Kha Tiệm Ly


CẢI LƯƠNG XƯA VÀ NAY
 
Vào những thập niện 60,70, có lẽ là thời hoàng kim của cải lương. Bấy giờ đó là món ăn tinh thần được yêu chuộng nhất, vượt trội hơn cả ca nhạc và thoại kịch. Vé chợ đen luôn có mặt ở tại cửa rạp với giá có khi gấp đôi, mà người xem vẫn chấp nhận. Hiện tượng “mua dàn” thường xảy ra, vì người “mua dàn” cầm chắc tiền lời trong tay!
 
Tại sao cải lương thời ấy lại được yêu chuộng như vây?
 
Thứ nhất là đào kép có thực tài, diễn xuất nhập vai, ca hay, múa giỏi; và có thể nói là khá gần gũi với quần chúng.
 
Những nghệ sĩ nầy đã được quần chúng ái mộ, và đã phong cho họ những mỹ danh xứng đáng với tài năng của họ. Đó là “Đệ nhất danh ca miền nam” cho Út Trà Ôn; “Sầu nữ” cho Út Bạch Lan; “Cải lương chi bảo” cho Bạch Tuyết; “Thanh sắc vẹn toàn” cho Thanh Nga; “Tiếng ca huyền diệu” cho Minh Cảnh…
 
Thứ hai là nhờ nhiều soạn giả tài hoa, mang nhiều tâm huyết, đã cho ra  nhiều kịch bản (vở tuồng) xuất sắc, nội dung khai phóng, gây ấn tượng mạnh cho người xem. Những vở tuồng đó như đã hoà theo máu, lưu thông trong huyết quản của người xem, mà cho đến tận hôm nay, mọi người còn nhắc nhở, lưu luyến; thậm chí  có người thuộc lòng một vài đoạn trong những vở tuồng ấy!
 
Đó là Hà Triều Hoa Phượng với Tấm Lòng Của Biển, Nửa Đời Hương Phấn, Tuyệt Tình Ca (viết chung với Ngọc Điệp)… và nhất là Con Gái Chị Hằng. Vở nầy đã diễn suốt 21 đêm liên tục tại rạp Nguyễn Văn Hảo (Rạp Công Nhân bây giờ)! Đó là Thu An với Nắng Chiều Trên Sông Dịch, Hai Chiều Ly Biệt, Lá Của Rừng Xanh; Đó là Qui Sắc với Người Vợ Không Bao Giờ Cưới, Khi Rừng Mới Sang Thu… ; Đó là Nguyên Thảo với Tâm Sự Loài Chim Biển…vv…
 
Những nhân vật của những vở tuồng ấy đã “bình dân hoá” trong quảng đại quần chúng: Người ta đã gán tên những nhân vật trong vở tuồng cho những ai ngoài đời có những hoàn cảnh tương tự,  như “Phà Ca” (Trong Người Vợ Không Bao Giờ Cưới), “Áo Vũ Cơ Hàn” (Trong Tâm Sự Loài Chim Biển), “Ông Cò Quận Chín” (Trong Tuyệt Tình Ca)…
 
Tuồng tích đã hay, mà “văn chương” trong các vở tuồng cũng được các soạn giả trao chuốt kĩ càng; lại được đưa vào nhạc, nó càng bóng bẩy, dịu êm, làm người xem/ nghe mê mệt:
 
“Lòng hẹn lòng, khi chia tay, như xé nát tâm hồn ai.
Trời lạnh lùng, mây cô đơn, buồn giăng khắp miền quan tái… “ (Mắt Em Là Bể Oan Cừu)”.
 
Hay:
 
“.....Thì chị cũng sẽ về với em,
Để mừng ngày em xuất giá.
Cho vui lòng ba với má,
Chị cũng nở mặt nở mày với lối xóm bà con...” ( Nửa Đời Hương Phấn).
 
Những bài ca như vậy, đến nay đã hơn bốn mươi năm mà vẫn còn người thuộc lòng, thường hát!
 
Lại có những lời văn đẹp như một bài thơ:
 
“Mới đầu hôm mà tóc ta bạc gần nửa mái,
Mới đầu hôm mà rượu cạn mấy mười ly.
Mới đầu hôm mà sự thế đổi thay,....” (Thuyền Ra Cửa Biển)
 
Hơn thế nữa, có những câu xứng đáng là danh ngôn:
 
“Thà ngu như con thiêu thân mà chết ngoài ánh sáng, cỏn hơn khôn như con chuột mà chết trong ống cống” (Tấm Lòng Của Biển).
 
Chúng tôi nhớ, sau khi vai Tấn (Hữu Phước đóng), nói câu nầy thì cả rạp vỗ tay rần rần; một ông ngồi kế bên buộc miệng: “ Coi cải lương mà nghe “văn chương” không cũng đủ đồng tiền!”!
 
Hơn bốn mươi năm trước, khán giả còn có trình độ thưởng thức như vậy, nói chi đến ngày nay? Xã hội càng phát triển thì tầm thưởng thức nghệ thuật của khán giả từ đó cũng có sự  đòi hỏi cao hơn, nếu các tác giả thời nay không chịu nắm bắt điều nầy thì khó thành công, ngược lại vô hình trung coi thường khán giả; và tất nhiên sẽ bị tẩy chay!
 
Sau năm 1975, vì hoàn cảnh xã hội mà món ăn tinh thần còn nhiều thiếu thốn. Nhưng đói thì phải ăn: Các loại phim ảnh dù rẻ tiền  cũng phải xếp rồng rắn để mua vé. Cải lương lúc đó không được diễn những vở tuồng cũ, và phần lớn nghệ sĩ ưu tú “xưa” mỗi người một nơi, hầu hết   bị “rã gánh”; Những nhân tố mới đã được thành lập với những nghệ sĩ tay nghề non choẹt, với những vở tuồng mà nội dung đã gây nhàm chán người xem cũng được “ăn theo” một giai đoạn, nhưng dần dần các rạp cải lương vắng khách như chợ về khuya!
 
Tại sao vậy? Có người bảo, cũng chỉ vì băng đĩa quá tiện lợi và rẻ tiền, nên người ta không đến rạp nữa. Nói như vậy thì có phần thiếu thuyết phục, và có ý bênh vực cho môn nghệ thuật đã trong giờ hấp hối nầy. Hỏi lại, dù không đến rạp, ở nhà họ vẫn coi cải lương trên TV? Câu trả lời rất sượng sùng là... rất, rất ít người coi! (mà người coi là những lứa tuổi già nua còn sót lại!)
 
Tại sao thế? Như đã phân tích ở trên. Cải lương  lúc trước được ưa chuông  là nhờ ba yếu tố: Diễn viên thiện nghệ, Soạn giả tài ba, và kịch bản xuất sắc.
 
Cải lương ngày nay, với nghệ sĩ có người cũng có huy chương vàng nầy nọ, nhưng lối diễn và giọng ca cũng không làm người xem vừa ý: Có một nữ nghệ sĩ trong thời gian “thiếu thức ăn tinh thần”, cũng đã làm mưa làm gió trên sân khấu, nhưng có  bao nhiêu người mến mộ? Bởi vì cô ta quá “điệu”, làm duyên làm dáng thái quá, khiến người coi phải “mắc cở giùm”; hay có một nam nghệ sĩ giọng ca eo éo như con gái, diễn xuất với chân tay cứng ngắt . Diễn viên như vậy, làm sao tồn tại với tầng lớp khán giả có tầm mức thưởng thức như hiện nay ? Mới hay, huy chương là một đường, thực tài lại là con đường khác!
 
Về soạn giả và kịch bản (thường vốn đi đôi)  thì rõ là một vấn đề đáng buồn: Chưa thấy có vở tuồng nào sau năm 75 được  nhiệt liệt hoan nghênh; mà thường thì xem qua rồi, người ta quên liền, không có chút mải mai vấn víu  vào tâm thức!
 
Điều cần nói thêm là, người xem cải lương ngày nay lại rất bực mình về câu vọng cổ đã bị soạn giả phá đi nét truyền thống, nhào nắn thành dị hình dị dạng: Ca sĩ phải nổi gân cổ “nuốt” hơn một trăm chữ trước khi “xuống hò”(câu 1)! Đó là sự chế biến lập dị, làm người ca mệt, mà người nghe/xem cũng “thấy mệt”, thấy ngao ngán, thấy chán chường! Các soạn giả ấy đã cố tình “làm cho lạ”, nhưng đã vô tình làm cho bản vọng cổ hết... “muồi”, vốn là sở trường của cổ nhạc.
 
Cải lương càng ngày càng vắng khách, kể những người lớn tuổi ở quê, vốn là thành phần “mê” cải lương nhất; giờ họ cũng lơ là.
 
Nếu tình trạng diễn viên không vừa lòng khán giả; và tuồng tích  thì “có bao nhiêu đó làm hoài”, thì không bao lâu, cải lương sẽ trút hơi tàn!
 
Điều bất hạnh cho cải lương là “Tre đã tàn, mà măng chưa  mọc!”
 
Đó là một thực tế không thể phủ nhận./.
 
 
NHỚ… SƠN ĐÔNG MÃI VÕ.
 
 
Quê tôi hồi ấy (1955) chưa có “ra dô” (radio), lâu lâu mới có hai nguồn giải trí chính. Một là gánh hát cải lương (hay hát bội) về, hai là “gánh hát Sơn Đông” tới.
 
Mỗi khi gánh hát cải lương về, thì làng tôi như trẩy hội; người coi thì chật rạp, mà người đi chơi cũng nghẹt cả sân nhà lồng, lại kéo thêm đội quân bán nước đá nhận, mía khúc... nên không khí huyên náo khác thường. Với “gánh hát Sơn Đông” thì không đến nỗi ồn ào như thế nhưng số người tụ lại xem cũng khá xôm trò.
 
Cụm từ “Gánh Hát Sơn Đông”, hay “Hát Thuật Sơn Đông” của người quê tôi quen dùng là chỉ đoàn bán thuốc “gia truyền”, xen kẻ với những màn ảo thuật hoặc biểu diễn “nghề võ” hay ca cổ.
 
Khác với gánh hát thường lưu lại làng tôi dăm ba ngày; các đoàn Sơn Đông  thì chỉ diễn có một buổi rồi đi.
 
Đoàn Sơn Đông đến không có “rao bảng” (*) như các đoàn cải lương, nhưng nhờ mọi người truyền miệng nhau, nên chẳng bao lâu sân nhà lồng cũng chật ních người.
 
Cũng như các đoàn cải lương, các đoàn Sơn Đông cũng tùy lớn nhỏ mà cơm ghe bè bạn có khác nhau. Thường thường thì “đào kép”, đồ nghề chỉ vỏn vẹn trên một chiếc “xe hơi” cỡ chiếc bảy chỗ hay mười lăm chỗ ngồi như bây giờ.
 
“Hát Sơn Đông” đến làng tôi thì nhiều, nhưng chỉ có hai “gánh” tính tới bây giờ, dù đã hơn năm mươi năm, mà thỉnh thoảng vẫn còn có người nhắc tới: Đó là “gánh” Ngô Văn Long , biểu diễn võ thuật; và “gánh” Đại Từ Bi, biểu diễn cổ nhạc và trích đoạn cải lương.
 
Dù với đoàn nào, sau khi thấy bà con tụ tập đông đủ, thì “ông bầu” vẫn là người điều khiển chương trình, và luôn có một hay hai anh hề lập lại lời ông nói; nối tiếp là tiếng trống, tiếng chập chỏa cổ vũ theo. Đại khái như vầy: (chúng tôi không chi thêm lời anh hề lập lại)
 
“Thưa bà con cô bác (tùng tùng, xèng!), thưa các cụ ông (tùng tùng, xèng!), thưa các cụ bà (tùng tùng, xèng!), thưa quý bác (tùng tùng xèng!), thưa quý chú (tùng tùng, xèng!), thưa quý cô (tùng tùng, xèng!), thưa quý dì (tùng tùng, xèng!), thưa quý anh trai (tùng tùng, xèng!), thưa quý chị gái (tùng tùng, xèng!), thưa mấy … con nít (có nhiều tiếng cười / tùng tùng, xèng!). Hôm nay đoàn quảng cáo thuốc chúng tôi hân hạnh giới thiệu loại thuốc gia truyền trị nhức mỏi….  Đánh trống lên! (Tung tung, tung! Tung tung, tung!). Cô bác nào đau cái vai (tung tung, tung!), đau cái cổ (tung tung, tung!), đau cái lưng (tung tung, tung!)…. Quý ông bà cô bác hãy mua thử về xài (tung tung, tung!), không cần mua nhiều (tung tung, tung!), Coi như trước mua vui, sau làm nghĩa! (tung tung, tung! Tung tung, tung!)…”
 
Sau màn giới thiệu công năng và hiệu quả của thuốc, thì nhiều bàn tay trong đám đông cầm tiền giơ lên “ bán tui hai gói”, “ tui một gói”, … Số người mua cũng khá đông, lúc đó ông bầu cầm micro chỉ từng người một cho nhiều người trong đoàn mang thuốc đến: “Bên nây hai gói”, “bên kia một gói!”, hoặc “bên nầy mua!”, “bên nầy mua!”.…
 
Sau màn bán thuốc là màn biểu diễn “nghề võ” (hoặc ảo thuật, ca cổ); đây cũng là màn mà bọn trẻ chúng tôi mong đợi! Với múa đao, múa thương loang loáng; với đập cong thanh sắt vào ngực; hay với màn  nằm trên bàn chông với mấy tảng đá chồng lên ngực rồi cho một người dùng búa tạ đập lên, khiến ai cũng le lưỡi, lắc đầu.
 
Và cứ một màn bán thuốc, một màn biểu diễn “nghề võ” xen kẽ nhau cho đến khi nào hết người mua thuốc thì thôi!
 
Với Đoàn Đại Từ Bi, thay vì biểu diễn “nghề võ”, thì đoàn biểu diễn ca cổ nhạc sau những màn bán thuốc. Cuối cùng, “theo lời hứa với bà con”, đoàn biểu diễn trích đoạn một tuồng hát, hay “màn một” của một vở tuồng nào đó. Tôi không quên là sau khi diễn “màn một” của tuồng Thoát Ly và hẹn “lần sau sẽ diễn tiếp màn hai”, thì không biết nguyên do gì mà đoàn không trở lại nữa, điều nầy làm những bà con mê cải lương luôn ấm ức, không biết “kết cục nó làm sao!”. (sau nầy nghe nói nghệ sĩ Ngọc Giàu đã từng cộng tác cho đoàn nầy)
 
Thuốc bán thì thường là thuốc nhức mỏi, thuốc điều hòa kinh nguyệt, thuốc xổ lải, thuốc đau răng, thuốc ho, thuốc dán, thuốc cảm mạo…. Thuở ấy tôi còn quá nhỏ nên chưa từng mua bất cứ loại thuốc nào của gánh hát Sơn Đông, nhưng theo nghe cô bác nói thì thuốc uống hay lắm. Và thương hiệu “thuốc dán hiệu con rắn” và nhất là “thuốc xổ lải mộng dừa” ở làng tôi ai cũng ca tụng vì sự hiệu quả của nó.
 
Trước khi lên đường, “ông bầu” lúc nào cũng cám ơn bà con với những lời lẽ rất lịch sự  và không thiếu chất văn hoa. Cuối cùng là cái gập mình tạm biệt.
 
Sơn Đông mãi võ lưu diễn đến làng tôi trong khoảng thời gian từ năm 55 đến năm 60, thời gian không dài, nhưng “văn hóa Sơn Đông” ảnh hưởng không ít với người dân làng tôi: Các bài ca mà các anh hề hát để chờ khách đến đông đủ có thể nói rằng từ nhỏ đến lớn ai cũng thuộc nằm lòng như : Bắn con thỏ, nó quây xà quây/ Cẩu (cậu) bắn thật hay/ Nhìn xem, ngoài kia, chòm cây/ Đừng rục rịch coi chừng nó chạy/ Bắn nó ngay đầu/ Thôi rồi, nó chết rồi. (Điệu Sơn Đông Hướng Mã); hoặc có bài hát lời nghe… vô duyên nhưng cũng xin ghi lại cho bạn đọc xem: Gió cuốn mây bay , phừng phừng dầu lửa dầu xăng, dầu lửa dầu xăng/ Phừng lên cháy liền/ Cháy cho hết cái loài tham tàn/ Để… tiền góp ăn mắc quá trời/ Vui, khoái vui! Nhà bà hai đã cháy/ Bớ người ta/ bớ người ta/ Ngọn lửa cao quá trời/ Cái trời đất ơi! (Điệu Trong Ánh Nắng/ giờ cổ nhạc ít ai xài)
 
Có một chuyện vui, xin kể hầu bạn đọc: Đôi khi các đoàn cũng “hát thuật” (ảo thuật)  cho bà con xem, mà thường là “thuật ra tiền”: Người làm ảo thuật bỏ một mớ giấy vào một hộp cây, đây nắp kín lại, dùng phù phép, gõ gõ mấy cái rồi mở ra, thì lạ chưa? Một xấp bạc một đồng (mua được 20 cục kẹo) cáu cạnh nằm dưới đáy hộp! Người ảo thuật bèn tặng cho bọn trẻ chúng tôi mỗi đứa một tờ và căn dặn: “Đây là tiền giả, mấy em để dành chứ không được xài, xài “lính” bắt ráng chịu!”. Tôi là một trong những đứa trẻ hân hạnh được tặng tờ bạc đó. Cầm tờ bạc, chúng tôi mừng quýnh và… hôn vào nó lia lịa! Cất chán chê; đến một khi thèm kẹo, nhưng chúng tôi cũng không dám mang ra tiệm mua vì sợ… “lính bắt”. Giữ mãi cho tới lúc có chút trí khôn, biết nó là tiền thật, thì giá trị của nó không còn nữa! 
 
Đừng lầm những người bán thuốc dạo với một manh nylon trải dưới đất và vài thứ thuốc trời thần là Sơn Đông mãi võ! Những người nầy có khi vừa bán thuốc vừa  kiêm “nha sĩ” nhổ răng! Không ít trường hợp người đau cái răng nầy mà nhổ cái răng kia, hay “nhổ một cái, tặng một cái” là chuyện vẫn thường xảy ra!
 
Với phương tiện truyền thông bùng nổ hiện nay, người ta có thể xem những màn võ công cực kì đẹp mắt hơn; và những nghệ sĩ cải lương tài hoa hơn; nhưng tôi vẫn “thèm”, vẫn nhớ những lời ca và cung cách biểu diễn của những nghệ sĩ giang hồ Sơn Đông mãi võ. Nhưng không thể nào nghe được, xem được nữa rồi ; vì nó đã bị khai tử từ gần bốn chục năm qua!
 
Chú thích: * “Rao bảng”: Chỉ việc các đoàn hát cải lương đi quảng cáo tuồng hát: Một chiếc xe ngựa, xung quanh được treo hình ảnh, tên vở tuồng tối hôm đó hát; trên xe được đặt một cái trống chầu, liên tục đánh từng ba dùi một từ đầu làng đến cuối làng.
 
 
CÁ NÀO MỒI ĐÓ
 
 
Câu cá là thú tiêu khiển thanh tao, là lối hưởng nhàn của các cụ ngày xưa. Sau khi cốn cần, nếu có cá để “đưa cay” cho ly rượu thêm đậm đà thì tốt;  không có cũng chẳng sao! Nhưng với những người coi cần câu cá là cần câu… cơm lại là chuyện khác: Nếu ngày nào câu không được cá thì kể như ngày đó phải ăn “thịt cọp”*. Cho nên họ phải nghiên cứu thế nào để được “bội thu” nhất. Muốn như vậy, ngoài việc phải biết tập tính của từng loài cá, người ta còn phải tìm hiểu xem chúng “hảo” loại thức ăn nào nhứt, để cho dù no, mà thấy mồi “bắt”, cho dù biết sẽ mắc câu, chúng cũng “phập” một phát cho đã thèm!
Để cho cá ăn câu không phải chuyện đơn giản! Không tin quí bạn thử thả mồi xuống ao cá tra xem sao: Cá đặc gậc như vậy nhưng bạn chờ mỏi tay cũng chẳng có con nào đến táp mồi (thường là chuối chín); chỉ vì bạn thả mồi nhẹ tay quá! Muốn cho cá táp mồi, bạn phải quăng cục mồi mạnh xuống, kêu một cái “chủm”, thì mới có cơ may! Bởi nó tưởng là “cục mồi” hàng ngày nên tranh nhau đớp! Nhưng muốn bắt chúng dễ dàng không gì bằng con ong bầu: Bắt con ong bầu, ngắt một cánh rồi thả xuống ao (không cần lưỡi câu), ong bị ngắt cánh không bay được vì mất thăng bằng, nó sẽ quay vòng vòng dưới nước; chỉ vài giây sau là cá đớp liền, và cũng chỉ vài giây sau, cá sẽ phình bụng nổi lên vì nọc độc của ong phát tán! Thế là chỉ việc lấy vợt vớt lên!
Cá lóc thường thích mồi chạy, còn gọi là mồi sống, tức là con mồi phải còn sống, còn hoạt động lanh lợi. Khi cắm câu, mồi sống thường dùng là nhái, nhưng chớ dùng nhái bầu, mà dùng nhái bén, vì nhái bén sống dai hơn; cũng không nên móc trên lưng mà phải móc ở hàm trên để nhái khỏi bị ngộp nước. Khi cắm, canh làm sao cho bụng nhái vừa chấm mặt nước để nó có thể bơi tới bơi lui mà dụ cá lại. Với câu cắm, mồi nhái thông dụng nhất vì nó khá nhạy, nhưng nếu được con dế nhủi thì không gì bằng: Cá dù no mổi cũng vẫn táp một phát cho dù tới đâu thì tới! Có thể nói, với mười con dế nhủi thì có thể bắt được chín con cá lóc, còn con kia chạy vuột vì … lưỡi câu bị hoác!
Với cá rô, mồi tép không nhạy bằng trứng kiến vàng, nhưng chỉ có con nhền nhện mới khiến nó biết chết cũng lao vào!
Với cá bông lau, gián đất là món khoái khẩu nhất!
Trên những bãi bồi ven sông, người ta thường cắm chà để dụ tôm vào ở, lâu lâu giở chà một lần; có chà cả bốn năm kí tôm, có chà lại chẳng đủ một buổi lai rai! Chẳng qua trường hợp trước là họ biết món khoái khẩu của loài tôm là gì mà thôi: Đó là hột vịt thối! Lấy một mớ hột vịt thối, đập nhẹ nhẹ cho giập rồi cũng nhẹ tay lột bỏ vỏ ngoài, chừa lại vỏ lụa; không cần lột hết, mỗi hột chỉ cần lột ba bốn điểm lớn bằng lóng tay là được, rồi thả xuống đám chà. Cứ chín mười ngày làm lại một lần. Chuyện đơn giản, rẻ tiền, mà hiệu quả vô song!
Khác với cá lóc, cá trê chỉ thích mồi chết – thường là trùn đất- và cần phải cắm cho lưỡi câu đụng đáy. Trước khi cắm phải quậy nước chỗ đó cho đục thì cá mới dễ mắc câu hơn - có lẽ nhờ lưỡi câu được ngụy trang trong lớp bùn. Độc chiêu để dụ cá trê lại là đốt một cục gạch cho nóng rồi thả vào một chảo mỡ chó đã được thắng sẵn:  Khi mỡ chó đã bị gạch hút no, người ta tìm chỗ nào có nhiều cá trê thì thả xuống; Thế là bao nhiêu họ hàng chúng đều tụ tập lại để câu hay bị quăng chài! Thế mới hay loài cá còn " ghiền" thịt cầy thay!
Với lươn, lươn hiếm khi ăn câu nên phải đặt trúm: Đó là hai ống tre mà mắt giữa được chọt cho thông để có độ dài. Một đầu kín là đáy có gắn mồi - thường là cua đồng đập giập hay cá thòi lòi chặt khúc; một đầu trống là miệng trúm được tra chặt bởi một cái hom.  Lươn chui qua hom tìm mồi, lọt vào trúm và nằm đó chờ bị trút vào đụt! Với mồi nầy, một trăm trúm lươn thông thường chỉ “vô” được chừng vài chục trúm là cùng, mà mỗi trúm cũng chỉ được một con, hiếm khi hai con. Thế nhưng nếu có tuyệt chiêu lại là chuyện “trên cả bất ngờ”: Cơm nguội quết với cá mòi Sumaco chánh hiệu Maroc (loại cá mòi khác chưa thử lần nào nên không dám nói). Quết xong thì vò viên bằng trái chanh, bỏ vào mỗi trúm hai viên; không cần nhiều cho hao, vì chỉ dùng được một lần. Khi trúm được đặt xuống, dầu từ viên mồi nổi lên, theo dòng nước chảy lừ đừ, dẫn đường cho cha con nhà lươn tìm đến, rồi tranh nhau chui vào hom. Khi “ra” tuyệt chiêu nầy, lần đầu tiên thăm trúm ai cũng phải kinh ngạc vì ba bốn anh chị lươn nằm chật trong đó! Hiếm khi trúm chỉ có một con; trúm không có con nào chỉ vì nơi đó không còn lươn nữa!

 
Ếch sinh sống ở hồ ao, bàu đầm . Bởi là loài lưỡng thê nên đôi khi chúng phải lên bờ để nghỉ ngơi hoặc kiếm ăn. Cho nên, nếu hồ ao, bờ đầm nào có cái “cù lao”, là nơi lý tưởng cho chúng ở, và cũng lý tưởng cho… người câu chúng! Ếch dễ câu mà cũng khó: Dễ là với bất cứ mồi gì, như chỉ cần một cái hoa nhỏ trắng trắng,  một chút “tim” của cây mì, … móc khéo vào lưỡi câu rồi nhử nhử trước mặt, là nó đớp liền! Khó là khi động, nó nhảy “chủm” xuống nước!
Sau nầy có người phát hiện móc mồi bằng bông dâm bụt thì ếch khoái đớp hơn. Nhưng tất cả những loại mồi kể trên chỉ thuộc vào hàng “nhập môn”,  chỉ để cải thiện bữa ăn chứ không có giá trị kinh tế. Muốn bắt “không sót một con” thì trong…. cửu âm chân kinh (!) dạy như vầy: Đầu cá biển, mắm nêm, hai thứ quết chung cho nhuyễn, gia thêm một ít dầu chuối (loại xịt vô sương sa hột lựu). Đến “cù lao” mà ếch thường nghỉ như đã nói trên; lấy một mớ “mồi” trét ven bờ, mục đích việc làm nầy là cho mồi tỏa mùi cho ếch tìm đến. Một mớ vò viên nhỏ nắn vào lưỡi câu, rồi cắm chỗ nào thấy thuận tiện. Xong lên bờ… ngồi chờ! Thời gian sau, mỗi lưỡi câu đều có một con ếch tòn teng! “Sát thủ” chỉ việc lội xuống gỡ ếch bỏ vào giỏ rồi móc mồi khác, đến khi nào khu vực đó… không còn con ếch nào nữa thì thôi!
Như võ công, mồi câu cũng có thế phản đòn, nên phải cẩn thận đề phòng: Chỉ cần ai đó lén nhỏ vào  ổ mồi vài giọt dầu lửa thì kể như công toi, bởi không có “con ma” nào tìm tới!
Người viết bài nầy có tuổi thơ cực kì nghèo khổ, hàng ngày sau buổi học, có khi thức suốt nhiều đêm, hoặc phải ngủ bờ ngủ bụi để cắm câu bắt cá đổi gạo; mà cũng bữa đực bữa cái, bữa giáng bữa thăng! May nhờ có “ân sư” thương tình truyền … khẩu quyết, mà đời sống lúc đó có khắm khá hơn! Nay người viết không làm nghề đó nữa, nên viết bài nầy để tặng kẻ có “duyên”. Chớ như xưa kia, dễ gì!
cleardot
------------------------------------------------------------------------------------
 
* “Thịt cọp”: (tiếng lóng) muối ớt! Ớt đâm với muối kêu “cộp, cộp”
 
 
HÀNG RONG MỸ THO XƯA

 
 
Không biết nghề bán ràng rong có từ đời nào nhưng chắc chắn nó xuất hiện từ xa xưa lắm,
 
Hàng rong là những món hàng mà người bán phải gánh, phải bưng, phải đội, hay khá hơn là được đẩy từ một chiếc xe hai bánh thô sơ… đi rong từ chỗ nọ đến chỗ kia cho đến khi hết hàng thì mới quay về. Cũng là một gánh xôi, nhưng với người bán phải còng lưng gánh đi khắp ngõ đường, và một người ngồi tai chỗ ở một góc phố nào đó, thì trường hợp thứ nhất mới được gọi là “hàng rong” mà thôi.. Nếu định nghĩa nầy được chấp nhận thì hàng rong đồng nghĩa với “bán dạo”.
 
Đặc biệt của hàng rong là người bán  phải luôn miệng rao hàng. Rao hàng không những là một tín hiệu cho người có nhu cầu… ăn uống biết là món mình khoái khẩu đã tới, mà còn đánh thức tuyến nước bọt của người nghe. Đang lúc cơ thể thiếu chất béo mà nghe giọng lảnh lót kéo dài: “ Ai… ăn chè… đậu đen… nước cốt dừa… đường cát ….ho…ong?”, hoặc đang lúc “mưa bay lất phất” lại nghe văng vẳng ở đầu hẻm: “Ai… ăn tàu hủ… ho…ong?”, thì không mấy ai không liên tưởng đến chén tàu hủ bốc khói được chan nước đường gừng mà chẳng chờ sẵn trước cửa hay lại không tốc mền ngồi dậy?
 
Với người nam bán, thì tiếng rao lại thường cô đọng lại chỉ còn vài từ cộc lốc và chát chúa: “Mía hấp! Mía hấp!”. “Tiếng rao” cũng có thể là… tiếng chuông rung leng keng , hay hai thanh tre gõ vào theo một nhịp điệu hai nhặt một khoan liên tục: “Cốc cốc! Cốc! Cốc cốc! Cốc!....” của người bán cà rem hay anh “hủ tiếu gõ”!
 
Hàng rong thường là những món thực phẩm để ăn chơi, ăn cho vui miệng, một loại quà ăn vặt, cho nên chỉ đắt hàng với những thực khách có chút tiền rủng rỉnh; còn với những tầng lớp ngày hai buổi còn lo chưa xong thì hàng rong không có đất dụng võ!
 
Hàng rong ở Mỹ Tho xưa so với ngày nay thì không được phồn thịnh hơn, nghĩa là ít mặt hàng hơn, ít người bán hơn. Nhưng có những món và những nhân vật mà người bây giờ nghe đến cũng phả ít nhiều ngạc nhiên, thú vị.
 
Trước công viên Dân Chủ (nay là Cung Thiếu Nhi) có nhiều xe … “tứ cấp”, là xe được thiết kế bốn bậc (giống như bậc thềm), mỗi “cấp” được trưng bày những keo dựng đầy nhiều loại bánh kẹo. Bậc thấp nhất, cũng là bậc có diện tích rộng nhất, có những keo lớn đựng đầy những cóc ghim, ổi ghim ngâm vào một thứ nước vàng khè mà chủ hàng bảo là cam thảo! (sau nầy mới biết được ngâm vào đường hóa học và chút màu). Đây là món hàng đắc khách  nhất đối với đám học sinh chúng tôi: Cầm một trái cóc được “tách bông” hay một  một phần trái ổi được chẻ ra làm ba, phếch lên chút muối ớt đỏ au trên một màu vàng gởi cảm; cắn một miếng, vị ngọt ngọt, chua chua, cay cay, chưa nhai thì nước bọt tuôn ra làm rần cả hai má! Thú vị hơn là được tận mắt nhìn chú A Tỷ biểu diễn gọt cóc, ổi: Cầm một lượt hai trái trong một tay; tay kia chú thoăn thoắt con dao gọt bén ngót, chỉ trong chớp mắt là xong! Bởi vậy, dù ổi vẫn luôn ngâm sẵn đầy trong keo, nhưng chúng tôi vẫn đòi “ổi mới” để có dịp nhìn chú trổ tài!
 
Khu vực chợ Mỹ tho thì có “chí mà phủ”  (chè mè đen) của thím Xẩm. Thím tà tà một gánh từ đầu chợ đến cuối chợ và luôn miệng rao “chí mè phủ”, kể cả khi “múc không kịp” cho đám thực khách vây quanh! Đây là một món chè độc đáo của người Hoa, ai đã từng thưởng thức một lần rồi sẽ không quên cái hương vị béo ngọt bùi lẫn lộn, ngon tới ruột tới gan!
 
Cà rem quây tay Hữu Danh, Hữu Tiếng một thời, mà mỗi lần nghe tiếng chuông leng keng thì ít ai “cầm lòng cho đậu (đặng)”. có thể nói đến giờ nầy không có hãng cà rem nào “qua” được!
 
Đêm đêm trên đường Hùng Vương, người ta thường nghe tiếng rao “Mía hấp! Mía hấp” của “chú mắt kiếng”. Vừa rao, thỉnh thoảng chú vừa giở nồi ra; mùi thơm đặc thù của mía hấp làm người đi đường ít ai không quay xe lại! Cũng như chú A Tỷ gọt cóc ổi, “chú mắt kiếng” rọc vỏ mía, chặt mía ra từng đoạn nhỏ (như mía ghim) đã đến mức thượng thừa! Loáng một cái là xong! Coi róc mía “rẹt rẹt” cũng đáng đồng tiền! Có lẽ ở TP Mỹ Tho, mía hấp là mặt hàng duy nhất không “đụng hàng”, nên đến nay đã trải qua bốn đời mà vẫn còn tồn tại!
 
Khác với ngày nay, kẹo kéo câu khách bằng nhạc sống tự biên tự diễn; chiêu câu khách  của kẹo kéo ngày xưa là quay số: Đó là một khung tròn bằng cây, trên đó có nhiều khoảng trống được phân định bằng nhiều cây đinh nhỏ  đóng đều khoảng cách với nhau. Giữa mỗi hai cây đinh được ghi xen kẽ các số  từ 1 đến 20 (số 1 nhiều nhất). Quây trúng số 1 thì được  thì được chung một tấc kẹo; quay trúng số 2 thì chung được hai tấc, nhưng kẹo  lại bị kéo ra dài, mỏng manh hơn! (bài bạc mà lỵ!).
 
Một nhân vật độc đáo lá “anh gù” bán thuốc lá dạo. Địa bàn của anh là mấy “tiệm nước”, trước cổng rạp hát, dãy bar ở khu vực bờ kè bây giờ và vườn hoa Lạc Hồng. Đến nay đã năm mươi năm mà vẫn thấy anh còn hành nghề, có điều lưng anh có vẻ gù hơn, bước đi lụm cụm hơn, và tóc đã đổi màu trắng toát!
 
Nói bán hàng rong Mỹ tho xưa mà không kể đến “Tầu phông dang… hạt pí… đây!” của bà Xẩm ngày đêm quanh quẩn ở khu vực vườn hoa Lạc Hồng. Trên tay chỉ có cài rổ nhỏ chứa nhiều gói đậu phộng rang hạt bí rang; nếu bán hết cả rổ thì cả vốn lời cũng chẳng bao nhiêu, nên ai cũng động lòng mà mua giùm bà vài gói! Thế mà bà kiên trì từ ngày nầy qua ngày nọ, để rồi một ngày mọi người phải té ngửa khi thấy bà xây một cái nhà “hết hồn” ở cuối đường Lê Lợi! Từ đó ở khu vực vườn hoa, tiếng rao : “Tầu phộng dang… hạt pí… đây” cũng mất theo bóng bà Xẩm già nua lụm cụm!
 
Hàng ăn uống rong dù có hấp dẫn thế mấy nhưng khâu vệ sinh chắc chắn không thế nào bảo đảm được. Thứ nhất là bụi bám. Ta thử tưởng tượng sau một chuyền xe chạy qua, nhất là xe… rác, thì gánh hàng đã hứng biết bao vi khuẩn, vi trùng! Thứ hai là việc rửa chén đĩa: Một sô nước mang theo có thể sử dụng cả hàng trăm lượt rửa! Kế đó là chuyện chế biền vô tội vạ, như cóc ổi ngâm “cam thảo” như đã nói ở trên. Đó là chưa nói hàng rong còn làm cho bộ mặt thành phố mất vẻ mỹ quan.
 
Có nhiều ý kiến là cho hay cấm nghề hàng rong. Mỗi bên đều có lý lẽ riêng của mình, và cuối cùng vẫn là quyết định của chánh quyền. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, nghề hàng rong xưa đã nuôi sống cho nhiều gia đình, có nghề đã “gia truyền” cho nhiều thế hệ. Có nhiều người đã nhờ gánh hàng rong mà nuôi con thành đạt; và cũng có nhiều người tự mình nhờ bán hàng rong mà được bước vào cửa giảng đường đại học, hay hơn thế nữa; như kẻ viết bài nầy.
 
Kha Tiệm Ly
  Trở lại chuyên mục của : Kha Tiệm Ly