nên người.

Nay chị đã bước vào mùa thu của người phụ nữ, dẫu đi qua những thăng trầm dâu bể nhưng nét duyên của người con gái Huế xưa vẫn mặn mà đằm thắm! Thỉnh thoảng chị lại về cố hương và có dịp cà phê hàn huyên cùng với anh chị em và những bạn bè tri kỷ.
Nghe ai hát câu “gừng cay muối mặn”
Lỗi hẹn rồi còn đâu nghĩa tào khang?
Chị mỉm cười xa xăm, những đắng cay đã lùi vào dĩ vãng. Giờ còn chăng nỗi niềm thương câu “gừng cay muối mặn” lỡ hẹn rồi, ai nỡ phụ tào khang.

Sài Gòn ngày 16/8/2022
Hoàng Thị Bích Hà


  Trở lại chuyên mục của : Hoàng Thị Bích Hà