KHA TIỆM LY
Con Trâu Trong Ca Dao Thành Ngữ
Trong mười hai con giáp, con trâu nằm trong nhóm “lục súc”nên rất gần gũi với con người; và được con người thương mến vào bậc nhất. Nó giúp cho con người trong nền kinh tế nông nghiệp rất lớn lao: trước khi vô vụ thì cày bừa đất, lúc nhổ mạ, thì cộ mạ tới một nơi nào đó theo ý chủ; lúc gặt, thì chở lúa về nhà, chưa hết; trâu còn phải đạp những ổ lúa chà bá cho đến khi nào “chín” mới thôi!
Còn nữa, vào mùa nắng thì kéo xe chở gỗ, dọn nhà! Ăn thì ăn thường cỏ khô, rơm rạ; đến khi già, chết thì bị bị xẻ thịt phanh thây, da thì làm mặt trống, thậm chí cái sừng cũng tận dụng làm đò mỹ nghệ. Quên nữa, một đời làm thân tôi mọi cho người, trâu còn miễn phí cho chủ hàng… tấn phân để bón ruộng, bón giồng, để quét lên phên vách chống mối mọt!...
Nói chung, con trâu rất hữu ích cho nhà nông, vì thế số ca dao tục ngữ về trâu vô cùng phong phú. Nó thâm nhập vào từng thớ thịt của mỗi con người; cho nên, dù người bình dân “một chữ bẻ đôi”, mà đem “thi đấu” với người có ăn có học, thì chưa chắc biết phần thắng về ai?
Cuộc chơi là: “Người nầy nói tới người kia, nói gì cũng được, nhưng trong câu nói phải có một câu thành ngữ , ca dao về con trâu!”
Cuộc chơi bắt đầu!
Anh nông dân:
- Tui làm ruộng bao đời nên coi trâu như bạn thân thiết: “Trên đồng cạn dưới đồng sâu / Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa” .“Trâu ơi ta bảo trâu nầy / Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta / Cấy cày…vân vân”. Chúng tôi biết mọi việc nặng nhọc trâu đều làm thay người , cho nên “con trâu là đầu cơ nghiệp” / “Làm ruộng phải có trâu / Làm dâu phải có chồng” là vậy!
Anh trí thức:
- Anh nói đúng! “Làm ruộng không trâu như giàu không thóc” mà! Nhưng trâu không phải con nào như con nấy, nên người tậu trâu phải ngắm nghía, coi trước coi sau; nhưng việc nầy không dễ dàng gì, bởi: “Tậu trâu, cưới vợ làm nhà / Trong ba việc ấy thật là khó thay!”. Tậu trâu phải chon: “Đầu thanh, cao tiền, thấp hậu, chẳng tậu cũng hoài”, nhớ là: “Lang đuôi thì bán, lang trán thì nuôi”, “Chùn đùi, thắt quản, ngắn đuôi / Sừng to móng hến thì nuôi đúng rồi”, “Cao đầu thấp hậu thì tậu liền tay” “Cao vây, nhỏ sống thì rộng đường cày”, “Mắt bánh rán,Trán bánh chưng, Lưng tôm càng”, “Trâu hoa tai, bò gai sừng” là trâu khỏe mạnh, siêng năng; Còn loại“Trâu nghiến hàm, bò bạch thiệt”, hay“Trâu cổ cò, bò cổ giải” thì chớ nên nuôi . Ông bà cũng đã khuyên: “Tậu trâu xem vó, lấy vợ xem nòi”, và “Mua trâu xem sừng, mua chó xem lưng” là vậy!
Anh nông dân:
- Con trâu hiền lành, thân thiết với nông dân, thế mà người ta lại lấy hình tượng con trâu để chỉ những phường ngu dốt, hung ác, nào là “Đàn khảy tai trâu”, lũ “đầu trâu mặt ngựa”, “lòng chó, dạ trâu”,’ngu như trâu”, “lì như trâu”, họ còn miệt thị “thà làm đầu gà còn hơn làm đít trâu”… thật tội nghiệp!
- Đến nỗi những người mua bán trâu (lái trâu) cũng bị xóm giềng không tin tưởng, họ bảo “Thề lái trâu”, hoặc “Lái trâu lái lợn lái bò / Ba loại lái ấy chớ nghe lái nào” là lời thề, lời nói của họ không thể tin được.
- Thì đời là vậy anh ơi! Nhà nông quý trâu: “Ruộng sâu trâu nái không bằng cả con gái đầu lòng”. Giúp chủ cả đời , nhưng chủ có tốn cho trâu hột gạo nào đâu, bởi:“Kiếp trâu ăn cỏ, kiếp chó ăn dơ” mà! Thật là tội nghiệp! Thế mà “Trâu lành, chẳng thấy ai mừng, trâu ốm, lắm kẻ mài dao”. Họ vô tình đến nỗi: “Trâu chết mặc trâu, bò chết mặc bò - củ tỏi giắt lưng”! Họ không chịu nhớ cũng có lúc “Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu”!
- Coi vậy trâu cũng có tính bè phái, ganh tị là “Ngưu tấm ngưu, mã tầm mã”, “Trâu buộc (cột) ghét trâu ăn” , “Trâu trắng ghét trâu đen, “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”, “Trâu đồng nào ăn cỏ đồng ấy”, “ Thân trâu, trâu lo, thân bò, bò liệu” hoặc thiếu đoàn kết: “Kẻ trâu trắng người trâu đen”, lại kì thị “Trâu trắng đi đâu, mất mùa đấy”.
- Thực ra cũng có nhiều thành ngữ ca ngợi sức mạnh của trâu như “Trâu gầy vẫn tầy bò khỏe”, “Yếu trâu hơn khoẻ bò”, “Trâu ho hơn bò rống”, “Trâu khoẻ chẳng lo cày trưa”. Và tính tương trợ: “Trâu béo kéo trâu gầy”, cũng như khẳng định bản chất, năng lực của mình: “Có ăn có chọi mới gọi là trâu”. “Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”
- Có nhiều người gia sản có “chín đụn mười trâu”, “trâu dắt ra, bò dắt vào”, thế mà họ cũng “Tiếc thịt trâu toi”, lại khi có khuyết điểm thì đổ cho người khác, khác gì “Trâu lấm vẩy càn”! Lại không giữ lời như “Khấn trâu trả lễ bò” nữa!.
Anh nông dân:
- Lại có kẻ quần áo “Lấm như trâu đầm”, mà hễ đi “Đến đâu chết trâu đến đấy”. Lại thích làm chuyện “dắt trâu qua ống” mới nực cười!
- Hạng người đó thường là hạng lười biếng, hay viện cớ để tránh lao động mưu sinh : “Đi cày trâu húc, đi xúc phải cọc”, hoặc thiếu tính toán bởi cứ “mua trâu bán chả”thì không nghèo mới lạ!
- Cũng có khi không phải do lười mà do tính toán không kỹ mà thôi , bởi“Trật con toán, bán con trâu” mà anh!
- Dù là “Khoẻ như trâu”, và dù “Sừng trâu cong khó uốn” đi nữa, nhưng nếu bị “Cương ngựa ách trâu” thì đời khác gì nô lệ? Lúc đó đối phương mặc sức đọa đày, bị làm việc nặng nhọc để rồi phải “Thở như trâu bò mới vực”, cho dù “Trâu già đâu nệ dao phay” cũng không ngoại lệ!
Anh nông dân:
- Thôi, mình tạm ngưng đi anh kẻo người ta nói mình “(nói) dai như trâu đái” bi giờ!
- Lo gì!“Trâu đạp cũng chết, chó đạp cũng chết”! Hơn nữa “Trâu bò được ngày phá đỗ”, mười hai năm mình mới được nói chuyện con trâu một lần mà! Cứ tiếp đi anh!
- Hưm…! Cũng được! Theo anh, thành ngữ “Nhịn thuốc mua Trâu, nhịn trầu mua ruộng”, và “Muốn giàu, nuôi Trâu cái, muôn lụn bại, nuôi bồ câu”. Có đúng không?
Anh trí thức gật đầu:
- Đúng lắm đó chớ: Câu đầu thì khuyến khích sự tiết kiệm; câu sau thì nói về một thực tế hiển nhiên.
- Ha ha…! Ủa sao câu anh vừa nói lại không có thành ngữ “trâu” nào vậy?
Anh trí thức ngớ người, cười:
- He he…! Tui bị anh rồi. Tôi chịu thua. Tui tự phạt 3 ly đây nhe!
Anh nông dân cũng cười:
- Anh đúng là “Chết đuối vũng trâu đầm”,
“chết lỗ chân trâu” mà! Thôi, ngày Tết mình bày chuyện nói cho vui, chớ nói hết về con trâu thì đến bao giờ? Không ai thắng, không ai thua cả! Đây! Kính hiền hữu một ly. Chúc nhiều may mắn trong năm mới.