KHA TIỆM LY
Chồn Có Nghĩa
(Nghĩa Hồ)
Truyện ngắn
Chồn Có Nghĩa
(Nghĩa Hồ)
Truyện ngắn
Lư sinh người Hồ Nam, cha mẹ mất sớm, chỉ để lại mảnh đất bạc màu, trồng cây chẳng ra trái, trồng lúa chẳng trỗ bông. Học hành không tới nơi tới chốn nên lỡ sĩ lỡ nông. Được có bộ dạng khá khôi ngô, lại được tài ăn nói, bèn ra chợ viết mướn, “kiêm” coi tướng độ nhật. Dù vậy, ngày thăng ngày giáng, kiếm ăn vất vả.
Mé tây có cô gái họ Cù, cha mẹ cũng đã qua đời, thương cùng cảnh ngộ nên thường qua nhà Lư quét dọn, nấu giùm ấm nước nồi cơm, hoặc có món nào ngon đều đem qua biếu Lư rồi cùng ăn, cùng chuyện trò vui vẻ.
Cù nhan sắc đã tầm thường, mà má phải lại có một bớt đen lớn nên càng khó nhìn. Do đó, dù đã hai mươi tuổi mà chưa có trai nào ngó tới. Dù vậy, Cù lại là cô gái rất hiền lành, nói năng khuôn phép, giỏi việc nấu nướng, đảm đang việc nhà, nên mọi người đều thương mến, kính nể.
Cũng vì bộ mặt nầy mà ban đầu làm Lư khó chịu, nhưng sau lại bị những đức tánh của nàng cảm hoá, Lư dần dần đổi thái độ với Cù. Lại nghĩ chẳng mất mát gì, còn được người giúp việc không công!
Thế mà hai người ăn ở như vợ chồng lúc nào không hay. Việc nầy đối với Cù là cả một tấm lòng; còn với Lư, chẳng qua là việc “lửa gần rơm”!
Trước khi có Cù, nhà Lư sờ gạo hết gạo, sờ muối hết muối; ngổn ngang vật dụng trong nhà, rác có khi ngập tới cổ chân! Khi có bàn tay Cù thì mọi việc đâu vào đấy hẳn hoi. Hàng ngày Cù nuôi tằm dệt vải, bắt thêm mớ ốc mớ rau nên cũng cải thiện cuộc sống đôi phần. Vậy mà nhiều khi Cù phải nhịn ăn cho Lư no, là chuyện rất thường.
Một lần Lư bệnh, mình nóng như lửa đốt, lại gặp lúc bão tố triền miên. Trong nhà hạt gạo chẳng còn, mà thấy Lư như mê như dại, lòng Cù đau như dao khứa, bèn cầm chiếc trâm của mẹ bao đời truyền lại mà lo thuốc thang cho Lư.
Ngày tỉnh lại, thấy trên mâm cháo gà bốc khói. Nước bọt tuôn ngập chân răng. Lư hỏi:
- Tiền đâu mà nàng có thứ quí giá nầy?
- Có con gà rừng ở đâu đến trú bão mà như hết sức lực, nên thiếp bắt đó thôi.
Lư ngờ ngợ, chợt thấy chỉ có một đôi đũa, bèn hỏi:
- Sao nàng không ăn cùng ta?
- Thiếp ăn rồi.
Mấy lời “thiếp ăn rồi” làm Lư xót xa. Cũng chỉ vì tin “thiếp ăn rồi” mà bao lần Lư vô tình thấy sau bếp Cù đã gom từng hạt cơm dưới dáy nồi cho vào miệng một cách vội vàng!
Lư cương quyết:
- Nếu nàng không ăn cùng ta, ta quyết cũng không ăn. Từ nay vợ chồng no cùng no, đói cùng đói. Nàng hà tất vì ta mà chịu thiệt thòi như vậy.
Lòng Cù ngập tràn hạnh phúc vì hai tiếng “vợ chồng” của Lư. Nước mắt sung sướng rơi tự bao giờ!
Với Cù như thế đã quá đủ đầy.
Mùa thu năm sau Lư phải về đất Phong thọ tang.
Đường còn diệu vợi, cứ nóng lòng về nơi cắt rún chôn nhau. Lư định bụng qua khỏi U Lâm sẽ tìm chỗ trú đêm. Nhưng đến lưng chừng đèo thì người ngựa đều mệt. Nhìn quanh, núi rừng mù mịt. Mặt trời lại khuất đỉnh non cao, bóng chiều miền núi càng lúc càng xuống nhanh. Gió từng cơn thổi lạnh buốt xương. Quay trở lại cũng dở, mà phía trước thì bóng tối lờ mờ. Vừa lo vừa sợ, bỗng thấy thấp thoáng ánh đèn ẩn hiện sau lớp cây rừng. Lòng mừng vô hạn.
Đó là một ngôi nhà bề thế. Lư đang tần ngần trước ngõ, thì hai a đầu niềm nở đón mời:
- Chủ nhân đã chờ công tử lâu lắm rồi!
Chủ nhân mặt ngời như ngọc, mắt phụng mày ngài, dung quang thoát tục. Trong nhà, các vật dụng hết sức cầu kì, mọi thứ như bằng thất bảo, chạm trỗ tinh vi, phản chiếu dưới anh đèn, lấp lánh nhiều màu rực rỡ.
Yến tiệc được truyền, đầy rẫy sơn hào hải vị mà cả đời Lư chưa từng được nhìn qua. Chén lưu li trong vắt, rượu màu hổ phách long lanh. Nữ nhạc tưng bừng, đàn sáo du dương, áo lụa như mây dán vào những bộ da thịt nõn nà hớ hênh khêu gợi. Người nào người nấy xinh tựa hoa buổi sớm, cùng cất tiếng hát, khi bổng khi trầm. Lư ngỡ ngàng, cứ tưởng mình đang lạc vào chốn đào nguyên, hay đã nằm mơ, hồn bay về nơi nguyệt điện!
Rượu nóng người Lư mới dám nhìn rõ mặt chủ nhân. Đó là một thiếu nữ chưa quá đôi mươi, nhan sắc cực kì diễm lệ. Nàng tự xưng là Xảo Ngọc, nói nói cười cười, âm thanh trong vắt, mà êm đềm, mát dịu như gió thoảng bên tai. Âm thanh hoà theo tiếng nhạc não nùng, tan theo men rượu làm Lư chuếnh choáng, cơ hồ nghe tiếng được tiếng không.
Nhành liễu phất phơ trước gió đưa ánh trăng thu nhảy múa trên mặt, làm chàng tỉnh giấc. Nghe mùi hương dậy ở bên mình, bèn nghiêng qua, kinh hoàng khi thấy Xảo Ngọc nằm bên, yếm đào lệch lạc; nhìn lại mình thì thấy mình trần trùi trụi. Lắp bắp nói chẳng ra lời. Xảo Ngọc tươi cười bảo:
- Vạn sự tuỳ duyên, chàng tất lo ngại.
Từ đó, ngày ngày được ngủ giường ngà cùng với mỹ nhân, ăn sơn hào, uống mỹ tửu, mũi thở thanh phong, thân tắm dương quang, mắt được tận nhìn cảnh vật muôn sắc diệu kì. Lại được người hầu một mực tôn kính; Lư quên phăng đi người vợ xấu xí và cuộc sống cùng khổ năm nào.
Được hai năm, hương lửa mỗi lúc thêm mặn nồng, thì Xảo Ngọc nói có việc phải vắng nhà vài ngày.
Một buổi sáng như thường lệ, Lư vào phòng ăn, vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng khi thấy Xảo Ngọc ngồi đợi tự bao giờ. Nhìn nét hoa ủ dột; Lư hỏi:
- Nàng về tự bao giờ? Đường sá xa xôi làm nàng mệt chăng?
Xảo Ngọc gượng gạo cười, không đáp; giây lâu mới hỏi lại:
- Chàng có biết ai đây chăng?
Tức thì Cù thị bước ra. Lư tái cả mặt, luống cuống một hồi mới nói được:
- Đó là con hầu của ta đó mà!
Vừa nói Lư vừa nhìn Cù trân trối, nửa như van xin, nửa như ra lệnh cho Cù phải đồng tình theo ý của mình. Cù lặng thinh, nước mắt chứa chan.
Xảo Ngọc nghiêm sắc mặt:
- Chàng lại dám mở miệng nói những lời bạc ác đó sao? Đạo vợ chồng một đêm ân ái là bá vạn ân tình. Chàng vì bóng sắc mà quên đi người vợ xấu xí quê mùa, quên đi thời cháo rau dưa muối. Xem vợ mình là con hầu con ở, thì có đâu là tình, có đâu là nghĩa? Tiền tài chẳng qua là của tạm phù du, sắc đẹp khác gì mây nổi? Ai có của để lại ngàn đời, ai có sắc hương trăm tuổi? Cứ dựa vào vào của tiền, vào sắc hương mà sống là kẻ phàm phu. Cứ dựa những thứ đó thì sao đo được lòng chung thuỷ? Cái chơn hạnh phúc của vợ chồng mà cứ dựa vào những thứ ấy, thì làm sao giữ được vững bền? Cù tỉ tỉ đây là người tiết hạnh khả phong, một đời khó gặp, đó mới chính là chỗ vững chắc mà chàng phải dựa về sau.
Bèn truyền cho một đãi kim ngân, rồi bảo:
- Phụ thân thiếp năm xưa thọ ân chàng mà chưa có dịp báo đền, nay thiếp vì người mà trả nghĩa. Số kim ngân nầy cũng đủ cho chảng và tỉ tỉ sống trọn kiếp giàu sang. Nên nhớ, từ nay phải chăm lo tỉ tỉ, bỏ thói phong lưu. Nếu sau nầy còn đem lòng dạ một dạ hai, thì đừng trách thiếp.
Lư không vui, nhưng không dám nói lời nào.
Xảo Ngọc tiếp:
- Chàng và thiếp hôm nay ân tròn nghĩa vẹn. Sợi dây oan trái cũng không còn. Phần còn lại là chàng và tỉ tỉ đó.
Rồi tiễn hai người một đoạn. Mặt trời rực rỡ vừng đông, chim rừng ríu rít, vạn vật tưng bừng mừng ánh nắng lên, mà lòng Lư như đeo nặng nỗi buồn. Luyến lưu cảnh cũ, bồi bồi quay lại, thì chỉ thấy cây rừng cao vợi, khí núi lạnh lùng. Kinh sợ vô cùng, vội nhanh chân bước.
Nhờ số kim ngân ấy mà Lư trở nên giàu có nhất vùng; lại nhờ bàn tay của Cù mà gia sản càng ngày càng phát huy quang đại.
Lư lại thích giao du với phường vô lại, la cà nơi tửu điếm trà đình, má tựa vai kề với bao danh kĩ; đã quên hết những lời Xảo Ngọc, còn buộc Cù phải cưới hầu thiếp cho mình.
Tỉnh Nhi xứng là một là giai nhân, nhưng bản tính lại chanh chua ngạo mạn. Được Lư ngày đêm say đắm, nên càng dưới mắt không người. Càng ngày càng lấn lướt Cù, có khi lại lớn tiếng sai bảo như kẻ tôi đòi. Cũng vì muốn gia đạo yên vui, nên Cù dằn lòng im lặng.
Một hôm Xảo Ngọc đường đột tới, thấy Cù lam lũ sau nhà bèn lớn tiếng trách:
- Đây là những việc dành cho tỉ tỉ đó sao? Đáng ghét gã đàn ông bạc bẽo nầy! Muội đoán không sai mà!
Đoạn kéo Cù vào phòng rồi tự tay chải tóc, vẽ mắt vẽ mày cho Cù, vừa bảo:
- Cũng cái bớt quỉ quái nầy mà làm cho tỉ tỉ mất cả tuổi thanh xuân. Hôm nay để muội khai tử nó cho xong.
Rồi lấy từ trong tay áo một hộp diên hương, đánh hồng vào đó. Lạ thay, mới xoa vài cái, bớt đen liền biến mất; thoa vài cái nữa thì da mặt trắng nuột, mịn màng.
Lại lấy từ trong tay áo nào trâm vàng lượt bạc, đủ thứ bảo ngọc trân châu trang điểm cho Cù, xong lại ngắm nhìn, rồi tươi cười tỏ vẻ hài lòng lắm:
- Hãy xem! Giờ tỉ tỉ có đáng là đường đường mệnh phụ không nào?
Rồi truyền yến tiệc nơi đại sảnh, đặt Cù ngồi trên ghế cao, bên sau có hai nha nữ đứng hầu, phong nghi Cù giờ nào khác phu nhân! Vừa lúc Lư và Tỉnh Nhi cũng vừa đổ kiệu về. Lư kinh hoàng khi thấy Xảo Ngọc, còn Tỉnh Nhi thì nổi giận khi thầy Cù như đổi thịt thay da, lớn tiếng:
- Con xú phụ (người đàn bà xấu xí) nầy, hôm nay bày trò gì đây?
Lư hoảng, vội kéo ả ngồi xuống, Xảo Nương nổi giận, vả vào má Tỉnh nhi một phát, thét:
- Đây là chỗ cho mi ngồi đó sao? Con tiện tì tì nầy nếu không dạy nó thì không được rồi!
Tức thì trên má Tỉnh nhi hiện lên một bớt đen bằng bàn tay. Vốn tánh hung hăng, lại dựa vào Lư, ả định bụng vả lại, nhưng vội ôm trán: Vết đen lần lần toả nhanh như mực đổ, lan qua cả hai bàn tay xinh xắn, nuốt trọn hết gương mặt kiều diễm ngày nào!
Mọi người kinh dị, biết Xảo Nương không phải phàm nhân. Lư kéo ả cùng quì xuống, tha thiết:
- Nàng hãy vì ta mà tha cho nàng ấy một phen.
- Thiếp đã nói, không có sắc hương nào tồn tại mãi, sao lại quên lời? Bây giờ tỉ tỉ là chủ nhân thực thụ của gia trang nầy, thiếp không có quyền quyết định.
Cù vốn sẵn lòng vị tha, lại thấy Tỉnh Nhi lạy như tế sao, cầm lòng không đậu; bèn nói:
- Hay là hiền muội tha cho ả một phen.
Xảo Nương vẫn chưa nguôi giận, nói với Tỉnh Nhi:
- Hạng người như mi khó thể tin bằng lời. Hãy sám hối những việc mình làm, Vài năm sau ta quay lại xem bụng dạ nhà ngươi thế nào đã!
Nói rồi bước nhanh ra cửa, thoắt một cái mất dạng.