HOÀNG THỊ BÍCH HÀ


Vài Nét Về
Nghệ Thuật Tả Cảnh Trong Truyện Kiều

 


Truyện Kiều là kiệt tác của thi hào dân tộc Nguyễn Du, là một công trình nghệ thuật bằng thơ lục bát được ngòi bút thiên tài Nguyễn Du miêu tả qua hình thái ngôn ngữ nghệ thuật. Tả cảnh ngụ tình đặc sắc với những vần thơ buồn thương mênh mang chứa chan tinh thần nhân đạo cao cả. Thúy Kiều – Kim Trọng “ Người quốc sắc, kẻ thiên tài”. Có thể coi là một thiên diễm tình để lại trong lòng người đọc ấn tượng khó phai cũng như lòng xót xa trước một kiếp hồng nhan bạc mệnh.
Thiên nhiên đi vào truyện Kiều thật là diễm lệ. Cảnh vật đã làm nền để thi nhân gửi gắm nỗi niềm, tâm trạng của nhân vật. Nhiều câu thơ tả cảnh đặc sắc  lung linh và diễm tuyệt!  
Những vần thơ Kim- Kiều gặp nhau là những vần thơ đẹp mãi xanh tươi và tỏa ngát hương sắc trong lòng người đọc.
Vẻ đẹp của mối tình đầu. Nguyễn Du đã thể hiện một bút pháp nghệ thuật đặc sắc về tả cảnh, tả tình. Mở đầu khúc nhạc lòng của tình yêu, ở đâu đó, tiếng nhạc vàng vọng lại làm rung động và  xuyến xao lòng người.
Dùng dằng nửa ở nửa về,
      Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần.  
Cảnh sắc không thể tuyệt vời hơn khi lòng người đang vui!
“ Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”
 “Dưới cầu” dòng nước “trong veo” ta  hình dung nước trong xanh có thể nhìn thấy đáy. Bên cầu là những cành liễu rủ bóng  chiều thướt tha và duyên dáng. Hình ảnh chiếc cầu nhỏ xinh trên dòng nước trong veo lững lờ trôi, và những cây liễu rủ bóng xuống mặt nước không phải là chưa có mặt trong thi ca cổ điển nhưng dưới ngòi bút thần tình của đại thi hào Nguyễn Du thì những hình ảnh quen thuộc gần gũi hàng ngày trở nên gợi cảm và thú vị biết bao! Chẳng khác nào một bức tranh thủy mặc. Những thi liệu như chiếc cầu nhỏ, dòng nước trong veo sẽ là chứng nhân cho một tình yêu Kim Kiều mới chớm nở. “ Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Đó là buổi chiều tà thanh minh mà “ Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa” đã làm cho chàng Kim Trọng “ Chập chờn cơn tỉnh cơn mê” Cuộc chia ta không hẹn ước mà đằm thắm nghĩa tình” ( Thế Lữ)
“Bóng tà như giục cơn buồn
Khách đà lên ngựa người còn ghé theo”
Bởi vì “ Tình trong như đã mặt ngoài còn e” rất tế nhị, thanh tao. Một mối tình mới chớm của đôi “trai tài gái sắc” mà sắc ở đây là “ Sắc đành đòi một tài đành họa hai”. Cuộc chia tay trong lễ hội đạp thanh sẽ là một dấu ấn đặc biệt dự cảm cho một mối tình say đắm thiết tha. Cảm xúc nghệ thuật được nâng cao qua bút pháp tả cảnh ngụ tình điêu luyện bậc thầy của thiên tài Nguyễn Du.
Đôi khi chỉ hai câu thơ thôi mà gói gọn có đủ cả phong hoa tuyết nguyệt: 
“ Đôi phen gió tựa hoa kề
Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu”    
Nỗi buồn dằng dặc thê lương đi qua cả bốn mùa chỉ trong hai câu thơ:  
Sen tàn cúc lại nở hoa 
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân
Khi tả về mùa xuân: 
“Cỏ non xanh rợn chân trời 
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
Tả mùa hè Nguyễn Du chọn lọc hai hình ảnh rất đẹp rất đặc trưng: Hoa lựu và tiếng chim quyên
“Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông”
Mùa thu với màu xanh của bầu trời mùa thu xanh trong như màu nước và sắc vàng của lá câu làm nên vẻ đẹp rực rỡ sáng trong của  mùa thu.
“Long lanh đáy nước in trời 
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng” 
Nguyễn Du cũng kế thừa rất sáng tạo những hình ảnh có trong thi ca Trung Hoa và đã Việt hóa. Để chúng đi vào thơ đậm đà bản sắc dân tộc có phần cổ kính mà không kém phần sang trọng và trang nhã. 
“ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”
Những cảnh vật quen thân gần gũi trong đời sống hàng ngày như:” lối mòn cỏ nhợt màu sương”, “ Lơ thơ tơ liễu buông mành” nhưng khi được thi nhân đưa vào thơ chúng đều có hồn là nơi để bày tỏ, để gởi gắm, chuyển tải niềm vui, nỗi buồn  tâm trạng của nhân vật. Vầng trăng cũng đã đi vào ca dao dân ca từ cả ngàn năm trước nhưng khi được kế thừa thi liệu truyền thống đó Nguyễn Du đưa vào truyện Kiều đều là những thi liệu đặc biệt để biểu đạt cảm xúc chính xác không thừa, không thiếu, sinh động và gợi cảm.
Ví dụ khi nói về cảnh biệt ly 
“ Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm đường” 
Một sự nhìn nhận của thi hào về cảnh vật thật tinh tế. Khi cho chúng hóa thân vào tâm trạng của nhân vật để nói thay cho nỗi niềm của nhân vật trước cảnh ngộ thể hiện qua câu thơ:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” 
Vâng đúng vậy! Một câu thơ mang tính tổng kết không thể đầy đủ chính xác hơn! 
Góc nhìn của thi nhân rất tinh tế và sâu sắc nên cảnh vật thiên nhiên đi vào truyện Kiều một cách tự nhiên và có hồn vừa là ngoại cảnh vừa là tâm cảnh. Nó vừa làm cái nền cho những vần thơ để chuyển tải cảm xúc, làm lay động con tim bao thế hệ độc giả trong và ngoài nước. Tám câu thơ tả cảnh trước lầu Ngưng Bích là những vần thơ tả cảnh thiên nhiên đó là phép ẩn dụ về tâm trạng và phép hoán dụ số kiếp tài sắc mà bạc mệnh.  
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Những câu thơ tả Kiều ở lầu Ngưng Bích là những vần thơ có sức ám ảnh nhất của đoạn trích, diễn tả “nỗi lòng tê tái” của Kiều trong những ngày bắt đầu của kiếp đoạn trường.
Với trái tim đa cảm của một ngòi bút thiên tài Nguyễn Du, thiên nhiên cũng là một nhân vật trữ tình được tác giả đặt cho một tình yêu sâu sắc và nồng hậu. Vì thế nắm ông  bắt cái thần, cái cốt lõi tiêu biểu của cảnh vật để chọn lọc đưa vào thơ đúng lúc, chính xác không thừa và không thiếu. Đó là thuộc về biệt tài của thi hào Nguyễn Du. 
Thơ tả cảnh ngụ tình trong tryện Kiều là những vần thơ tuyệt bút. Đôi khi chỉ vài nét phác họa, bức tranh thiên nhiên nhiện ra hữu tình, lung linh huyền diệu hấp dẫn vô cùng. Nó phản ảnh một tài năng nghệ thuật điêu luyện bậc thầy trong nền văn học nước nhà.
“Nguyễn Du viết Kiều đất nước hoá thành văn”
( Chế Lan Viên)
Nhà nghiên cứu Phạm Quỳng từng khẳng định: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”, 
.Thơ tả cảnh thiên nhiên trong truyện kiều đẹp như những viên ngọc quý làm cho người đọc tâm hồn rộng mở. Người đọc thêm yêu cảnh sắc thiên nhiên, thêm yêu vẻ đẹp, sự phong phú của Tiếng Việt. 
Nhiều thế kỉ qua, Truyện Kiều đã là món ăn tinh thần không thể thiếu với mỗi người dân Việt Nam. Bởi vì những vần thơ tuyệt tác trong truyện Kiều có sức hấp dẫn lôi cuốn diệu kì. Nó đã trở thành sách gồi đầu giường của nhiều hệ bạn đọc và tin rằng sẽ còn mãi với thời gian. 
Thành phố Huế, ngày 15/9/2018



 
  Trở lại chuyên mục của : Hoàng Thị Bích Hà