KHA TIỆM LY

 
Danh Nhân Nam Bộ
BÁC VẬT LANG
 
Vào đầu thế kỉ 20, ở nam bộ có một nhân vật rất nổi danh, đến nỗi tên của ông đã đi vào huyền thoại. Người ta đã gọi ông với lòng tôn kính và sự bái phục như với một người đầy đủ đức hạnh và một bậc trí giả tài năng tót chúng: Đó là Bác Vật Lang.
Ông tên thật là Lưu Văn Lang, sinh ngày 5 tháng 6 năm 1880 tại làng Tân Phú Đông, hạt Sa Đéc (nay thuộc thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) trong một gia đình nông dân nhưng có truyền thống hiếu học.
Thân sinh của ông là Lưu Văn Cung; từ nhỏ ông học chữ Nho, đến năm lên 10, ông mới học chữ Pháp và Quốc Ngữ.
Ông là học sinh xuất sắc nên được đặc cách vào học ở trường Chasseloup-Laubat tại Sài Gòn, để rồi năm 17 tuổi, ông đậu Tú Tài với điểm ưu, và được học bổng sang Pháp học tại trường École Centrale de Paris, là trường đào tạo kĩ sư lớn nhất tại Pháp thời bấy giờ. Năm 1904, ông tốt nghiệp kĩ sư hạng xuất sắc (hạng 3/250), trở thành vị kĩ sư bản xứ đầu tiên ở Đông Dương.
Khi về nước, ông được người Pháp trọng dụng và cho giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Sở Công Chánh Đông Dương
Từ thực tài…
Khi cầu Long Thạnh ở Bạc Liêu do một kĩ sư người Pháp xây sắp xong, ông đến lấy gậy gõ vào thành cầu và khẳng định với vị kĩ sư ấy rằng, một tháng nữa cầu sẽ bị sập! Vị kĩ sư ấy vô cùng phẫn nộ. Chưa nguôi cơn giận thì một tháng sau, cầu bị sập như dự đoán của ông! Từ đó cầu Long Thạnh được gọi là Cầu Sập cho đến ngày nay. Vì lẽ nầy, vị tỉnh trưởng người Pháp lúc bấy giờ vô cùng ngưỡng mộ ông, nên mỗi khi có dịp thường mời ông đến dinh dùng cơm, trò chuyên thân mật. Để đáp lại tấm thạnh tình ấy, ông đã sáng chế ra chiếc đồng hồ Thái Dương để tặng vị tỉnh trưởng nầy.
Đồng hồ Thái Dương được đặt tại trước sân dinh (giờ là Trung Tâm Giáo Dục Thường Xuyên); xây bằng gạch tàu, cao khoảng 1 mét, rộng 0,8 mét, mặt quay về hướng bắc (có nhiều tư liệu nói quay về hướng đông e không chính xác), gồm ba phần: Phần giữa hình chữ nhật, nhô ra phía trước, hai bên là hai hình vuông; trên mỗi mặt hình vuông nầy có khắc số La Mã theo hình vòng cung để biểu thị giờ; một bên từ 6 đến 12 giờ; một bên từ 12 đến 17 giờ. Ánh mặt trời chiếu xuống phần hình chữ nhật, tạo ra hai vệt sáng tối. Vệt sáng, tối nầy xem như là cây kim chỉ giờ, “chỉ” ngay số nào là giờ đó.
Vào thời điểm ấy thì đồng hồ Thái Dương có độ chính xác rất cao (có lẽ mãi mãi vẫn giữ độ chính xác như vậy nếu trái đất không quay chậm hoặc nhanh hơn!), và nó không bao giờ sợ… “hết dây thiều”! Bởi vậy, hồi đó, các thầy kí thầy thông, kể cả người Pháp mỗi sáng, thường tạt vào dinh để “lấy” lại đồng hồ mình cho chuẩn! Đến nay, đồng nầy vẫn còn “chạy” tốt, và là một trong những điểm tham quan du lịch của Bạc Liêu.
Có thể vì tài năng cùng đức độ của ông được biểu lộ rõ ràng, mà người dân Nam Bộ thường gọi ông là “Quan Bác Vật” với lòng tôn trọng và quí mến. Từ “Bác Vật” lúc ấy có ý nghĩa là người thông thái về khoa học. Với Bác Vật Lang, người dân đương thời còn đi xa hơn nữa, đó là người thông thiên đạt địa, biết rõ “thiên cơ”!
Trên núi Cấm có một cái hang huyền bí, người Pháp muốn thám hiểm hang nầy. Ban đầu họ cho con khỉ vào lồng rồi buộc dây thả xuống, ít lâu sau. khi thấy sức căng của dây không còn; họ kéo lên thì lồng đựng con khỉ biến mất, mà mối dây như được ai tháo ra! Kế tiếp, họ cho con chó vào, và kết quả cũng y như lần trước! Lúc nầy Bác Vật Lang mới tình nguyện xuống hang. Khi người trên hang giật dây thì không được tín hiệu (của ông) bên dưới trả lời. Họ chờ một đêm, thì bất ngờ từ dưới hang, nhà Bác Vật lù lù bò lên, nhiều người xúm nhau hỏi, nhưng ông ú ớ mà không nói được! Mọi người liền đưa ông về Sài Gòn cứu chữa. Khi sức khỏe bình phục, ông cũng chẳng nói được lời nào! Về sau có người đại diện của Bửu Sơn Kì Hương tới thăm và hỏi, ông đơ đớ trả lời: “ Dưới… có mâm cơm… dọn… sẵn. Trên là … một cái … lồng bàn,.. giở ra là… ăn. Các ông … ráng … tu!”
Nói chỉ bấy nhiêu rồi ông cúi đầu chào mọi người, đoạn vào thiền! Đó là câu nói cuối cùng của ông cho đến khi ông nhắm mắt.
Từ đó người ta gọi hang nầy là Hang Bác Vật Lang. (ngày nay vị trí nó vẫn còn nhiều tranh cãi) Và cũng từ câu chuyện nầy mà trong dân gian có câu: “Đàn kêu tích tịch tình tang/ Đố ai biết được trong hang có gì?/ Đàn kêu tích tịch tì tì/ Đố ai biết được có gì trong hang?”.
Đến huyền thoại.
Có thể nói Bác Vật Lang đã trở thành huyền thoại với người dân Nam Bộ thời bấy giờ. Họ tôn sùng ông, ca ngợi ông, tôn vinh ông là kẻ phi phàm, cho ông là người thấu đạt “thiên cơ”.
Chuyện ông gõ vào cầu Long Thạnh và tiên đoán một tháng sau sẽ sập, là chuyện có thật. Nhưng để cho sự việc thêm màu thần thánh, họ còn nói ông còn cho chính xác cả ngày, giờ cầu bị bị rơi xuống nước!
Khi Sông Ba Lai càng ngày càng bị nông và hẹp từ dòng chảy sông Tiền đến địa phận xã An Hóa và dần dần tại cửa biển cũng bị nghẽn bởi phù sa, thì họ cũng nói đó là lời ông đã tiên đoán vào năm nào đó, “người ta sẽ trồng bắp trên dòng Ba Lai”!
Họ còn “chế” thêm rằng, có một lần về công tác một nơi bị hạn hán, người dân than không còn nước ngọt dự trữ để uống (có lẽ ở vùng biển), ông bèn ra sau nhà, vừa đi vừa gõ ba-ton xuống đất. Đến chỗ sau cùng, ông bảo chủ nhà đào lên; chủ nhà mới đào có … mấy cuốc (!), thì từ lòng đất phụt lên một vòi nước ngọt lịm, “cả làng dùng không hết”!
Họ lại bảo, ông nói với người Pháp, dưới cù lao Rồng (Mỹ tho) có một con rồng đang tu luyện, khi “thành đạo”, nó sẽ “dậy” lên thì không những cồn Rồng, mà cà trấn Định Tường cũng thành biển nước. Người Pháp vốn phục tài ông nhưng điều nầy họ không tin, nên dùng dàn khoan, khoan sâu xuống. Đến khi đất cồn rung chuyển, cây cối chao nghiêng (có lẽ chạm tời mình rồng!), họ cả sợ, bèn thu dàn khoan, và vội đem những người bệnh cùi qua đó để yếm, cho rồng sợ sự ô uế mà mà không dám “dậy”! Nhờ thế mà cù lao Rồng… còn tồn tại đến ngày nay (!)
Cũng vì thần thánh hóa ngài bác vật đáng kính ấy, nên người ta không lạ gì vào thời điểm đó, trong những câu chuyện liên quan đến tài năng, người dân nam bộ thường sử dụng cụm từ “làm như nó là Bác Vật Lang vậy”!
Bác Vật Lang mất tại Sài gòn (có chỗ nói tại Sa Đéc) vào ngày 3 tháng 6 năm 1969, thọ 89 tuổi. Ở quận 1, TP HCM có con đường mang tên ông. Tại Sa Đéc cũng có trường học và con đường mang tên Lưu Văn Lang../.
 
Tài liệu tham khảo:
- Nguồn internet
- Quần chúng

  Trở lại chuyên mục của : Kha Tiệm Ly